Phóng viên bị cảnh sát áo đen đấm thẳng vào mặt hôm 23/9/2016. |
Anh Vũ
Làm sao để chấm dứt vấn nạn này?
Những ngày gần đây, việc các nhân viên Công an ngang nhiên đánh một
số nhà báo đã khiến cho dư luận, đặc biệt là những người làm báo hết sức
bất bình. Dư luận nói gì và cần làm thế nào để chấm dứt vấn nạn này?
Gần đây, hiện tượng lực lượng công an hành hung các nhà báo ở Việt
Nam đã liên tiếp xảy ra, điều đó đã khiến dư luận xã hội và những người
làm báo hết sức bất bình.
Cụ thể, ngày 21/9/2016, nhà báo Đỗ Thanh Hải, phóng viên VTC News
thường trú tại Đắk Lắk đến hiện trường vụ cưỡng chế mặt bằng tại xã Cư
Pô, thì bị lực lượng công an xã xô đẩy và giật máy ảnh đồng thời gây
thương tích. Hay như việc phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ,
ngày 23/9/2016 khi đang tác nghiệp đã bị nhân viên công an huyện Đông
Anh (Hà Nội) đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng…
Đánh giá về thực trạng lực lượng công an hiện nay lộng hành, thích
đánh ai thì đánh, bắt ai thì bắt là điều khiến cho xã hội không còn luật
pháp nữa. Từ Hà Nội, TS. Nguyễn Xuân Diện nhận định:
“Trong 2 năm gần đây, tình trạng lực lượng công an trên cả
nước lợi dụng chức quyền, hay việc thi hành công vụ đánh người dân thô
bạo ngày càng nhiều, công khai và bất chấp dư luận. Những hành động như
vậy của họ được ví như kiêu binh ngày xưa và dường như họ đã được hệ
thống quản lý bảo kê, chính vì vậy hiện tượng này ngày càng phổ biến
hơn, nhiều hơn và sự đánh đập càng dã man hơn.”
Theo Nhà báo Trương Duy Nhất thấy rằng, những hành vi và cách ứng xử
của các nhân viên công an đã khiến người ta nhớ đến nạn kiêu binh cuối
đời Hậu Lê làm xã hội đương thời loạn lạc, điều đã dẫn đến sự sụp đổ
không tránh khỏi của triều đại này. Ông nói với chúng tôi:
“Theo tôi, những hành vi như thế phải gọi đúng tên là hành vi côn đồ, mà với nhà báo, dân chúng hay bất kỳ ai, thì công
an cũng không được quyền “thượng căng chân, hạ cẳng tay” như vậy. Điều
đó đã cho thấy hiện tượng kiêu binh hóa trong ngành công an đã hiện diện
ngày một rõ hơn. Điều đó đã gây nên sự ác cảm của dân chúng. Thú thật,
chưa bao giờ hình ảnh lực lượng công an lại tồi tệ như vậy.”
Trả lời câu hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như vậy?
Nguyễn Xuân Diện cho rằng, lực lượng công an đã được ưu ái quá mức về
quyền lực cũng như quyền lợi, tới mức coi là được bao che và dung túng.
Ông chỉ rõ:
Phóng viên bị cảnh sát đánh hôm 23/9/2016. Hình chụp từ video. |
“Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trước đây đã có một bài viết cho rằng, Việt
Nam hiện nay có duy trì một chế độ công an trị, họ dung túng cho lực
lượng công an thô bạo, bạo hành với dân trong khi làm nhiệm vụ. Sở dĩ có
tình trạng này, là vì các văn bản pháp luật của Nhà nước đã cho công an
rất nhiều quyền lực khi thực thi nhiệm vụ. Thứ 2 là hệ thống luật pháp
của Việt Nam là hệ thống luật pháp chỉ bảo vệ cho người ở các cơ quan
công quyền thôi. Rõ ràng là các văn bản pháp luật cũng như việc thi hành
của Tòa Án, công an, hay Viện Kiểm sát rõ ràng là có sự bảo kê cho lực
lượng này.”
Phân tích vụ việc công an đánh người dân và nhà báo dưới góc độ pháp
luật Việt Nam hiện hành, trong việc xử lý các hành vi đánh người. Từ Phú
Yên LS. Võ An Đôn cho biết:
“Việc nhân viên công an Huyện Đông Anh-Hà nội đánh PV báo
Tuổi trẻ đang tác nghiệp như vậy rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật,
điều 257 “Chống người thi hành công vụ. Bởi vì luật pháp Việt Nam không
có quy định nào cho phép công an đánh người dân hay là nhà báo. Ở đây sẽ
xảy ra 2 trường hợp, thứ nhất nếu PV này được lãnh đạo phân công cử đi
để viết bài, nếu công an đánh họ thì quy vào tội chống người thi hành
công vụ theo điều , với khung hình phạt từ 6 tháng đến 2 năm hoặc từ 2
đến 7 năm. Nếu gây ra thương tích thì sẽ thêm tội danh phạm tội cố ý gây
thương tích.”
Dư luận bức xúc
Báo Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 24/9/2016 đánh
giá, đây là một vụ việc nghiêm trọng, gây sự bức xúc, bất bình trong
đội ngũ những người làm báo và công chúng báo chí. Đồng thời Hội Nhà báo
Việt Nam cũng có công văn 245 CV/HNBVN gửi Công an TP Hà Nội, Công an
Huyện Đông Anh yêu cầu làm rõ vụ việc phóng viên Quang Thế – báo Tuổi
Trẻ bị các cán bộ thuộc đội CSHS công an huyện Đông Anh hành hung, cản
trở khi đang tác nghiệp.
Ông Trương Duy Nhất thấy rằng, cách hành xử của Hội Nhà báo Việt Nam nói trên là sự thỏa hiệp và vô trách nhiệm. Ông chỉ rõ:
“Tôi cho rằng vụ việc vừa qua (công an đánh nhà báo) thì
hành vi đã quá rõ thì lẽ ra các tòa báo, Hội Nhà báo phải yêu cầu khởi
tố. Thế nhưng không, lại yêu cầu xem xét xử lý cái gì nữa? Chính vì
những cái nhũn nhặn, hèn cái yếu của các tòa báo cũng làm cho họ càng
hống hách hơn nữa.”
Trả lời câu hỏi, cần thiết phải có các giải pháp thế nào để hạn chế và tiến tới chấm dứt vấn nạn này?
TS. Nguyễn Xuân Diện cho biết:
“Với hệ thống pháp luật như ở Việt Nam hiện nay trước hết
cần phải yêu cầu các cơ quan cũng như người dân phải tuân thủ nghiêm
chỉnh và đúng pháp luật, bất kể là ai, bất kể ở chức vụ nào. Vấn đề thứ 2
là những văn bản dưới luật, đã và đang bảo kê cho lực lượng công an
phải được chấm dứt, sửa đổi và sửa chữa, để cho công an khi thi hành
pháp luật phải tuân thủ và không có ưu tiên gì đặc biệt. Tất cả các điều
đó cũng không thể rốt ráo giải quyết được vấn đề này, nếu muốn thì chỉ
có cách duy nhất phải xác lập hệ thống Tam quyền phân lập mà thôi.”
Theo Nhà báo Trương Duy Nhất ý thức bàng quang hay sợ hãi của người
dân như hiện nay là điều dung túng cho nhân viên công an ở Việt Nam đã
ác lại càng lộng hành hơn. Ông khẳng định:
“Thứ nhất là phải có cái gì để giám sát quyền lực của ngành công
an thì anh công an mới không dám thao túng như thế. Việc công an hóa
chính trị như hiện nay là một mối nguy, điều mà người ta trông vào đó để
bảo đó là chế độ công an trị. Phải giáo dục được ý thức cho người dân,
để họ thấy được quyền của họ để khiến cho công an không dám làm những
hành động đó.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới ông Hà Kim Chi, phó Trưởng ban
Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam theo hướng dẫn của thư ký, để hỏi về
trách nhiệm bảo vệ các hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam song không nhận
được sự trả lời.
GS. Mạc Văn Trang trong bài “Vì sao công an thích đánh người?” đã chỉ rõ, “công
an khoái dùng bạo lực không chỉ vì “nghiện” mà còn được kích thích bởi
động cơ “thành tích phá án”, “thành tích đảm bảo an ninh trên địa bàn”,
“thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao”; thể hiện “tinh thần
trách nhiệm cao, triệt để đấu tranh, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm”... và
nhờ đó nhanh lên chức, lên lương...”. Những nhà báo mà chúng tôi
được tiếp xúc để phỏng vấn đều đưa ra một câu hỏi chung rằng, liệu những
nhân viên công an hung hãn, hành xử như côn đồ như vừa qua, liệu họ có
còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ công bộc của dân nữa không?
Anh Vũ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét