Đỉnh Sơn Trà
Thời buổi này mỗi lần lên mạng
(Internet) tìm một thông tin gì đó thì khó mà tránh được những danh từ
như: Giáo Sư, Tiến Sĩ, Nhân Sĩ, Trí Thức v.v... Điều này cũng đã từng
làm cho tôi có cảm tưởng như là thành phần Trí Thức ở Việt Nam ngày nay
thật quá nhiều. Và cũng chính điều này đã khiến tôi đi đến cái thắc
mắc: “Trí Thức nghĩa là gì?”
Có phải “có học” là Trí Thức?
Một Giáo sư, một Tiến sĩ, một Bác sĩ, một Kỹ sư v.v… lẽ nào không phải là Trí Thức?
Thắc mắc vẫn hoàn thắc mắc.
Lên mạng tìm cái định nghĩa về Trí Thức nhưng không thể tìm thấy, mà chỉ là những bài viết lý giải Trí Thức là gì.
Cũng đã có lần tôi đọc đâu đó có một vị Giáo sư ở Việt Nam nói rằng:
“Trí Thức là những người làm việc bằng trí óc.”
Nếu là như vậy thì có thể kết luận một cách dễ dàng rằng những ai làm
những công việc thuộc về lao tâm (ngược lại với lao lực) thì đều là Trí
Thức cả?
Trong tiếng Anh có hai chữ (intellectual và intelligentsia) mà theo tự
điển của Google (dịch ra tiếng Việt) đều có dính đến một cái nghĩa chung
là nói về Trí Thức. Chữ intellectual nghĩa là người trí thức, còn
intelligentsia được dùng để gọi chung cho giới trí thức. Nhưng ngay
trong tự điển tiếng Anh thì có thể tìm thấy nghĩa rõ hơn:
1 - Chữ intellectual có thể được dùng để chỉ một người có
chuyên môn trong công việc thuộc về lao tâm, chẳng hạn như là một văn sĩ
hoặc một nhà giáo. (a person professionally engaged in mental labor, as a writer or teacher); và cũng để chỉ một người tràn đầy trí tuệ (a person possessing a highly developed intellect); người xét đoán sự vật dựa vào những tiến trình nhân-quả chứ không dựa vào cảm tính hoặc cảm xúc (a person who relies on intellect rather than on emotions or feelings).
2 – Chữ Intelligentsia có nghĩa là những người có học thức hoặc trí tuệ trong một xã hội hay một cộng đồng nào đó (the well-educated or intellectual people in a society or community);
cũng có nghĩa là những trí thức được xem như là một nhóm hoặc một giai
tầng trong xã hội, nhất là những thành phần ưu tú về một lĩnh vực nào đó
như văn hóa, xã hội hoặc chính trị (intellectuals considered as a group or class, especially as a cultural, social, or political elite).
Như vậy, dù gì đi nữa, dù chưa hiểu chính xác (vì chưa có) cái định
nghĩa của Trí Thức là như thế nào, nhưng qua đó cũng đã có được đôi chút
khái niệm về Trí Thức là gì.
Và trong xã hội Việt Nam hiện vẫn đang có nhiều thành phần được gọi là
Trí Thức - thành phần của những con người mà ít ra là phải có học.
Cho nên, việc coi một người Kỹ sư, Bác sĩ, Giáo sư hoặc Tiến sĩ v.v...
là một Trí Thức, hoặc thuộc thành phần Trí Thức, thì chẳng lấy gì để cho
là sai. Nhưng một Kỹ sư, Bác sĩ, hoặc Giáo sư hoặc Tiến sĩ có phải là
một Trí Thức hay không thì đó lại là vấn đề khác.
Hãy thử xem trường hợp của một vị Giáo Sư tên là Trần Huy Liệu. Tôi có thể gọi vị Giáo sư này là người Cha đẻ của vị anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám, một thiếu niên đã “tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy và xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.”
Từ vấn đề cố ý bịa ra một câu chuyện mà yếu tố bịa đặt lại không qua mặt
được ngay cả trẻ em như thế, cho đến cái cốt ý của câu chuyện là nhằm
giáo dục trẻ em trên khắp đất nước lao vào con đường bạo lực bằng chính
cả thân mạng của mình, nếu ai đó gọi vị Giáo sư này là một Trí Thức thì
tôi thấy thật là oan cho thành phần Trí Thức thật sự của Việt Nam quá.
Câu hỏi vẫn Trí Thức là gì?
Trong khả năng suy đoán của tôi thì Trí Thức có thể do sự kết hợp của Trí và Thức mà thành. Trong đó:
Trí là khả năng phân biệt, phán đoán và kết luận một sự việc hay hiện tượng.
Thức, hay còn gọi là Nhận Thức, là khả năng nhận biết của các giác quan trước mọi hiện tượng.
Ví dụ như khi mình nhìn thấy và biết một đóa hoa trước mặt thì mình đã
có cả Trí lẫn Thức. Rồi nếu nhắm mắt lại thì cái Thức (Thức thấy) không
còn nữa, cho nên mình chỉ còn Trí (vẫn biết trước mặt mình có đóa hoa)
mà không thấy được hoa nữa. Một người mất Trí có thể nhìn thấy hoặc nghe
tất cả nhờ có Thức (Thức thấy, Thức nghe) nhưng không biết hoặc không
phân biệt được gì.
Con người khi ngủ, tất cả các giác quan tạm thời “đóng cửa”, tất cả các
Thức vì vậy mà không có điều kiện để phát sinh. Cho nên, trong một chừng
mực nào đó, theo tôi nghĩ, cũng hợp lý khi dùng cụm từ ‘Trí Ngủ’ để làm
cái phản nghĩa cho Trí Thức và nó cũng góp phần để hiểu Trí Thức dễ
dàng hơn.
Từ đó có thể suy ra rằng một Trí Thức ít ra cũng phải thuộc thành phần
tinh anh hoặc ưu tú về mặt trí tuệ trong xã hội. Và cũng cần phải biết
rằng “trí tuệ không bao giờ song hành với bất kỳ một hành vi hoặc tư
tưởng bất thiện nào.”
Sự thật là sai mà mình nhìn thấy đúng thì đâu thể là Trí!
Người ta đã nhìn thấy mà mình chưa thấy thì đâu thể gọi là Thức được!
Vui sướng hạnh phúc trên sự tổn thương hoặc đau khổ của người khác thì
đâu thể nói đó một kết quả của Trí Tuệ, cho nên không thể gọi đó là một
Trí Thức được!
Mà ông Trần Huy Liệu là ai?
Là một Giáo sư, từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đông Đức, Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam v.v…
Không cần đặt vấn đề là ông Giáo sư Trần Huy Liệu có thực tài hay không.
Điều đó không cần thiết. Mà qua sự việc này thực tế đã cho thấy rằng:
ngay trong nhiệm vụ và công việc của một chức danh Giáo sư của người
Cộng Sản vẫn có cả những công việc không tưởng được những mức độ bịa
đặt, dối trá và dã man của nó. Huống thay gi ở tất cả mọi lĩnh vực khác!
Vậy, nhìn vào vô số Giáo sư, Tiến Sĩ, hay thành phần gọi là “có học”
v.v... đang phục vụ trong guồng máy cai trị đồ sộ của đảng CSVN, ai có
thể tin được rằng ở nơi đó có thể tìm được một Trí Thức?
Bản thân tôi, thật tình mà nói, không biết cái gọi là Viện Sử học của
CHXHCN VN lập ra để làm gì và người ta đang làm những gì ở đó. Nếu là
viết sử thì ai có thể tin Lịch sử được/bị viết dưới thời Cộng Sản và
bởi người của Cộng Sản?
Không biết bao giờ một số Trí Thức thật sự của Việt Nam mới được giải oan!
(Đây là bài cuối cùng của tôi gởi đến độc giả Dân Làm Báo - Xin được Kính chúc tất cả sức khỏe và bình an).
Đỉnh Sơn Trà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét