Trung Điền
Có thể nói là trong lịch sử của đảng CSVN, chưa bao giờ Tổng bí thư
hay thành phần Tứ trụ tham gia trực tiếp vào ban thường vụ đảng uỷ công
an. Vì đây là bộ phận hành chánh có chức năng theo dõi an ninh và điều
tra tội phạm trong bộ máy nhà nước.
Thế nhưng, sau những sóng gió vụ Trịnh Xuân Thanh, ngày 21 tháng 9
vừa qua, Bộ chính trị đảng CSVN công bố quyết định thành lập đảng ủy
công an trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 người, trong đó ban thường
vụ đảng ủy công an gồm 7 người.
Quyết định nói trên đã công bố trễ đến 4 tháng, kể từ khi Thượng
tướng Tô Lâm, Bộ truởng công an được Bộ chính trị đề cử làm Bí thư đảng
ủy công an trung ương từ đầu tháng 5, 2016. Sự kiện này đã khiến dư luận
thấy có gì đó bất ổn trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo ở bộ máy công
an.
Không những thế, quyết định của Bộ chính trị lần này lại đưa cả Tổng
bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng nằm trong ban thường vụ đảng ủy
công an.
Trước đây, Bộ chính trị cắt cử một nhân sự trong tứ trụ, thường là
Thủ tướng chính phủ, trực tiếp chỉ đạo bộ máy công an, như ông Nguyễn
Tấn Dũng đã chỉ đạo bộ máy này suốt hơn 9 năm làm Thủ tướng từ năm 2006
cho đến đầu năm 2016.
Lần này, cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng cùng nằm trong ban
thường vụ đảng ủy công an, tức là trực tiếp hội họp, thảo luận, giám
sát, kiểm tra bộ máy công an.
Cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều nằm trong ban thường vụ đảng ủy công an. Ảnh: AFP |
Vấn đề đặt ra là vì lý do gì mà Bộ chính trị lại quyết định đưa Tổng
Bí Thư tham gia vào ban thường vụ đảng ủy công an, trong khi đó, với
chức năng đứng đầu ban bí thư trung ương, ông muốn gì thì có thể ra lệnh
cho Ban thường vụ đảng ủy công an báo cáo.
Việc ông Trọng vừa là Tổng bí thư (lãnh đạo toàn đảng), Bí thư quân
ủy Trung ương (kiểm soát quân đội) nay tham gia vào ban thường vụ đảng
ủy công an (chỉ đạo bộ công an) cho thấy là ông Trọng muốn trực tiếp chi
phối bộ máy quốc phòng, an ninh và điều tra. Nói cách khác, ông Trọng
đang tập trung bộ máy an ninh và điều tra vào trong tay Tổng bí thư. Rõ
ràng là ông muốn tóm thu quyền lực, nhưng tại sao lại là lúc này?
Thứ nhất, qua vụ Trịnh Xuân Thanh chạy thoát, ông Trọng thấy rằng nếu
không nắm Bộ máy công an thì khó có thể thành công trong cuộc chiến
giành quyền lực dưới mỹ từ “trong sạch đảng.” Hơn thế nữa, ông Nguyễn
Tấn Dũng đã từng chỉ đạo Bộ công an trong hơn 9 năm (2006-2016), ít
nhiều đã xây dựng một vùng ảnh hưởng quan trọng của phe nhóm công an vây
xung quanh gia đình ông Dũng. Muốn triệt hạ gia đình và vây cánh của
ông Dũng, ông Trọng phải ngồi vào ban thường vụ đảng ủy công an để vừa
phát hiện tay chân của ông Dũng, vừa chỉ đạo và kiểm soát việc điều tra
những con dê tế thần mà ông Trọng sẽ dùng trong cuộc nội chiến.
Thứ hai, Trần Đại Quang là con bài của Nguyễn Tấn Dũng trong bộ máy
công an trước đây và đang nhắm ghế Tổng bí thư một khi Nguyễn Phú Trọng
ra đi. Trong khi đó, Đinh Thế Huynh mới là nhân vật mà Nguyễn Phú Trọng
muốn xây dựng để nắm chặt quyền lực trong tay phe đảng. Một khi Bộ chính
trị đã quyết định Tổng bí thư nằm trong ban thường vụ đảng ủy công an,
thì dù Nguyễn Phú Trọng có ra đi giữa nhiệm kỳ, Đinh Thế Huynh lên thay
thế chức Tổng bí thư của Trọng cũng sẽ tiếp tục nằm trong ban thường vụ
đảng ủy công an. Có như vậy, Đinh Thế Huynh mới ngăn chận được các ảnh
hưởng của Trần Đại Quang trong bộ máy công an và trụ được ghế Tổng bí
thư cho hết nhiệm kỳ mà không sợ bị “đảo chánh” nội bộ.
Cuộc chiến giữa ông Trọng và ông Dũng đang chuyển hướng thành những đấu đá mới. Ảnh: AFP |
Thứ ba, vụ rớt hai chiếc máy bay ở Vịnh Bắc Việt một cách bí ẩn vào
đầu năm nay và thái độ thần phục Bắc Kinh quá đáng của Nguyễn Phú Trọng
hiện nay, đã khiến cho tập thể quân đội không tin vào khả năng đối đầu
Trung Cộng của Nguyễn Phú Trọng và cả Đinh Thế Huynh. Khi quân đội có sự
nghi ngờ như vậy, Trọng và cả Huynh sẽ khó điều động quân đội nhằm giải
quyết một sự biến đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, dù được Bộ chính
trị chỉ định làm Bí thư quân ủy trung ương. Do đó, việc Tổng bí thư nằm
trong Ban thường vụ đảng ủy công an là để chuẩn bị cho tình huống không
huy động được quân đội thì dùng lực lượng công an trấn áp. Nói cách
khác, Nguyễn Phú Trọng và phe đảng đang cố nắm chặt lực lượng công an để
bảo vệ quyền lực của họ trong cuộc nội chiến hiện nay.
Việc Tổng bí thư nằm trong ban thường vụ công an đã tô đậm thêm bức
tranh bất ổn trong nội bộ đảng CSVN. Điều này cho thấy là cuộc chiến
giữa ông Trọng và ông Dũng không những không chấm dứt sau đại hội 12 mà
đang chuyển hướng thành những đấu đá mới.
Đó là từ giành nhau ghế Tổng bí thư trước và trong đại hội 12, thì
nay là cuộc chiến giành nhau những tài sản từ các phe “lợi ích nhóm” cũ
vây xung quanh ông Dũng trước đây, tạo ra những “lợi ích nhóm” mới nằm
dưới sự bảo bọc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là cuộc chiến sinh tử, liên hệ đến quyền lợi thật nên ông Trọng đã phải thân chinh nhúng tay vào bộ máy công an là vì vậy.
Trung Điền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét