Người dân tiêu hủy cá chết ở tỉnh Quảng Bình, ngày 28/4/2016. |
Báo chí Việt Nam hôm 4/8 đưa tin ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành tự nhận hình thức
kỷ luật trong vụ một nhà máy của hãng Formosa, Đài Loan, xả chất thải
độc hại, gây ra thảm họa môi trường biển hồi đầu tháng 4.
Yêu cầu bằng văn bản của vị chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh được gửi đến các
giám đốc các sở Tài nguyên và Môi trường, Công thương, công an tỉnh,
trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, và một
số đơn vị khác.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu họ phải “tổ chức tự kiểm điểm và chỉ đạo kiểm
điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan” trong
việc nhà máy của Formosa xả thải, gây hại cho môi trường, cũng như trong
việc chôn lấp chất thải công nghiệp nguy hại không đúng quy định bị
phát hiện gần đây. Văn bản của ông chủ tịch cũng yêu cầu các cơ quan kê
trên “tự nhận hình thức kỷ luật và có hình thức kỷ luật nghiêm theo quy
định của pháp luật”.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động vì dân chủ Đỗ Đức Hợp, người
đã tích cực lên tiếng về vụ Formosa, bình luận với VOA rằng việc nhà
chức trách Hà Tĩnh sẽ “tự nhận hình thức kỷ luật” là một “sự bất công”
đối với nhân dân. Ông Hợp nói rõ hơn:
“Anh sai đến đâu thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm trước tòa. Chứ
không có thể nào mà anh làm sai xong nói thôi cho tôi xin là nhận cái
sai đó và cho tôi xin lỗi và nhận hình thức kỷ luật. Đó là quá vô lý.
Đối với người dân Việt Nam, trong nước, điều đó nó thực sự là quá vô lý.
Nếu mà họ cứ làm mãi như vậy thì đất nước này sẽ tan nát hơn. Anh làm
xảy ra một cái tệ như vậy mà anh đòi cái mức xử lý nó nhẹ nhàng đi thì
nó bất công với người dân lắm, những cái gì mà người dân Việt Nam nói
chung và người dân 4 tỉnh miền trung đang bị gánh chịu nói riêng”.
Nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp dẫn lại những thông tin đã được báo chí
trong nước đăng về nhiều vụ xét xử trong vài năm qua trong đó những cán
bộ, quan chức vi phạm pháp luật chỉ nhận những bản án hoặc hình phạt nhẹ
nhàng, còn ngược lại, khi dân thường vi phạm, họ nhận những mức án
nặng. Ông Hợp nhận xét:
“Người dân trong nước bây giờ người ta cũng tỏ tường rồi. Đánh tráo
khái niệm của người cộng sản. Việc mà họ làm tốt được một tí xíu thì họ
phóng đại lên gấp 10 lần. Nhưng mà họ làm sai, nếu nó to như cái cột
đình thì họ thu nhỏ lại bằng cái con kiến. Họ không nên dựa vào cái
thành tích tham gia cách mạng hoặc cái gì đó họ đã làm tốt trước đó để
họ chịu hoặc nhận các cái mức án hoặc mức xử lý nhẹ nhất. Cái đó không
được”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét