Ads 468x60px

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Truyền thống Giáng Sinh ở khắp nơi trên thế giới

Hà Giang/Người Việt
Khởi đi từ nhiều truyền thống khác nhau, ngày nay Lễ Noel trên thế giới là một dịp đoàn tụ, ngày những người con xa nhà, dù bất cứ ở đâu, cũng gắng đưa vợ chồng con cái về quây quần tụ họp dưới mái ấm của đại gia đình. Giáng Sinh còn là dịp để mọi người tỏ tình yêu thương, và bộc lộ quan tâm đến bạn bè và người xung quanh.
 Hàng nghìn người Palestine và khách du lịch đổ xô đến Bethlehem 
để xem quang cảnh mừng lễ Giáng Sinh với hang đá tại thành phố Bethlehem, 
được cho là nơi sinh của Chúa Giêsu Kitô, vào ngày 24 Tháng Mười Hai năm 2013. 
 (Hình: HAZEM Bader / AFP / Getty Images)
Mùa Giáng Sinh năm nay, mời quý độc giả cùng ôn lại những truyền thống mừng lễ Giáng Sinh ngày xưa tại nhiều nơi trên thế giới.
Congo
Tại Congo, sinh hoạt Noel chính thức bắt đầu khi ban tổ chức cho cuộc thi hoa hậu hàng năm được thành lập, thế rồi các cô gái đẹp trong làng nô nức rủ nhau đi tranh dành tước hiệu “hoa hậu Giáng Sinh.”
Từ sáng sớm ngày Giáng Sinh, ca đoàn kéo nhau vừa đi bộ vừa hát nhạc mừng Chúa ra đời trên khắp các con đường làng. Họ đi qua ngôi nhà của những nhà truyền giáo, qua hết nhà dân cư trong làng, và cuối cùng thì tụ họp về nhà thờ.
Cũng giống như tập tục may sắm để ăn Tết của người Việt Nam, dân Congo diện bộ quần áo đẹp nhất, "chiến" nhất để đi dự lễ.
Tại nhà thờ, nghi thức quan trọng nhất là cống hiến, cho Chúa và cho nhau. Mỗi người tham dự lễ đều mang đến một món quà, lần lượt xếp hàng đặt quà của mình trên một chiếc bàn cao kê gần bàn thờ. Món quà này, sau Thánh lễ sẽ được mang tặng cho những người nghèo khó trong làng.
Sau Thánh lễ, những gia đình có điều kiện, bày một bàn tiệc ra trước cửa nhà, chia sẻ sự may mắn và sung túc của mình với bạn bè và làng xóm.
Bangladesh
Tại Bangladesh, Giáng Sinh không phải là một ngày lễ lớn. Tuy nhiên trong những xóm đạo, tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng có những truyền thống mừng ngày Noel của riêng họ.
Vài ngày trước Noel, những thanh niên lực lưỡng trong xóm đạo sẽ tìm những cây chuối lớn có thân thẳng nhất và tàn lá lớn nhất đốn về để ở một nơi. Họ trồng những cây chuối này hai bên con đường chính dẫn đến nhà thờ. Những cây còn sót lại được mang trồng trước nhà những vị “chức sắc.” Sau đó, một số thanh niên trong nhóm sẽ uốn những chiếc lá chuối lớn khổng lồ, tạo thành một cái vòm, lấy giây lạt cột lại cho hai vòm lá giao nhau tạo thành một con đường rợp mái lá.
Những thanh niên còn lại dựng một loạt cọc tre tươi bên cạnh những thân chuối, và đổ dầu vào khúc rỗng phía ngọn của cọc tre. Đến đêm Noel, khoảng hai giờ trước khi cử hành Thánh lễ, những ngọn đèn dầu thiên nhiên được thắp sáng lung linh, đủ để chiếu sáng đoạn đường đưa đến nhà thờ.
Bethlehem
Ở thị trấn Bethlehem, ngay tại nơi có hang cỏ mà Chúa Giêsu được sinh ra cách đây hơn hai ngàn năm, mỗi dịp Giáng Sinh, người ta lập nên một hang đá vĩ đại, được trang trí lộng lẫy, với cờ bay lộng gió xung quanh. Trong đêm Giáng Sinh, giữa tiếng chuông vang lừng, cả người bản xứ lẫn du khách vây quanh cửa nhà thờ, hay đứng trên mái nhà cao để xem một đoàn rước được diễn ra hết sức trang trọng.
 Hoạt cảnh Chúa Giáng Sinh trong buổi lễ ra mắt của hang đá 
tại quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican, trên 24 Tháng 12 năm 2013, 
trong lúc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm người tiền nhiệm Benedict XVI trong dịp chuẩn bị ăn mừng Giáng sinh đầu tiên của mình trong vai trò lãnh đạo của Giáo Hội. 
(Hình:  Filippo MONTEFORTE / AFP / Getty Images)
Một đoàn kỵ binh phi nước đại và cảnh sát cưỡi những con ngựa Ả Rập dẫn đầu cuộc diễu hành, kế đến là một kỵ mã ngồi trên con ngựa ô, rước cây thánh giá lớn. Theo chân thánh giá là các tu sĩ và quan chức chính phủ. Đoàn rước long trọng bước vào nhà thờ đặt một hình nộm cổ của Chúa Hài Nhi trên bàn thờ.
Khắp thị trấn, nhà của tín đồ Thiên Chúa Giáo được đánh dấu bằng một cây thánh giá được sơn trên cửa, và mỗi gia đình sẽ trưng bày một máng cỏ nhỏ do gia đình mình tự thiết kế. 
Đức
Tại Đức, cứ gần đến ngày lễ Noel là trẻ em treo mẫu tự đầu tiên của tên mình lên cửa sổ chính để chờ đón Christkind, một thiên thần mặc áo choàng trắng và đội vương miện vàng, đến tặng quà.
Người ta có thể đếm số mẫu tự cái trên cửa sổ này để biết là có bao nhiêu trẻ con trong nhà. Để lôi cuốn Christkind, các em đua nhau trang hoàng những chữ cái này sao cho lộng lẫy nhất. Thường thì một lớp keo được phết lên mẫu tự, rồi các lớp đường đủ màu được phớt lên để tạo ra sắc màu lóng lánh.
Trong khi trẻ con trang hoàng mẫu tự, người lớn ở Đức xúm nhau làm những ngôi nhà rất đẹp bằng một loại bánh quy tên là Gingerbread, với mái ngói được tô điểm bằng những viên kẹo đủ màu. Tại bàn ăn của tiệc Giáng Sinh, căn nhà Gingerbread được dùng thay cho bình hoa để giữa bàn. 
Ở một góc nhà, những gia đình khá giả còn có cây Noel lớn được làm bằng một khối bánh màu trắng hình cây thông để dễ trang hoàng.
Nhật Bản
Mặc dù chỉ có 1 tỷ lệ nhỏ người Nhật theo đạo Thiên Chúa, hầu hết người dân Nhật Bản trang trí cửa hàng và nhà cửa của họ với thông xanh trong dịp lễ Giáng Sinh.
Ở Nhật, Giáng Sinh không có lễ mừng Chúa ra đời tưng bừng, không có những đoàn người hát nhạc Giáng Sinh đi hát khắp nơi. Nhưng mọi người Nhật đều tặng quà cho nhau trong dịp lễ này. Trong các thói quen mừng Lễ Giáng Sinh, đây là điểm người Nhật thích nhất.
Vai trò phát quà cho trẻ em được trao cho một tu sĩ Phật giáo gọi là Hotei-osho, người được xem là ông già Noel của Nhật.
Khác với ông già Noel, ông Hotei-osho không chui vào phòng qua lò sưởi, mà mang quà đến để trước mọi cửa nhà. Trẻ con Nhật tin rằng ông Hotei-osho có mắt ở phía sau đầu, và biết các em có ngoan hay không. Vì thế, thường thì đến ngày Noel, trẻ em Nhật rất ngoan, để đề phòng trường hợp ông định ghé qua nhà rồi bỏ đi, vì thấy các em ... hư quá.
Ngay cả trong những gia đình Thiên Chúa Giáo, Giáng Sinh tại Nhật không phải là một ngày dành cho gia đình, mà là cho tha nhân. Người ta không rủ nhau đi lễ rồi về nhà ăn tiệc nửa khuya mà cùng nhau đi thăm những người kém may mắn, đặc biệt là tại các nhà thương, hay các cô nhi viện.
Phi Luật Tân
Phi Luật Tân là quốc gia châu Á duy nhất có đại đa số dân theo đạo Thiên Chúa. Lễ kỷ niệm Giáng Sinh tại đây bắt đầu chín ngày trước khi Giáng Sinh, với thánh lễ gọi là Misa de Gallo. Trong buổi lễ, câu chuyện về sự ra đời của Chúa Kitô được đọc từ Kinh Thánh.
Tiếp đến, cuộc thi Panunuluyan được tổ chức đúng vào đêm Giáng Sinh, qua đó một cặp vợ chồng được chọn tái tạo cảnh Joseph và Mary đi tìm nơi trú ngụ trong đêm tối. Cặp vợ chồng được chọn trong cuộc thi Panunuluyan tin rằng họ được ân sủng riêng của Thiên Chúa.
Thánh Lễ được tổ chức hàng giờ trong ngày Giáng Sinh để tất cả mọi người có thể tham dự. Nghi thức cử hành lễ gồm một vở kịch dựa trên truyền thuyết về sự ra đời của Chúa Kitô. Vở kịch được kết thúc với một ngôi sao sáng từ trên nóc nhà thờ xẹt xuống, theo đúng như lời ghi của thánh kinh.
Ý Đại Lợi
Mùa Giáng sinh ở Ý kéo dài suốt ba tuần lễ, bắt đầu từ 8 ngày trước lễ Giáng Sinh, được gọi là Novena. Trong khoảng thời gian này, trẻ em đi từ nhà này sang nhà khác đọc những bài thơ và hát nhạc Giáng Sinh. Mọi nhà được các em dừng lại hát đều cho các em tiền để mua quà.
Người dân Ý ăn mừng lễ bằng một bữa tiệc linh đình 24 giờ trước đêm Giáng Sinh, bữa tiệc được kết thúc bằng một tiệc trà nhẹ, trong đó có một chiếc bánh ngọt gọi là Panettone, và kẹo sô ca la.
Trong buổi trưa ngày Giáng Sinh, Đức Giáo Hoàng đứng ở quảng trường Vatican, ban phước lành cho tất cả mọi người.
Trẻ con ở Ý chỉ khổ tâm một điều là phải đợi đến ngày Hiển Linh, tức ngày 06 tháng Giêng mới được nhận quà. Theo truyền thống, quà được bà Befana, một bà phù thủy xấu xí cưỡi cây chổi, mang đến trao. Tục truyền rằng Ba Vua đã báo cho bà phủ thủy này biết là Chúa Giê Su ra đời, nhưng bà nại cớ phải đi trao quà cho trẻ con để không đến thăm hang đá.
Hoa Kỳ
Giáng sinh là một trong những ngày lễ lớn ở Mỹ, được mọi người ăn mừng khắp nơi, bất kể tín ngưỡng.
Đa số tín đồ Thiên Chúa Giáo mừng ngày Chúa ra đời bằng cách tham dự thánh lễ vào chiều hay tối ngày 4 tháng 12, theo sau là một bữa ăn tối chung trong gia đình và trao quà vào lúc nửa đêm.
Từ chiều 24, đường phố đã vắng tanh không còn ai qua lại. Ngày 25 tháng 12, hầu hết mọi cửa tiệm đều đóng cửa, mọi người ngủ dậy trễ, quanh quẩn trong nhà, và chiều đến lại tụ họp ăn uống, tiếp tục câu chuyện từ tối hôm trước.
Tuy ngày nay tập tục mừng Giáng Sinh của Hoa Kỳ trên mọi tiểu bang đều giống nhau, trước đây, cách ăn mừng giữa các vùng có sự khác biệt, vì sự đa dạng của các dân tộc đã định cư ở đó.
Nhiều người định cư Châu Âu đầu tiên mang nhiều truyền thống của họ đến Hoa Kỳ. Đa số định cư ở miền Nam nước này. Họ gửi lời chúc mừng Giáng Sinh đến người láng giềng bằng cách bắn súng và bắn pháo hoa.
Ở Hawaii cho đến bây giờ, người ta vẫn bắn súng và bắn pháo bông dưới bầu trời đầy nắng, ông già Noel thì đến trong quà bằng thuyền, còn bữa tối Giáng Sinh được ăn ở ngoài trời.
Ở Alaska, một ngôi sao gắn trên cây cột được mang từ nhà này qua nhà khác, theo cây sao là những người cố gắng để nắm bắt những ngôi sao. Nhà của dân địa phương thường được trang trí với dứa, một biểu tượng của lòng hiếu khách.
Tại Hoa Thịnh Đốn, một cây thông vĩ đại được trang hoàng hết sức lộng lẫy. Cây thông này được thắp lên khi vị tổng thống đương thời nhấn một chiếc nút làm tất cả các ngọn đèn điện được gắn trên cây đồng loạt sáng trưng lên.
Bữa tiệc Giáng Sinh truyền thống ở Mỹ là gà tây nướng với rau củ và nước sốt gravy. Món tráng  miệng là một bánh Giáng Sinh đầy trái cây cắt nhỏ béo ngọt và tẩm rượu brandy thơm cay.
Việt Nam
Chỉ khoảng 8% dân Việt Nam theo đạo Thiên Chúa, nhưng ngày nay ở Việt Nam lễ Noel dần dần được xem như một ngày lễ chung.
Noel ở Việt Nam thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong mùa Noel, các hang đá lớn làm bằng giấy được dựng bên cạnh các cây thông trang hoàng lộng lẫy khắp nơi.
Thông ở Việt Nam không nhiều, nên đa số cây Noel được làm bằng nhựa, trên cây là những chùm đèn lấp lánh, và những gói quà nhỏ lớn được treo lên cành, nói chung tập tục đi dự thánh lễ, ăn tiệc nửa đêm, tặng quà cho nhau, cũng giống như các nước Tây Phương.
Giống như mọi nơi trên thế giới, Noel ở Việt Nam là một dịp đoàn tụ gia đình. Trong khi trẻ con háo hức chờ ông già Noel với túi đồ chơi lớn ghé tặng, thì người lớn quây quần xum họp, tạm quên hết ưu phiền, ít nhất là trong một đêm.
Nhưng khác mọi nơi trên thế giới, Noel ở Việt Nam cũng là dịp để bao người nghĩ đến thân nhân, bạn bè ở nước ngoài, hay để bao người Việt hải ngoại dù xa xôi nghìn dặm, vẫn hướng về gia đình, bạn bè và cả người không quen biết, với những mong ước ân cần nhất.
Hà Giang/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét