Một nông dân đang chăm sóc cây điều ở tỉnh Bình Phước. (Hình: VTV) |
Tư Ngộ/Người Việt
Nào
chỉ ở Thanh Hóa hay Quảng Ninh mới có số lượng cán bộ đông lúc nhúc mà
dân phải è cổ sưu cao thuế nặng để nuôi, tỉnh Bình Phước cũng chẳng thua
kém gì.
Theo một bài viết
trên báo điện tử của tỉnh Bình Phước hôm Chủ Nhật 22/12/2013, tỉnh này
thống kê có tất cả 905,300 đầu dân từ nhỏ tới lớn. Tuy nhiên, hiện từ
cấp tỉnh kể xuống tới cấp xã thôn đủ mọi ngành, bộ phận, có tổng cộng
những 45,120 ông bà cán bộ đang lãnh lương của nhà cầm quyền.
Tỉnh Bình Phước là phần lớn đất đai của hai tỉnh Bình Long và Phước
Long thời VNCH được nhập lại dưới thời Cộng sản. Đa số là đất rừng rồi
sau người dân khai phá bằng cả máu và nước mắt trong các đợt “kinh tế
mới” làm rẫy trồng điều, trồng cao su, hồ tiêu, ca cao và các loại hoa
màu khác. Các đồn điền cao su mênh mông ở Hớn Quản, Lộc Ninh, Xa Cát có
từ thời Pháp. Sau thì có thêm những loại cây kỹ nghệ hoặc hoa mầu mới
nhờ dân khai phá đất rừng.
Không có kỹ nghệ công nghiệp gì nên phần lớn dân chúng chẳng thuộc
loại giầu có nhưng, như báo của tỉnh này tiết lộ như nói trên, tính ra,
trung bình 20 người dân bất kể già trẻ lớn bé của tỉnh Bình Phước phải
cõng trên lưng một ông hay bà cán bộ.
Hồi giữa năm ngoái, dư luận cả nước đã bàng hoàng khi thấy báo Nông
Thôn Việt Nam (của bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) kể cho biết,
xã Quảng Vinh đói nghèo thuộc huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa có tất cả
2,000 hộ với 9,500 nhân khẩu mà hơn 30% được liệt vào loại “hộ nghèo”.
Xã này có tới hơn 500 ông bà các bộ. Đổ đồng, cứ 19 người dân bất kể lớn
bé phải è cổ nuôi một ông hay bà cán bộ.
Vì ngân sách nhà nước chỉ “rót” cho có 400 triệu không đủ để trả
lương cho đám cán bộ lúc nhúc đó, báo NNVN nói nhà cầm quyền xã đã bắt
dân phải đóng góp thêm tiền. Nếu không có tiền thì quy ra thành thóc rồi
nộp.
“Nhưng không đóng không được, bởi tất cả các khoản đều được quy ra
thóc, dân không tự nguyện thì cán bộ lấy lúa ngoài đồng. Đừng có hòng
chạy thoát. Mà giả sử có chạy đợt này thì xã lại ghi vào sổ nợ rồi cho
người đòi liên tục, đòi đến lúc nào thanh toán đủ mới thôi”, báo NNVN
ngày 26/6/2012 kể như vậy.
Theo báo NNVN, những gia đình nào trong xã còn làm ruộng, sản lượng
cứ 5 tạ thóc thì mất đứt một tạ nộp “phí”. Tổng cộng tất cả tới 19 thứ
“phí chính thức”, chưa kể những thứ “phí” không chính thức mà người dân
phải đóng không được nhà cầm quyền địa phương liệt kê trong sổ sách.
Tuần trước, báo Đất Việt cho hay một số không ít nông dân ở tỉnh
Thanh Hóa đã bỏ ruộng hoang vì sưu cao thuế nặng nên có làm ra hạt lúa
hạt gạo cũng không còn gì để bỏ vào mồm. Hiện phong trào bỏ ruộng hoang
đang lan nhanh trên nhiều tỉnh từ miền bắc như Nam Định, Thái Bình, miền
Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và tới cả miền nam như An
Giang vốn được coi là một trong những vựa lúa lớn ở đồng bằng sông Cửu
Long.
Mới đây, người ta thấy báo Lao Động ngày 18/12/2013 kể cho biết “UBND
phường Hồng Hải (TP Hạ Long) có 475 “cán bộ”, UBND thị trấn Mạo Khê
(huyện Đông Triều) có tới 639 công bộc hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách
nhà nước…”
Những điều “gây sốc” vừa kể cho thấy “chủ trương tinh giản bộ máy
hành chính tại đây (Quảng Ninh) đang bị đi ngược”, theo tờ Lao Động. Với
các con số do báo tỉnh Bình Phước nêu ra, nếu có những con số được
thống kê nghiêm chỉnh từ các tỉnh khác nữa, rất có thể người ta nhìn rõ
hơn cái chương trình “tinh giản biên chế” guồng máy cầm quyền của chế độ
Hà Nội nó trống đánh xuôi kèn thổi ngược ra sao.
Tư Ngộ/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét