Nhiều người Nhật hiện nay cảm thấy “cô đơn” và cần có bạn. (Hình minh họa: Getty Images) |
Trước
đây người Nhật hay thuê các mục sư. Ðể làm gì? Ðể họ đứng ra chủ tọa
các đám cưới giả. Các khách ngoại quốc cũng có thể được mướn để làm cho
buổi lễ thêm long trọng, có tính cách “quốc tế” hơn.
Nhưng các đám cưới này được coi chỉ là những trò đùa vui. Ngày nay,
người Nhật cũng có mốt đi thuê “bạn”, nhưng lại hoàn toàn vì lý do khác.
Ngày càng có nhiều người Nhật cô đơn sẵn sàng trả số tiền cao để có
người dành thời giờ với mình, đôi khi chỉ một ngày, với một người có khả
năng đóng kịch, muốn kiếm thêm ít tiền phụ trội.
Hiện nay có ít
nhất 10 công ty, nhiều gấp đôi so với con số tám năm trước đây, cung cấp
đủ loại dịch vụ cho những người không kiếm được ai làm bạn hay chọn lựa
không có bạn để tránh những bổn phận (hay phiền toái) mà tình bạn hay
mối quan hệ thực sự sẽ đưa tới.
Tại công ty Client Partners, một trong những công ty hàng đầu cung
cấp dịch vụ này ở Nhật, giá trung bình là khoảng 2,980 yen (chừng $28)
cho mỗi giờ, với giờ đầu tiên phải trả gấp đôi, cộng thêm chi phí di
chuyển. Và công ty Client Partners cho hay họ rất đắt khách. Một giới
chức công ty giải thích: “Ðây là những người hoặc là không có tự tin hay
dễ bị thương tổn trước những phê bình của người khác.”
Tuy rất khó để xác định mức độ sâu rộng của tình trạng này, hoàn cảnh
cô đơn là điều đang ngày càng thấy nhiều hơn ở Nhật, và cũng được thấy
rõ ràng trong giới sinh viên.
“Ngày càng ít sinh viên tham dự vào các sinh hoạt hội nhóm trong
trường,” theo Sohei Ide, một chuyên gia về tình trạng cô lập xã hội ở
đại học Osaka University.
“Nếu từ những ngày đầu vào học họ không làm bạn được với ai, thì
trong suốt thời gian đi học họ sẽ tiếp tục trong hoàn cảnh cô lập.”
Nhiều chuyên gia xã hội cho rằng hiện tượng này sẽ còn thấy nhiều hơn nữa.
“Người trẻ ngày nay chìm đắm trong thế giới hoàn toàn của riêng họ,
xa lánh những người chung quanh, và đây là điều xảy ra ngay trước mắt
chúng ta,” theo nhà tâm lý học Rika Kamaya, người cho rằng nguyên do của
điều này là từ các điện thoại thông minh và các trò chơi điện tử.
Một số bệnh nhân của bà Kamaya cho hay họ “cảm thấy cô đơn ngay giữa
đám đông” và “ coi việc tạo dựng mối quan hệ với người khác là nỗ lực
khó khăn.”
Ðó là lý do nhiều sinh viên nay thành khách hàng của các công ty cho
mướn bạn. Ðể họ có thể nói chuyện, than thở, đi mua sắm hay xem phim...
nói chung là để có một con người có vẻ là quan tâm đến họ.
Công ty Hagemashi Tai quảng cáo đủ loại tài tử có thể đóng các vai
trò họ hàng như chú bác, cô dì hay cả người họ hàng xa, để có người đến
dự các đám cưới, đám tang. Nhưng nếu bạn muốn họ phát biểu điều gì đó
thì sẽ phải trả thêm tiền.
Các bà mẹ độc thân có thể mướn người đóng vai chồng với giá 5,000 yen
(chừng $48) một giờ, và người tài tử có thể giúp trẻ làm bài tập hay
“giải quyết một số vấn đề nhỏ với hàng xóm.” (V.Giang)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét