Ads 468x60px

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Chôn xuống rồi lại đào lên!

Khai tử báo Sài Gòn Tiếp Thị rồi khai sinh một tờ cùng tên khác
SÀI GÒN  (NV) - Tờ bán tuần báo Sài Gòn Tiếp Thị ở Sài Gòn vừa bị khai tử nhưng lại được cho sống lại với một “cơ quan chủ quản” mới và một bộ biên tập mới. Điều này gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi về số phận một tờ báo thuộc loại hàng đầu ở thành phố này.
Ngày 28/2/2014, quyền tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) là Nguyễn Xuân Minh họp toàn thể nhân viên đọc quyết định ra lệnh đình bản sau khi đã hoàn tất số báo cuối cùng đề ngày 28/2/2014 với các lời chia tay độc giả và các sự chia sẻ của độc giả, thân hữu cũng như khách hàng quảng cáo.
 Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền tổng biên tập, đọc quyết định đình bản báo SGTT trước toàn thể nhân viên, phóng viên vào sáng 28.2.2014 - (Hình: Blog Tễu)
Tờ Sài Gòn Tiếp Thị có “cơ quan chủ quản” là Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại và Đầu Tư của UBND thành phố Sài Gòn hoạt động phục vụ thông tin thời sự từ năm 1995 đến nay vừa nhận cái lệnh “thu hồi giấy phép hoạt động báo chí” của Bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT). Lệnh bắt đình bản này của Bộ TTTT (còn gọi là 4T) ký ngày 26/2/2014 được quyền tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh đọc cho toàn thể khoảng 100 nhân viên của tờ báo mà nhiều người không cầm được nước mắt.
Lý do rút giấy phép hoạt động được ông thứ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn ký trên văn bản  viện dẫn là “do cơ quan chủ quản Báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện tài chính”. Tức là cái bộ của ông “vô can” khi khai tử nó trong khi có nhiều lời bàn tán về nguyên ủy chính trị của quyết định.
Tuy nhiên, cùng với việc khai tử tờ báo này thì tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn loan tin “Báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ tiếp tục xuất bản và số đầu tiên của bộ mới sẽ ra mắt độc giả vào ngày 3 tháng 3 sau số cuối cùng của bộ cũ phát hành vào hôm nay 28-2. Sáng nay 28-2, UBND thành phố đã công bố giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 26-2, cho phép Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tiếp tục xuất bản ấn phẩm Sài Gòn Tiếp Thị, với tần suất 3 số mỗi tuần như trước (thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu).”
Tại sao vừa khai tử rồi lại khai sinh ngay một tờ báo cùng cái tên như vậy? Chôn xuống rồi lại đào lên ngay tức thì, phải có những lý do bên trên những gì được giải thích.
Theo tin tức, toàn bộ nhân viên từ trên xuống dưới của tờ SGTT (gọi là bộ cũ) từ biên tập đến trị sự, quảng cáo, sẽ bị thất nghiệp trừ một người duy nhất được cho làm ở tờ SGTT (bộ mới). Người ta đặt dấu hỏi là nếu vì lý do tài chính thua lỗ, tại sao không cho khai tử luôn mà lại  giao cái tờ báo này cho một “cơ quan chủ quản” khác, tức là giao cho Sở Công Thương của thành phố.
Từng có những lời bình luận trên các diễn đàn điện tử về lý do muốn loại bỏ toàn bộ những người làm ở tờ SGTT (bộ cũ) vì bị coi là bọn “cứng đầu”. Dù là một tờ báo có cái tên như thuần túy thông tin thương mại, lại có nhiều bài viết nhạy cảm chính trị, đụng cả tới ông thủ tướng hoặc cả mối quan hệ Việt Nam với Trung quốc.
Trong cuộc phỏng vấn của tờ Thanh Niên hôm Thứ Sáu 28/2/2014, ông Nguyễn Xuân Minh nhìn nhận trước đây “có dư luận” như vậy, nhưng khi ông tổng biên tập Nguyễn Tâm Chánh bị mất chức mà ông lên thay thì “đội ngũ của SGTT cũng ngồi lại, rút ra bài học để tự điều chỉnh chuyện này”.
Về chuyện tài chính, theo ông Minh nói trong cuộc phỏng vấn, trước đây thì có lỗ và mang số nợ 50 tỉ đồng mà hàng tháng phải trả tiền lời với lãi suất có khi lên đến 24% nên “mình làm bao nhiêu ngân hàng, nợ giấy, nợ in nuốt đến đó” dù “mấy năm gần đây báo có lãi”.
Tin tức cho hay nhóm điều hành tờ SGTT đã đề nghị bán tài sản là trụ sở của tờ báo tậu mãi được nhờ những năm khấm khá thời trước nhưng lại không được chấp thuận. Trong cuộc phỏng vấn, ông Minh cho hay “Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đang giữ phương án tái cấu trúc của chúng tôi và có lẽ theo hướng đó”.

Nếu đúng vậy, người ta hiểu việc khai tử rồi lại khai sinh ngay tờ SGTT với một “cơ quan chủ quản” khác thật sự chỉ là muốn loại trừ những người đang làm tờ báo này. Hồi Tháng 10-2012, có tin tờ SGTT bị “thanh tra toàn diện” bị gọi là “làm rõ: thực hiện tôn chỉ, mục đích của  báo”.
Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 30 cuộc chiến biên giới Việt Trung, tờ SGTT đăng tải bài ký sự “Biên Giới Tháng Hai” của tác giả Huy Đức. Bài viết gồm hai phần thì mới lên được phần đầu đã bị lệnh phải rút xuống. Toàn bộ 2 bài được tác giả bỏ lên blog Osin của ông. Hai tháng sau thì ông lại “đụng” gia đình ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi viết về cưỡng chế đất trồng cao su ở tỉnh Bình Dương, trong đó dính đến bà Tâm là “chị hai của thủ tướng”. Đến tháng 8/2009 thì Huy Đức bị ép nghỉ việc và bị thu hồi thẻ ký giả.
Không riêng gì Huy Đức, một số bài viết của các tác giả khác cũng đụng vào những vấn đề “nhạy cảm” khi đứng về phía quần chúng bị trị, không phải những ông bà quan quyền cậy thế. Khi bùng nổ vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn bắn súng hoa cải đầu năm 2012, tờ SGTT cũng giống như hầu hết các tờ báo “lề phải” đưa thông tin vụ việc chứng tỏ nhà cầm quyền từ xã tới huyện và thành phố đã cưỡng chế trái luật, đẩy người dân vào cùng đường đến nỗi phải phản ứng.
“Tên tuổi của SGTT gắn với đội ngũ những người khai sinh và gầy dựng tờ báo từ năm 1995 và SGTT đã luôn được bạn đọc tin cậy và đón nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh đó”, bà Trần Thị Ngọc Huệ, tổng biên tập tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tờ báo được giao cho làm tờ SGTT “bộ mới” được dẫn lời nói khi loan tin thay đổi bộ biên tập.
Trên các tấm hình khai tử tờ SGTT “bộ cũ”, người ta thấy có một số vòng hoa tang phúng viếng cái chết của một tờ báo được độc giả quý mến. Các trang mạng loan tin này với rất nhiều lời bình luận của độc giả, thân hữu bùi ngùi và thương cảm cho những người làm báo ở Việt Nam không thể đứng thẳng lưng nếu muốn bưng bát cơm ăn ngày hai bữa. (NT)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét