Ads 468x60px

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Chuyện đoàn xe thủ tướng trong phố đi bộ

Ông Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tuỳ tùng
đi xe công vào đường cấm ở phố cổ Hội An.
Thanh Trúc
Chuyện thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tùy tùng hơn 20 chiếc ô tô  chạy vào con đường chỉ dành cho người đi bộ tại  thành phố du lịch Hội An, đã tạo lời ong tiếng ve râm ran trên các trang mạng trong nước.
Hình ảnh đoàn  xe hộ tống hơn 20 chục chiếc rầm rộ chạy vào con đường dành cho người đi bộ ở phố cổ Hội An khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch hôm thứ Ba  9 tây vừa qua làm dư luận khó chịu.
Anh Trương Minh Tam, thành viên tổ chức xã hội dân sự có tên Con Đường Việt Nam, kể lại:
Thật sự là sửng sốt khi thấy ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn theo một đoàn tới hơn 20 chiếc ô tô chạy vào con phố hẹp của Hội An, bề ngang lòng đường chưa đầy 4 mét dành riêng cho người đi bộ. Đoàn xe của ông Nguyễn Xuân Phúc đã ngạo nghễ chiếm lĩnh toàn bộ con đường này. Có một số người dân ra chụp ảnh với ông ta và ông ta còn tự hào nói rằng đang quảng bá cho du lịch Hội An.
Căn cứ theo qui định thì phố cổ Hội An dành riêng cho người đi bộ, việc đi xe của ông Nguyễn Xuân Phúc, dù là một chiếc xe của ông thôi, vào trong phố đi bộ thì cũng đã vi phạm pháp luật chứ chưa nói gì tới cả đoàn xe hơn 20 chiếc. Ông không coi trọng luật pháp và đã thể hiện cái bản chất của một giai cấp thống trị phong kiến, cung vua phủ chúa, quyền lực tập trung vào trong tay những kẻ cầm quyền.
Đi  xe diễu hành trong một phố đi bộ sẽ tạo hình ảnh rất xấu về đất nước Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Thực tế cũng rất nhiều bức ảnh người ta chụp lại cho thấy du khách Phương Tây người ta sững sờ trước hình ảnh ông thủ tướng Việt Nam như thế vậy. Ông đã làm tổn hại đến thanh danh Việt Nam là một đất nước không có luật pháp. 
Nhà thơ Ý Nhi thì nói bà lấy làm tiếc vì giá như mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống xe và đi bộ vào thi hay biết mấy:
Ông bà mình bảo “Nhập Gia Tùy Tục”, bất kể anh là ai, khi bước vào một ngôi nhà hay đến một thành phố, một đất nước thì phải theo luật lệ của nơi đó. Cách làm vừa rồi của ông Phúc theo tôi là không hay. Tôi cũng không hiểu, lẽ ra những trợ lý những người tổ chức phải nghĩ đến việc đó trước hết. Tôi nghĩ ông đi bộ vào phố Hội An đó thì nó rất là đẹp, còn nếu đi xe thì đúng là tạo nên một sự phản cảm trong dư luận.
Tôi nghĩ có thể là một sơ xuất tại vì tôi thấy trong cách ông đến ông nói chuyện với người dân ở đấy thì cũng bình thường thôi, không hiểu tại sao lại để một đoàn xe kinh khủng như thế đi vào phố đi bộ.
Trong lúc thắc mắc của nhà thơ Ý Nhi chưa có giải đáp thì nhiều trang mạng lại đem chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc và đoàn xe tiền hô hậu ủng ra so sánh với chuyện thủ tướng Hun Sen bên  Kampuchia, đã  phải nộp phạt vì chạy mô tô không mang mũ bảo hiểm, cách đây không lâu. Theo nhà giáo  Phạm Toàn, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hành xử như  vậy chẳng khác nào coi thường luật lệ cũng như coi thường người dân:
Tôi đọc trên báo  thì thấy người ta đăng tin ông Hun Sen bị phạt vì đi xe máy không đội mũ sắt. Ta thì cũng ông thủ tướng đi vào đấy cả một đoàn mười  mấy xe, nó phản ảnh cái tư duy là luật pháp chả  có nghĩa gì cả, tùy thủ tướng muốn sử dụng thế nào thì sử dụng.
Ông Nguyễn Sự, ngày xưa là bí thư Hội An mà tôi có quen,  ông Sự luôn luôn đi xe đạp, ông nhún nhường, khiêm nhường hơn.  Ông thủ tướng thì không cần đến pháp luật và nó thành thói quen rồi, nói chung là chịu, không còn ai kiểm soát nỗi cái bộ máy  nữa, chán rồi!
Chỉ là chuyện nhỏ?
Từ Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, cho rằng chuyện thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn xe hơn 20 chiếc ngang nhiên chạy và phố cổ rõ ràng không phải vấn đề quá lớn:
Nhưng mà không ngờ chuyện nhỏ như vậy lại gây một tác hại lớn, làm xấu đi hình ảnh của thủ tướng và của đất nước. Điều cần nói lại cho rõ vụ Hun Sen bị phạt vì không đội nón bảo hiểm là dàn cảnh thôi nhưng đó là nghệ thuật chính trị đấy. Tức là luật pháp Kampuchia không nghiêm đến mức mà nó phạt thủ tướng, đố thằng nào dám phạt thủ tướng Hun Sen, nhưng đó là một cách dàn dựng rất khéo để đánh động sức mạnh quần chúng.
Có thể bộ phận tham mưu của Hun Sen rất khôn khéo, còn so sánh thì Việt Nam chả so sánh với ai được cả. Comments thì trên mạng phê bình như thế là quá đủ rồi.
Anh Nguyễn Trọng Thắng, một cư dân Hà Nội, có cái nhìn tương đối đỡ  khắt khe hơn khi nhận định ông Nguyễn Xuân Phúc đã hành động một cách thiếu thận trọng:
Nếu đi trong thời gian cấm, tức là thời gian cấm xe cơ giới, thì kể cả ông thủ tướng và xe của thủ tướng vẫn là không nên. Dĩ nhiên người dân phản đối, vấn đề là người ta thường quen như vậy rồi, ở đất nước như vậy thì lãnh tụ là được bảo vệ rất chặc chẽ.
Tôi nghĩ đây chắc cũng chỉ là tai nạn thôi chứ thực ra thì chắc cũng không đến mức mà ông Nguyễn Xuân Phúc lại không để ý đến vấn đề và cố tình phô trương thanh thế. Ngày trước khi ông làm phó thủ tướng, khi ông còn làm trong quốc hội, thì cũng có lần ông đi xe ngoài đường, xe của ông cũng là xe thường thôi song lại bị cảnh sát giao thông hạnh họe. Cái đấy thì về sau ông cũng không làm lớn chuyện gì cả vì vốn bản chất ông cũng lành, chỉ là tai nạn thôi. 
Sau những lời chỉ trích liên tục trên mạng xã hội hai hôm nay, đến thứ Năm báo Pháp Luật phát hành trong nước đăng bài với nội dung gọi những phản ứng trên mạng là trái chiều, thậm chí là những lời bình luận suy diễn sai sự thật, thiếu tính xây dựng.
Theo báo Pháp Luật, lẽ ra đoàn xe đón thủ tướng về thẳng khách sạn nhưng trên đường đi vì thủ tướng ngỏ ý muốn tìm hiểu thực tế và thăm hỏi bà con trước, rằng thực tế đoàn công tác của thủ tướng không ngồi trên xe ô tô mà tất cả đều đi bộ gần một cây số trên các tuyến đường.
Trong khi đó, Phòng PA83 Công An tỉnh thì cho rằng vì đường phố Hội An chật hẹp và có nhiều xe cộ, đoàn xe tháp tùng thủ tướng không thể quay đầu lại vì sợ gián đoạn giao thông nên đã phải chạy thẳng vào khu phố cổ để đón thủ tướng ở địa điểm khác.
Thanh Trúc, phóng viên RFA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét