Ads 468x60px

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Chọn lựa của đời người

Trần Trung Đạo 
Nỗi lo sợ lớn nhất của một nhà tranh đấu cho tự do dân chủ của một đất nước không phải là sợ bị tù mà bị sống lưu vong, bởi vì với phần đông, đi là hết.
Boris Pasternak không phải là nhà đấu tranh chính trị nhưng khi bị hăm họa nếu đi nhận giải Nobel văn chương có thể không được phép trở về Nga, ông từ chối đi nhận giải. Aung San Suu Kyi được phép đi thăm chồng bịnh nặng nhưng có thể không được trở về, bà đành chịu không thấy mặt chồng còn hơn phải rời Miến Điện. Nhắc lại, năm 1997, chồng bà, Tiến sĩ Michael Aris, bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối nhưng bị chính phủ quân phiệt Miến từ chối cấp giấy phép nhập cảnh thăm bà và cuối cùng Michael Aris đã chết ở Anh Quốc đúng trong ngày sinh nhật của ông không có mặt vợ.
Vùa Hàm Nghi của Việt Nam mình là bài học khác. Trong suốt ba năm từ 1885 đến 1888, chịu đựng bao gian truân đói khổ trong rừng núi Quảng Bình, nhà vua không hề than van và ngay cả khi bị bắt vị vua 17 tuổi còn mắng vào mặt Việt gian Trương Quang Ngọc "Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây", nhưng khi bước xuống tàu Biên Hòa để bị lưu đày sang Algérie, ngài đã khóc. Giọt nước mắt của vị vua mất nước và cũng là một thanh niên Việt Nam chỉ mới 18 tuổi tuôn rơi chỉ vì phải rời xa tổ quốc thân yêu và một phần khác ngài cũng biết đi là hết, giấc mộng Cần Vương xem như chính thức cáo chung.
Trong giai đoạn từ 1975 đến nay, có hai nhà đấu tranh vì tự do dân chủ và nhân bản Việt Nam nổi tiếng nhưng có hai chọn lựa khác nhau: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt chọn lựa ra đi và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế chọn lựa ở lại.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Không thể ra khỏi nhà tù nếu thiếu điều kiện ra đi khỏi Việt Nam
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bắt đầu các hoạt động chống độc tài CS ngay sau 1975 và bị tù tổng cộng gần 20 năm:
- Lần thứ nhất: Ngày 29 tháng 7 năm 1976 ông bị bắt với cáo trạng “Tuyên truyền tư tưởng phản động chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Giáo sư bị CSVN giam giữ 12 năm không bản án. Ông ra khỏi tù lần thứ nhất ngày 9 tháng 2 năm 1988.
- Lần thứ hai. Một năm sau, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt góp phần thành lập nhóm Diễn Đàn Dân Chủ và sáng lập viên của tạp chí Diễn Đàn Tự Do. Ngày 17 tháng 11 năm 1990, ông bị CSVN bắt lần thứ hai. Tòa sơ thẩm CSVN ngày 31 tháng 3 năm 1993 kết án giáo sư 20 năm tù giam. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, giảm án xuống còn 15 năm tù giam. Năm 1993, ông bị đưa sang trại tập trung lao động khổ sai. Ngay trong tù, ông đã tổ chức hoạt động đối lập và vì vậy, ông bị đưa đi giam giữ cô lập 4 năm liền tại trại giam Thanh Cầm, Thanh Hóa.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt đối diện với chọn lựa không thể ra khỏi nhà tù nếu không chịu rời bỏ Việt Nam, nhưng ông cũng chỉ chịu rời Việt Nam khi vợ, con và nhiều bạn bè khuyên ông nên chấp nhận ra nước ngoài. Năm 1998, từ nhà tù, ông được đưa thẳng tới sân bay Nội Bài để bay sang Mỹ.
Sáng 8 tháng 4, 2014 vừa qua, phái viên Kính Hòa của RFA phỏng vấn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt về việc Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và tức tốc đưa sang Mỹ. Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt phát biểu: 
“Tôi nghĩ rằng nếu có thể thì chúng ta nên ở lại để đấu tranh. Tôi cũng muốn sớm được trở lại để đấu tranh với các bạn trong nước. Và ở ngoài này thì chúng ta phải vận động để thả ở trong nước chứ không đưa ra ngoài. Mỗi một người đi ra ngoài là mất một chiến sĩ trong nước, mà chiến sĩ ở trong nước mới là chính. Ngoài này chúng tôi chỉ hỗ trợ thôi. Khi sang ngoài này thì chúng tôi làm hết sức mình để hỗ trợ trong nước. Tất nhiên trong nước là cái chính, chúng ta phải bằng mọi giá đấu tranh để Hà nội thả anh em ra trong nước. Và phải chấp nhận những tiếng nói đối lập để đi đến dân chủ một cách ôn hòa bất bạo động.”
Ông Phạm Văn Thành, một người đã từng ở tù chung với giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhận xét trên Facebook về những lời phát biểu của giáo sư:
“Giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã trả lời rất thực lòng. Với bản thân tôi, tôi luôn luôn giữ lòng kính trọng với các quyết định của ông, kể cả quyết định chấp nhận đi ra nước ngoài, một quyết định tôi biết là cực kỳ khó khăn đối với ông, người mà tôi trân trọng gọi bằng thầy xưng con ngay từ khi anh em chúng tôi đón nhóm của ông chuyển từ trại Z30D Hàm Tân vào trại Trừng Giới A20 Xuân Phước cuối năm 1993. Thời gian ở trại A20 Xuân Phước, ông là người nỗ lực không ngừng nghỉ trong mục tiêu nâng cao khả năng lý luận cho những anh em tù chính trị đã bị giam cầm quá lâu (từ 1977 /1980/1984). Vốn liếng văn hóa, chính trị, xã hội và quan hệ quốc tế của ông đã làm chúng tôi bật ngửa và đặc biệt nhất là sự can trường và ý nhị của ông. Trước sự đeo bám của an ninh trại, ông bất chấp những đớn đau sẽ đến với mình và liên tục tham dự các buổi họp nhóm với tất cả các anh em tù kỳ cựu tổ chức. Nhiều người trong nhóm (nhóm Diễn Đàn Tự Do) của ông đã phải tránh hẳn ông vì sợ sự liên lụy. Bối cảnh ấy, anh em võ biền chúng tôi mới thật sự kính phục người mà trước đó nhiều anh em có ý không phục vì ông có liên quan đến những nhóm phản đối chính quyền miền Nam VNCH trước 1975. Bối cảnh trại A20 Xuân Phước, một trại khét tiếng tàn khốc với gần hai ngàn nấm mộ số (tính đến 1994) đã giúp cho chúng tôi nhận ra giá trị thực thụ của một kẻ sĩ. Một bậc trí thức thực sự.” 
Về việc Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ra đi. Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Thành cũng cho biết chính ông là người được giáo sư hỏi ý ngay khi ở trong tù. Hỏi ý nhiều khi không phải để nhận câu trả lời nhưng chỉ là cách để nhẹ những ưu tư đang đè nặng trong lòng.
Câu trả lời của giáo sư Đoàn Viết Hoạt và tiết lộ của một người ở tù chung nhiều năm với ông, cho chúng ta biết chọn lựa ra đi của ông là một chọn lựa khó khăn. Chọn lựa nào mà chẳng có hy sinh. Ông ra đi mang theo một niềm tâm sự luôn chôn giấu trong lòng và tâm sự đó đã nhiều đêm làm ông trăn trở. Ông cho nhiều người thân biết khi máy bay bay lên trời cao, nhìn xuống thấy đất nước xa dần ông đã bật khóc, không cầm được nước mắt. Bởi ngày trở lại không biết đến bao giờ. Ông không bao giờ muốn rời xa quê hương nếu được tự do lựa chọn. Như ông đã chọn lựa trở về Việt Nam sau khi học xong bằng Tiến Sĩ ở Mỹ. Và sau khi CS chiếm miền nam ông cũng đã quyết định ở lại quê hương để tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng nhân chủ mà ông đã noi theo thân phụ ông từ khi còn trẻ.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt không phải là mẫu người hoạt động theo kiểu xông xáo đó đây nhưng là một nhà giáo dục, một cựu tù nhân lương tâm phát xuất từ miền Nam, một nhà tư tưởng, học ở Mỹ nên việc hội nhập vào sinh hoạt chính trị dòng chính Mỹ cũng như tham gia vào cộng đồng Việt Nam hải ngoại không mấy trở ngại khó khăn. Không giống như nhiều người tranh đấu khác chỉ tập trung vào các hoạt động có tính cách chiến thuật, ngắn hạn, giáo sư viết sách, phân tích tình hình quốc tế, sử dụng tích cực các mối quan hệ của cá nhân ông với quốc tế, đề nghị các chiến lược dài hạn cho các phong trào đấu tranh, vì thế, vai trò của ông tại hải ngoại có thể hữu hiệu không kém, nếu không muốn nói thuận lợi hơn, vai trò của ông khi còn ở trong nước.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Lưu đầy không phải là tự do
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
Một người bạn tù của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế thì khác, ông đã chọn lựa sống chết với quê hương ngay trong giờ phút Sài Gòn thoi thóp thở cho đến hôm nay.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, trong lúc nhiều người Việt Nam chạy ra sông, ra biển, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã chạy ngược dòng người, ông chạy về bệnh viện, nơi hàng trăm thiếu nhi Việt Nam bị thương tích và bệnh hoạn không có người chăm sóc, không có ngay cả một viên thuốc chống đau. Với chức năng của một bác sĩ và tình thương dành cho thể hệ thiếu nhi đang bị chế độ bỏ rơi, ông đã ở lại tiếp tục ngành chuyên môn của mình trong bệnh viện nhi đồng Sài Gòn. Tuy nhiên, một năm sau, trước những bất công, hà khắc mà chế độ CS áp đặt lên nhân dân Việt Nam một cách tàn nhẫn từ trong bệnh viện nơi ông làm việc cho đến ngoài xã hội, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế phát động cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ và nhân bản cho dân tộc Việt Nam.
Từ đó, ông đã dấn thân vào hành trình tranh đấu cho một Việt Nam tự do dân chủ và nhân bản. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị bắt nhiều lần và có những bản án kéo dài hàng chục năm qua nhiều trại tù lớn ở miền Nam:
- Lần thứ nhất: Mười năm, từ 1978 đến 1988, trong đó có thời gian dài bị biệt giam vì đã sáng lập Mặt trận Dân tộc Tiến bộ "với âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản". Không đưa ra tòa xét xử.
- Lần thứ nhì: Ngày 29 tháng 11 năm 1991, trong phiên tòa chỉ vỏn vẹn ba mươi phút, CSVN đã xử Bác sĩ Nguyễn Đan Quế 20 năm khổ sai và 5 năm quản chế vì "hoạt động lật đổ chính quyền". Đến năm 1993, Bác sĩ Quế bị đưa đi lao động khổ sai ở trại K4 Xuyên Mộc (Bà Rịa) và ở trại K3 Xuân Lộc, cách Sài Gòn 80 cây số về hướng Đông Bắc. Mặc dù sức khỏe của ông ngày càng yếu, quản giáo CSVN vẫn tìm cách hành hạ ông bằng lao động khổ sai và biệt giam.
- Lần thứ ba: Bị bắt năm 2003 vì lên tiếng tranh đấu cho tự do thông tin và phát biểu. Lần nữa, trước áp lực quốc tế và đồng bào trong cũng như ngoài nước. CSVN đã buột phải thả Bác sĩ Nguyễn Đan Quế vào năm 2005.
- Lần thứ tư: Bị bắt vào cuối tháng 2 năm 2011, sau khi công bố “Lời kêu gọi toàn dân xuống đường cứu nước”. CSVN trả ông về nhà sau khi bị tạm giữ 48 giờ.
Năm 1998, trước áp lực quốc tế, chính quyền cộng sản đồng ý thả bác sĩ Nguyễn Đan Quế với điều kiện ông phải rời Việt Nam.
Với hai mươi năm tù tội, CSVN nghĩ rằng bác sĩ đã cạn kiệt tinh thần cũng như thể lực và phải chọn con đường bình an nhất cho những ngày tháng cuối đời là ra đi. Nhưng họ đã lầm. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ chối. “Lưu đầy không phải là tự do” ông tuyên bố một cách khẳng khái. Tự do của một người chỉ trọn vẹn ý nghĩa nếu được tự do trên quê hương mình và cùng với dân tộc mình. Không có tự do dành cho những kẻ bị lưu đày. Cuối cùng, Cộng Sản đành thả ông và giam lỏng ông tại Sài Gòn.
Ngày 11 tháng 5 năm 2014 sắp tới đây đánh dấu 24 năm ngày Bác sĩ Nguyễn Đan Quế công bố Bản Tuyên Bố của Cao Trào Nhân Bản kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các chính phủ và nhân dân yêu chuộng tự do dân chủ khắp thế giới tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh bất bạo động đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải (a) Tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam. (b) Phải chấp nhận sinh hoạt chính trị đa nguyên. (c) Phải trả lại cho người dân Việt Nam quyền được lựa chọn một thế chế chính trị phù hợp với nguyện vọng của mình qua các cuộc bầu cử tự đó và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Hôm nay, bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã 73 tuổi với gần một nửa đời người trong tù tội lao lung. Ngọn đèn nhân sinh có thể một ngày sẽ tắt nhưng ngọn đèn nhân bản ông thắp lên trong ngày 11 tháng 5 năm 1990 chẳng những không tắt mà mỗi ngày một sáng hơn. Hai mươi năm trước, phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam chỉ có Cao Trào Nhân Bản và Diễn Đàn Tự Do, hôm nay hàng trăm nhóm, phong trào, mạng lưới internet, tập hợp xã hội dân sự đang được ra đời và phát triển. Con đường ông đi ngày đó chỉ có một vài dấu chân lẻ loi đơn độc, hôm nay, hàng trăm, hàng ngàn người cùng đi. Tuổi trẻ Việt Nam xem bác sĩ như là một người cha, người chú, một chỗ dựa tinh thần, một nơi để tìm nguồn an ủi trong những lúc khó khăn. Và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cũng giống như trong buổi chiều 30 tháng Tư, 1975 lại tiếp tục săn sóc, khuyên răn các em bằng đức tính khiêm cung và tấm lòng nhân ái.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Mount Everest đang chờ 
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một người đa tài. Anh sinh ngày 2 tháng 12 năm 1957 tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Anh tốt nghiệp tiến sĩ luật học, thạc sĩ văn chương, họa sĩ nhưng được biết đến nhiều nhất như một nhân vật bất đồng chính kiến với nhà nước CSVN. Anh bị bắt ngày vào 5 tháng 11 năm 2010 tại Sài Gòn và bị khởi tố ngày 15 tháng 11 năm 2010 về tội danh quen thuộc của CS “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Anh bị kết án 7 năm tù. Phiên tòa ngày 2 tháng 8 năm 2013 giữ nguyên bản án. Tuy nhiên, trong lúc đang ở tù, anh Cù Huy Hà Vũ được CS phóng thích và cùng vợ đi thẳng sang Mỹ ngày 7 tháng Tư năm 2014.


Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ra khỏi nhà tù CS là một tin vui chung cho phong trào dân chủ Việt Nam. Cuộc vận động và tranh đấu thay mặt anh đã diễn ra không ngừng trên mọi lãnh vực, mọi bình diện, mọi phương tiện, mọi giới và mọi tầm vóc đã có hiệu quả. Trong nước Cù Huy Hà Vũ đã trở thành niềm thôi thúc của tuổi trẻ dấn thân. Ngoài nước, Cù Huy Hà Vũ đứng hàng đầu trong danh sách tù nhân mà các tổ chức nhân quyền dùng để gây áp lực cho CSVN. Phần lớn các nhà phân tích và đồng bào quan tâm đều nghĩ CSVN phải trả tự do cho anh sớm. Và họ đoán đúng. Tuy nhiên thay vì trở về với bạn bè cùng tranh đấu, với công cuộc vận động dân chủ đang quá cần anh, với phong trào bảo vệ Hoàng Sa Trường Sa mà anh từng gắn bó, anh được đưa từ nhà tù sang Mỹ ngay là một tin làm nhiều người ngạc nhiên. Không ít người thất vọng, lo lắng và ngay cả buồn phiền.


Lần nữa, chọn lựa đi hay ở là chọn lựa cá nhân. Nếu anh chọn ra đi để chửa bịnh và được sống bình an sau những năm tháng dài đấu tranh mệt mỏi ở Việt Nam thì đó là chọn lựa riêng tư. Mỗi người trong thế giới này có quyền chọn lựa một cách sống riêng cho mình và gia đình mình. Quyết định đó phải được tôn trọng. Đất nước Việt Nam là của 90 triệu người chứ không phải chỉ của một mình Cù Huy Hà Vũ. Và đừng quên, phong trào dân chủ từ thập niên 1990 đến nay có những lãnh tụ đấu tranh tưởng chừng như “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” đã tự biến mất đi không để lại một dấu vết gì. Thỏa hiệp, đầu hàng, mệt mỏi hay dù gì cũng không ai trách và sau một thời gian sẽ không còn ai nhắc. Cuộc vận động dân chủ như một chuyến tàu, tại mỗi sân ga, có người bước xuống nhưng cũng có người khác bước lên. Lịch sử đã, đang và sẽ diễn ra như thế.


Nhưng nếu anh Cù Huy Hà Vũ chọn ra nước ngoài để vừa được bình an vừa tiếp tục con đường tranh đấu như phương cách anh đã làm trong nước thì đó sẽ là một chọn lựa vô cùng khó khăn để thực hiện:


- Phương pháp đấu tranh: Từ trước đến nay, anh Cù Huy Hà Vũ chọn phương pháp đấu tranh trong vòng cơ chế, nghĩa là chấp nhận và dựa trên hiến pháp CS, luật pháp CS. Anh từng ứng cử vào chức vụ Bộ trưởng Thông Tin, tranh cử Đại biểu Quốc Hôi. Anh từng kiện Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên, kiện cả Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng, đòi hỏi phải thay đổi hiến pháp. Nói chung, anh tìm mọi kẽ hở của chế độ để tấn công, nhưng những kẽ hở đó đã được đóng lại cùng lúc với cánh cửa máy bay. Điều kiện đầu tiên để đấu tranh trong vòng cơ chế là phải có mặt. Không gian đấu tranh chính trị như thế không tồn tại ở hải ngoại. Ở Mỹ không có “gậy ông” để anh “đập lưng ông”. Lịch sử đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc có rất nhiều người đã đấu tranh trong vòng cơ chế thực dân như Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, nhà báo Nguyễn Phan Long, kỹ sư Bùi Quang Chiêu, nhà văn Diệp Văn Kỳ v.v... và đã giúp tạo nền móng vững chắc cho chế độ dân chủ tại miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975 nhưng họ đều trực diện một mất một còn với chế độ thực dân tại Việt Nam. 


- Hậu thuẫn đấu tranh: Anh Cù Huy Hà Vũ vận dụng tích cực các mối quan hệ cá nhân, gia đình, môi trường xã hội mà anh xuất phát để làm điểm tựa đấu tranh. Những điều kiện đó thuận lợi bao nhiêu ở trong nước sẽ bất lợi bấy nhiêu ở hải ngoại. Giả thiết rằng điểm hẹn cuối cùng trong hành trình tranh đấu của anh Cù Huy Hà Vũ cũng là một nước Việt Nam tự do dân chủ như phần lớn người Việt trong và ngoài nước đang tranh đấu, điểm khởi hành của anh phát xuất từ trong lòng chế độ CS và vì thế không đi cùng một ngã với đại đa số người Việt hải ngoại. Người Việt hải ngoại không phải bao giờ cũng bằng mặt, bằng lòng với nhau nhưng có một lập trường dứt khoát giống nhau đối với chế độ CS như một điều kiện tiền đề, không có chuyện “tuy nhiên”, “lẽ ra” hay “nói gì thì nói” nào cả.


- Lý luận đấu tranh: Anh Cù Huy Hà Vũ không phải là nhà tư tưởng hay nhà lý luận. Hầu hết các hoạt động của anh chỉ mang tính chiến thuật, ngắn hạn, gây khó khăn cho chế độ nhưng không tấn công vào nền tảng của ý thức hệ Mác Lê và các nguyên nhân dẫn đến một đất nước điêu tàn, nghèo đói, phân hóa như hôm nay. Có thể đó phương cách đấu tranh anh nghĩ là thích hợp nhưng trong điều kiện hải ngoại những chiến thuật như thế không hiệu quả và cũng không thuyết phục được bao nhiêu người. Tham nhũng tại Việt có tính đảng và sinh sôi nảy nở tốt tươi dưới bóng cây cổ thụ quyền lực của đảng, do đó, đánh tham nhũng mà tránh đánh vào đảng CS cũng chẳng khác gì đánh vào chiếc bóng đen mà để yên cho kẻ trộm dọn nhà mình.


Anh Cù Huy Hà Vũ có thể nói đã một mình đã tạo nên một phong trào đấu tranh đầy sinh động. Các nhà chiến lược và lý luận có thể không đánh giá anh cao nhưng cách đấu tranh của anh lại dễ gây phong trào quần chúng và gây khó cho lãnh đạo CS. Nhiều bạn trẻ đã khóc, đã xuống đường, đã bị tù vì anh khi anh bị chế độ CS hạ nhục. Nhiều cụ già đã thương quý anh như con, như cháu khi anh bị lao tù. Ngoài việc can đảm, gan dạ, với tuổi trung niên, anh là chất keo nối kết các tầng lớp xã hội. Quốc tế nhìn anh như một lãnh tụ đấu tranh nổi bật của giai đoạn này và luôn dùng để gây áp lực nhân quyền với chế độ. Nhưng chất keo đó chỉ còn là những giọt nước mưa rớt rơi trên mặt phi đạo khi chuyến bay mang anh đi vừa cất cánh. Nụ cười và dấu V chiến thắng của anh đưa lên khi ra khỏi phi trường Dulles ở Washington DC có thể chỉ để xã giao với người đang cầm máy ảnh nhưng làm đắng cay cho bao nhiêu đồng bào, anh em đang kỳ vọng ở nơi anh.


Lịch sử cũng từng chứng minh không phải đi là hết


Rất nhiều chính khách đối lập lưu vong hay tự lưu vong ở nước ngoài sau đó đã trở về và thành công trong việc lãnh đạo quốc gia như Benazir Bhutto, Kim Đại Trọng ở Á Châu, Jacob Zuma, Moncef Marzouki của Phi Châu và nhiều người khác.


Nhiều độc giả đã biết trường hợp Kim Đại Trọng của Nam Hàn và Benazir Bhutto của Parkistan, xin giới thiệu trường hợp của Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki mới đây. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại đại học Strasbourg, Pháp, Bác sĩ Moncef Marzouki trở lại Tunisia và thành lập Trung Tâm Y Tế Cộng Đồng để ngăn chận lạm dụng thiếu nhi. Bác sĩ Moncef Marzouki không có tham vọng chính trị nhưng trước việc nhà độc tài Ben Ali trấn áp một cách dã man các thành phần đối lập, ông đã đứng ra thành lập Ủy Ban Quốc Gia Bảo Vệ Tù Nhân Lương Tâm (the National Committee for the Defense of Prisoners of Conscience). Ông bị tù nhiều lần trước khi lưu vong sang Pháp. Tại Pháp, ông tiếp tục lãnh đạo Nghị Hội Vì Nền Cộng Hòa (Congrès pour la République) gọi tắt là CPR. Nghị Hội Vì Nền Cộng Hòa quy tụ một tập thể trí thức thuộc nhiều tôn giáo, thành phần xã hội, hữu và tả, Arab và không Arab nhưng theo đuổi một mục tiêu tối hậu là thành lập một chế độ Cộng Hòa đầu tiên tại Tunisia bao gồm tự do ngôn luận, tự do hội hộp, tự do bầu cử và ứng cử. CPR đòi hỏi một hiến pháp mới đặt cơ sở trên các nguyên tắc của chế độ Cộng Hòa. Sau khi nhà độc tài Ben Ali bị lật đổ, Moncef Marzouki trở về Tunisia để tham gia cuộc bầu cử quốc hội và được chọn làm Tổng thống của Tunisia ngày 12 tháng 12 năm 2011. Trả lời báo chí, Moncef Marzouki phát biểu về nhiệm vụ chính của ông ta “Khi một đất nước phải trải qua 50 năm độc tài, nhiệm vụ chính của tôi là ngăn chận độc tài tái diễn”.


Còn hơi sớm để đánh giá, nhận xét về việc anh Cù Huy Hà Vũ ra đi bởi vì có thể có nhiều yếu tố về phía Mỹ, phía CSVN và cả cá nhân anh vẫn chưa được biết, chưa được tiết lộ, chưa được tỏ bày. Những điểm người viết trình bày không có ý phê bình, chỉ trích nhưng chỉ muốn nêu ra một cách thẳng thắn về những hoàn cảnh và tình huống mà anh Cù Huy Hà Vũ có thể sẽ phải đương đầu trong những ngày tháng tới. Nếu anh chỉ muốn có cuộc sống bình an, đọc sách, họa, nghiên cứu luật sẽ không có gì để nói nhưng nếu anh tiếp tục dấn thân trên đường đấu tranh như đã từng làm thì trước mặt là đỉnh Everest đang đợi chờ anh.


Một góp ý chung cho tất cả những người ra đi, dù ra đi bằng ghe như kẻ viết bài này hay bằng máy bay như các lãnh tụ đấu tranh: Xa đất nước là một bất hạnh và ra đi, dù viện dẫn bất cứ một lý do gì, cũng có lỗi với quê hương.
Trần Trung Đạo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét