Đại sứ Nguyễn Thế Cường |
Ngô Nhân Dụng
Một nhân viên ngoại giao có thể vi phạm luật pháp nước khác được không?
Bà Devyani Khobragade, phó tổng lãnh sự của Ấn Ðộ tại New York, đang vô tình
gây ra một xung đột nhỏ giữa hai nước, sau khi bà bị biện lý bắt điều tra và tố
cáo bà phạm luật. Chắc vụ xung đột này sẽ được hai chính phủ dàn xếp nhanh,
nhưng sẽ để lại một bài học, không chỉ riêng cho các nhà ngoại giao.
Bà Devyani Khobragade, 39 tuổi, bị tố cáo đã khai man khi
xin chiếu khán (visa) cho một người làm công. Cô ôsin này, và người chồng được
đưa từ Ấn Ðộ qua trông con và làm những việc vặt trong nhà. Trên đơn xin visa,
bà ghi là sẽ trả công cô 4,500 đô la mỗi tháng. Trong thực tế, cô chỉ nhận được
573 đô la. Nếu cô chỉ làm 40 giờ một tuần thì tính ra lương mỗi giờ là hơn 3 đô
la. Lương tối thiểu ở New York
là 7.25 đô la mỗi giờ. Chính gia đình cô ôsin sang Mỹ đã đứng ra tố cáo cho nên
bà Khobragade bị bắt, rồi được trả tự do sau khi đóng 250,000 đô la tiền thế
chân.
Báo chí bên Ấn Ðộ loan tin này, với các chi tiết do bà
Khobragade kể trong email gửi cho các
đồng sự. Bà than đã bị còng tay, bị lột
áo để khám xét như một tội phạm, trong lúc mới đưa con đến trường học. Chính phủ
Ấn Ðộ phản đối mạnh mẽ. Ðể trả đũa, họ gỡ bỏ hàng rào bảo vệ an ninh quanh sứ
quán Mỹ. Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đã điện thoại cho ông cố vấn anh ninh của
chính phủ Ấn Ðộ, bày tỏ ý “ân hận” (regret), là một cách xin lỗi. Một ông bộ
trưởng Ấn Ðộ nói rằng chỉ “ân hận” thôi chưa đủ. Thân phụ bà Khobragade tuyên
bố ông sẽ tuyệt thực nếu chính phủ Mỹ không xin lỗi con ông. Ông còn nói sẽ
không thèm nhận tiền bồi thường, nếu có, “Vì chúng tôi không phải ăn mày!”
Ngoại Trưởng Ấn Ðộ Salman Khurshid yêu cầu chính phủ Mỹ hủy
bỏ ngay lập tức việc truy tố nhà ngoại giao của nước ông. Nhưng lời yêu cầu này
có nghĩa là ông đang đòi ngành hành pháp nước Mỹ can thiệp vào công việc của
ngành tư pháp. Một quy tắc được ghi trong Hiến pháp cả nước Ấn Ðộ lẫn nước Mỹ
là hệ thống tư pháp có quyền độc lập.
Người gây ra cơn bão ngoại giao này là Biện Lý khu Nam New
York, Preet Bharara, 45 tuổi. Ông này rất nổi tiếng, đã từng được tuần báo Time
liệt kê danh sách trong 100 người “quyền lực” mạnh nhất, nhất “thế giới” chứ
không riêng nước Mỹ. Trong cuộc đời biện lý, ông đã điều tra và truy tố những
tội phạm mafia thuộc các “gia đình” Gambino và Colombo nổi tiếng. Văn phòng ông
phụ trách truy tầm hơn bảy tỷ (7.2) đô la để trả lại cho một số nạn nhân của
tay đại bịp Bernard L. Madoff, người đã đánh lừa hàng trăm triệu phú và nhiều
tỷ phú. Ông đang lo truy tố các nhân viên công ty tài chánh của Madoff. Từ năm
2009, Preet Bharara mở cuộc điều tra 60 nhà đầu tư Wall Street phạm luật dùng
tin tức mật để thủ lợi, đến nay còn đang tiếp tục. Tình cờ, mấy tay đứng đầu
nhóm này cũng là mấy người gốc Ấn Ðộ, giống như Preet Bharara. Cho nên không ai
có thể nghi ngờ nền tư pháp nước Mỹ kỳ thị.
Bà Davyani Khobragade bị bắt ở New York. Photo Courtesy:reuters/Mohammed Jaffer/SnapsIndia |
Trong vụ bắt bà Khobragade, Preet Bharara nhấn mạnh động cơ
duy nhất là “bảo vệ luật pháp, bảo vệ nạn nhân bị bóc lột, và buộc những người phạm
luật phải chịu hậu quả, dù họ giầu có, quyền thế hay có liên hệ quan trọng như
thế nào.” Ông minh xác bà Khobragade không hề bị còng tay. Việc một nữ cảnh sát
khám xét bà là thông lệ với bất cứ người nào bị giữ điều tra. Bà Khobragade
được nhân viên Bộ Ngoại Giao đối xử lễ độ, họ để cho bà ngồi trong xe của mình
gọi điện thoại, còn mua cà phê và đề nghị mua thức ăn cho bà.
Chính phủ Ấn Ðộ làm ồn về vụ này cũng vì năm tới sẽ tổng
tuyển cử, đảng đối lập Bharatiya Janata nhân cơ hội đang công kích chính phủ.
Ông Yashwant Sinha, cựu ngoại trưởng trong chính phủ Janata trước đây đã yêu cầu
Ấn Ðộ phải trả đũa bằng cách bắt mấy nhà ngoại giao Mỹ đồng tính luyến ái, theo
một đạo luật có từ trước khi Ấn Ðộ độc lập. Vì vậy, đương kim Ngoại Trưởng
Salman Khurshid phải lớn tiếng. Ông bênh vực nhân viên của mình: “Ðiều tệ nhất
mà người Mỹ có thể kết tội bà ta là không trả lương người làm công theo luật
(lương tối thiểu) của nước Mỹ.” Ông biện hộ: “Lương nhân viên ngoại giao của Ấn
Ðộ không được cao như lương Mỹ.”
Bà Khobragade là người thứ ba bị lôi thôi về việc trả lương
người làm. Năm 2011, một cô làm công đã tố cáo ông Prabhu Daval bắt cô làm việc
như nô lệ, giữ giấy thông hành, hộ chiếu của cô. Năm 2010, một quan tòa New
York đã phán bà Neena Malhotra và chồng phải bồi thường cho cô người làm một
triệu rưỡi đô la vì không trả lương và đối xử với cô “một cách man rợ.” Khi một
nhà báo hỏi ông Khurshid tại sao không rút bà Khobragade về, sau khi chính phủ
Mỹ đã báo trước rằng bà phạm luật nước Mỹ từ tháng 9, vị ngoại trưởng Ấn Ðộ đã
trả lời: “Chúng tôi đâu có ngờ lại xảy ra chuyện như thế này!”
Một nhà ngoại giao khác cũng không học được chữ ngờ là ông
Nguyễn Thế Cường, đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Báo Bild ở Ðức mới loan tin
ông Nguyễn Thế Cường bị bắt giữ tại phi trường Frankfurt, vì mang theo hai chục
ngàn đồng Euro mà không khai báo! Quan thuế Ðức giữ ông để điều tra vì nghi ông
đang đi tửa tiền. Nước Ðức vẫn là nơi được nhiều quan chức lớn chiếu cố mở tài
khoản trong ngân hàng. Số tiền 20,000 tiền mặt tương đương với 27,000 đô la Mỹ,
mà luật lệ các nước thường bắt ai mang 10,000 đô la đều phải khai báo số tiền
đó ở đâu ra, tại sao không dùng ngân phiếu mà lại dùng tiền mặt. Một ông đại sứ
chắc phải biết luật. Ông Nguyễn Thế Cường không theo luật chắc vì khó khai báo.
Chỉ khi bị câu lưu ông mới khai đó là tiền nhân viên sứ quán ở Thổ Nhĩ Kỳ quyên
góp các nạn nhân bão lụt ở Việt Nam!
Mạng lưới Vietinfo.eu nhặt được câu chuyện này trên báo Bild
vào lúc nửa đêm ngày 19 tháng 12; vừa loan tin ra nội trong ngày 20 tháng 12 người
Việt khắp thế giới bàn tán. Người ta hỏi: Tại sao tiền giúp nạn nhân bão lụt
không thể chuyển qua các ngân hàng được mà phải đem cả đống tiền mặt đi một
vòng từ Thổ Nhĩ Kỳ qua nước Ðức? Tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam đã phản đối
quan thuế Ðức về vụ bắt giữ ông Nguyễn Thế Cường, coi là vi phạm công ước quốc
tế về quyền đặc miễn của các nhân viên ngoại giao. Nhưng họ lại chỉ gửi “thông
điệp miệng” (Verbalnote trong tiếng Ðức). Tại sao không gửi văn thư chính thức?
Ông Nguyễn Thế Cường qua Ðức trong một nhiệm vụ ngoại giao, hay là đi việc
riêng? Nếu vì công vụ, tại sao ông ta không dùng các thủ tục đem hành lý theo
quy chế ngoại giao, để khỏi bị khám xét? Hay là ông nghĩ chắc chẳng ai lại đi
hỏi một ông đại sứ, dù đại sứ của Việt Nam mà lại ở Thổ Nhĩ Kỳ, về một sấp
tiền mặt 20,000 quá nhỏ. Nhưng tại sao quan thuế Ðức lại đi xét hỏi túi xách tay
của một hành khách từ chuyến máy bay Turkish Airlines 1619 từ Ankara tới Rhein-Main? Có người nào mật báo
khiến cho hải quan Ðức đặc biệt chiếu cố?
Bây giờ nếu ai nêu lên mấy câu hỏi đó, chắc ông Nguyễn Thế
Cường cũng trả lời như Ngoại Trưởng Ấn Ðộ Salman Khurshid: “Ðâu có ngờ lại xảy
ra chuyện như thế này!”
Ngoại Trưởng Khurshid không học được chữ ngờ. Có lẽ vì trong
xã hội Ấn Ðộ, những người giầu sang như bà Khobragade vẫn quen bóc lột người làm
công mà không ai thắc mắc. Ở xứ Ấn Ðộ, một người vi phạm luật pháp với một tội
nho nhỏ như khai man trong đơn xin visa chắc ai cũng thấy là đáng bỏ qua. Không
ai đụng tới những người giầu có và quyền thế! Nước Ấn Ðộ đã sống mấy ngàn năm
với một hệ thống đẳng cấp, người thuộc đẳng cấp cao coi thường tất cả các đẳng
cấp thấp hơn. Những người giầu sang có thể phạm luật nhưng không lo, họ không
thể bị truy tố. Tuy đã sống dưới chế độ tự do dân chủ hơn nửa thế kỷ, những
thói quen ngàn năm đó vẫn chưa bỏ được. Ở nước Ấn Ðộ chỉ cần nghe tên một người
là biết người đó thuộc đẳng cấp nào. Một kỹ sư Ấn Ðộ thuộc đẳng cấp thấp được
tuyển vào làm trong một công ty lớn. Anh được đón tiếp, được giải thích là trong
công ty tất cả mọi người đều bình đẳng. Các bạn đồng sự chuyện trò vui vẻ, nồng
nhiệt, lương anh được trả ngang với các kỹ sư cùng khả năng, dù họ thuộc các
đẳng cấp cao hơn. Nhưng trước bữa ăn đầu tiên, một bạn đồng nghiệp ghé tai anh
dặn dò: “Anh nhớ dùng cái nhà vệ sinh ở chỗ đầu nhé, cái toilet ở đầu này dành
cho những người thuộc đẳng cấp chúng tôi đấy.” Nền văn hóa phân biệt, kỳ thị
đẳng cấp mấy ngàn năm rất khó xóa bỏ. Ông Khurshid đâu có ngờ ở nước Mỹ nó
khác. Trước pháp luật, tất cả mọi người được đối xử như nhau!
Ông Nguyễn Thế Cường không học được chữ ngờ cũng vì ông quen
sống như một người thuộc đẳng cấp cao nhất ở nước Việt Nam. Các đảng
viên cộng sản đã là một đẳng cấp được ưu tiên rồi. Bên trong đảng, mỗi người cố
leo lên những đẳng cấp cao hơn nữa. Hệ thống đẳng cấp trong xã hội đã được phân
chia thành nếp từ nửa thế kỷ nay. Trước đây, ngay cả việc đi chợ cũng phân biệt
có hệ cấp rõ ràng: “Tôn Ðản là của vua quan; Vân Hồ là của trung gian nịnh
thần; Ðồng Xuân là của thương nhân; Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.”
Những người đã quen sống trên đầu trên cổ “nhân dân anh
hùng” đâu có ngờ khi bước chân xuống phi trường một nước dân chủ tự do nó lại
coi mình cũng như mọi người dân bình thường!
Nguyễn Thế Cường chưa sống trong một xã hội có những người
như Preet Bharara. Họ làm bổn phận bảo vệ luật pháp, và “bắt những người phạm
luật phải chịu hậu quả, dù họ giầu có, quyền thế hay có liên hệ lớn như thế nào.”
Nước Việt Nam
cần có nhiều người như Preet Bharara trong ngành tư pháp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét