Khi xạ thủ Hoàng
Xuân Vinh đoạt HCV bắn súng cự ly 10m nam ở Olympic Rio 2016 tại Brazil, tất
thảy đều cùng chung một niềm vui mừng với thiên hướng tự hào hai chữ Việt Nam
trong ánh hào quang vừa le lói cháy lên.
Cá nhân anh, đó là một thành quả và xứng đáng nhận được sự tán
dương cũng như những phần thưởng sau đó, kể cả tinh thần và nhiều tỷ vật
chất.
Nhưng có thể nhìn vào một vài mảnh đời khác, cũng được
tán dương với hào quang vô địch đã từng, Nguyễn Thị Nụ, giành huy chương vàng
điền kinh Seagames 22, một tá các huy chương quốc gia và khu vực khác. Thế
nhưng chị đã phải giải
nghệ với hai bàn tay trắng, với đôi chân tàn
tật và với cả sự bạc đãi của nơi mà mình đã cống
hiến suốt gần hai mươi năm trời của tuổi trẻ không biết mệt mỏi. Đó là chuyện
của làng thể thao, và cũng không thiếu những tình cảnh tương tự với các vận động
viên khác mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy.
Nói đến những chiếc huy chương vàng, tôi nghĩ đến 38 cuộc thi toán
học IMO với 54 tấm kim loại tròn tròn màu vàng mà những lứa học sinh gà nòi rèn
luyện ròng rã hàng năm trời chỉ để giành cho kỳ được chúng trong một kỳ thi quốc
tế, mà với đa phần nước họ thì đó là một cuộc chơi.
Những con người đó có đáng để Việt Nam tự hào không? Đương nhiên
phải dành cho họ sự trân trọng tuyệt đối, vì đó là trí tuệ không chỉ của cá nhân
mà sẽ phục vụ được cho đất nước, thậm chí thế giới luôn sẵn lòng chờ đón họ. Và
có ai hô hào, nghẹn ngào cùng họ khi họ mang huy chương về cho tổ quốc không?
Hay lặng lẽ đi về ở sân bay và với vài dòng của báo chí xướng tên? Và sau đó có
ai để tâm suy nghĩ về những ngã rẽ của họ trong đời thường
không?
Lê Bá Khánh Trình từng là cậu bé vàng toán học lừng lẫy một thời,
giờ trở thành ông giáo già lọ mọ và cần mẫn suốt mấy chục năm với công tác giảng
dạy đại học ở Sài Gòn, rồi thỉnh thoảng làm trưởng đoàn đội tuyển dự thi toán
IMO. Giáo sư Châu Ngô thì cũng ra nước ngoài, nhập quốc tịch Pháp, mới được
xướng danh huy chương Field dành cho người có đóng góp về toán dưới tuổi 40.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng rồi cũng dạy học tại đại học Toulouse, Pháp. Giáo sư
Đàm Thanh Sơn, rất có khả năng được giải Nobel về vật lý lý thuyết trong thời
gian tới với những đóng góp cho khoa học thế giới ở mức khó thể nào tin nổi,
hiện đang làm giáo sư ở đại học Chicago, Mỹ.
Nếu họ ở Việt Nam, họ sẽ thành ai và làm được gì? Hay lại đạp xích
lô như ông tiến sỹ vật lý nguyên tử ở Mỹ mà khi ở xứ này ông ấy chỉ là kẻ lao
động chân tay rách bươm khổ cực?
Có ai quan tâm đến những gì trước và sau ánh hào quang mang tính
khoảnh khắc của những thành tích cá nhân đó hay không? Lên đồng tập thể về những
chiến tích là tốt, nhưng vì cuộc đời là những chặng đường dài, nên cái cần là
chế độ và môi trường dành cho những nhân tài phát triển mà đóng góp cho đất
nước, mới là thứ cần được đám đông dân chúng bàn đến một cách thường xuyên và
tích cực nhất.
Chúng ta chắc hẳn không quên một nhà báo cố tình đánh lạc hướng dư
luận bằng việc đánh tráo khái niệm mà cho rằng đám đông tụ tập trật tự trong sự
cố tin tặc tấn công sân bay là đoàn kết mang tính tự tôn dân tộc, đó là cách tự
huyễn hoặc sự thật và lừa dối bản chất mang tính suy diễn tự ti. Nhưng thử nghĩ
xem, trong đời thường, chính con người trên đất nước này lại đang từng ngày đầu
độc giết nhau, hãm hại nòi giống mang tính thế hệ bằng thực phẩm bẩn, bằng văn
hoá nhu nhược, yếu hèn, lệch lạc, bằng sự giáo dục nhồi sọ, thụ động và đầy tính
chính trị áp đặt. Chính chúng ta cũng lại giáo dục con cái sự cân nhắc niềm tin
về con người và xã hội hiện thời khi bước chân ra ngoài, về việc chạy chọt, lo
lót cho chúng, về việc sắp đặt ước mơ, ý nguyện, hôn nhân và cả công việc cho
chúng nữa. Rồi chính chúng ta cũng thờ ơ với những sự biến mang tính thảm hoạ
liên tiếp ở tầm quốc gia đại sự. Chúng ta vẫn mặc kệ và chặc lưỡi, chuyện của
mình đâu mà lo.
Đoàn kết dân tộc ở đâu? Và huy chương vàng có nghĩa gì khi
đó?
Và cứ thế, xã hội cứ chạy theo những guồng quay ngày càng lệch lạc
và biến thái. Nhân tài cứ dần dần ra đi hết, hoặc trở thành những kẻ vô dụng
ngay trên chính mảnh đất của mình, trong sự bất lực được chấp nhận bởi tính ươn
hèn hoặc vị kỷ của bản thân mà nay đã trở thành đặc tính tự nhiên của con người
An Nam xứ này.
Chúng ta trong mắt Lý Quang Diệu rất khác, trong mắt của cố toàn
quyền Đông Dương – Paul Doummer rất khác, trong con mắt của người Nhật rất khác.
Mà tại sao lại trở nên kém cỏi, lạc hậu và yếu đuối như thế này? Tuy nhiên, chỉ
giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam, chứ khi ra nước ngoài, không thiếu những người
Việt thành danh trong cả khoa học lẫn kinh doanh, nghệ thuật tầm cỡ thế
giới.
Chúng ta đã quá quen với việc tự hào cho những khoảnh khắc kiểu
như “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
(Xuân Diệu). Chúng ta đã sống trong sự khô cằn về sáng tạo, về sự cống hiến,
chúng ta luôn chỉ chờ đợi những khoảnh khắc vụt sáng trên bầu trời thế giới,
nhưng quá hiếm hoi, trong khi tố chất con người Việt thực sự tốt hơn thế rất
nhiều lần và chắc chắn, nếu với một môi trường chính trị tự do, xác suất để
giành được vinh quang sẽ không bao giờ chỉ như “lá mùa thu” (Nguyễn Trãi) như
lúc này. Chúng ta cũng sẽ không có những tiến sỹ giấy và những trí thức lưu
manh, ăn cắp, không có phẩm chất và cơ hội nhiều như bây
giờ.
Sau niềm tự hào của chiếc huy chương vàng, chiếc xe thời vận sẽ
chuyển bánh như thế nào, thì lại không mấy người nhìn vào đó mà đặt câu hỏi cũng
như tìm phương cách xây dựng cho tương lai và vận mệnh dân tộc mình an toàn và
tươi sáng hơn.
Sau những chiếc huy chương vàng, vẫn còn vấn nạn tham nhũng và
những kẻ âm thầm đào tẩu khỏi tổ quốc thân yêu.
Sau những tấm huy chương vàng, nhân tài vẫn bơ vơ hay lắm khi bị vùi dập.
Và,
Sau niềm vui những chiếc huy chương vàng, hàng triệu người dân vẫn từng ngày khốn khổ.
Sau những tấm huy chương vàng, nhân tài vẫn bơ vơ hay lắm khi bị vùi dập.
Và,
Sau niềm vui những chiếc huy chương vàng, hàng triệu người dân vẫn từng ngày khốn khổ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét