Ads 468x60px

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Tổng thống Mỹ bắt tay chủ tịch Cuba trong tang lễ Nelson Mandela

Cái bắt tay giữa Tổng thống Obama và
Chủ tịch Cuba Raul tại tang lễ
cố Tổng thống Nelson Mandela.
(Hình: Getty Images)
Tổng Thống Barack Obama bắt tay với chủ tịch nhà nước Cuba Raul Castro hôm Thứ Ba trong tang lễ của nhà tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc Nelson Mandela, một cử chỉ giản dị nhưng gây nhiều bàn tán cho rằng sẽ có sự tiến gần giữa hai quốc gia thù nghịch thời Chiến Tranh Lạnh.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba diễn ra trong buổi lễ ca ngợi những nỗ lực hòa giải trong cuộc đời của vị cựu tổng thống Nam Phi. Ông Obama chào đón các vị lãnh đạo thế giới tham dự tang lễ ở Johannesburg trước khi đọc điếu văn, trong đó ông kêu gọi các thế hệ sau này hãy đi theo con đường ông Mandela đã vạch ra.
Hơn 50 năm sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba, sự kiện này là điều vô cùng hiếm thấy, nếu không muốn nói là lịch sử. Từ trước đến nay các giới chức Mỹ không bao giờ để tổng thống Mỹ phải chạm mặt chủ tịch nhà nước Cuba, dù chỉ là đi phớt ngang qua.
Truyền hình trực tiếp tang lễ ông Nelson Mandela cho thấy, Chủ Tịch Raul Castro đứng cạnh nữ Tổng Thống Dilma Rousseff của Brazil. Trong khi đó, ông Obama từ phía dưới, bước lên các bậc thang khán đài, và bắt tay nhà lãnh đạo Cuba, thật chặt. Chủ Tịch Castro có nói gì đó và ông Obama ghé tai nghe.
Ông Obama cũng chào hỏi nữ Tổng Thống Brazil, bà Dilma Rousseff và hôn lên má bà này, cả hai bên. Ông Obama và bà Rousseff đã từng đụng độ về tin tức cho rằng cơ quan tình báo điện tử NSA đã theo dõi điện thoại riêng của bà. 
Vào năm 2009, ông Obama cũng gây nhiều bàn tán khi bắt tay cố Tổng Thống Venezuela, ông Hugo Chavez, người thường hay chỉ trích nước Mỹ, tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Châu. 
"Chúng ta không nên hy vọng nhiều qua hành động này. Quan hệ giữa Mỹ và Cuba sẽ không thay đổi ngay ngày mai, sau cái bắt tay," ông Geoff Thale, một phân tích gia chuyên về Cuba tại Washington, DC, được AP trích lời nhận xét.  
Ông so sánh chuyện ở Nam Phi với một sự kiện xảy ra hồi năm 2002, khi Tổng Thống Vicente Fox của Mexico lúc đó đã phải mời Chủ Tịch Fidel Castro của Cuba ra khỏi phòng để ông này không phải "đụng độ" Tổng Thống George W. Bush của Mỹ.
"Chuyện xảy ra tại Nam Phi hoàn toàn ngược lại," ông Thale nói. "Đó là một tia hy vọng, và đó là một dấu hiệu cho thấy có tiển triển trong quan hệ giữa hai nước, dù là rất nhỏ."
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với cái bắt tay này.
"Có khi, bắt tay chỉ là bắt tay, nhưng khi một nhà lãnh đạo thế giới tự do bắt bàn tay nhuốm máu của một nhà độc tài tàn bạo như ông Raul Castro, nó có thể là sự tuyên truyền cho một bạo chúa," nữ Dân Biểu Ileana Ros-Lehtinen (Cộng Hoà-Florida), một người gốc Cuba và từng là chủ tịch Uỷ Ban Ngoại Giao Hạ Viện, được trích lời nhận xét.
Cái bắt tay giữa ông Obama và ông Castro là lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Cuba, kể từ khi Tổng Thống Bill Clinton bắt tay Chủ Tịch Fidel Castro tại Liên Hiệp Quốc hồi năm 2000.
Cũng tại tang lễ ông Mandela, Tổng Thống Obama chào Tổng Thống Hamid Karzai của Afghanistan một cách lấy lệ. Ông Karzai hiện chưa chịu ký hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ trước khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2014.
Ông Ben Rhodes, cố vấn của Tổng Thống Obama, nói rằng những vụ bắt tay này không được sắp đặt trước và những người bắt tay không nói với nhau điều gì quan trọng.
"Tổng thống không nghĩ đây là dịp để trao đổi liên quan đến quan hệ song phương," ông Rhodes nói với báo giới trên máy bay Air Force One trong lúc bay về Mỹ. (V.Giang, Đ.D.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét