Mặc Lâm
Ngày 26 tháng 9 thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ ngập lịch sử, các
quận trung tâm hầu như chìm trong biển nước và toàn cảnh thành phố như
trong một trận hồng thủy của thế kỷ 21. Câu hỏi đặt ra: từ năm 2001
thành phố đã có những dự án chống ngập nhưng 15 năm sau không một triển
vọng nào cho thấy việc chống ngập sẽ dần dần hiệu quả. Mặc Lâm trao đổi
với các chuyên gia trong lĩnh vực này để tìm câu trả lời gần với sự thật
nhất.
Chống ngập là đề tài quan trọng của Ủy ban Nhân dân thành phố và cứ
đến mùa mưa thì người dân lại dấy lên những câu hỏi về việc chống ấy ra
sao mà không có năm nào đỡ ngập hơn năm trước.
Chiều tối ngày 26 tháng 9 đường phố chìm trong biển nước mênh mông,
những chiếc xe gắn máy trôi theo giòng nước lũ cuốn đi khiến chủ nhân
của nó gần như phải bơi theo để cứu. Hàng ngàn xe gắn máy chìm sâu dưới
các bãi đậu xe bên dưới các căn hầm khiến chủ nhân của chúng không biết
làm sao tìm cho ra để về nhà.
Nước ngập tàn phá vật dụng sinh hoạt của người dân, làm hư hỏng vật
tư, nhà cửa chưa kể những căn bệnh truyền nhiểm dễ dàng xảy ra nếu nước
không rút kịp thời sau đó.
Quy hoạch thiếu tầm nhìn
Mức thiệt hại của người dân không thể thống kê hết nhưng chính quyền
biết chắc là không nhỏ. Các ban ngành hội họp liên miên để tìm giải pháp
nhưng xem ra giải pháp thì có nhưng thực hiện thì không thể tiến hành
trong khi mọi cái đã thành hình, đã đi vào hoạt động.
Đó là những vùng trũng chung quanh thành phố dùng để nhận nước thoát
ra nay đã trở thành các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng cũng như hàng ngàn
khu nhà cao tầng từ lớn tới nhỏ rải rác khắp thành phố không có ống
thoát nước. Bên cạnh đó các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là nơi
thoát nước cho toàn thành phố nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công
trình nhà cửa.
Chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố đã
dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, dù đã xóa được nhiều điểm ngập ở nội
thành, nhưng ở các khu vực ngoại thành như quận 2, Q. 7, Q. 9, Thủ Đức,
Bình Tân...lại ngập nặng hơn trước như vậy là thành phố đang "hướng dẫn”
ngập chạy từ chỗ này sang chỗ khác chứ không phải là "xử lý" ngập.
Do lỗi kỹ thuật?
Có phải đây là lỗi của kỹ thuật hay vì kinh nghiệm của các chuyên gia
chưa đủ tầm? TS Hồ Long Phi nguyên Phó ban điều phối và chống ngập
thành phố đang giảng dạy về vấn đề này cho biết:
“Vấn đề kỹ thuật không phải là vấn đề lớn bởi vì bản thân quy
hoạch thoát nước tổng thể năm 2001 do chuyên gia quốc tế họ lập ra và
tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản thì nó vẫn còn hiệu lực và hiện nay vẫn
làm theo hướng đó nhưng có điều chỉ làm được một phần. Thí dụ định hướng
cho tới 2020 chúng ta phải tiêu tốn từ 6 tới 7 tỷ đô la để hoàn thiện
hệ thống thoát nước, nhưng chúng ta mới được có chưa tới phân nửa mà đã
2016 rồi có nghĩa ta quá chậm so với định hướng đó chứ không phải đỉnh
hướng đó sai. Ta đã thấy trước chỉ có điều nguồn lực không đủ, phối hợp
lại chồng chéo nó làm cho việc chống ngập đi chậm hơn so với phát triển
hạ tầng.”
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM hôm 26/9/2016.
Theo báo chí khoảng 30% diện tích sông và kênh, rạch bị lấp để xây
dựng nhà cửa hay các công trình công cộng chưa cần thiết để rồi khi vỡ
lẽ ra lại tính tới chuyện đào lại một số kênh rạch ngay trên cái nền cũ
của nó khiến ngân sách đã thiếu thốn lại càng kiệt quệ hơn.
Một nghiên cứu của Viện Khoa Học Thủy Lợi miền Nam cho thấy chỉ trong
12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng
diện tích khoảng 4,000 hecta bị lấp và bị lấn chiếm.
Mặc dù thủy lợi là một cơ quan quan trọng điều tiết và hạn chế ngập
lụt nhưng chính phủ đã không xem trọng nó từ nhiều năm nay bằng cách sát
nhập nó vào với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên thứ
trưởng Bộ Thủy lợi Trần Nhơn chia sẻ việc này:
“Thủy lợi là cái ngành đem lại mặt lợi, là những công trình khai
thác mặt lợi của nước đem lại cho cuộc sống và ngăn chặn những cái hại
của nước, chứ như bây giờ nước ngập toàn Sài Gòn thì có ai là người
chịu trách nhiệm đâu? Tên tuổi ngành thủy lợi có còn đâu? Người ta chỉ
lợi dụng kết cấu hạ tầng để xây cất để tiêu cực, lãng phí và tham ô. Cho
nên tôi có luận điểm quan trọng là lấy thủy lợi nuôi thủy lợi và phát
triển thủy lợi bền vững. Lấy nước nuôi nước và phát triển nước là chỗ
đó.”
Ủy ban điều phối thiếu sức mạnh
Đô thị hóa cũng là một mặt khác gây ngập nặng không thể kiểm soát.
Theo tiến sĩ Hồ Long Phi cho biết vốn đô thị hóa phần lớn là của tư nhân
vì vậy việc san lấp kênh rạch, xây dựng cao ốc của những doanh nghiệp
không xây dựng lối thoát cho nước mà chỉ muốn đẩy nước đi chỗ khác. Cống
rãnh thoát nước đã bị cố ý bỏ quên là một phần giúp cho thủy thần lộng
hành. Nói với chúng tôi TS Hồ Long Phi cho biết:
“Cơ chế phối hợp giữa các ngành, các đơn vị liên quan đến vấn đề
ngập không phải là Ủy ban chống ngập hay là Sở Giao thông Vận tải mà là
một loạt những đơn vị có liên quan đến hạ tầng đô thị. Hiện tại thì 1
người “chống” nhưng lại có 10 người “gây”. Số gây ngập thì nhiều lắm như
đô thị hóa, san lấp kênh mương, quản lý đô thị không tốt dẫn đến việc
ngập… nhưng điều đáng nói ở đây cái trách nhiệm chống ngập nó phải ở một
bộ phận nào đó có tính chất cao hơn và có quyền lực hơn chứ không phải
là tầm cỡ của cơ quan chống ngập.
Bởi vì bản thân của cơ quan chống ngập cũng chỉ là đơn vị thừa
hành chứ không có chức danh của nhà nước nên không có trách nhiệm hay
quyền hạn thành ra sự phối hợp hay đồng thuận rất hiếm giữa các ngành
nên sự phát triển theo các hướng dễ tạo rủi ro về ngập lụt. Phát triển
đô thị cũng vậy mạnh ai nấy làm trong khi đó chống ngập phải gánh chịu
hậu quả cuối cùng tôi thấy rằng một bên nguồn lực rất yếu còn một bên
thì ngược lại, rất mạnh nhưng hai bên không phối hợp với nhau dẫn đến
tình trạng càng lúc ngập càng nặng nề hơn”.
Cơn mưa vào ngày 26 tháng 9 đã khiến chính quyền phải nhập cuộc và
một nỗi vui mừng thật lớn của UBND thành phố khi phát hiện ra các quận
nằm phía Đông của Sài Gòn như Quận 9 và Quận Thủ Đức người ta làm đường
nhưng không làm cống. Có 133/302 tuyến đường không có ống cống thoát
nước.
Phát hiện này cho thấy sự bất cần quy hoạch đã lên tới cực điểm và
muốn chống ngập thì UBND thành phố phải giao quyền cho Ủy ban điều phối
chống ngập lớn hơn, Ủy ban này phải có quyền kiểm soát các công trình
công cộng, các hạng mục liên quan tới thoát nước và Ủy ban này chịu
trách nhiệm trước UBND thành phố nếu tiếp tục có những vụ ngập cục bộ
tại một điểm nào đó.
Các chuyên gia chống ngập cho rằng do chính quyền không thực hiện quy
hoạch theo hướng rộng mà lại theo ngành dọc, tức là trên chỉ xuống phải
làm theo bất chấp hậu quả như ngày hôm nay. Quy hoạch tổng thể còn quá
nhiều bất cập là việc phải chấn chỉnh trước khi nói tới chống ngập nếu
muốn thành công.
Mặc Lâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét