Một bộ Iphone, Ipad được bán với giá 150,000 đồng. Đây là một trong những mặt hàng mã được ưa chuộng nhất năm nay. (Hình: Nguyên Lê) |
Nguyên Lê
Hàng
năm, cứ đến sát ngày Rằm Tháng Bảy (từ khoảng ngày Mười Ba Âm Lịch đến
ngày Mười Năm Âm Lịch), dân Hà Nội lại bắt đầu rậm rịch chuẩn bị mâm
cúng Lễ Vu Lan và cúng thí thực cô hồn (dân Hà Nội còn gọi là cúng chúng
sinh).
Năm nay, tại các cửa hàng chuyên bán hàng mã tại Hà Nội như phố Hàng
Mã, phố Lương Văn Can... cũng xuất hiện rất nhiều mặt hàng đa dạng.
Ngày xưa, đồ hàng mã để cúng Rằm Tháng Bảy chỉ có đơn giản ngựa, quần
áo, giầy dép... thì bây giờ còn xuất hiện nhiều mặt hàng rất hiện đại
như Iphone, Ipad, máy giặt... Nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả bạc triệu để
sắm bộ đồ cúng hiện đại cho ngày Rằm được dân Hà Nội hay ví von là ngày
cúng lớn nhất trong năm này.
Chi tiền triệu sắm đồ 'xịn'
Ở những khu phố chuyên bán đồ vàng mã tại Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã... vào những ngày này rất tấp nập người mua.
Để đáp ứng nhu cầu của người khách hàng, các quán vàng mã cũng bày
rất nhiều mặt hàng đa dạng, đủ các thể loại với nhiều mức giá khác nhau.
Một bộ đồ cúng đầy đủ quần, áo, giày dép, đồ trang sức loại thường có
giá từ 60,000 đồng đến 120,000 đồng một bộ (từ khoảng $3 đến $6) thì
loại cao cấp hơn có giá từ 130,000 đồng đến 200,000 đồng một bộ (từ
khoảng $6.5 đến $10).
Mặc dù thời buổi bão giá, các mặt hàng đồng loạt tăng cao nhưng dân
Hà Nội vẫn rất chịu khó chi tiền sắm đồ hàng mã xịn, đồ hiệu để cúng Rằm
Tháng Bảy.
Năm trước, những mặt hàng vàng mã thông dụng như ngựa, quần áo, tiền
vàng... loại rẻ tiền, giấy bình dân bán rất đắt khách thì năm nay, các
mặt hàng 'hiện đại' như Iphone, Ipad, xe máy ga hiệu SH... mới là những
sản phẩm được ưa chuộng.
Một bộ đồ Iphone, Ipad đầy đủ dụng cụ đi kèm được bán ra với giá
150,000 đồng/bộ (khoảng $7.5). Một căn biệt thự đầy đủ tiện nghi cũng có
giá từ 200,000 đồng đến 500,000 đồng (từ khoảng $10 đến $25), còn các
dòng xe máy phân khối lớn hiện đại như SH cũng được có giá khá cao vào
khoảng 150,000 đồng/chiếc.
Đồ hàng mã cúng Rằm Tháng Bảy được treo bày bán la liệt. (Hình: Nguyên Lê) |
Các mặt hàng giày
dép, kính… cũng đa dạng các loại nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton… Vì thế,
để sắm một bộ đồ cúng hiện đại, đầy đủ các sản phẩm mới nhiều gia đình
phải chi đến bạc triệu, thậm chí có gia đình còn chi hẳn chục triệu để
không thiếu bất cứ món nào.
Chị Dung, chủ quán vàng mã đường Lương Văn Can cho biết: “Năm nay nhà
tôi bán những sản phẩm vàng mã mới rất đắt hàng. Ngày nay, mọi người
cũng thích để các cụ xài đồ hiện đại nên toàn chọn ô tô bốn bánh chứ ít
người dùng ngựa như trước”.
Cũng cùng tâm lý đi sắm đồ cúng Rằm Tháng Bảy, chị Quỳnh Nga, một
khách mua hàng chia sẻ: “Tôi cũng vừa mua một bộ đồ lễ cúng Rằm mất
khoảng 2 triệu đồng (khoảng $100). Nhà tôi cũng phải cố sắm một bộ đồ
cúng tử tế, đầy đủ cho các cụ không sợ các cụ buồn. Ngày trước ông bà
cúng Rằm đơn giản chỉ cần bộ quần, áo nhưng bây giờ cái gì cũng hiện đại
rồi nên đồ cúng cũng phải thay đổi theo. Giống như trước đây cúng Rằm
chỉ toàn đốt tiền giấy, bây giờ mọi người hầu như đều chuyển sang tiền
âm phủ polymer đời mới hết rồi”.
'Trần' sao, 'âm' vậy
Ngày trước, khi ông, bà tâm niệm “cúng bái cốt ở lòng thành” thì
chuyện cúng Rằm Tháng Bảy khá đơn giản, không bị đặt nặng nề như ngày
nay. Khi “cốt ở lòng thành” chuyển sang thời hiện đại, nhiều gia đình tư
duy “ở trần làm sao dưới âm như vậy” thành ra ai cũng muốn có một mâm
cúng đẩy đủ các thủ tục. Tuy nhiên, cúng như nào mới đúng, thủ tục như
nào mới được coi là đẩy đủ thì không phải gia đình nào cũng biết.
Cúng Rằm Tháng Bảy, mọi người đều chuyển sang dùng tiền giấy dạng polymer. (Hình: Nguyên Lê) |
Sắm hàng chục
triệu cho đồ vàng mã, nhưng mua về đốt xong, chẳng ai biết những người
đã mất “dưới âm” của các gia đình đầu tư cúng Rằm này có nhận được hay
không (?). Có người còn khuyên nhau khi đốt vàng mã phải có một tờ giấy
đi kèm để kê khai chuyển cái gì, chuyển cho ai thì các cụ mới nhận được,
nhưng điều này chỉ một vài người mách nhau còn đâu cứ thế, mỗi nhà làm
một kiểu. Và cũng chẳng ai biết, đốt vàng mã như nào thì mới đúng và
người “dưới âm” mới nhận được.
Chị Nguyễn Loan, nhà ở quận Đống Đa kể với bạn bè nhà chị chỉ cúng
một mâm cơm đơn giản với hai bộ quần áo, một bộ khăn xếp cho ông và một
bộ bộ đội cho chú, thêm một ít vàng hương. Còn nhà bạn chị Loan thì cúng
một mâm cô hồn gồm cháo, bỏng, quần áo chúng sinh ngoài trời, thêm một
mâm cơm mặn gồm xôi, thịt gà… cho các cụ trong nhà.
Với quan niệm “ở trần làm sao, dưới âm như vậy” nên rất nhiều người
dân Hà Nội chi mạnh tay cúng Rằm Tháng Bảy. Thế nhưng mỗi nhà lại có một
kiểu cúng khác nhau và chẳng ai biết cúng như nào mới đúng và cúng như
nào thì các cụ mới “không buồn”.
Nguyên Lê
0 nhận xét:
Đăng nhận xét