Ads 468x60px

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Muốn được cứu phải làm… đơn

Chiếc ca nô trong vụ tai nạn có 9 người thiệt mạng
hồi đầu tháng ở biển Cần Giờ. (Hình: VTC)
Tình tiết, khi được cầu cứu, phía cứu nạn đòi phải có… đơn, đã hâm nóng vụ ca nô chở 31 người bị lật ở Cần Giờ.
Vụ tai nạn này xảy ra từ ngày 2 tháng 8. Ngay sau khi ca nô bị lật, các nạn nhân đã gọi điện thoại xin cứu. Tuy nhiên sáu tiếng sau lực lượng cứu nạn mới tới nơi. Lúc đó đã có chín người thiệt mạng do không đủ sức vật lộn với sóng to gió lớn.
Sau tai nạn vừa kể, phóng viên của nhiều tờ báo tại Việt Nam đã phỏng vấn cả nạn nhân lẫn những cá nhân có liên quan.
Những tình tiết thu thập được qua các cuộc phỏng vấn này khiến nhiều người bất ngờ: Ca nô bị lật được thiết kế để chở 12 người nhưng đã chở đến 31 người. Đây là ca nô mà Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi cho một công ty có tên là VietSec sửa chữa. Công ty VietSec đem ca nô cho một công ty khác mướn để chở công nhân của họ đi dự một đám cưới được tổ chức ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang...
Tuy nhiên tình tiết khiến người ta phẫn nộ nhất là chuyện Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực 3, yêu cầu người báo tin tai nạn phải làm đơn, trình báo sự việc rồi mới tiến hành tìm kiếm, cứu nạn. Đó là lý do ngoài một người chết bị kẹt trong ca nô khi nó lật, có thêm tám người chết vì kiệt sức do cứu nạn quá chậm.
Trước sự chỉ trích dữ dội của công chúng, một viên phó giám đốc của  Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 vẫn khẳng định, cơ quan của ông ta đã “làm tròn trách nhiệm”.
Viên phó giám đốc này bảo rằng, người báo tin tai nạn (người nhận được điện thoai từ bạn bè đang gặp nạn đề nghị giúp kêu cứu ) đã thiếu trung thực (xin cứu nạn vì ca nô hết dầu, chết máy, không cung cấp vị trí cụ thể, có bao nhiêu người, có mặc áo phao hay không) nên cơ quan của ông ta phải “mất khá nhiều thời gian để xác minh thông tin”.
Sau khi “đã có thông tin cụ thể”, cơ quan của ông ta đã… “báo cho các đơn vị có liên quan ở Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu để tiến hành cứu nạn”, đã “phát tín hiệu cho Đài Phát thanh Thông tin duyên hải kêu gọi các tàu đánh cá ở gần đó hỗ trợ cứu nạn cho các nạn nhân”.
Sau khi nghe những lời phân trần này, một Đại biểu Quốc hội , đồng thời là  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội CSVN, nhận định: Đòi người trình báo tai nạn phải viết đơn mới triển khai cứu nạn là “vô nhân đạo”. Viên Đại biểu Quốc hội này cho rằng cần truy cứu trách nhiệm thái độ “dửng dưng trước sinh mạng con người” như thế.
Tuy nhiên còn một yếu tố mà viên Đại biểu Quốc hội CSVN, đồng thời là  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội Việt Nam không tính tới. Đó là sở dĩ viên phó giám đốc của  Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố cơ quan của ông ta đã “làm tròn trách nhiệm” là bởi… pháp luật Việt Nam có quy định như thế về cứu nạn!
Thành ra, tuy phê phán Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực 3, “rập khuôn”, “máy móc”, “thiếu nhạy bén, nhạy cảm, thiếu lương tâm, trách nhiệm của người làm nghề cứu nạn hàng hải” song viên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, kiêm  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội của chế độ đành thừa nhận rằng, “cần xem xét để sửa đổi một số quy định về tìm kiếm cứu nạn hàng hải cho phù hợp”. (G.Đ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét