Biểu tình tại Hà Nội ngày 01/05/2016.
Vụ công ty Đài Loan Formosa, tại Hà Tĩnh, xả thải
nhiều chất độc làm chết hàng trăm tấn cá và hủy hoại môi trường, tiếp
tục là một khủng hoảng nghiêm trọng mà Việt Nam đang phải đối mặt. Hôm
nay 22/08/2016, gần 5 tháng kể từ khi xảy ra thảm họa cá chết, chính
quyền tổ chức một hội nghị công bố kết quả điều tra về hiện trạng nhiễm
độc biển tại bốn tỉnh miền Trung.
Theo giáo sư Mai Trọng Nhuận (đại học Quốc Gia), đại diện của nhóm nghiên cứu, « Các
thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu
vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10 – MT: 2015/BTNMT (ngoại
trừ một số khu vực có dòng xoáy cục bộ như Sơn Dương-Hà Tĩnh, đông Nhật
Lệ-Quảng Bình và Hòn Sơn Chài-Thừa Thiên Huế), đạt quy chuẩn đối với
vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy
sinh ».
Điều tra nói trên - kết quả của các quan trắc kéo dài từ tháng 4 đến
ngày 16/8/2016 – đã được Hội đồng thẩm định đa ngành của bộ Tài Nguyên
Môi Trường Việt Nam thông qua.
Tuy nhiên, có nhà khoa học tham gia hội nghị đã lưu ý : cho đến nay
chính quyền vẫn không công bố thông tin rõ ràng về các chất độc gây ô
nhiễm, chất gì, cụ thể giảm bao nhiêu. Theo báo chí trong nước, việc ăn
cá đã an toàn hay chưa tại bốn tỉnh miền Trung, hiện tại vẫn chưa có
được câu trả lời rõ ràng, dứt khoát từ phía chính quyền.
Báo Lao Động dẫn lời giáo sư Nguyễn Chu Hồi, đề nghị bộ Tài Nguyên Môi Trường « gửi thông tin khảo sát biển về cho địa phương, để họ biết vùng biển nào đánh cá được, hết ô nhiễm ». Theo Lao động và Xã hội, bộ Y Tế vẫn chỉ đưa ra một kết luận rất chung chung là « Hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian ».
Còn người phụ trách nhóm điều tra Mai Trọng Nhuận, trong một phát biểu
bên lề hội nghị, cho biết nước biển ở bốn tỉnh miền Trung nhìn chung an
toàn cho nuôi trồng thủy sản (1).
Cùng với vấn đề an toàn thực phẩm vẫn trong tình trạng mơ hồ, tác
động của độc chất đến các hệ sinh thái ven biển cũng là vấn đề để ngỏ.
Đánh giá chính xác tác động của các chất độc do nhà máy Formosa thải ra
đến các hệ sinh thái ven bờ biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam là câu hỏi
lớn mà giới bảo vệ môi trường trong và ngoài nước liên tục yêu cầu.
Theo đại diện của nhóm nghiên cứu nhà nước Mai Trọng Nhuận, « Hệ sinh thái rạn san hô (…) đã bắt đầu có sự hồi phục tích cực
». Về phần mình, tiến sĩ hóa học Trần Hồng Côn, đại học Khoa học Tự
Nhiên Quốc Gia (Hà Nội), cho biết đánh giá tác hại môi trường của độc
chất tại các vùng ven biển là một chuyện rất khó, đòi hỏi sự tham gia
của nhiều chuyên ngành khoa học và cần rất nhiều thời gian.
Nhiễm độc biển miền Trung là một thảm họa sinh thái được coi là chưa
từng có tại Việt Nam, khiến đời sống dân cư ven biển bốn tỉnh Hà Tĩnh,
Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế hết sức khốn đốn.
Đối với chính quyền, việc công ty Formosa thừa nhận sai lầm
hồi cuối tháng 6/2016 và chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la là một
thành công. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân, nhà khoa học, giới bảo
vệ môi trường, bồi thường nói trên là hoàn toàn không thấm gì so với các
thiệt hại xảy ra, mà cho đến nay vẫn chưa được đánh giá thực sự (2).
Nhiều người lên án chính quyền tiếp tục bao che cho Formosa. Trong những
ngày gần đây, dân chúng tại khu vực này nhiều lần tuần hành đòi công lý
cho các nạn nhân của Formosa.
----
(1) Tuy nhiên, ông Mai Trọng Nhuận cũng thừa nhận, "vùng Sơn Dương - Hà Tĩnh, một số vùng ở Quảng Bình gần bờ biển tập trung cao Phenol và Cianua cần được giám sát chặt chẽ".
(2) Theo một nghiên cứu tổng kết những giá trị sinh thái của 9 hệ sinh thái toàn cầu năm 2012, được đăng tải trên tạp chí Ecosystem Service, riêng giá trị điều hòa sinh thái của một hecta san hô ước tính khoảng 350.000 đô la/năm (bảng so sánh 3).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét