Sau gần 40 năm phỉ báng toàn bộ Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa là lính ngụy, lính đánh thuê, người dân Việt ngạc nhiên khi thấy các
đoạn phim về cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 do chế độ VNCH thực hiện lại bỗng nhiên
xuất hiện trên các đài truyền hình nhà nước. Một vài quan chức như ông Trần Công
Trục công khai nói về cuộc chiến đấu hào hùng này trên báo, trên mạng. Một số tờ
báo lớn cũng được Ban Tuyên Giáo bảo đăng bài vở về cuộc chiến năm 1974 với sự
hy sinh cao cả của 74 chiến sĩ hải quân VNCH. Nhiều người trong chúng ta đã cảm
thấy một sự đổi thay tích cực đang diễn ra. Có vẻ như lãnh đạo đảng thừa nhận sự
thật. Lãnh đạo đảng chuyển hướng quan điểm 180 độ về sự kiện lịch sử Hoàng Sa
1974.
Nhưng người ta bắt đầu thấy chỉ dấu mây mù khi
các bản tin về các buổi lễ lớn tưởng niệm 40
năm hải chiến Hoàng Sa chỉ xuất hiện
trên trang mạng của vài tờ báo lớn chưa đầy 1 ngày rồi bị kéo xuống. Những người
vừa vui mừng đã khựng lại. Người ta bắt đầu nghe xì xầm tin công an được lệnh cấm
dân nhắc tới Hoàng Sa, chuẩn bị đánh bẹp mọi cuộc hội họp tưởng nhớ Hoàng Sa,
... đặc biệt là tại Sài Gòn.
Đến ngày 18/1/2014 thì các tiếng xì xầm đã trở
thành chính thức với lệnh bãi bỏ buổi lễ tưởng niệm thắp nến 40 năm mất Hoàng
Sa tại Đà Nẵng do Ủy Ban Nhân Dân Huyện Hoàng Sa tổ chức.
Với tin này và nhìn các khuôn mặt hằn học của công
an khắp Sài Gòn và Hà Nội, người ta mới nhớ lại câu trả lời của Thủ Tướng Nguyễn
Tấn Dũng khi được hỏi về dự tính của nhà nước về sự kiện Hoàng Sa tại buổi họp
với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Ông nói: "Phải kỷ niệm, nhưng kỷ niệm
thế nào để ổn định sao cho vừa đạt nhu cầu đối nội, vừa đạt nhu cầu đối ngoại…"
Nghĩa là chỉ kỷ niệm vừa đủ ở nhà riêng và trên mạng ảo để dân chúng nguôi
ngoai, chứ không được để dân tụ lại chống xâm lược, và nhất là cấm mọi sinh hoạt
có thể làm các lãnh tụ Bắc Kinh bực mình.
Sau những giây phút ngỡ ngàng, nhiều người đã an ủi nhau: Thất vọng làm
gì vì làm sao lãnh đạo đảng thực lòng xót xa cho Hoàng Sa hay coi trọng 74 anh
hùng hải quân VNCH được khi mà:
- Họ vẫn ĐANG mời Bắc Kinh vào mở
thêm những khu biệt lập?
- Họ vẫn ra lệnh cấm, đánh đập,
đàn áp những người dân Việt biểu tình yêu nước chống xâm lược?
- Họ vẫn giam cầm những Việt
Khang, Nguyên Kha, Nguyễn Xuân Nghĩa, Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, …
chỉ vì những người yêu nước thiết tha này đã báo động họa xâm lăng tiệm tiến và
kêu gọi bảo vệ đất nước?
Nếu thực lòng thì
những người lãnh đạo đảng đã làm ngược lại cả 3 điều trên. Đặc biệt phải thả
ra, xin lỗi, và bồi thường ngay những người yêu nước đang bị giam cầm. Hơn thế nữa, lãnh
đạo đảng đã phải nói thật với dân về lòng dạ của Bắc Kinh; đã chấm dứt ngay chính
sách lừa bịp mang tên 16 chữ vàng và 4 tốt, vốn chỉ nhằm bịt mắt dân tộc Việt
trong tiến trình biến thành một tỉnh mới của Trung Quốc.
Nếu thực lòng, lãnh
đạo đảng và nhà nước đã không tiếp tục thái độ quỳ lạy Bắc Kinh thay cho dân tộc
Việt Nam như thề hứa "Việt Nam sẽ
không hai lòng với Trung quốc" qua miệng của Đại sứ Việt Nam với Bắc
Kinh vào tháng trước.
Nếu thực lòng vì
Hoàng Sa, lãnh đạo đảng và nhà nước ít nhất đã theo bước chính phủ Phi Luật Tân
kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế, chứ không tiếp tục xem việc mất biển đảo như chuyện
đã rồi và chỉ phản ứng chiếu lệ để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân Việt. Thái
độ này thể hiện rất rõ trong hồ sơ về hải phận của Việt Nam mà Hà Nội nộp
Liên Hiệp Quốc ngày 06 và 07/05/2009. Học giả Vũ Hữu San đã chỉ rõ:
- Nếu xem hải-đồ do Hà Nội vẽ để
nộp Liên Hiệp Quốc, chúng ta sẽ thấy: 3/4 biển Hoàng Sa nằm trong hải phận
Trung quốc, Việt Nam chỉ còn 1 đảo độc
nhất là Tri Tôn trong số trên 100 đảo của nhóm Hoàng Sa;
- 4/5 biển Trường Sa không còn
trong hải phận Việt Nam; chỉ còn 1 đảo Trường Sa nổi và 2 đảo chìm, trong số
hơn 100 đảo nổi, chìm của nhóm Trường Sa.
Khi chính nhà nước
VN đã công khai vẽ hải-đồ và chính thức nộp cho Liên Hiệp Quốc như vậy thì làm
sao Việt Nam
cãi gì được nữa về hải phận? Đó là chưa kể các vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ mà lãnh
đạo đảng đã chính thức ký kết trao cho Trung Quốc trong hiệp định năm 2000.
Và quan trọng
hơn hết, nếu thực lòng quay đầu 180 độ vì trân quý chủ quyền biển đảo tổ quốc,
các thế hệ lãnh đạo đảng CSVN đã phải công khai phủ nhận trước thế giới bản công hàm
Phạm Văn Đồng 1958 từ rất lâu rồi, chứ không chỉ thỉnh thoảng phân bua qua loa
riêng với dân chúng Việt Nam là hết; đã phải thành thật công bố những bản đồ dâng
nhượng lãnh thổ biên giới phía Bắc năm 1999 cho Trung quốc chứ không tiếp tục
giấu nhẹm như hiện nay; và đã phải thành thật công bố đầy đủ những gì đã lỡ thề hứa
với Bắc Kinh về chủ quyền Việt Nam tại hội nghị Thành Đô năm 1990.
Xem ra chính sách
của lãnh đạo đảng CSVN về chủ quyền đất nước vừa xoay đủ một vòng 360 độ về vị
trí cũ. Đó là chính sách đặt ghế cai trị của đảng lên trên tất cả, từ chủ quyền
đất nước đến vận mạng dân tộc./.
Nguyễn Vũ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét