Trong
phiên họp Quốc hội Trung quốc khóa 12 diễn ra vào tháng 3/2014, Thủ tướng của
nước này là ông Lý Khắc Cường đã lên đọc một bản báo cáo dài lê thê trong đó
nhấn mạnh đến việc cải cách các xí nghiệp quốc doanh và cải thiện môi trường
đang bị ô nhiễm.
Trước hết
về khu vực kinh tế quốc doanh, ông Cường khẳng định ngay cả nếu có làm đình trệ
nền kinh tế, nhà nước sẽ vẫn cải cách triệt để các xí nghiệp quốc doanh đang
độc chiếm thị trường chẳng hạn như các công ty khai thác tài nguyên, điện lực,
dầu hỏa, đường sắt, bưu điện, ngân hàng…
Tuyên bố đanh
thép này làm bật lên ngay sự hồ nghi trong đầu giới phân tích. Khi hầu hết giới
lãnh đạo các xí nghiệp quốc doanh lớn nhỏ đều là gia đình, thân nhân, đệ tử của
các quan chức lớn ở thượng tầng, ai cũng đồng ý họ là mảng cán bộ khổng lồ sống
bằng tham nhũng, lãng phí, đục khoét tài nguyên quốc gia, nhưng ông Cường có dám
hay có thực sự muốn dẹp hết mảng cán bộ này không?
Đó là chưa kể trong số thân
nhân, đệ tử của ông Cường có bao nhiều người đang nắm các xí nghiệp quốc doanh
và nộp "lệ phí" ngược lại cho ông.
Các nhà
hoạt động xã hội ở Trung quốc cũng nhắc lại các tuyên bố đanh thép từ mấy chục
năm trước của Thủ tướng Chu Dung Cơ khi ông đập bàn gào thét phải cải cách, chứ
không thì chết. Rồi đến Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn đi xa hơn đòi phải cải cách
chính trị nữa chứ không thì thành quả kinh tế đạt được từ trước đến nay sẽ tiêu
tan. Nhưng hết đời thủ tướng này đến đời thủ tướng khác, khu vực quốc doanh vẫn
sống mạnh, sống bền. Tệ hơn nữa, báo chí tây phương còn khám phá ra được số tài
sản lên đến mấy tỉ mỹ kim của Thủ tướng Ôn Gia Bảo được giấu ở nhiều nơi và
giao cho thân nhân đứng tên. Trong đó có mấy công ty do bà mẹ trên 90 tuổi của ông
đang nắm giữ. Đặc biệt bà cụ đã bị lẫn trí và không còn đi lại được từ nhiều năm
nay.
Đến khi Thủ
tướng Lý Khắc Cưòng, cũng trong bài diễn văn nêu trên, liệt kê một trường hợp
điển hình là ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên ban Thường vụ bộ Chính trị đảng, đã
lạm dụng qua công ty khaì thác dầu hỏa, thì giới phân tích hiểu ngay và giới lãnh
đạo xí nghiệp quốc doanh thở phào nhẹ nhõm. Mọi người ngầm hiểu thông điệp cải
tạo quốc doanh chỉ là vũ khí mà Tổng bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc
Cường dùng để tận diệt phe cánh đối thủ chính trị của họ là Chu Vĩnh Khang và Bạc
Hy Lai mà thôi. Đòn đánh mạnh tay này cũng nhằm hăm dọa những cán bộ và sĩ quan
cao cấp còn ủng hộ ngầm cánh Chu - Bạc tại Trùng Khánh và trong hàng ngũ quân đội.
Còn mọi xí nghiệp quốc doanh "vô can" khác thì ai về nhà nấy. Mọi
chuyện vẫn "ổn định".
Kế đến, vẫn
với tông điệu đanh thép, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tuyên chiến luôn với môi
trường ô nhiễm, đặc biệt là khói bụi PM2.5 đang bao mù trời cả toàn vùng Bắc
Kinh trong nhiều tháng. Ông lên án nạn ô nhiễm môi sinh và khói bụi PM2.5 là
mối đe dọa đời sống của người dân; nó nguy hại ngang tầm với nạn quan liêu,
nhũng lạm, và khoảng cách giàu nghèo quá xa; nên nó cũng rất dễ dẫn đến tình
trạng bất ổn xã hội. Rồi ông xin nhân dân hãy cùng nhà nước tuyên chiến để tận
diệt nó.
Tưởng cần
nhắc lại, tình trạng ô nhiễm không khí đã tệ hại đến mức chính báo đài lề đảng đã
"xé rào" phê phán nhiều lần tình trạng này. Thí dụ như phóng viên đài
truyền hình trung ương Trung quốc có bài bình luận với tựa đề ‘’Không biết xấu
hổ’’ với câu kết như sau: "Xã hội Trung quốc vẫn còn đầy dẫy bất công, nhưng
có một điều thật sự bình đẳng không ai chối cãi được. Đó là mọi người đều bình
đẳng hít thở không khí độc hại như nhau". Các phóng viên này còn dám kêu gọi
sở Thiên văn khí tượng hãy chấm dứt việc công bố các chỉ số ô nhiễm môi trường
và nồng độ khói bụi PM2.5 không đúng với
thực tế để trấn an người dân.
Cả giới
phân tích quốc tế và giới hoạt động xã hội tại Trung Quốc đều đồng ý rằng nhà cầm
quyền có thừa uy lực để ra lệnh cho các công ty thay đổi cách thức sản xuất và
ngưng ngay nạn ô nhiễm, đặc biệt là xả bụi, nhưng chắc chắn là họ sẽ không làm.
Vì đây là chủ trương nền tảng và nhất quán suốt từ thời ông Đặng Tiểu Bình, đó
là phát triển kinh tế bằng mọi giá dù phải chấp nhận phá hoại môi sinh. Hiện
nay, chủ trương đó lại càng cần được thế hệ lãnh đạo Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường
duy trì vì uy thế của 2 ông đã suy giảm nhiều và rất sợ dân chúng sẽ nổi lên nếu
nền kinh tế bị khựng lại.
Chính vì
thế mà lãnh đạo đảng thường đóng luôn vai trò khoa học gia. Chẳng hạn như họ ra
lệnh cấm ngay việc quảng bá bản kết quả thu thập và phân tích của Viện Khoa học
Xã hội Thượng Hải. Các kết luận của bản nghiên cứu này làm kinh ngạc nhiều người,
như tại vùng miền Bắc Trung Quốc, nơi có nạn ô nhiễm và bụi PM2.5 nặng nề nhất,
tuổi thọ của mỗi người dân bị giảm 5 năm hoặc nhiều hơn; hoặc như kết luận bầu
không khí và tình trạng ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm tại
Bắc Kinh và hàng loạt các đô thị lớn ở vùng phía Bắc nước này không còn an toàn
hay thích hợp cho con người và hầu hết động vật sinh sống nữa.
Thế là lãnh
đạo đảng lại ra lệnh không chỉ bịt mũi mà bịt luôn cả mắt toàn dân lại để tiếp
tục "ổn định xã hội".
Và đến
nay, hầu như giới quan sát trong và ngoài Trung Quốc đều đồng ý: nguyên bài diễn
văn dài lê thê của Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ là một ứng dụng của công thức
"Khuấy nồi canh đang sôi cho khỏi trào" mà Tổng bí thư Tập Cận Bình đã
chính thức và trực tiếp huấn thị các lớp cán bộ cao cấp mà thôi. Tức là chỉ cần
nói sao cho dân đừng bức xúc tới độ phản đối bằng hành động là đủ ... và là
xong.
Ngô Quảng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét