Ads 468x60px

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Người dân nhiều tỉnh biểu tình đòi đóng cửa Formosa

Hàng ngàn giáo dân giáo phận Vinh đồng loạt xuống đường phản đối Formosa, 7/8/2016. 
(Ảnh: Facebook Hung Tran)
An Tôn
Hơn 5000 giáo dân đồng thời cũng là ngư dân từ các giáo xứ khác nhau thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An, hôm 7/8 đã biểu tình ôn hòa để tiếp tục bày tỏ sự bất bình về thảm họa môi trường biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra gần đây.
Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Giáo xứ Phú Yên, cho VOA Việt Ngữ biết rằng đa phần những người tham gia biểu tình đến từ giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên và Mành Sơn. Ngoài ra, theo ông, còn có những đoàn đến từ một số giáo xứ khác cách Vinh hàng chục kilomet.
Về thông điệp chính của cuộc biểu tình, Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam nói:
“Thứ nhất là nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân đối với thảm họa môi trường biển. Đó là yêu cầu đóng cửa Formosa, yêu cầu Formosa phải đền bù một cách thích hợp, và yêu cầu Formosa phải cải tạo môi trường, trả lại biển lành cho người dân. Rồi về phía nhà nước, chúng tôi yêu cầu khởi tố Formosa và khởi tố những người, những cá nhân, những tổ chức cộng tác và tiếp tay cho Formosa để sát hại môi trường và gây ra thảm họa tại đất nước này”.
Đoàn người biểu tình dài tới 1 kilomet đã tuần hành bằng xe máy đi qua nhiều xã ở khu vực Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Linh mục Đặng Hữu Nam cho hay, để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, ông đã thông báo từ trước cho chính quyền địa phương về ngày giờ và hành trình, đề nghị họ giúp đỡ đảm bảo an ninh.
 
Theo linh mục, nhà chức trách đã điều hàng ngàn cảnh sát cơ động và hàng trăm nhân viên công an mặc thường phục tới giám sát cuộc biểu tình. Nhưng đã không có xung đột hay sự cố đáng tiếc nào. Ông nói:
“Cái không khí rất là căng thẳng trước giờ khởi hành, nhất là ngày và đêm trước khi biểu tình nổ ra, tức là từ ngày đến tối thứ Bảy thì rất là căng thẳng. Không khí rất là căng. Nó như một thùng thuốc súng. Nhưng mà vào buổi sáng mà chúng tôi làm thì người dân đi biểu tình rất là ôn hòa. Những người làm công quyền họ chứng kiến thôi chứ còn họ không có thái độ nào khác. Và cuộc tuần hành thành công và cũng không có đụng độ nào”.
Chính quyền Quỳnh Lưu, Nghệ An, chưa lên tiếng xác nhận về việc rầm rộ triển khai lực lượng an ninh.
Trong ngày 7/8, ngoài cuộc biểu tình lớn ở Nghệ An do Linh mục Đặng Hữu Nam tổ chức, còn có các cuộc biểu tình quy mô vài trăm người ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. Mặc dù cảnh sát hiện diện đông đảo quanh các cuộc biểu tình đó, song cũng như ở Nghệ An, đã không có đụng độ nào.
Trong số những cuộc biểu tình nhỏ hơn, đáng chú ý là việc khoảng 700 ngư dân và cũng là giáo dân giáo xứ Đông Yên cũ đã tìm cách kéo đến trước cổng Formosa Hà Tĩnh để bày tỏ thái độ. Các ngư dân đã mặc đồng phục in hàng chữ “yêu cầu Formosa cút khỏi VN” và mang theo nhiều biểu ngữ đòi đóng cửa vĩnh viễn Formosa. 
 
Tin cho hay, giới chức địa phương đã “gây khó khăn, ngăn cản người biểu tình” đến gần Khu công nghiệp Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nhưng họ vẫn đi đến được khu công nghiệp này. Người biểu tình đã mô tả lại và đăng ảnh trên mạng xã hội cho thấy rất nhiều cảnh sát cơ động đứng trước cổng Formosa và đông đảo nhân viên công an mặc thường phục “để bảo vệ cho Formosa”.
Sau khi các cuộc biểu tình kết thúc và thông điệp đã được phát đi, liệu nhà chức trách và Formosa đã có hồi đáp gì với những người biểu tình? Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cho hay:
“Cho đến ngày hôm nay thì phía chính quyền cũng chưa có một vị nào liên hệ với tôi, còn đối với Formosa lại càng không nữa. Chưa có một cái cơ quan nào, một cấp chính quyền nào liên hệ trực tiếp hay gián tiếp để mà nói lên cách thức giải quyết nguyện vọng của người dân”.
Vụ Formosa xả chất thải độc ra biển đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình. Tuy nhiên, dường như tiếng nói của những người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được lắng nghe. Nhiều người trong đó có cả giới luật sư đã nêu ý kiến rằng những người bị ảnh hưởng có thể cân nhắc kiện Formosa. Đây là điều mà những ngư dân ở giáo phận Vinh cũng đang chuẩn bị. Linh mục Đặng Hữu Nam nói rõ hơn:
“Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện Formosa bởi vì chính người dân của chúng tôi đang bị thiệt hại về kinh tế một cách trầm trọng. Và khi đã hoàn thiện thì chúng tôi sẽ tổ chức đi khiếu kiện, yêu cầu nhà nước phải can thiệp”.
Hồi cuối tháng 6, Formosa đã nhận trách nhiệm về việc gây ra thảm họa ô nhiễm biển ở miền trung Việt Nam, đồng thời chấp nhận đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục. Nhưng đến nay, chưa ngư dân nào ở vùng bị ảnh hưởng được nhận đền bù từ số tiền này.
Mới đây, trong một cuộc gặp gỡ cử tri, Thủ tướng Việt Nam đã nói nhà chức trách không khởi tố vụ Formosa vì “nếu khởi tố thì 30 năm sau chưa đền bù được, lấy được tiền đền bù của họ rất phức tạp”.
An Tôn-VOA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét