Ads 468x60px

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Một thế hệ bạo hành mới đang được đào tạo?

Đỗ Đăng Liêu
Đoạn video có tên là “Giáo viên mầm non bóp cổ, bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt trẻ“ (1) rất khó xem. Đoạn video này, dài 8 phút 11 giây, được ai đó tung lên youtube. Người xem có cảm tưởng là chính mình bị tra tấn. Đoạn video thu những hình ảnh thật, mà có lẽ người thực hiện đã lén thu được, tại Trường Mầm Non Phương Anh, nhận giữ trẻ từ 1 tới 4 tuổi, ở số 18 Đường Hiệp Bình - Phường Hiệp Bình Phước, Sài gòn, số điện thoại 0933 140 535 và 0908 102 798.
Trong video người ta thấy cô giáo trẻ tên Nguyễn Thị Điều đã làm những việc khó có thể tưởng tượng nổi. Cô Điều ngồi đối mặt với một bé trai, khoảng 2 tuổi. Cô cho bé ăn cháo. Cô đút cháo với tốc độ nhanh làm bé nuốt không kịp. Lập tức cô bẻ đầu, dúi đầu bé về một bên khiến người bé ngả ngang người. Lần khác, khi bé không kịp nuốt, cô dúi đầu bé xuống, người bé gập làm hai, và cô dúi đầu bé vào hạ bộ của cô. Cô lập đi lập lại động tác này 4 lần liên tiếp, và mỗi lần dùng hai bàn tay đánh mạnh vào hai bên sườn bé và trên lưng bé bỏng của đứa bé. Người ta không nghe tiếng bé khóc. Chắc đã bị nhiều lần nên quen đòn chăng?
Với một bé gái khác, bị đút lia lịa khiến nuốt cháo không kịp, bé đã ói thức ăn thẳng vào bát cháo. Lập tức cô Điều đứng phắt dậy, mở nắp một chiếc thùng phuy lớn cao gần bằng cô. Đến đây thì dường như bé đã biết chuyện gì sắp xẩy ra nên khóc, níu tay, vỗ vào đùi cô và ôm lấy chân cô ý như van xin cô đừng trừng phạt. Nhưng cô lạnh lùng tiếp tục hình phạt. Cô nhấc bổng đứa bé đang sợ hãi la hét lên, dốc ngược đầu bé xuống vé dúi đầu vào trong chiếc phuy lớn kia (không biết chứa gì trong đó) giống như cảnh cai tù trấn nước tội nhân khiến đứa bé khóc ngất. Sau đó màn đút ăn lại tiếp tục với cháo đã bị ói ra trong bát.
Lời người thuyết minh là “không hiểu động lực nào có thể khiến cho một cô gái trẻ còn rất trẻ này có thể hành hạ một đứa bé với những hành động độc ác thế này“.
Sau đó là cảnh người “bảo mẫu“ thứ nhì là bà Phương và cô Điều cho vài đứa bé ăn sáng. Và như lời người thuyết minh nói, là “các bé chưa được ăn sáng thì đã bị ăn đòn“. Các bé bị đánh, bị tát túi bụi vào mặt, vào người,vào bàn tay, lấy ngón tay trỏ dí mạnh vào màng tang.
Khủng khiếp là cảnh bà Phương hai tay nắm lấy thân hình một bé trai và lắc (2) thật mạnh khiến đầu bé giật tới giật lui liên hồi. Người thuyết minh nói: “chỉ trong vòng 1 phút đồng hồ mà bà Phương đã nắm áo tát tai bé đến 28 lần vào mặt, vào người, vào lưng bé“.
Đứa bé này dù bị đánh và tát rất mạnh khiến người xiêu vẹo đi nhưng chỉ nhìn bà Phương trừng trừng chứ không hề khóc.
Khủng khiếp hơn nữa là cảnh một bé (chỉ khoảng 1 tuổi) bị bế và bị đút cháo và sữa vào miệng khi bé nằm ngửa. Bé oẹ và ói ra nên đã bị người bảo mẫu bịt mũi để buộc bé phải nuốt bằng miệng.  Đứa bé này cố gắng nuốt cơm nuốt cháo trong khi nước mắt chảy liên tục trên má trên mặt.
Việc khiến người xem phải suy nghĩ là sau khi bị cô Điều hành hạ và trừng phạt như trên thì các bé không khóc và tiếp tục làm những gì cô muốn, điều đó chứng tỏ các bé này đã rất quen thuộc với các hình phạt. Phần cô Điều thì khi trừng phạt các bé với những hành động tàn độc kia cô không giận dữ, không quát tháo mà chỉ làm những hành động trên một cách rất tự nhiên như đã từng làm rất nhiều lần trước đó chứ không phải vì bất chợt nổi nóng mà làm như vậy.
Đã đành là những việc làm sai trái của bà Phương và cô Điều phải bị pháp luật trừng trị (3) nhưng điều đáng quan tâm là vì đâu lại xẩy ra những trường hợp hành hạ trẻ em khủng khiếp như vậy ở đầu thế kỷ 21 này?
Phải chăng đây là phương pháp dạy dỗ và phạt trẻ em bình thường và phổ quát ở mọi nơi khác trong xã hội Việt Nam hiện nay?
Phải chăng chính phương thức giáo dục này dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghiã đã sản sinh ra những tay công an tàn bạo đánh đập và giết hại người dân tại các đồn công an trong thời gian qua?
Đỗ Đăng Liêu
Ghi chú:
(2) Shaken baby syndrome (SBS) tạm dịch là Hội Chứng Trẻ Em Bị Lắc là một số triệu chứng vô cùng nguy hiểm nơi các trẻ em vì bị lắc mạnh đầu gây ra, làm não bộ của trẻ bị thương. Lắc trẻ em là một hành động bị luật pháp cấm kỵ theo luật bảo vệ trẻ em.
Tương tự, các hành động như tát vào mặt trẻ em như bà Phương và cô Điều làm đều bị luật pháp ngăn cấm.
(3) Nghe đâu một số phụ huynh của các trẻ em nói trên đã đưa vấn đề ra pháp lý.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét