Ads 468x60px

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

CÂU ĐỐI VŨ KHIÊU TẶNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

Câu đối của cụ Vũ Khiêu và 2 nhân vật chính. Ảnh chụp từ FB Vinhhuy Le.
Vinhhuy Le
Theo VTV, ngày 05/8, "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm các nhà khoa học hàng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu và Giáo sư kiêm Anh hùng Lao động Vũ Khiêu". Nhân dịp này, Khiêu lại mần câu đối tặng Phúc:
"Tể tướng giáng trần, chí tráng tâm hùng Xuân mãi mãi;
Anh hùng nhập thế, dân an quốc thái Phúc vô biên"

TỂ TƯỚNG GIÁNG TRẦN - ANH HÙNG NHẬP THẾ
"Tể tướng" đây là ý ông Khiêu suy tôn ngôi vị ông Phúc. Đã đành chức tể tướng xưa tương đương với thủ tướng nay: cùng là người đứng đầu nội các. Hiềm nỗi tể tướng tuy trên muôn người nhưng luôn phải ở dưới và phụng mệnh một người, tức ông vua, thiên tử chí tôn. Có thể biện bác "thiên tử" đây là pháp luật, là nhân dân; song cũng có thể hiểu "thiên tử" tức là... đảng. Nên khi người ta tôn xưng thủ tướng thành "tể tướng" thường hàm ý châm biếm. Thủ tướng tiền nhiệm dẫu nhận mình công bộc của dân nhưng cũng bị đá đểu thành "tể tướng" là lẽ đó.
Tuy vậy, "huôn" của câu đối này không phải ở từ "tể tướng" mà ở chữ "giáng". Tân thủ tướng vừa tuyên thệ nhậm chức vốn Phó thủ tướng ngoi lên, là THĂNG, nhưng bị ông giáo sư hay chữ lỏng phán thành GIÁNG. Câu đối thù tạc không cần hay ho, chỉ cần nịnh khéo, nhưng có chỗ khó là nhiều kiêng kỵ tinh tế phải tránh lắm nha.
Và từ "giáng trần" đây là viết tầm ẩu ra tầm bậy. "Giáng" là rụng, rớt xuống, từ bậc cao té xuống bậc thấp. Người ta chỉ dùng "giáng trần" để nói người thuộc cõi khác chuyển kiếp đầu thai đến thế gian này, như "tiên nga giáng thế", "thần thánh hạ phàm", còn tể tướng dẫu quyền cao chức trọng đến mấy cũng là thuộc trong lục đạo luân hồi, có ở đâu cao xa mà "giáng"?
Đã "giáng trần", lại thêm đối với "nhập thế", rất giống lời trù ẻo. Vì "nhập thế" là cùng sống với người đời, hòa vào dòng đời, từ này dùng cho người thường không sao, nhưng với bậc quyền quý thì khác nào rủa người ta phải bị hưu non?
CHÍ TRÁNG TÂM HÙNG - DÂN AN QUỐC THÁI
Thành ngữ Hán Việt chỉ có "tráng chí hùng tâm" hoặc "hùng tâm tráng chí" (Thơ Nguyễn Du: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ HÙNG TÂM sinh kế lưỡng mang nhiên). Không ai đảo chữ thành "chí tráng tâm hùng", vì là lỗi sai văn phạm, hóa ra ngữ pháp chữ Nôm chứ không còn phải chữ Hán.
Muốn đối chỉnh thì ở đây vế dưới nên là "an dân hộ quốc" sánh với "tráng chí hùng tâm", sẽ ổn và thuận nhĩ hơn.
XUÂN MÃI MÃI - PHÚC VÔ BIÊN
Giáo sư Khiêu cố gò cho lòi ra chữ XUÂN đối với chữ PHÚC, nhưng lại lười lắc não, khiến câu đối tuy nghiêm cẩn mà làm người ta đọc tới phải phì cười. "Xuân mãi mãi" đối "Phúc vô biên", chữ Nôm chen chữ Hán kiểu ba rọi ba trợn, duy chỉ lão quốc sư mới nghĩ ra đặng thôi. Chịu khó động đậy cái đầu, sẽ dễ dàng tìm thấy từ "bất tận" để đối với "vô biên".
Nên ba chữ cuối vế trên phải là "Xuân bất tận".
* * *
Tôi không dám ngông cuồng tài lanh xí xọn sửa chữ dạy khôn cho bậc quốc sư lão ô bách tuế khả kính, xin edit tí ti thôi, để câu đối tạm chỉnh, như vầy:
"Tể tướng giáng trần, TRÁNG CHÍ HÙNG TÂM Xuân BẤT TẬN;
宰相降塵 壯志雄心春不盡
Anh hùng nhập thế, AN DÂN HỘ QUỐC Phúc vô biên".
英雄入世 安民护國福無邊

Chỉ là biên tập tạm cốt cho xuôi tai, chứ cái "huôn" trong câu đối vẫn còn nặng lắm. Mong thủ tướng chớ lưu giữ câu đối này. Thích chơi chữ thì ông rút gọn thành "Xuân bất tận - Phúc vô biên", hoặc gọn hơn thành 4 chữ "Vĩnh Phúc Thường Xuân", còn tối giản nữa thì dán một chữ "Phúc" 福 như thường dân bách tính vẫn dán lại càng hay.
Cái "huôn" như đã nói, là chữ "giáng", nó nặng lắm, thưa thủ tướng. Để ý mà xem, câu đối của ngài Giáo sư Vũ Khiêu lời văn lủng củng, toàn hư ngôn sáo ngữ chẳng ra cái vị gì; nhưng nếu hoá giải chỗ "huôn" của chữ "giáng" thì sẽ thành câu đối hay, ý nhị, rất hợp cho dịp... phúng điếu:
"Tể tướng THĂNG THIÊN, tráng chí hùng tâm Xuân dĩ tận;
宰相升天 壯志雄心春已盡
Anh hùng NHẬP THỔ, an dân hộ quốc Phúc vô can".
英雄入土 安民护國福無干 

Vinhhuy Le

0 nhận xét:

Đăng nhận xét