Ads 468x60px

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

NGUYÊN NHÂN NÀO ĐẦU ĐỘC ĐBSCL?

Nguyễn Thị Bích Ngà 
Tại ai, tại sao mà người nông dân cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng ngày càng lún sâu vào cái vòng tròn: Bón nhiều phân thuốc-thu hút sâu bệnh đến phá hại-phun xịt thuốc trừ sâu rầy-canh tác không đúng quy trình, không nắm thuộc tính cây trồng-cây trồng và đất nguồn nước bị ngộ độc, ô nhiễm làm giảm năng suất-phun xịt thuốc tăng trưởng, kích thích- lại thu hút sâu rầy-lại phun xịt thuốc trừ sâu rầy… Lợi ích có chảy về túi nông dân khi họ ở trong cái vòng lẩn quẩn đó không? Thưa không. Đất này, nước này, hạt giống này, vật nuôi này đã bị ngộ nạn vì đâu?
Từ cây lúa cho đến rau củ quả, gia súc gia cầm hiện nay đều bị ngộ nạn, vì sao nên nổi? Hỏi lại các công ty sân sau chuyên nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật xem mỗi năm lợi nhuận họ đạt được bao nhiêu triệu đô là biết nguyên nhân từ đâu. Dựa trên con số lợi nhuận đó thì rất dễ hiểu được và hình dung ra “quy trình.”
Người nông dân bao đời trồng trọt, canh tác theo kinh nghiệm, theo lối bắt chước nhau, ít tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ. Cán bộ khuyến nông về, cán bộ cấp cao về, nào là tiến sĩ, giáo sư bằng cấp đầy mình, đọc chức danh lên nghe đã sợ, nói thánh nói tướng gì mà người nông dân không phục, không nghe. Họ tin. Biết đâu đó là trò cấu kết giữa khuyến nông với các tập đoàn, công ty phân bón, nhập khẩu, đại lý phân bón để được hưởng phần trăm.
Vốn dĩ, các giống lúa nước, cây trồng, cây rau miền Nam không chịu phân hóa học. Các công ty phân bón nghiên cứu và đưa vào nông dân các loại giống lúa, giống cây chịu phân hóa học, năng suất cao với nhiều mỹ từ tuyên truyền. Song song, nhà nước tiếp tay bằng cách khuyến khích nông dân trồng tăng năng suất, chạy theo sản lượng. Bà con nông dân chết đứ đừ với giấc mơ năng suất cao, bán được nhiều tiền, cải thiện đời sống. Hổng lẽ chính phủ với giáo sư, tiến sĩ lại nói dối mình?! Tin. Nhiều năm rồi.
Miền Tây đó, kênh thủy lợi T4, T5 ngăn mặn, ngăn lũ theo khẩu hiệu một thời “Nghiêng đồng đổ nước ra sông” một cách ngạo mạn, ngông cuồng và ấu trĩ khi đưa lũ từ Tân Châu-Hồng Ngự ra cửa biển Tây, làm cửa biển Hà Tiên, Rạch Giá bị bồi lắng, trong khi vùng Đồng Tháp Mười thì không còn phù sa. Rồi đê bao khắp nơi, đất ruộng không còn được rửa, không còn được bồi lắng dinh dưỡng nữa. Đất chịu nạn thêm lần nữa khi các cái đầu “quyết tâm, quyết liệt” đưa các giống lúa ngắn ngày vào sản xuất để tăng năng suất, chạy đua chỉ tiêu, tô hồng báo cáo. Đất có lúc nào được thở. Mà người nông dân cũng có thay đổi được cuộc sống đâu.
Đất bị bóc lột tới tận cùng khi phải gánh mỗi năm ba vụ lúa. Không còn lũ, không còn phù sa, dinh dưỡng, năng suất giảm, lại phun xịt, thu hút sâu rầy, phun thuốc trừ sâu…Lại rơi vào vòng lẩn quẩn. Các trạm thủy điện dày đặc trên sông Mekong và sự thiển cận của những người lãnh đạo đã bức tử cả một vùng đất. Bao người can ngăn không lại được với “quyết tâm” kiêu ngạo.
Và bây giờ là lúc gánh hậu quả. Các kênh thủy lợi “cãi trời” từ thập niên 90 ngăn lũ, ngăn mặn giờ lại chính là kênh dẫn mặn xâm nhập vào sâu hơn trong đất liền. Vì đất bạc màu bề mặt, người ta phải xắn ruộng xuống mấy tấc để bỏ bề mặt đi, để còn có thể canh tác, nên đất thấp hơn trước rất nhiều. Đồng Tháp đã ba năm nay không còn mùa nước nổi. Giờ ngập mặn, hạn hán, những vị giáo sư, tiến sĩ ấy lại nhong nhóng khuyên bà con chuyển đổi sang nuôi tôm và trồng lúa chịu mặn. Muốn con tôm sống được trong độ măn thích hợp thì phải làm giảm độ mặn trong nước sông đang bị nhiễm mặn đi. Làm sao để giảm khi đầu nguồn sống Mekong bị Trung Quốc chặn bằng đập thủy điện? Đào giếng. Tiếp tục xâm chiếm tầng nước ngầm. Hết nước, đất tiếp tục sập lún, tiếp tục chịu mặn xâm nhập nhiều hơn và vô phương cứu.
Miền Tây hấp hối, như bao miền khác đã chết và đang hấp hối. Đất chết, nước chết, biển chết đâu chỉ là cái chết vật chất, mà theo sau là toàn bộ văn hóa, tập quán, lối sống đều bị hủy diệt. Người nông dân đi đâu về đâu ngoài đổ về các thành phố lớn bán hàng rong, làm thuê, những cô gái trẻ thì chạy bàn, bia ôm, bán thân. Lối sống, văn hóa miền Tây còn đâu?
Càng đi, càng thấy, càng tìm hiểu, lần hồi vào các góc ngách, càng thêm nặng lòng và lo lắng. Miền Tây, quê mình, còn bao năm nữa đâu..là chết hẳn. Trí thức thì chỉ có vài người dám nói, dám phản biện, dám kêu gào trong tuyệt vọng. Còn lại…im hết.
Cái chết của đồng bằng sông Cửu Long không ồn ào như biển Hà Tĩnh, nó mang tính hủy diệt quá lớn, nhưng âm ỉ, mỗi ngày một chút, nên không ai thấy? Người thấy thì cũng không dám nói vì sợ bị chụp cái mũ “đi ngược chủ trương.”
Lại nghĩ, tầm nhìn lãnh đạo không quá mũi giày, hằng mấy chục năm dài, nên vậy. Hỏi những người bạn của mình, “Các anh nghĩ vì sao họ lại làm như vậy? Vì ngu hay tham?” Nhiều lý do được đưa ra, cuối cùng có hai lý do chính, khả dĩ: Ngày xưa thì vì ngông cuồng, bây giờ thì tham.
Fb Nguyễn Thị Bích Ngà

0 nhận xét:

Đăng nhận xét