Ads 468x60px

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

10 đặc thù của UPR 2014

Hoàng Tứ Duy
Khái niệm “UPR” đã trở thành quen thuộc đối với giới hoạt động người Việt trong các tháng gần đây. Có nhiều kỳ vọng rằng các khuyến nghị về nhân quyền từ phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) sẽ tạo được áp lực lên Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có nhiều dấu hỏi về sự hiệu quả của Liên Hiệp Quốc, và liệu cơ quan này sẽ có sức ràng buộc.
Từ trái sang: bà Judy Taing thuộc Article 19, ông Leon Saltiel thuộc United Nations Watch, ông Hoàng Tứ Duy thuộc Đảng Việt Tân, bà Ann Harrison thuộc hội Văn Bút Quốc Tế, 
bà Libby Liu - Tổng Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do tại Buổi hội thảo về nhân quyền Việt Nam tại Genève hôm 04/2/2014 Courtesy of facebook/viettan
Thật ra, UPR chỉ là một cơ hội vận động trong cả một công cuộc đấu tranh. Thành công hay không là do chính người Việt Nam tạo sự thay đổi. Nếu quan niệm UPR trong tinh thần một ly nước nửa đầy, phe dân chủ có ít nhất 10 lý do để lạc quan với buổi họp ngày 5/2 vừa qua, cũng như khả năng vận động cho các khuyến nghị từ Hội Đồng Nhân Quyền trong thời gian tới.
1. Đối chất tại diễn đàn quốc tế
Bản chất của độc tài là muốn bưng bít. Một khi chế độ này được đưa ra ánh sáng, với sự giám sát của quốc tế, phía có lợi đầu tiên sẽ là người dân trong nước.
Vài ngày trước cuộc họp UPR, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tuyên bố “chúng ta dù có làm tốt đến bao nhiêu thì vẫn luôn luôn có những thế lực tìm cách để chỉ trích chúng ta về quyền con người.” Kết thúc UPR tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, đại diện Bộ Ngoại Giao Hà Kim Ngọc phát biểu các quốc gia vẫn chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Hà Nội là do “thiếu thông tin” về vấn đề này.
Hai phát biểu trên cho thấy Hà Nội rất lúng túng mỗi khi phải trả lời về quyền con người. Họ thường tìm mọi cách để tránh né. Giá trị của UPR là một diễn đàn, cũng như một tiến trình kiểm điểm với sự quan sát của cả thế giới. Do đó, sự kiện Hà Nội bị buộc phải đối chất về nhân quyền là tin mừng cho dân tộc và trở ngại cho chế độ cộng sản.
2. Báo cáo của Hà Nội không có sức thuyết phục
Điều trần trước LHQ năm nay, phái đoàn nhà cầm quyền Việt Nam bao gồm nhiều đại diện của nhiều bộ phận chính phủ. Dù vậy, các lập luận của phái đoàn này vẫn thiếu sức thuyết phục. Họ đưa ra nhiều thống kê để tạo ra một hình ảnh Việt Nam có nhân quyền.
Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông tường trình rằng ở Việt Nam hoàn toàn không có kiểm duyệt báo chí và thông tin; trong nước có 812 tờ báo, hơn 100 đài TV và gần 17,000 ký giả được hành nghề. Nhưng tự do báo chí không tồn tại khi phải có sự cho phép của nhà nước. Tự do báo chí là khi người dân có quyền làm báo độc lập. Chính vì vậy, lập luận của Hà Nội chỉ tô đậm thêm cho tình trạng thiếu nhân quyền.
3. Tiếng nói dân sự
Nhiều tiếng nói người Việt - đặc biệt là các blogger trong nước đại diện cho các tổ chức dân sự độc lập - đã tích cực tham gia tiến trình UPR. Nhiều tổ chức và phái đoàn đã tiếp xúc với Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ, Liên Hiệp Âu Châu và các phái bộ ngoại giao tại Genève để cung cấp thông tin và đề nghị khuyến cáo. Số lượng và chất lượng của các kiến nghị về nhân quyền Việt Nam trong UPR 2014 đã gia tăng nhiều so với năm 2009. Kết quả này là do sự tích cực vận động của nhiều người, nhiều nhóm, thể hiện sức mạnh đa nguyên.
4. Quyền đi lại được chú ý
Sự kiện Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị ngăn cản sang Genève là do nhà cầm quyền lo sợ anh sẽ “làm xấu hình ảnh Việt Nam.” Nhưng chính hành động này cũng đã chứng minh một hình ảnh xấu về nhà nước Việt Nam trước dư luận quốc tế. Trong những năm qua, không chỉ Phạm Chí Dũng mà nhiều nhà hoạt động khác cũng đã bị chính quyền cấm xuất cảnh. Vấn đề này đã được nhiều dư luận đề cập đến, nhưng cộng sản Việt Nam vẫn chưa phải thực sự trả giá.
Tại phiên họp UPR, đại diện chính phủ Áo chỉ trích hành động Hà Nội ngăn cấm các nhà hoạt động tham dự các sinh hoạt LHQ, trái ngược với tinh thần UPR. Nhiều tổ chức quốc tế và Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ cũng chính thức phản đối điều này. Quyền đi lại, một quyền căn bản mà nhiều người Việt Nam bị tước đoạt, chắc chắn sẽ nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong thời gian tới.
5. Thế giới văn minh chỉ trích Hà Nội
Tại buổi UPR, tất cả các quốc gia Tây Phương đều chỉ trích chính sách nhân quyền của Việt Nam. Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội phải trả tự do cho Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức. Úc đề nghị phải thay đổi các điều luật 79, 88 và 258. Đức khuyến cáo phải trả tự do và bồi thường cho tất cả các tù nhân lương tâm. Thụy Điển quan tâm về việc giới hạn quyền internet và bắt bớ các dân cư mạng.
Điều đáng chú ý là các quốc gia Đông Âu cũ đều có những phát biểu mạnh mẽ về Việt Nam. Cộng Hoà Tiệp khuyến nghị phải có bước tiến tôn trọng dân chủ đa đảng. Lithuania quan tâm về các ràng buộc về tự do tụ tập. Hungary chú ý đến các nghị định mới ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.
6. Thế giới lạc hậu đồng tình với Hà Nội
Trong buổi điều trần về Việt Nam, nhiều quốc gia cũng tránh né việc đi thẳng vào vấn đề nhân quyền. Đại diện các quốc gia này chỉ đưa ra các nhận xét chung chung hoặc ca tụng các tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề xóa đói giảm nghèo.
Trung Quốc đặc biệt ủng hộ sự lựa chọn độc lập của của cộng sản Việt Nam trong vấn đề nhân quyền. Phái đoàn Cuba đã làm cho một số người cười khi họ ca tụng Hồ Chí Minh và nhắc lại cảm tình sâu sắc Fidel Castro dành cho nhân dân Việt Nam.
Để thẩm định tương quan lực lượng giữa hai khối “chỉ trích” và “bỏ qua", thử hỏi nơi nào giới chức trách Việt Nam đang mời gọi đầu tư hoặc mong muốn cho con cháu đi du học?
7. Góp phần của các NGO ngoại quốc
Cùng với các nhà hoạt động Việt Nam, nhiều NGO ngoại quốc đã tham gia tiến trình vận động UPR. Nếu cách đây 40 năm, có nhiều thành phần Tây phương có cảm tình cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì ngày nay khó có ai ngưỡng mộ nổi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì sự vi phạm nhân quyền của chế độ.
Nhà cầm quyền Hà Nội hay tuyên truyền các tổ chức nhân quyền quốc tế là “thế lực thù địch”, nhưng các tổ chức NGO hoàn toàn không có hằn thù gì đối với dân tộc Việt Nam. Ngược lại, họ đang góp sức cho sự hình thành của xã hội dân sự trong nước.
8. Hà Nội không thể đánh lạc hướng
Trong phần báo cáo, phái đoàn Hà Nội có nhắc nhiều đến vấn đề phát triển kinh tế vì họ muốn làm lu mờ vấn đề nhân quyền. Đó là lý do có sự phát biểu của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong buổi UPR, một buổi kiểm điểm về nhân quyền. Trong phần đặt câu hỏi, nhiều quốc gia đã phân biệt giữa phát triển kinh tế và tôn trọng nhân quyền, điển hình họ đã tách rời các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millenium Development Goals - MDGs) do LHQ đề xuất và tình trạng nhân quyền đang là trọng tâm của UPR.
Việc tách rời các điều kiện kinh tế, xã hội và quyền chính trị, con người là điểm hết sức quan trọng. Các quyền con người (như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo) là tự nhiên và phổ quát. Các quyền này hiện diện một cách đương nhiên, trừ khi bị giới hạn từ chính quyền. Ngược lại, các điều kiện dân sinh (như giáo dục và y tế) là mục tiêu cao cả nhưng tùy thuộc vào phương tiện và chọn lựa của mỗi quốc gia.
Không thể lẫn lộn giữa dân sinh và nhân quyền, dùng dân sinh để thay thế cho quyền con người.
9. Yếu tố Hội Đồng Nhân Quyền
Chính quyền Hà Nội đã vận động ráo riết để gia nhập HĐNQ không phải vì họ muốn cổ võ nhân quyền khắp thế giới. Động cơ này khá đơn giản: lợi dụng ghế HĐNQ để đối phó và làm giảm bớt áp lực nhân quyền từ cộng đồng quốc tế.
Là thành viên của HĐNQ, Hà Nội sẽ phải gánh thêm nhiều trách nhiệm mà có lẽ họ chưa lường trước được. Trong đó bao gồm trách nhiệm tôn trọng các công ước quốc tế, hợp tác với Cao Ủy Nhân Quyền, thi hành quyết định của Ủy Ban Kiểm Tra Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD), và cho phép để các cơ chế báo cáo đặc biệt (Special Procedures) thăm Việt Nam và tiếp xúc với các nhóm dân sự không bị nhà nước kiểm soát.
10. Kiểm điểm nhân quyền từ xã hội dân sự
Bên cạnh những người trong nước đã tham dự trực tiếp tiến trình UPR tại Genève, còn có rất nhiều người khác theo dõi các tin tức về sự kiện này. Sự kiện UPR đã giúp rất nhiều người ý thức thêm về quyền con người, và những phương thức để vận động và báo động quốc tế khi có sự vi phạm. Trước sự rọi đèn quốc tế, nhà nước Việt Nam không thể tự tung tự tác như trước.
UPR chỉ là một bước tiến nhỏ trong một tiến trình lớn. Đó là người Việt Nam ý thức được sức mạnh của quyền con người và sự chính nghĩa đang ở với chúng ta.
Hoàng Tứ Duy
Tác giả là phát ngôn nhân của Đảng Việt Tân và là một trong thuyết trình viên tại hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ” tổ chức tại trụ sở LHQ trước buổi UPR.
http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/upr-2014-02102014111259.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét