Thịt chó mà nấu... giả cầy |
Từ đâu và từ thuở nào, con người tạo ra món giả cầy? Người ta nấu nướng món này thành một món ăn có hương có vị, có vẻ ngoài như một trong các món cầy (chó) nhưng không dùng thịt của bọn cẩu.
Đầu bếp dùng nguyên liệu là thịt heo, thịt vịt,
thịt ngan… để nấu giả món nai đồng quê và cùng thưởng thức
cái sự lừa dối ngọt ngào đó bằng danh xưng “giả cầy” dù rằng
về nội dung và có khi cả hình thức món ăn kiểu này hoàn
toàn không phải “cờ tây”.
Đôi chút dài dòng như vậy bởi con người, qua các
giác quan, khi thưởng thức món ăn này rõ ràng đã chấp nhận
một sự lộng giả thành chân từ đầu. Hoàn toàn không phải món
“giả cầy” là một thứ mạo nhận, hạ đẳng; càng không có dấu
chỉ mộc tồn là một thứ thượng đẳng. Giả mà đã biết tỏng là
giả rồi kia mà.
Đến mức cực đoan, có lần bạn tôi mang thịt chó
về hăm hở nấu cho chúng tôi thưởng món giả cầy. Tôi bảo thôi
hãy làm món thực cầy cho rồi nhưng hắn vẫn cứ nấu món giả
cầy và rồi đắc chí hỏi tôi: “Sao, tao nấu cầy có giống… giả
cầy không?”
Nấu món cầy mà muốn người ta biết là giả-cầy. Một sự gạt gẫm giác quan và tự lừa nhau lạ lùng thế kia a?
Giả trở thành thật, thật thành giả và rồi đến
lúc cái thực chất là cầy phải khoác áo giả cầy nhằm cho lũ
bạn lác mắt vì giả mà thật, thật mà giả. Các bên cười xòa
vì phô diễn tài nghệ, bốc phét đấu láo ở cõi ẩm thực vui
say…
Dân phòng hay... dân anh chị |
Còn ngoài đời thì sao? Thật với giả là như thế nào?
Một chiều đầu tháng 12.2013, nhân đọc thấy một
lời phê phán “dân phòng như thế này còn tệ hơn dân anh chị!”,
bất giác tôi tự hỏi cái gì là thực, cái gì là giả. Chi là
dân phòng thực? Mô là anh chị giả?
Thực sự tôi chưa từng gặp dân anh chị nào hành
xử phong cách dân phòng như ca này. Chính xác hơn, tôi đã gặp
những dân anh chị mã thượng hơn các dân phòng này.
Cũng thế, đầu tháng 11.2013, báo giới đưa tin
một tay công bộc nào đó đã xả lũ đúng-quy-trình làm thiệt
mạng bốn học sinh.
Những tin đó dẫn dắt người đọc đến liên tưởng
rằng liệu những công bộc (nô bộc của dân) và dân phòng (phòng
vệ cho dân) này phải chăng là những món giả- cầy mà không phải
là cầy giả dạng. Danh và thực đã khác.
Đó đích thị là chó chứ không phải là ngan,
vịt, heo, dê mà được khoác cho lớp áo cầy giả danh chỉ để nói
với bà con rằng “ông là cầy mà chúng mày cứ muốn khoác cho
ông áo “giả cầy” thì ông đành giả-không-là-cầy vậy!”
Khác với chuyện bếp núc ở trên, ở đây đâu cần
sự lác mắt của bạn bè vì cái tài nghệ tráo ngôi thật giả
mà tại đây chân ngụy đã phân minh, tiến lên hàng trơ tráo và
thách thức.
Chính thị cầy đã reo lên hồ hởi rằng “bố mày
là cầy và cứ thế đóng vai cầy giả đấy…” hoặc “ông là giả
cầy vì chúng mày hạnh phúc khi ông là cầy mà khoác áo giả
cầy.”
Những tiếng reo nhẫn tâm ấy bất cần biện hộ cho
những bàn tay bóp cổ méo mặt dân đen, tung hô cho những cần
gạt thủy điện ác độc, chà đạp những thân phận nằm chèo queo
bên cống rãnh hay mặc kệ những thi thể học sinh đã tan bủng ra
trong nước lũ vô tình.
Lê Vĩnh Trương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét