Khu vực cảng Thương Diêm (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) sẽ nằm trong dự án của tập đoàn Hoa Sen. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Một dự án thép khổng lồ với công suất trên 16 triệu tấn/năm đang được
chuẩn bị xây dựng tại hai xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh
Thuận), theo báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Sáu 26 Tháng Tám cho hay như vậy.
Đây không phải là một dự án sản xuất sắt thép đầu tư ngoại quốc mà do
tập đoàn Hoa Sen, một công ty tư nhân kinh doanh và sản xuất tôn thép
trong nước, đổ tiền ra.
Hiện nay, hàng triệu người của bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến
Thừa Thiên-Huế đang dở sống dở chết vì vùng biển bị nhà máy luyện thép
của công ty Formosa, Đài Loan, đầu độc.
Đây là một dự án rất lớn thấy đề cập trên tờ Tuổi Trẻ với “quy mô vốn
đầu tư lên tới $10.6 tỷ, khoảng hơn 230,000 tỷ đồng, với công suất 16
triệu tấn/năm. Trong khi đó, giai đoạn 1 của dự án thép Formosa tại Vũng
Áng, Hà Tĩnh, là hơn 10 triệu tấn/năm.
Theo “dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh
Thuận,” công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến đầu tư dự án khu
liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” còn dự tính “đầu tư
thêm bốn dự án: hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, nhà
máy sản xuất xi măng; nhà máy nhiệt điện – năng lượng tái tạo, cùng một
nhóm dự án khai thác khoáng sản, vận chuyển, kho bãi, khách sạn du
lịch…”
Bản tin của tờ Tuổi Trẻ cho hay một diện tích khổng lồ gồm khoảng
1,500 ha sẽ bị đại gia HSG chiếm lấy theo sự thỏa thuận của chính quyền
tỉnh Ninh Thuận.
“Chủ đầu tư cho hay dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná –
Ninh Thuận mục tiêu sẽ xây dựng, vận hành và khai thác theo công nghệ
hiện đại, quy trình sản xuất khép kín. Khi dự án đi vào hoạt động, quy
trình sản xuất sẽ được khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào (gồm quặng
sắt, than, đá, đá vôi…) đến việc sản xuất các loại sản phẩm thép thành
phẩm, bán thành phẩm (như thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo…) và
các sản phẩm phát sinh (xi măng, điện),” nguồn tin trên kể lại.
Không những vậy, “HSG cũng dự tính xây cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen
Cà Ná – Ninh Thuận với quy mô 25 bến tàu, lưu lượng vận tải hàng hóa 53
triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 300,000 DWT trên
tổng diện tích hơn 100 ha, dùng để làm bến nhập than, xuất thép. Vốn đầu
tư của dự án này cần khoảng $804 triệu nữa.”
Ông Phạm Văn Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, được trích lời
cho biết dự án của HSG sẽ được triển khai trên diện tích đất 1,500 ha.
Hiện chủ đầu tư đang làm các thủ tục để xin cấp phép đầu tư, tiến hành
các bước đánh giá tác động môi trường, khảo sát thực địa.
Theo tờ Tuổi Trẻ, “Bộ Công Thương xác nhận dự án khu liên hợp luyện
cán thép mà HSG đề xuất đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Bộ Công
Thương đang tiến hành bổ sung dự án vào quy hoạch, trong tuần này sẽ
hoàn thiện.”
Theo nguồn tin, dự án sắt thép của tập đoàn HSG “sẽ triển khai đầu
năm 2017. Khi đó, những dự án khu nghỉ dưỡng, du lịch, nổi tiếng nhiều
năm nay ở hai xã Phước Diêm và Cà Ná có còn tồn tại hay bị nuốt chửng?
Hàng ngàn gia đình cư dân đang sống bình yên có bị đẩy vào vòng khốn
khó, buộc lòng phải biểu tình chống đối, như hàng ngàn gia đình giáo dân
Công Giáo ở Vũng Áng, Hà Tĩnh?”
Bãi biển Cà Ná dài 3 cây số, là địa danh du lịch nổi tiếng trên bản
đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Khu vực có núi đồi hoang dã, có rừng có
biển xanh cát trắng, và địa phương này vốn có nền văn hóa Chăm rất độc
đáo. Quốc lộ 1A qua đây sát biển nên thuận tiện cho du khách đi và đến.
Khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự lễ khởi công xây dựng dự án gang
thép Formosa ở Vũng Áng ngày 2 Tháng Mười Hai, 2012, báo tỉnh Hà Tĩnh
viết rằng: “Dự án được ứng dụng kỹ thuật và các thiết bị tiên tiến trên
thế giới về luyện gang, luyện thép và cán thép, đồng thời áp dụng các
giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tốt
nhất.”
Nhưng đầu Tháng Tư năm nay, mới chỉ súc rửa hệ thống đường ống của
nhà máy để chuẩn bị bắt đầu sản xuất, Formosa đã đầu độc một vùng biển
rộng lớn của bốn tỉnh miền Trung Việt Nam. Cá và tất cả các loại thủy
sản chết dạt lên bờ dài hơn 200 km.
Không có một nhà đầu tư sản xuất công nghệ nào, dù ngoại quốc hay các
đại gia quốc doanh, tư doanh trong nước, lại không cam kết bảo vệ môi
trường. Nhưng người ta không thấy những bản tin nói về các lồng nuôi cá
trên sông, trên đầm và cả trên biển chết nổi phơi bụng vì nước nhiễm độc
từ các nguồn xả thải.
Ngày 13 Tháng Mười Một, 2015, Hiệp Hội Sắt Thép Việt Nam (VSA) có bản
tin về “Tổng hợp thị trường sắt thép Quý III và dự báo Quý IV/2015”
rằng “Giá thép thế giới biến động theo chiều hướng giảm trong chín tháng
đầu năm nay do giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhu cầu tiêu thụ yếu trong
khi nguồn cung dư thừa. Ngành thép Việt Nam lao đao trước sức ép hàng
nhập khẩu, hàng rào thuế quan.”
Thị trường thép thế giới bị sắt thép Trung Quốc sản xuất dư thừa bán
phá giá nên tìm cách chống lại bằng hàng rào quan thuế cũng như đòi
Trung Quốc giảm sản lượng. Trong hoàn cảnh như thế, vẫn có dự án sản
xuất sắt thép chuẩn bị khởi công tại tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam.
TN-Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét