Nguyễn Văn Thạnh
Trên thế giới, không nước
nào có nhiều chuyện kiện tụng như nước Mỹ, và nước Mỹ cũng là nước có nền dân
chủ lâu đời, vững chắc, ổn định hàng đầu trên thế giới. Không chỉ ở Mỹ, mà hầu
như ở các nước càng dân chủ, càng văn minh thì chuyện kiện tụng càng sôi động
và nó trở nên một điều bình thường không thể thiếu trong cuộc sống. Có mối liên
hệ gì giữa chuyện kiện tụng và nền dân chủ?
Ngay từ xa xưa, khi con người
sống với nhau thành cộng đồng thì tất yếu nảy sinh mâu thuẫn giữa người với người.
Khi đó có lẽ tổ tiên chúng ta giải quyết với nhau bằng bạo lực. Ai mạnh sẽ thắng,
ai yếu thì chịu thiệt, có thể tìm cách phục thù sau. Đó là giai đoạn man di và
hỗn loạn, mọi người đều khốn khổ. Đây chính là tình trạng chiến tranh của tất cả
chống lại tất cả mà triết gia người Anh Thomas Hobbes mô tả,
không một ai có thể sống yên ổn. Rất mệt mỏi khi phải sống trong xã hội như vậy.
Để giải quyết tình trạng
đó, cộng đồng nghe theo một thủ lĩnh, khi có chuyện gì thủ lĩnh sẽ phân xử. Đây
chính là mô hình quản lý xã hội theo tổ chức thị tộc, bộ lạc. Sự phân xử này hết
sức ngẫu hứng theo ý người đứng đầu, ông ta hoàn toàn có thể thiên vị cho người
thân, người ông yêu thích. Lời ông là công lý, là luật pháp. Tình trạng này rõ
ràng là không ổn. Những kẻ nghèo hèn, không thân thế luôn là người chịu thiệt.
Theo thời gian, các thị tộc, bộ lạc thôn tính, xác nhập nhau và hình thành nên
nhà nước tập quyền mà đứng đầu là một vị Vua. Phong cách cai trị, phân xử cũng
giống như thị tộc, bộ lạc nhưng lúc này dân số và lãnh thổ rộng lớn hơn rất nhiều
lần, do vậy ông cần một bộ máy giúp việc và ông đưa ra các qui định cho nhóm
người này theo đó mà làm. Những qui định này là tiền đề của luật pháp. Tuy
nhiên luật pháp này được đặt ra theo ý ông Vua, hoàn toàn không phải ý thần
dân. Ông Vua có thể đưa ra một qui định, hay hủy bỏ một qui định theo ý ông mà
không cần biết dân có đồng ý hay không.
Khi đó giữa người dân có
mâu thuẫn với nhau sẽ được các vị quan của Vua đứng ra phân xử, may nhờ, rủi chịu.
Chuyện phủ bênh phủ, huyện bênh huyện và dân nghèo thua thiệt mà không làm được
gì là chuyện bình thường. Nếu có chuyện xung đột giữa dân với quan hay dân với
Vua thì dân hết có cơ hội, chỉ có đường thua.
Đây là mô hình xã hội mà loài
người đau đớn trải qua trong hàng ngàn năm. Mô hình đó gọi là mô hình phi dân
chủ.
Rất may mắn, chúng ta đang
sống thời đại dân chủ. Thời đại mà pháp luật là tối thượng, tinh thần của nền
dân chủ là vua, quan, tổng thống, đảng phái,… đều phải nằm dưới luật.
Một người dân, dù có nghèo
khó, thấp cổ bé họng đến đâu đều được pháp luật bảo vệ, đều có thể chiến thắng
các thế lực hùng mạnh khác, miễn là đúng luật. Thật diễm phúc cho dân nghèo.
Vấn đề làm sao họ có thể
làm được điều đó? Ai có thể giúp họ? Chính hệ thống tư pháp và sức mạnh của
công luận sẽ giúp họ.
Dù Việt Nam chưa phải là nước
dân chủ cao, thực trạng Đảng trị còn mạnh nhưng nguyên lý trên vẫn đúng, miễn
là ta biết khai thác nó, thúc đẩy nó. Có thể không đạt 100% nhưng chắc chắn
không có chuyện là không được gì.
Thực trạng là Việt Nam thiếu
dân chủ nhưng có nhiều cách làm thăng tiến nền dân chủ ở đây. Có nhiều người
nghĩ đến kịch bản một cuộc bùng nổ cách mạng “Hoa Sen” làm sụp đảng độc tài cầm
quyền ở đây như ở các nước Arap. Theo ý kiến tôi, kịch bản này không khả thi và
nếu có thì đất nước cũng đến hồi bần cùng, cùng cực không lối thoát, khi đó tiếng
nói công lý không ai muốn nghe. Và khả năng của kịch bản này là xây một nền độc
tài mới hay đất nước trải qua một thời kỳ hỗn loạn.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy,
khi một cuộc cách mạng bùng nổ mà lớp bình dân không có dân trí và ý thức dân
quyền xứng tầm, xã hội dân sự chưa đủ mạnh thì đó là mảnh đất màu mỡ cho bọn mị
dân, bọn hoạt đầu chính trị và là cơ hội nảy nở độc tài mới.
Tôi vẫn thích mô hình thăng
tiến dân chủ kiểu Anh, ở đó dân trí, dân quyền ngày càng dâng cao, cùng nhau hợp
sức để đòi công lý qua tòa án, thay đổi luật pháp, tiêu diệt dần những điều bất
công, thăng tiến dần dân chủ. Chúng ta tưởng tượng, đường đến dân chủ đầy vật cản
đường là những tảng đá, mỗi vụ thắng kiện, mang lại công lý cho người dân như
là việc hất đi một tảng đá trong số đó. Quá trình này chậm nhưng chắc. Tôi cho
rằng, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin ngày nay, tiến trình trên đi rất
nhanh và việc gì đến sẽ đến. Cuộc sống sẽ tiến dần đến sự hợp lý hóa vốn có của
nó.
Trong vụ kiện thủy điện
này, tôi nghĩ nó sẽ làm thăng tiến nền dân chủ VN ở những điểm mà tôi đã nêu
trong bài trước (Kiến kiện khoai – vẫn cứ làm).
Ngoài ra, tôi có thể nêu
thêm ở những điểm sau:
Về mặt dân chủ thực hành,
đây là một cơ hội rất quý báu. Chúng ta đã nói nhiều về dân chủ, bàn nhiều về
dân chủ nhưng hành động trên thực tế không bao nhiêu. Có nhiều lý do nhưng lý
do chính là chúng ta chưa tạo ra một lý cớ mà khi tiến hành công khai những
hành động thì chính quyền không thể đàn áp. Nếu họ quyết đàn áp thì chính nghĩa
của họ sẽ tiêu tan dưới mắt quần chúng.
Rõ ràng vụ kiện này rất
chính đáng, quá trình vận động người dân, thu thập bằng chứng thiệt hại cũng rất
chính đáng. Các đại họa do thủy điện gây ra cho dân miền Trung không phải lần đầu,
nó lặp lại hàng năm và ngày càng khốc liệt, tàn bạo. Người dân hoàn toàn có quyền
khởi kiện để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, chính quyền không thể ngăn cản
được. Nếu họ ngăn cản thì họ sẽ tự khắc trở thành một chính quyền phản động, chống
lại lợi ích dân chúng, tiếp tay, bao che cho bọn vô trách nhiệm, gây ra tội ác.
Tình thế này gọi là tiến thoái lưỡng nan - Dilemma Action. Một tình thế rất quý trong chính trị học,
nó đặt đối phương vào thế bí, dù có lực lượng hùng mạnh cũng không thể hành động
được. Càng ra tay càng mất chính nghĩa, càng suy yếu.
Có một thực tế là người dân
thường không thể hiểu hết các lý thuyết về dân chủ, nó như một mê hồn trận về mặt
lý luận. Người dân bắt đầu phát ngán với những ngôn từ dân chủ. Họ thường không
thấy lợi ích gì thiết thực, sát sườn với họ trong cái mớ lý luận và các vụ
tranh cãi liên miên về dân chủ. Vụ kiện này không bàn nhiều về lý thuyết dân chủ
nhưng nó làm thăng tiến dân chủ rất mạnh.
Lực lượng tranh đấu cho dân
chủ xuất phát từ nhiều nguồn gốc và quan điểm khác nhau, rất khó để đoàn kết với
nhau. Đây là một thực tế và là một đặc điểm của dân chủ. Một dự án để liên kết
các lực lượng này là vô cùng hiếm, và đây là một dự án hiếm hoi như vậy. Vụ kiện
các chủ nhà máy thủy điện xả lũ bừa bãi làm chết dân nghèo không hướng đến chuyện
tranh cãi chính trị, đảng phái cũng như quan điểm tôn giáo. Đơn giản vụ kiện đi
tìm công lý cho quảng đại người dân và lòng nhân đạo, tình đồng bào. Đây là những
nền tảng mà bất cứ phe nhóm nào tranh đấu cho dân chủ đều thừa nhận và hướng đến.
Vụ kiện tụng này có khả năng tạo ra một sự đồng thuận cao ở các lực lượng tranh
đấu cho dân chủ. Mỗi phong trào, mỗi xu hướng có thể góp công sức, con người
cho vụ kiện này, đó là vì sao tôi gọi đây là “ủy ban”.
Thắng ở vụ kiện này, “ủy
ban” sẽ tiến lên ở những vụ kiện khác.
Chúng ta có thể nhìn thấy vụ
kiện thúc đẩy dân chủ ở rất nhiều mặt, có thể mang ra phân tích, mổ xẻ, tuy
nhiên tôi xin kết thúc bài viết ở đây vì nó đã quá dài.
Nguyễn
Văn Thạnh
Thông báo quí bạn hữu,
Đã có cổng thông tin cho vụ kiện các chủ nhà máy thủy điện xả lũ bừa bãi ở đây. Mong các bạn giúp phổ biến:
Trân trọng
Nguyễn Văn Thạnh
Nguyễn Văn Thạnh
* Ghi tên ủng hộ vụ kiện tại đây:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét