VietTuSaiGon
Người Việt Nam từ thời ông bà, cha mẹ đã có thói quen chia sẻ, lá
lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá te tua… Cái đạo lý
ấy đôi khi chẳng là đạo lý gì cả, chẳng có ai dạy ai mà chính lòng trắc
ẩn, lòng lân mẫn giữa người với người để rồi khi có sự cố, thấy đồng
loại khó khăn, đau khổ, người ta lại chìa bàn tay ấm áp của mình ra để
chia sẻ chút hơi ấm, chút tình người với những bàn tay đói rét, lạnh
căm…
Điều ấy cũng phù hợp với sứ mệnh của đôi bàn tay, những tưởng đôi bàn
tay có nhiều sứ mệnh lắm trong đời sống con người nhưng chung qui vẫn
xoay quanh ba sứ mệnh: Úp, Ngửa và Phủi!
Bàn tay con người biết úp xuống, che chở và chia sẻ chút hơi ấm tình
thương với những bàn tay đói lạnh, khốn khó đang ngửa ra trông đợi sự
chia sẻ của đồng loại.
Trong một lúc nào đó giữa cuộc đời, nỗi buồn, sự không may mắn và cô
đơn đến vây khốn, dù đã cố gắng chống chọi đến phút cuối mà bạn vẫn
không thể đứng vững được, bạn trở nên đau khổ, yếu mềm, lúc đó, dù không
nói ra, không ngửa bàn tay ra nhưng trong lòng bạn đã có một bàn tay
ngửa ra chờ đón hơi ấm của đồng loại. Bởi chính hơi ấm ấy cho bạn thấy
rằng cuộc đời này đáng sống, đáng để tiếp tục tồn tại và nỗ lực.
Và, trong một phút giây nào đó, bạn lại vốc một nắm đất hay một nắm
cát, thả theo áo quan của người thân, bạn bè, người quen để tiễn biệt.
Hành động phủi hai bàn tày vào nhau để tiễn những hạt đất cuối cùng vào
nắp quan như một thông điệp chia ly, nó nói lên rằng giữa bạn và người
nằm trong áo quan kia từ nay vĩnh viễn không nhìn thấy nhau trên cõi đời
này. Và mọi nợ nần, ân oán gì cũng đã trả về cát bụi!
Nói về đôi bàn tay, có lẽ câu chuyện xoay quanh ba sứ mệnh này còn
dài lắm. Nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy sứ mệnh úp xuống của bàn tay
lại ấm áp và đẹp như trong lần đến vùng lũ Quảng Bình, lũ Hà Tĩnh này.
Từ những người thoáng qua, dừng xe trên đường 1A, thuê một chiếc ca
nô chạy thẳng vào khu rốn lũ Lệ Thủy, ghé thăm từng nhà, tặng mấy ổ bánh
mì thịt gói ghém trong giấy giữ nhiệt, tặng một phong bì hai trăm ngàn
đồng, hỏi thăm vài câu, động viên vài câu. Chủ nhà hỏi tên gì thì xưng
tên nhưng sau đó không cho biết thêm chi tiết nào nữa, không muốn cho
báo chí chụp hình hay quay phim.
Rồi một anh tài xế chạy xe từ Lệ Thủy đến Ba Đồn, lẽ ra đến bến Ba
Đồn thì anh trả khách và đậu xe ở bến để ngày mai tiếp tục đón khách thì
anh lại chở khách đi băng một con đường mà hai bên là hai biển nước,
một độc đạo bằng bê tông, nằm chơi vơi giữa biển nước để đi đến cuối con
đường này thì gặp một con đường vòng bằng đất, khách có thể đi bộ trên
đường này về xóm rồi gọi người nhà bơi ghe ra đón. Khoảng cách giữa bến
xe Ba Đồn và chỗ anh tự trả khách cuối cùng dài gần ba chục cây số, xe
đi vô cùng khó nhưng anh vẫn đi. Hỏi ra mới biết là anh lo hành khách đi
về bị nước cuốn nếu như họ nôn nóng về nhà, lội vào những con đường còn
ngập nước.
Rồi nhóm anh Nguyễn Lân Thắng, Dũng VoVa và nhiều nghệ sĩ, doanh
nghiệp đã đứng ra vận động, kêu gọi lòng hảo tâm để quyên góp tiền mang
tặng bà con vùng lũ. Và trong mấy ngày đó, có một hiện tượng cứu trợ
chính là MC Phan Anh. Anh này nhanh chóng vận động được số tiền ngót
nghét mười lăm tỉ đồng để mang đến tặng bà con vùng lũ. Anh trở thành
hiện tượng với những câu hỏi khác nhau, sự cảm mến cũng khác nhau…
Những người dân Quảng Ninh thì nghe tin bão đổ bộ vào tỉnh nhà thì vỗ
tay reo mừng. Hỏi tại sao bão lớn, siêu bão đổ bộ vào tỉnh mình sẽ gây
thiệt hại mà vỗ tay reo mừng thì hầu hết người dân trả lời rằng ban đầu
dự kiến sẽ đổ bộ vào Quảng Bình, Hà Tĩnh. Mà nếu bão đổ bộ vào thì chắc
miền Trung chết chóc, tang thương nhiều hơn nữa nên nghe bão tránh được
miền Trung, đổ bộ vào Quảng Ninh thì xin cám ơn bão!
Có những tấm lòng, những hành động, những nghĩa cử làm rơi nước mắt,
làm người ta cảm phục và thấy đời sống đáng yêu, đáng sống và Thượng Đế
vẫn còn để cho cuộc đời này tươi đẹp bằng lòng yêu thương của Ngài!
Đó là những mẩu chuyện về lòng yêu thương trong hàng triệu mẩu chuyện
như vậy của người Việt Nam khi miền Trung lũ lụt. Nhưng ở đây, tôi muốn
nói đến tấm lòng của con người, nói đến lũ lụt và lũ lòng. Có lẽ, miền
Trung vừa đón đến hai trận lũ, lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và lũ lòng
sau khi “hiện tượng Phan Anh” vận động nhanh chóng được số tiền to lớn
để giúp đỡ bà con vùng lũ.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng Phan Anh đánh bóng tên tuổi bằng cách
làm từ thiện. Cũng có nhiều ý kiến phản đối. Nhưng tại sao lại phản đối
nhỉ?! Giả sử như động cơ lớn nhất của Phan Anh là đánh bóng cái tên Phan
Anh trong đợt cứu trợ này. Thì tôi cho rằng chẳng có gì là sai trái cả!
Trước nhất, phải hỏi thế nào là đánh bóng tên tuổi? Xin thưa, đánh bóng
là làm sạch, làm cho thứ mình đang đánh bóng sáng ra, đẹp ra. Làm người
có ai không muốn cái tên của mình sạch sẽ và đẹp ra? Và có chính trị
gia nào dám bảo tôi không bao giờ đánh bóng tên tuổi của tôi?
Điển hình như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong lúc miền Trung đang
hứng chịu trận xả lũ của thủy điện Hố Hô và nhà nhà lo dọn dẹp đồ đạt mà
vẫn không kịp bởi tốc độ nước dâng qúa nhanh thì tại Sài Gòn, Thủ tướng
Phúc cũng đi đến từng hàng quán, cầm cái bát, cái dĩa lên kiểm tra vệ
sinh, rồi kiểm tra từng trái cây thử có đạt chất lượng hay không, rồi
ngồi ăn phở, uống cà phê vỉa hè… tất cả những hành vi đó đều là diễn, là
đánh bóng tên tuổi của một người làm chính trị. Bởi thực tâm “vi hành”
xem đời sống ra sao, dân tình thế thái như thế nào thì chẳng có ai đi mà
cả bầu đàn lâu la kéo đi như vậy và ống kính thì có cả trăm cái chụp
lấy chụp để. Rồi Thủ tướng nhắn tin ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.
Tất cả những trò diễn đó cũng chỉ để đánh bóng tên tuổi của Thủ tướng,
để cho thấy Thủ tướng có quan tâm đến đời sống người dân.
Giả sử Phan Anh đánh bóng tên tuổi thì giữa Phan Anh và Thủ tướng
Phúc có điểm giống nhau, đó là cùng quan tâm về miếng ăn, cái mặc. Nhưng
ông Phúc chọn Sài Gòn, Phan Anh chọn miền Trung, ông Phúc chọn hàng
quán thì Phan Anh chọn nhà nhà, ông Phúc chọn những cái dĩa, cái bát
sạch và chứa thức ăn thì Phan Anh chọn những cái dĩa dính bùn non và
trống trơn thức ăn. Suy cho cùng, cũng là đánh bóng tên tuổi nhưng cách
đánh bóng nào ẩn chứa lòng trắc ẩn, lân mẫn tha nhân đều có vẻ đẹp và
giá trị của nó.
Và nói về lũ lụt với lũ lòng. Thường thì người còn nhân tính, nhân
cảm, khi nhìn đồng bào của mình đói khổ, đau thương, cơn lũ lòng sẽ dâng
trào và người ta sẽ bất chấp, bất luận khó khăn hay tai tiếng gì đó để
đến, để chia sẻ. Ngược lại, với những kẻ cơ hội, vô cảm và thiếu tình
người, thiếu cả tính người thì thây kệ nỗi đau của đồng loại, miễn sao
túi của mình được đầy.
Có không thiếu những cán bộ nhà nước mà chỉ mới vài ngày sau lũ họ đã
có thành tích ăn chặn quà cứu trợ lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm
chí hàng tỉ đồng. Và đặc biệt, đây không phải là lần xả lũ đầu tiên của
thủy điện Hố Hô, người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh từng đau khổ, mất trắng
do trận xả lũ năm 2010 của thủy điện Hố Hô. Nhưng dường như thủy điện
này chưa từng đền bù gì cho người dân miền Trung. Sống chết mặc bây,
tiền thầy bỏ túi! Và nhà nước, chính phủ, có vẻ như họ cũng hô hào, cũng
to tiếng lắm. Nhưng có vẻ như mọi thứ đều có tính chất hình thức, hoa
hòe, màu mè! Tất cả đều cho thấy lũ lụt đi qua mà lũ lòng thì ở lại. Lũ
lòng lớn hay nhỏ lại hoàn toàn phụ thuộc vào tri thức, đạo đức và lòng
trắc ẩn của người với người!
VietTuSaiGon
0 nhận xét:
Đăng nhận xét