Ads 468x60px

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Bao giờ Việt Nam mới bằng được Bắc Triều Tiên?

Kim Chính Ân bỏ phiếu bầu Kim Chính Ân
Ngô Quảng 
Kết quả bỏ phiếu Kim Chính Ân vào Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao, tức Quốc Hội, Bắc Hàn ngày 9/3/2014 vừa qua khiến giới phân tích - những người tự hào về khả năng giữ đầu nguội và suy nghĩ lạnh lùng - cũng phải phì cười.
Tỉ lệ phiếu bầu cho lãnh tụ Kim Chính Ân là 100%. Ngay sau đó, đài phát thanh quốc gia tuyên bố: "Kết quả này thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối của toàn quân và toàn dân và lòng tin tưởng sâu sắc vào Lãnh đạo Tối cao Kim Chính Ân vì tất cả một lòng trung thành với ông". Giới phân tích hỏi ngay là nếu 100% toàn quân, toàn dân tin tưởng và trung thành với ông Ân thì những người mà chính nhà nước tuyên bố đã xử tử vì tội phản bội đều không phải là người Bắc Hàn? Hay ông Ân đã giết sạch những người "không trung thành" và chỉ để lại những người "tin tưởng sâu sắc"?
Nhưng nói chung, giới phân tích tình hình có thể hiểu được tại sao guồng máy tuyên truyền Bắc Hàn đã vượt qua lằn mức trân tráo của chính họ đến thế.
Lý do là vào ngày 17/02/2014, tức chỉ 3 tuần trước đó, Ủy ban Điều tra thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc đã cho công bố một bản phúc trình dày 370 trang, ghi rõ những chính sách vi phạm nhân quyền, tra tấn, ngược đãi tù nhân của nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Bản phúc trình này được giới truyền thông và chính giới quốc tế đánh giá cao về tính trung thực và rất cập nhật về tình trạng hiện nay tại Bắc Hàn. Bản phúc trình chứa đựng nhiều bằng chứng mà các cơ quan truyền thông có thể kiểm tra lại từ các nhân chứng đã thấy tận mắt hiện đang còn sống. Đây là một tài liệu công phu sau một số năm thu thập và tổng kết. Dựa trên bản phúc trình này, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu đưa các lãnh đạo Bắc Hàn, đặc biệt là lãnh tụ  Kim Chính Ân, ra tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chống lại nhân loại. Và thế là cậu Ân phải tự trấn an và bù lại cho lòng tự ái của mình bằng kết quả 100% phiếu bầu.
Bản phúc trình nêu trên liệt kê các lãnh vực chính yếu mà những kẻ nắm quyền tại Bắc Triều Tiên đã vi phạm:
- Thứ nhất, xâm phạm quyền dự trữ lương thực của người dân.
- Thứ hai, hệ thống trại tù lao động cải tạo.
- Thứ ba, tra tấn, ngược đãi một cách vô nhân đạo đối với tù nhân.
- Thứ tư, câu lưu, bắt bớ một cách tùy tiện.
- Thứ năm, xâm phạm vào quyền tự do phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm của người dân.
- Thứ sáu, xâm phạm vào tài sản và tính mệnh của người dân.
- Thứ bảy, xâm phạm vào quyền tự do đi lại và cư trú của người dân.
- Thứ tám, phủ nhận tất cả mọi giá trị nhân quyền cơ bản của người dân và
- Thứ chín, bắt cóc nhiều người dân thuộc các nước khác.
Ngay sau khi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc công bố bản phúc trình này, chính phủ Nam Hàn đã chính thức bày tỏ lập trường sẵn sàng hợp tác với các quốc gia, các cơ quan, tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhà cầm quyền Bắc Hàn cải thiện tình trạng nhân quyền. Nhưng tuyên bố này lập tức bị giới trí thức và nhiều bình luận gia Nam Hàn phê phán. Họ cho rằng chính quyền Hán Thành (Seoul) như thế là quá nhút nhát và tiêu cực. Đối với số phận đau thương của các "đồng bào ruột thịt" tại Bắc Hàn như vậy, tại sao chính phủ Nam Hàn không tự mình nỗ lực tìm hiểu và vạch trần những vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng ra trước thế giới mà lại núp sau nỗ lực của các quốc gia khác? Họ đồng ý rằng mới đây trong cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng tại Bàn Môn Điếm, hai bên đã đồng ý không tuyên truyền đả kích lẫn nhau, nhưng chỉ ra những vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn với đầy đủ bằng chứng thì không thể xem là tuyên truyền, đả kích. Giới trí thức Nam Hàn còn nhấn mạnh: Hiến pháp hiện hành ghi rõ bán đảo Triều Tiên bao gồm cả Bắc Hàn nên người dân sinh sống ở Nam hay Bắc đều là dân tộc Triều Tiên. Nhân quyền cơ bản của người dân miền Bắc đang bị bức hại mà chính phủ Hàn quốc không tích cực lên tiếng can thiệp thì có tội với dân tộc.
Hầu hết các nước thành viên Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ủng hộ bản phúc trình của Ủy Ban Điều tra. Nước duy nhất lên tiếng bác bỏ là Trung Quốc. Còn đại diện Việt Nam không dám lên tiếng bác bỏ nhưng lại nhắc lại là Trung Quốc và Bắc Hàn đã bác bỏ nội dung bản phúc trình. Có lẽ đây cũng là điều dễ hiểu vì nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm cả 9 điều mà Ủy ban Điều tra đã tìm thấy ở Bắc Hàn, kể cả điều số 9 tức việc công an Việt Nam bắt cóc những người mang quốc tịch nước ngoài ghé đến Việt Nam, Lào, và Campuchia. Riêng Trung Quốc thì không những vi phạm cả 9 điều đó mà còn nhiều hơn nữa.
Đối với người Việt thì chuyện gì mới xảy ra tại giang sơn của cậu Ân đều có thể làm mọi người nhớ lại chuyện vừa kinh ngạc vừa thất vọng về phẩm chất của hàng quan chức. Chuyện chỉ mới 2 tháng trước thôi. Khi trả lời phỏng vấn trên báo lề Đảng ngày 24/12/2013, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên, ông Lê Quảng Ba, sau khi ca ngợi mọi mặt "xây dựng Chủ nghĩa xã hội" tại đây, đã bày tỏ lòng ước ao tha thiết: “Bao giờ Việt Nam mới bằng được họ?”./.
Ngô Quảng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét