Phạm Chí Dũng
Ông Tô Huy Rứa, cựu trưởng ban tổ chức trung ương đầy quyền lực, nhân
vật mà vào Tháng Mười Một, 2015 từng có một bài viết trên báo nhà nước
kỳ vọng về “đào luyện một lãnh tụ” mà một số dư luận cho là ẩn ý cổ vũ
cho ông Nguyễn Phú Trọng trước đại hội 12, đang đối diện nguy cơ bị
“lãnh tụ” truy xét trách nhiệm trong quá khứ.
Nhân vật đầu tiên báo điềm xấu hồi tố với ông Rứa là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội.
“Ngân nói” hay “đảng nói?”
Sau hai lần liên tiếp được bầu bán và tổ chức tuyên thệ, khi đã chắc
suất trong “tứ trụ” kiêm chức chủ tịch quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân
bắt đầu phát tác uy quyền của mình.
Hành động đầu tiên ngay sau khi nhậm chức chủ tịch quốc hội là bà
Ngân thẳng thừng bác bỏ Luật Biểu Tình – một quyền dân mà Quốc Hội Việt
Nam nợ dân từ một phần tư thế kỷ qua – với lý do “rối loạn đất nước.”
Tuy nhiên, hành động này là không quá bất ngờ bởi vì dư luận đều biết rõ
không chỉ bà Ngân mà từ Tổng Bí Thư Trọng đến Bộ Công An đều hết sức lo
sợ Luật Biểu Tình trong một xã hội Việt Nam đang tiệm cận bùng nổ.
Nhưng hành động tiếp theo của Chủ Tịch Ngân lại có vẻ đột ngột, liên
quan đến công tác nội bộ. Vào đầu Tháng Tám, trong một buổi tiếp xúc cử
tri và được tờ báo của Mặt Trận Tổ Quốc là tờ Đại Đoàn Kết đưa tin, bà
Ngân đã khẳng định rằng: “Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện luân chuyển.
Trách nhiệm thuộc về Ban Tổ Chức Trung Ương.”
Có thể ghi nhận đây là lần đầu tiên kể từ khi được đưa vào Bộ Chính
Trị từ giữa năm 2013, bà Ngân thể hiện “chính kiến” của mình về những
chuyện được coi là hết sức “nhạy cảm” trong nội bộ đảng. Khi nói về
trách nhiệm của Ban Tổ Chức Trung Ương liên quan đến “ruồi” Trịnh Xuân
Thanh, hẳn nhiên không phải bà Ngân đề cập đến trưởng ban hiện nay là
ông Phạm Minh Chính, mà đương nhiên chĩa mũi dùi vào ông Tô Huy Rứa
trong chiến dịch “luân chuyển cán bộ” diễn ra trong năm 2015.
Nhiều người bình luận: Một nhân vật ít can đảm thể hiện chính kiến
như Nguyễn Thị Kim Ngân nhưng bất thần phát lộ một vấn đề nhạy cảm về
Ban Tổ Chức Trung Ương, tất không phải “Ngân nói” mà là “đảng nói.”
Thời kỳ vàng của “kiến trúc sư”
Năm 2015 có thể được xem là thời kỳ vàng son của ông Tô Huy Rứa,
“kiến trúc sư” của chiến dịch “luân chuyển cán bộ” ba giai đoạn trong
năm 2015, hỗ trợ cực kỳ hiểm hóc và đắc lực để Tổng Bí Thư Trọng từ lấy
lại thế cân bằng đến giành chiến thắng vẻ vang trong cuộc đấu với đối
thủ quá nguy hiểm là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cho đến giờ, nhiều người vẫn chưa quên vào dịp Ngày Nhà Giáo Việt
Nam, 20 Tháng Mười Một, năm 2015, trên một số tờ báo nhà nước bất chợt
xuất hiện một bài viết rất dài với nhan đề “Công tác nhân sự cho đại hội
12 được chuẩn bị kỹ” của ông Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư
trung ương đảng kiêm trưởng ban tổ chức trung ương.
Hầu như toàn bộ bài viết đến 8,000 từ nửa chuyên môn nửa kinh viện ấy
nói về công tác cán bộ. Nhưng có lẽ nội dung “luân chuyển cán bộ’’ mới
là phần được nhấn nhá mạnh mẽ nhất. Và trái tim của bài viết được mặc
định như một tiết lộ hoàn toàn mới: “Thực hiện luân chuyển 54 đồng chí
thuộc diện trung ương quản lý để đào tạo bồi dưỡng thông qua thực tế địa
phương và điều động 28 đồng chí đang công tác tại các địa phương về
trung ương để có điều kiện kiện toàn các chức danh chủ chốt gắn với
nguồn nhân sự tham gia cấp ủy địa phương khóa mới.”
Có thể nói, đây là lần đầu tiên từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán 2015,
ông Rứa mới công bố con số cụ thể về 82 nhân sự cao cấp (54 + 28) được
“trung ương” điều về địa phương và ngược lại.
Tình hình biến động nhân sự cấp kỳ như vậy đã khiến cán cân lực lượng
trở nên cân bằng hơn, khác khá nhiều với thế một chiều đi lên của Thủ
Tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015 – khi
chỉ số thăm dò của ông được xem là cao nhất trong Bộ Chính Trị. Trước
đó, thậm chí còn có thông tin cho biết Thủ Tướng Dũng “nắm” đến gần 70%
nhân sự trên tổng số 200 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương.
Cho đến sát đại hội 12 của đảng vào đầu năm 2016, nhiều dấu hiệu cho
thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị bất ngờ bởi chiến dịch “luân chuyển cán
bộ” mà đã tước đi tối thiểu 80 nhân sự – cũng có thể tương đương 80 ghế
ủy viên trung ương – của “phe chính phủ,” thay vào đó là người của “phe
đảng.”
Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?
Mặc dù được coi là “công thần,” ông Tô Huy Rứa cũng có những khuyết
tật. Vào năm 2013, ông đã dại dột “bổ nhiệm” con gái của mình là cô Tô
Linh Hương, mới có 24 tuổi, làm tổng giám đốc công ty Vinaconex có tới
2,000 công nhân. Công ty này lại quá tai tiếng về lỗ lã và liên tục làm
vỡ đường ống nước Sông Đà. Sau khi bị dư luận chỉ trích dữ dội và không
thiếu điều ong tiếng ve trong nội bộ đảng, chỉ sau vài tháng ông Tô Huy
Rứa đã phải vội “rút” cô Tô Linh Hương ra.
Cũng gần đây, dư luận xã hội đang phản ứng mạnh mẽ về việc dàn lãnh
đạo Vinaconex không bị truy tố tội trạng làm đường ống nước Sông Đà vỡ
tới 18 lần, đe dọa toàn bộ nguồn cung cấp nước cho 8 triệu dân Hà Nội.
Nhiều người còn nói thẳng là vụ bỏ truy tố này là do có bàn tay của ông
Tô Huy Rứa can thiệp.
Cũng mới đây đã xuất hiện thông tin về việc Vinaconex là do ông Trịnh
Xuân Thanh “đẻ” ra, còn ông Thanh lại được ông Tô Huy Rứa “đỡ đầu.” Ông
Rứa cũng là người đỡ đầu nhân vật đầy tai tiếng Vũ Huy Hoàng, cựu bộ
trưởng Bộ Công Thương.
Nhưng động thái mới nhất của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao muốn lật
lại hồ sơ vụ bỏ truy tố Vinaconex, đồng pha và đồng thời điểm với phát
ngôn của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân quy trách nhiệm cho Ban
Tổ Chức Trung Ương liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh, đã cho thấy dường như
ông Tô Huy Rứa đang đánh mất đáng kể vai trò “công thần.”
Hiện thời, cánh báo chí đang lùng sục sự tồn tại của nhân vật Trịnh
Xuân Thanh, nhưng chẳng ai biết. Chỉ có một luồng thông tin mơ hồ: “Thời
gian qua anh Thanh đang phục vụ công tác điều tra.” Nếu đúng vậy, có
khả năng Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt kín, thậm chí đã bị khởi tố và tạm
giam.
Và nếu đúng ông Tô Huy Rứa bị “thất sủng,” cuộc chiến trong nội bộ
đảng đang biến diễn sang một giai đoạn mới, với những nhân vật “cũ” cùng
nhóm lợi ích đã từng ăn dày nhiều khả năng sẽ phải đội nón ra đi,
nhường chỗ cho những nhóm quyền lực cùng nhóm làm ăn mới.
Lý thuyết “đa trung tâm quyền lực” cũng đang phát tác trên mảnh đất
lợi ích quá màu mỡ. Nếu lịch sử chính trường Việt từng chứng kiến không
ít lần sau chiến thắng là “thanh trừng,” thời nay cũng thế, nhất là vào
buổi hoàng hôn sậm tối giai đoạn cuối mà không một quan chức đương đại
nào có thể tự tin là sẽ “chắc chân” hoặc sẽ “hạ cánh an toàn.”
Hồi tưởng Tagor
“Phe đảng” đang lục đục và có thể sẽ xáo trộn mạnh. Trên phương diện
“đối nội,” Tổng Bí Thư Trọng không “lú” như nhiều người tưởng. Ông là
người quyền biến và ngày càng sắc xảo thủ đoạn.
Hãy hồi tưởng lại khoảng thời gian trước đại hội 12. Khi ấy, ông Rứa
còn khá tự tin trong khẩu khí và văn phong, khi trong một bài viết của
ông đã xuất hiện một đoạn ví von đầy tính triết lý: “Tagor, một nhà thơ,
một triết gia Bà La Môn nổi tiếng của Ấn Độ đã nói: Đào luyện một người
đàn ông, chúng ta được một người đàn ông. Đào luyện một phụ nữ, chúng
ta được một gia đình. Đào luyện một thầy giáo, chúng ta được một thế hệ.
Còn đào luyện một lãnh tụ, chúng ta được một quốc gia phát triển.”
“Lãnh tụ” nào?
Nếu một công thần như Tô Huy Rứa mà còn có thể “mất nón,” những đối thủ của “lãnh tụ” hãy coi chừng “mất gáo!”
Phạm Chí Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét