TS Nguyễn
Hữu Phước
Tết
đã qua rồi, sao vẫn “”nhớ nhớ quê”? Vì nhớ Bến Tre nên tôi lục
sách báo, nhất là các đặc san Tiền Giang – Hậu
Giang, Bến Tre v.v. đọc lại. Tôi cũng
hỏi thăm bạn bè già để tìm những câu
ca dao, những bài thơ v.v.
Tôi chỉ làm cái việc gom góp lại, trình làng, mong các bạn có vài phút thoải
mái với quê hương ta. Xin cảm tạ những tác giả
đã viết bài về Bến Tre và tôi đã trích dẫn.
Tỉnh Bến Tre còn có tên Đồ Chiểu,
và Kiến Hòa, tùy lúc, tùy thời. Tỉnh lỵ mang danh là “Quận
Châu Thành Bến Tre”, và có khi mang tên là Trúc Giang (tên Hán Việt của chữ Bến
Tre). Theo ông Lê Phát Minh, ghi lại
theo sách của ông Nguyễn Duy Oanh, thì: “Bến Tre trước
kia chỉ là một Sóc của người Kampuchia với
tên Sóc-Tre (Srock Tréy hay Trây) thuộc Thủy Chân Lạp.” Ông
Vương Hồng Sển cũng nói Bến Tre có nguồn từ chữ Srock Tréy.
Nhưng
cho tới giờ nầy tôi vẫn chưa biết tại
sao Sóc Tre lại thành Bến Tre.
Địa giới tỉnh Bến Tre gồm
nhiều cù lao, nằm giữa
những nhánh của Tiền Giang.
Nhưng hai cù lao lớn
nhất được coi là lãnh thổ chánh thức của
tỉnh Bến Tre từ năm 1900-1945 là Cù
Lao Minh và Cù Lao Bảo:
Do
đó có câu ca dao “chơi chữ” sau đây:
Bến Tre hai chữ cù lao,
Chữ nào tình mẹ, chữ
nào nghĩa cha.
(Phú Điền, trích thơ Mạc
Thúy Hồng).
Tất cả tên của các tổng
(đơn vị hành chánh nhỏ hơn quận, gồm nhiều
làng) ở Cù Lao Minh đều
bắt đầu bằng chữ Minh như tổng Minh
Đạt, tổng Minh Quới v.v.; và ở Cù Lao Bảo bằng chữ Bảo như tổng
Bảo An, tổng Bảo Đức v.v.
Bến Tre còn có vô số những “rạch” (sông nhỏ) nối liền với “sông cái” Tiền Giang (nhỏ
là so với sông Tiền, chớ thật ra có nhiều rạch
rất rộng, có khi đến nửa kí lô mét). Do đó có rất nhiều những
sông nhỏ bắt đầu bằng chữ “Rạch”
như: Rạch Ba Tri, Rạch Cái
Cấm, Rạch Cái Quao, Rạch
Cầu Móng, Rạch Chợ Lách, Rạch Giồng Trôm, Rạch
Mỏ Cày, Rạch Cá Lóc, Rạch Cá Trê v. v. Tên đi sau chữ rạch, còn là
“địa danh” của một quận, hay một vùng
mà con rạch chảy ngang qua,
hoặc có ngư sản đặc biệt.
Ngoài
vài con rạch bên trên bắt đầu bằng chữ “cái”.
Theo tác giả Vương Kim
Hùng (VKH), ở Bến Tre còn có
các địa danh sau đây bắt đầu bằng chữ
“cái”:
Thuộc huyện Chợ Lách (ngày xưa là quận
Đôn Nhơn) có Cái Mơn
và Cái Nhum,. Đây là hai địa danh nổi
tiếng nhờ có nhiều vườn trái cây ngon, nhứt
là sầu riêng. Cái Mơn còn là quê của học giả
Petrus Trương Vĩnh Ký và là một vùng theo Công giáo lâu
đời. “Cái Nhum là quê
hương của Thánh Tử Đạo (Á Thánh Lựu) và
là nơi chôn thi hài của Á Thánh Plillipe Phan Văn Minh”, (ông bị
xử trảm tại Cái Sơn Bé theo lệnh của Tự
Đức; Cái sơn Bé, thuộc Vĩnh Long).
Ngoài ra, thuộc quận Mỏ Cày có vùng Cái Bè, và con rạch cùng tên, rạch
Cái Gấm nối với
sông Hàm Luông, và vùng Cái Quao.
Hồ Chung Thuỷ xưa |
Thuộc tỉnh lỵ Trúc
Giang, ngang viện bảo tàng Bến Tre (dinh Tỉnh Trưởng
cũ), phía bên kia sông là vùng Cái
Cối; ngoài ra còn có một xã tên là Cái Nứa; và ngay trung tâm tỉnh lỵ còn có cầu Cái Cối và cầu Cái Đá .
Thuộc huyện (quận) Giồng Trôm, (tổng Bảo
Phước, làng Hiệp Hưng), có vùng Cái Da Trại (cạnh rạch Cái Da), và Cái Cối (hai nơi nầy
ngày xưa Nguyễn Ánh có đi qua, theo tác giả VKH).
Thuộc quận Ba Tri có vùng Cái Bông, sinh quán của ông Phan Thanh Giản.
Bến Tre cũng có nhiều
câu hát liên quan đến thổ sản, chim cá. Sông rạch ở
Bến Tre ngày xưa có rất nhiều cá lòng tong và cá bóng
cát.
Con
cá lòng tong ăn móng*,
Con cá bóng cát ăn rong
Anh đi Lục Tỉnh giáp
vòng
Về đây Cầu Móng đem lòng thương em.
( * ăn bọt nước có rong, hoặc có
dính loại thực phẩm khác mà cá thích).
Hoặc:
Bìm
bịp kêu, nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chóng mỏi
mê. Hoặc:
Ba phen quạ nói với diều,
Ngã ba Bến Rớ Có nhiều cá tôm.
(Câu nầy còn được
ghi như sau:
Chiều chiều quạ nói với
diều,
Cù lao Ông Chưởng có nhiều
cá tôm .
Bến
Rớ thuộc tỉnh Bến Tre, Cù lao Ông Chưởng thuộc
Long Xuyên. Hai nơi đó đều có tiếng là nhiều
tôm cá. Dân gian thay đổi một vài chữ trong ca dao cho hợp
với tình cảnh địa phương là chuyện
thường có.
Bến Tre nổi tiếng về
các vườn dừa.
Có
nhiều câu hò ghi lại tình cảm nam – nữ và các địa
danh:
Hò
ơi ! Bến Tre dừa xanh
bát ngát,
Đường đi Ba Vát gió mát tận
xương
Em về Chợ Giữa, Giồng
Trôm,
Đừng quên Chợ Lách, Cái Mơn đợi chờ.(Hồ Liễu).
Hoặc
là:
Đầu
làng có một cây da
Cuối làng cây thị ngã ba cây
dừa
Dù anh đi sớm về
trưa
Xin anh nghỉ bóng cây dừa
nhà em.
Và Bến
Tre còn nổi danh về kẹo dừa, bánh phòng mì và bánh
tráng giòn:
Em
tráng bánh tráng, anh quết bánh phòng,
Cảm thông đôi má ửng hồng.
Hẹn em chợ Mỹ Lồng ăn cháo về
đêm. (H L)
[(Một bạn già, dân Bến
Tre, có nhắc câu chuyện là dưới thời Pháp thuộc
khoảng thập niên 1945-55, Bến Tre có tổ chức “kẹt
mết” (Pháp: kermesse = hội chợ ở địa
phương), ba giải nhất về sản phẩm mà
anh bạn già còn nhớ là:
Bánh
tráng Mỹ Lồng, Bánh phòng Sơn
Đốc, Bánh dừa Giồng
Luông.)]
Ngoài ra còn có vài câu khác liên hệ
đến địa danh:
Ai
về Chợ Giữa, Xóm
Dưa,
Ruộng nương giúp mẹ,
nắng mưa chẳng màng.
Ai về Thạnh Phú, Tân Hương ,
Để mong để nhớ,
để thương trong lòng.
Hay
là:
Sông
Bến Tre có nhiều hang cá ngác
Đường lên Ba Vát gió mát tận
xương
Anh có thương em thì nối
sợi chỉ hường
Chớ bán rao cho lắm, hãy chừa
đường . . .em đi.
(Yên Châu )
(Xin
ghi chú thêm là trong chữ Srok
Tréy = Bến Tre, nói bên
trên, theo tiếng Khmer (Cam Bốt), “Tréy” có nghĩa là cá (tréy
tuksat = cá nước ngọt hay cá sông, và tréy sramot = cá biển
v.v.) Vậy theo suy luận
thông thường, Bến Tre phải có nhiều cá. Có nhiều cá, nên dân sống bằng
nghề chài lưới, và phải có “bến” cho ghe thuyền
đậu. Phải chăng
Sóc Tréy thành Bến Tréy rồi thành Bến Tre. Xin bà con chỉ
giáo giùm.)
Dân Bến Tre thích món cá trê (préy on-đang), và “tép bạc”*
nấu canh bầu, hoặc cá trê nướng chấm nước mắm gừng
(gừng giã nhỏ và dầm với nước mắm Phú
Quốc nguyên chất, không pha chế) và món canh cải nấu
gừng.
Canh
bầu nấu với cá trê,
Chồng ăn một miếng
chồng mê tới già
(Mắm gừng chấm với
cá trê,
Chồng ăn một miếng
chồng mê suốt đời.)
Có
bạn già khác cho câu sau đây:
Canh
bầu nấu với cá trê
Ăn vô cho mát mà mê vợ già.
Tép bạc (Đầu tôm)
mà nấu với bầu
Chồng chan vợ húp gật
đầu khen ngon.
Canh cải mà nấu với gừng
Chẳng ăn thì chớ xin
đừng chê bai.
Hoặc
là: Bồng bồng** mà nấu với tôm
Chồng chang vợ húp tối
ôm sáng bồng.
Hay
là:
Chợ
Ba Tri thiếu gì cá biển
Anh thương nàng anh nguyện
về đây.
[(* Dân chài lưới trong các sông rạch
phân biệt “tôm” (loại có cặp
“càng” to, màu xanh, thân mình thường tròn và dài, mà hiện tại chúng ta dùng làm món
“tôm kho tàu”) và “tép” là loại không có hai càng to. Tép màu trắng gọi là “tép bạc”
có thân hình nhỏ và dẹp. Hiện
nay vì lý do thương mại, người ta gọi chung
hai loại đó là “tôm”, và ngoài hộp thường ghi “cỡ”
(size) bằng con số như 30-40; con số nầy có
nghĩa có khoảng 30 đến 40 con tôm trong mỗi pound,
số càng lớn có nghĩa là tôm càng nhỏ vì cần nhiều
con mới nặng đủ một pound. **Bồng bồng
là tên một loại rau.)]
Thêm vào còn có những câu hát, câu thơ, hoặc
ca dao về vẻ đẹp của cô gái Bến Tre:
Con
gái Bến Tre tóc mây da trắng,
Mắt nhung đen má phấn
môi son,
Dáng đi yểu điệu
ru hồn,
Em đi khuất dạng mà anh
còn trồng cây si.(H L)
Gái bến Tre còn nổi tiếng
là “bảnh bao” (theo học giả
Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, “bảnh bao:
đẹp đẽ, gọn gàn, vẻ người phong
lưu”)
Trai
nào gan cho bằng trai Cao lãnh
Gái nào bảnh cho bằng gái Bến
Tre
[(Có bạn già ghi là: Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân
(thuộc tỉnh Sa Đéc). Theo lời truyền miệng
thì ngày xưa, có một thời gian chúa Nguyễn Ánh đã
cư trú ở vùng Nha Mân để tránh sự lùng bắt của
Tây Sơn. Sau đó, khi bị quân binh Tây Sơn rượt
đuổi bất ngờ, Chúa chỉ kịp đem quân họâ
vệ chạy thoát thân và bỏ lại nhiều hầu thiếp
xinh đẹp. Họ ở lại vùng Nha Mân nầy, về
sau lập gia đình và sanh nhiều
con gái, cũng đẹp, bảnh bao, giống các bà mẹ.)]
Trai Bến Tre phải biết
lặn lội đường xa, phải biết “nói chiện
cho hay” mới mong theo đuổi được mục
tiêu, cô gái vừa đẹp vừa nhu mì:
Giồng Trôm có gái nhu mì
Qua thương nhớ Bậu,
sá gì đường xa
Và đôi khi cũng phải biết
“xạo” (nói dóc cho vui, không có hại đến ai) chút chút
cho nàng cười”:
Thương
em anh trèo lên ngọn ớt,
Ớt gảy, anh rớt xống
ngọn hành
Hành đâm anh lủng ruột,
sao em đành làm ngơ.
Có thể nói là bất cứ
câu hát ru em nào cũng có thể dùng vào điệu hò để
diễn tả, bắt đầu bằng hai chữ “hò
ơ... Những câu hò là một đặïc điểm khác
của dân ca truyền miệng vùng ĐN – CL. Cách hò rất
tự do trong việc dùng số chữ, miễn làm sao có vần
có điệu và diễn tả được ý muốn nói
lên, nói xa, nói gần, nói bóng, nói gió... thế nào miễn là
“đối phương hiểu được ý của
mình là được”. Tác giả Nam San có ghi lại những câu hò sau
đây trong bài “Hạt ngọc”:
Hò
ơ... Thấy em
đôi má ửng hồng,
Phải chi em đừng mắc
cỡ thì qua bồng qua hun...
Gió đưa con buồn ngủ
lên bờ,
Mùng ai có rộng... cho tôi ngủ
nhờ một đêm...
Hò ơ ... Đất gò khum cấy đau lưng,
Hễ ai cấy đặng
ơ .. ơ .. em ưng làm chồng . .
Hò ơ ơ... Ngày hò chữ thương chữ nhớ’,
Tối ngủ nằm mớ
kêu nàng
Giật mình ngọn gió nào sang,
Nhớ nàng nhớ lắm, (hò ớ .. đừng để*
) xóm làng họ nghi. . .
(*
chữ xiên trong ngoặc là do một bạn già khác thêm vào).
Hò
ơ... Nước
Tân Ba chảy ra Trà Cú,
Em cấy khum khum lòi vú ... muốn hun ...
Nước mắm ngon dầm
con cá đối,
Nhắc Chị Hai mình trời
tối Anh qua. Ơ hò..
Hoặc chàng bắt đầu
bằng câu hò ướm thử coi tình trạng của nàng
ra sao:
Hò ớ … Cuộc đời nầy khi
đen khi đỏ,
Hai đứa ta còn nhỏ
thương nhiều,
Vừa gặp em là anh muốn
như,
Hò ớ ... Anh muốn như
Anh Kim Trọng thương chị
Thúy Kiều thuở xưa ...
Nàng
đối đáp với tất cả chân tình, rất thành
thật:
Hò
ớ… Nghe giọng anh, em muốn như
chị Thúy Kiều,
Nhưng hò ớ ... Thuyền
đà có bến, khó chìu lòng anh.
Thêm
vào, chúng tôi còn đọc thấy vài câu ca dao liên quan đến
Bến Tre do Gs Phan Tấn Tài ghi trong bài “Ca Dao Miền Nam” DS
ĐN-CL sồ 2, trích từ tác giả Hà Phương Hoài,
trong quyển Từ Điển Ca Dao), xin chép lại cho “trọn
bộ” về Bến Tre:
Bến Tre biển cá sông tôm,
Ba Tri muối
mặn, Giồng Trôm lúa vàng
Bến Tre gái đẹp thật
thà,
Nói năng nhỏ nhẹ mặn
mà có duyên.
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày,
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái
Mơn.
Bến Tre nhiều gái chưa
chồng,
Không tin xuống chợ Mỹ Lồng mà coi.
Bến Tre nước ngọt
lắm dừa,
Ruộng vườn mầu mỡ,
biển thừa cá tôm.
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày.
Mắm bày ven bãi Giồng Khoai,
Bà Hiền,
Tân Thủy hằng hà cá tôm.
Đồng Bến Tre nhiều
bưng, nhiều lác
Đường về Ba Vát nặng trĩu sầu
riêng
Anh ra đi đã bốn
năm liền
Sao không trở lại kết
bạn hiền với em. *
Kẹo Mỏ Cày năm đồng một ký,
Đường Giồng Trôm một ký năm
đồng.
Em đi buôn mong kiếm tấm
chồng,
Để đêm năm canh,
con gà gáy sáng,
Chốn cô phòng đỡ lẻ
loi.
Thành
thật mong các bạn vừa có vài phút thoải mái qua những
câu hát, câu hò, câu thơ bên trên của miền BẾN TRE. Xin chúc các bạn và gia đìng luôn
được bình an khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo
A.Tài liệu truyền khẩu:
Một số câu ca dao do các “bạn già” cung cấp.
B. Sách và Đặc San
Hồ
Liễu, (2000). “Thương
quá quê tôi”, Đặc San Bến Tre. Hội Ái Hữu Bến Tre xb, CA, USA.
Lê Phát Minh ,(1996). “Tỉnh Bến Tre và Ông già Ba Tri”,
Đặc San Tiền Giang
Liên Hội Ái Hữu Mỹ
Tho, Bến Tre và Gò Công xb, CA, USA.
Lê Văn Đức & Lê Ngọc
Trụ (1970). Việt Nam Tự Điển. Khai Trí xb., Saigon, VN.
Nam San, (2002). “Hạt ngọc”, Đặc San Tiền Giang – Hậu
Giang, CA, USA.
Nguyễn Trúc Phương
(1970). Văn học bình dân. Khai Trí xb. Saigon, ViệtNam.
Nguyễn Văn Hải,
(2003). “Địa danh”, Đặc
San Tiền Giang – Hậu Giang, CA,USA.
Phan Tấn Tài (2005). “Ca Dao Miền
Nam” Đặc San Đồng Nai-Cửu Long số 2.
Nxb:Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation, Westminster
California, USA.
Phú Điền, (2000) . “Bến
Tre: Đất lành chim đậu”, Đặc San Bến
Tre. Hội Ái Hữu Bến Tre xb, CA, USA.
Vương Hồng Xển
(1993). Tự vị tiếng Việt miền Nam. Nxb Văn
Hóa, Hồ Chi Minh, Việt Nam.
Vương Kim Hùng (2007). “Việt
Nam qua những địa danh mang tên Cái”, ĐS Đồng Nai – Cửu Long, tháng 3, 2007, Westminster
California, USA.
Yên Châu, 2000. “Điệu hò câu hát quê
hương”, Đặc San Bến Tre .
Hội Ai Hữu Bến Tre xb, CA, USA.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét