Nông dân bên ruộng lúa. |
Nam
Nguyên
Chính
phủ Việt Nam quyết định tái cơ cấu nông nghiệp vào lúc không thể che dấu thực tế
tệ hại của đời sống nông dân sau 25 năm đổi mới. Câu hỏi được đặt ra là liệu có
thể đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiến lên, khi chưa gỡ nút thắt đất đai
sở hữu toàn dân và chưa thực hiện thể chế kinh tế thị trường thực
sự.
Thu
nhập của nông dân
Khó
thể tưởng tượng ở đất nước xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo mỗi năm đứng hàng nhì
thế giới, nhưng thu nhập trung bình của những hộ thuần nông gồm 4 người chỉ được
1.458.000 đ một tháng. Như vậy thu nhập bình quân đầu người của nông dân chỉ
khoảng 4,2 triệu đồng/năm, tương đương 200 USD so với mức thu nhập bình quân đầu
người toàn quốc cùng năm 2012 khoảng 1.600 USD. Những số liệu này được báo chí
trích từ ‘Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam – kết quả điều tra hộ gia
đình nông thôn 2012 tại 12 tỉnh’ do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
công bố ở Hà Nội hôm 7/8/2013.
Cũng
dễ hiểu khi nông dân làm lúa bức xúc vì đời sống khó khăn như phát biểu của một
người làm lúa ở Tây Nam Bộ:
“Năm
nay làm lúa chưa lời được 10% làm sao mà sống nổi. Trong khi phân bón thuốc trừ
sâu mấy ‘chả’ làm ra thậm chí giá còn cao hơn phân urê nhập của Trung Quốc. Nông
dân kiểu này nghèo suốt đời luôn, bộ chế độ này không cho nông dân làm giàu sao,
nói dân giàu nước mạnh gì, nước giàu dân mạt thì có.”
Trả
lời chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung
ương ở Hà Nội nhận định rằng, đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là nông nghiệp,
nông dân, nông thôn từ trước đến nay vẫn là trụ cột để bảo đảm ổn định của xã
hội. Nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu và
thực sự là xuất siêu, đây là yếu tố rất quan trọng. Nhưng trong hai ba năm gần
đây, tốc độ tăng trưởng giảm sút, đặc biệt giá cả nông sản giảm sút và đời sống
của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Không những người nông dân mất đất họ
phản đối đi khiếu nại, mà những người nông dân có đất ở đồng bằng sông Cửu Long
hiện nay cũng đối diện những vấn đề rất lớn.
Theo
TS Lê Đăng Doanh Việt Nam đang rất cần phải tái cấu trúc lại nông nghiệp-nông
dân-nông thôn bằng cách kết hợp với các nhà doanh nghiệp, với các nhà phân phối
để bảo đảm sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu có giá trị thương mại cao và phải cơ
cấu lại ruộng đất của nông thôn, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn..v..v.. TS Lê
Đăng Doanh nhấn mạnh:
“Tất
cả những vấn đề đó liên quan rất nhiều đến chế độ sở hữu đất đai, trong Hiến
pháp hiện nay nói rõ đất đai là sở hữu toàn dân. Toàn dân là sở hữu như thế nào,
không rõ, bây giờ cái toàn dân đó được đại diện bởi Nhà nước. Thế thì Nhà nước
được đại diện bởi ai và thẩm quyền như thế nào, Hiến pháp 1992 nói là Nhà nước
có quyền thu hồi đất để phục vụ mục tiêu quốc phòng an ninh và lợi ích công cộng
(chấm).
Nhưng
Luật Đất đai là bổ xung thêm ‘và phát triển kinh tế xã hội’. Thế phát triển kinh
tế xã hội là gì, là một nhà máy hay một khu nghỉ dưỡng hay là một khách sạn lớn.
Điều này quá rộng và không xác định rõ, cho nên dẫn đến việc thu hồi đất của
nông dân và đền bù với một giá rất thấp rồi chuyển giao cho các nhà đầu tư trong
nước và ngoài nước và ăn chênh lệch giá đó. Giá đất thì thường xuyên được đẩy
lên rất cao, do vậy làm cho giá bất động sản của Việt Nam tăng lên cao hơn rất
nhiều lần so với thu nhập trung bình của xã hội.
Đấy
là một vấn đề rất là gay gắt, cho nên hiện nay đang có nhiều phương án đưa ra để
thảo luận
về qui định chế độ sở hữu đất đai trong Hiến pháp. Tôi rất mong sẽ có một
cuộc thảo luận thấu đáo, bởi vì do Hiến pháp chưa thông qua nên Quốc hội khóa
họp vừa rồi cũng tạm hoãn chưa thông qua Luật Đất đai mà để chờ khi Hiến
pháp thông qua thì sẽ thông qua Luật Đất đai.”
Nông dân trên một cánh đồng khô hạn |
Thực
trạng nông nghiệp Việt Nam
GSTS
Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An, một chuyên gia nông
nghiệp có bề dày kinh nghiệm và uy tín quốc tế nói với chúng tôi, nông nghiệp,
nông dân, nông thôn chịu hậu quả vì chính sách và chiến lược. Ông
nói:
“Nói
tái cơ cấu, gốc của vấn đề là muốn sao cho nông dân có lợi tức. Đáng lẽ phải
nghĩ điều này từ đầu hoặc ít nhất từ khi mới bắt đầu xuất khẩu gạo thì phải nghĩ
tới tình huống này. Mình biết trồng lương thực thì không thể nào giàu được, ở
nước nào cũng vậy. Cho nên phải tìm cách sao cho nông dân có lợi tức cao hơn,
nếu bây giờ mỗi địa phương họ nghĩ tới cái GDP (tổng sản phẩm nội địa) của họ
thay vì nghĩ tới cây lúa thì bây giờ cục diện nó khác liền. Đầu óc cây lúa này
ăn sâu từ từng ông nông dân cho tới những người từ nông dân ra làm chính quyền ở
trên, họ chỉ biết tới cây lúa, lúc trước mấy thứ cây khác họ không dám nghĩ tới.
Bây giờ cây lúa không có tiền, lợi tức thấp thì họ mới nghĩ tới những thứ khác,
rất là chậm.”
GSTS
Võ Tòng Xuân điểm lại thực trạng nông nghiệp Việt Nam, ngành nông nghiệp không
ít lần nói chuyện đa dạng hóa nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nhưng đều bất cập.
GSTS Võ Tòng Xuân tiếp lời:
“Tôi
đề nghị Nhà nước, cụ thể Bộ Nông nghiệp không nên biểu nông dân trồng cái này
cái kia mà chỉ biểu vậy thôi, nhưng không nói nguyên một cái chuỗi giá trị của
nó. Phải tính nguyên một hệ thống chuỗi giá trị đó, từ giống ở đâu, viện nào
công ty nào, qui trình trồng, huấn luyện nông dân và đưa giống cho họ. Kế đó là
ai sẽ mua cây này, chế biến thế nào, tiêu thụ ra sao bán ở đâu. Bộ Nông nghiệp
phải nghĩ luôn một chuỗi như thế thì mới bền vững được. Chuyển đổi cơ cấu rồi
mạnh ai nấy làm thì chết hơn nữa, cứ trồng rồi chặt đã xảy ra nhiều năm
rồi”
Theo
website Chính phủ, tại Hội nghị vùng đồng bằng sông Cửu Long hồi trung tuần
tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu là, nền kinh tế hộ tiểu nông, sản
xuất nhỏ lẻ, lại bị cắt ra nhiều khúc nên không còn phù hợp với thực tiễn, phù
hợp với thị trường phát triển.
Trong
cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh hy vọng mô hình cánh đồng mẫu lớn
sẽ giúp giải quyết vấn đề sản xuất tập trung, chất lượng sản phẩm tốt hơn và tạo
được liên kết trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
“Sản
xuất lương thực của Việt Nam hiện nay đang có vấn đề là chưa kết hợp được giữa
khâu sản xuất với khâu thu mua lưu thông chế biến và xuất khẩu. Giữa khâu sản
xuất và khâu thu mua, xuất khẩu này lại chưa có hợp đồng một cách ổn định vì
vậy bị cắt đứt đoạn và hạt gạo Việt Nam phải qua quá nhiều tay thì mới đi đến
xuất khẩu được. Cứ mỗi lần như vậy thì những cá nhân thu mua, công ty thu mua
đều có một phần lãi nhưng người nông dân thì ít được lãi. Tôi nghĩ vấn đề ở đây
trước hết Việt Nam sẽ tổ chức lại sản xuất, phải ký kết hợp đồng giữa người sản
xuất và người tiêu thụ, người chế tác và người xuất khẩu.”
Một cánh đồng lúa đã được đô thị hóa ở vùng ven Hà Nội. |
Cái
phao "Cánh đồng mẫu lớn"
Mô
hình cách đồng mẫu lớn của Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang ở một vài tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long đang được Bộ NN-PTNT xem như một cái phao để thực hiện tái cơ
cấu. Đây không phải là phát kiến gì mới, nhưng cũng chỉ mới phát triển được
30.000 ha và chỉ có một mình mô hình của An Giang là thành công. Có thể mô tả
ngắn gọn cánh đồng mẫu lớn là doanh nghiệp liên kết với một số lượng càng nhiều
càng tốt nông dân có đất trồng lúa, tổ chức vùng nguyên liệu lúa đồng nhất theo
hợp đồng, doanh nghiệp ứng trước vật tư đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và khi thu
hoạch nông dân có thể bán ngay hoặc gởi kho miễn phí trong 1 tháng, khi nào muốn
bán thì bán. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đầu tư một cụm dịch vụ phục vụ
cánh đồng nguyên liệu, đó là nhà kho, nhà máy sấy lúa, xay xát…
Cái
phao cánh đồng mẫu lớn chỉ có thể cứu vớt nông nghiệp Việt Nam nếu có sự tham
gia của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và điều gọi là chấm dứt độc quyền trá
hình trong kinh doanh xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nơi
bị chi phối nặng bởi các Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Miền Bắc và các công
ty con của các Tổng công ty này. GSTS Võ Tòng Xuân kêu gọi thực hiện cơ chế thị
trường.
“Báo
chí nói riết cũng uể oải, vì cái nhóm lợi ích nó mạnh quá. Hai ông Vinafood và
VFA phải bước xuống, chứ cứ cho họ quyền lực như thế, hai cơ quan nhưng thực sự
chỉ là một. Bây giờ phải để cho doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, nếu không thì
không tội tình gì họ tốn công xây dựng vùng nguyên liệu, người ta chăm sóc nông
dân, cho nông dân vay giúp đỡ nông dân trong thời gian sản xuất, rồi cuối cùng
làm ra gạo tốt lại không cho xuất. Như vậy tất cả những người có nhiệt tình, có
thị trường, người ta không thể nào đeo đuổi được. Bây giờ nó nói anh có thị
trường, anh giao cho tôi, ai mua anh giao cho tôi để tôi bán cho người ta, thế
đâu có được.”
Việt
Nam đang chuẩn bị tái cơ cấu nông nghiệp theo tiêu chí được công bố là phải gia
tăng phúc lợi bằng được cho nông dân, giữa trăm mối ngổn ngang về lúa gạo, thủy
sản và chăn nuôi bên cạnh vấn đề nhóm lợi ích mưu lợi “ăn hớt” lợi nhuận của
nông dân. Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát từng bị Đại biểu Quốc hội châm biếm là
quá hiền trong các đối sách trước cuộc khủng hoảng của sản xuất và tiêu thụ nông
sản. Liệu ông bộ trưởng có cầm trịch được cuộc cách mạng nông nghiệp gọi là tái
cơ cấu mà trước tiên là sự thay đổi tư duy tiểu nông hằn sâu trong bộ máy cầm
quyền cũng như nông dân. Liệu ông có chấm dứt được tình trạng khuynh loát độc
quyền trá hình trong kinh doanh xuất khẩu gạo hay không. Như ông từng phát biểu
trên trang mạng của ngành: “Tái cơ cấu phải tạo ra được một hệ thống khuôn khổ
có thể phản ứng năng động trước những biến động thách thức của thị
trường.”
Nam Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét