Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh (giữa) nổ súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường (trái) và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn (phải). |
Phạm Nhật Bình
Cho đến nay, câu chuyện một Chi cục trưởng Kiểm lâm dùng súng được
nhà nước cấp, hạ sát cùng lúc hai viên chức cao cấp nhất của tỉnh Yên
Bái vẫn còn là đề tài nóng cho dư luận bàn tán xôn xao. Chính nhân vật
đang giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, bà Thanh Trà cũng phải thú
nhận trong cuộc họp báo: “Đây là vụ việc rúng động chưa từng xảy ra ở
đất nước chúng ta.”
Sự kiện cán bộ kiểm lâm bắn chết Bí thư Tỉnh và Trưởng ban Tổ Chức
tỉnh cũng đã làm trung ương đảng CSVN chấn động. Vì đây gần như là lần
đầu tiên diễn ra cuộc nổ súng giữa những cán bộ cấp cao của một tỉnh. Nó
không chỉ nghiêm trọng về mức độ giết người lạnh lùng mà còn nghiêm
trọng ở chỗ cho thấy cuộc đấu đá quyền lực của nội bộ đảng CSVN đang tới
hồi gay cấn nhất, phải giải quyết bằng vũ lực.
Với cái chết của Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng ban Tổ chức tỉnh, hai nhân
vật quyền lực nhất về nhân sự trong cấp ủy, cho thấy 3 điều có thể xảy
ra sau đây chung quanh nhân vật được cho là nghi can trong vụ thảm sát
nội bộ.
Thứ nhất, Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh trong quá khứ đã bị
cấp trên chèn ép về trách vụ, có thể bị cách chức vì không làm hài lòng
cấp trên. Có nghĩa là có mâu thuẫn về quyền lợi từ lâu trong việc làm ăn
chia chác giữa Minh và những tay đầu não trong tỉnh. Cũng có dư luận
cho rằng một phần do công tác tổ chức cán bộ, việc sáp nhập Chi cục Kiểm
lâm và Chi cục Lâm nghiệp làm một khiến Minh bị bất lợi trong chức vụ
dẫn tới phẫn uất và tìm cách thanh toán hai xếp lớn.
Thứ hai, do chức vụ của mình trong ngành lâm nghiệp, Minh có dính líu
đến những băng nhóm phá rừng, buôn bán gỗ lậu bị tỉnh khám phá. Ai cũng
biết, đa số nhân viên kiểm lâm từ trước đến nay không những chỉ có
nhiệm vụ gìn giữ rừng mà bên trong còn thông đồng với “lâm tặc” để cùng
nhau tàn phá rừng, ăn chia trên từng thước khối gỗ. Lâm tặc không thể
hoành hành nếu không có thông đồng và bao che của lực lượng kiểm lâm và
các viên chức đứng đầu tỉnh. Có thể ông Minh lem nhem tiền bạc, hay ăn
chia không đồng đều với cấp trên nên khi bị đe dọa truy tố, mất chức
Minh đã ra tay trước. Một tỉnh giàu về lâm sản như Yên Bái là mảnh đất
màu mỡ để những người nắm quyền lực dễ dàng thực hiện hai chữ đầu của
câu nói “tiền rừng, bạc biển”… Đó cũng là lý do để các phe phái tranh
giành nhau quyết liệt nhất.
Thứ ba, tuy là một tỉnh miền núi nhưng bộ máy cầm quyền không khác
trung ương, cũng năm bè bảy mối chia chác quyền lợi để một phần bỏ túi
riêng, một phần phục vụ cấp cao hơn. Có thể ở đây, trong cấp ủy đảng Yên
Bái, chi cục trưởng nằm trong một băng nhóm làm ăn khác với băng Bí
Thư. Mặc dù làm ăn bất chánh nhưng hai bên cũng đã có sự tranh chấp
quyền lợi công khai hoặc ngấm ngầm trong nhiều năm. Sự tranh chấp ấy đến
nay không còn đường giải quyết theo cách thông thường nên cuối cùng ông
Chi Cục Trưởng sợ bại lộ, phải giết Bí Thư và tự sát để cứu băng đảng
của mình. Phải chăng cũng chính vì vậy mà ngay sau khi nội vụ xảy ra,
đích thân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phải về tận Yên Bái để trấn an cán
bộ và kêu gọi đoàn kết.
Nhưng đây cũng chưa phải là lần đầu tiên súng đạn được dùng đến trong
bối cảnh một đất nước có quá nhiều bất công và nạn cướp bóc trắng trợn
của của chế độ. Hơn một lần nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đã nổ
súng vào đoàn quân cưỡng chế của chính quyền địa phương và anh Đặng Ngọc
Viết bắn 5 cán bộ nhà đất tại Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố
Thái Bình. Nay đến phiên chính những người cộng sản thanh toán lẫn nhau.
Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đảng 12. Ảnh: AP
Cho dù điều nào xảy ra, cái chết của 3 cán bộ đảng tại Yên Bái đã báo hiệu hai điều:
- Cuộc chiến nội bộ mà ông Trọng đang cảnh báo là một cuộc chiến có
thật chứ không chỉ là những vụ tham ô nhũng lạm bình thường như trước
đây. Ngay trong thời gian diễn ra Đại Hội 12, những cuộc đấu đá không
khoan nhượng trên thượng tầng lãnh đạo giữa một bên là phe Nguyễn Phú
Trọng một bên là phe Nguyễn Tấn Dũng để giành giật quyền lực đã diễn ra
không che đậy và là một đề tài được bàn tán công khai. Sau khi đại hội
kết thúc, với thắng lợi về phe Trọng, nay cuộc chiến ấy đang từ từ lan
tới các địa phương. Chắc chắn nó sẽ tạo ra những mâu thuẫn trầm trọng
trong nội bộ các cấp ủy và sẽ làm đảng tan rã từng phần.
- Hiện nay, cuộc chiến ấy không còn mang tính chất phân hóa nội bộ
mà đã chuyển sang thế đối đầu một mất một còn giữa các phe. Mâu thuẫn
lợi ích nhóm đang làm bùng nổ những cuộc thanh toán ngấm ngầm hoặc công
khai, điển hình như các cuộc đấu tố khai mào đối với Trịnh Xuân Thanh và
hai cha con Vũ Huy Hoàng, Vũ Quang Hải. Lợi ích càng to mâu thuẫn càng
lớn và các cuộc thanh trừng càng dữ dội, quyết liệt. Đảng viên công khai
hạ sát cấp ủy đảng để giải quyết mâu thuẫn cho thấy đã đến lúc cái gọi
là "tình đồng chí" nay trở thành mối hận thù không đội trời chung dù
được phủ dưới lớp một sơn bóng bảy.
Những phát súng từ Yên Bái vừa qua trong văn phòng đảng ủy, chính là
tiếng súng báo hiệu cuộc nội chiến không còn đơn thuần là sự kèn cựa
quyền lực mà đã chuyển sang thế đối đầu bạo lực khi không còn có thể
tiếp tục “cộng sinh.”
Phạm Nhật Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét