Nguyễn Thế Lượng
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba” (*)
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba” (*)
Đã từ lâu, cư dân vùng ven sông Thao tỉnh Phú Thọ vẫn truyền nhau
câu ca trên để nhắc nhở nhau rằng dù ở bất cứ phương trời nào, dù ăn đâu
làm đâu, đến tháng ba âm lịch, cũng biết cúi đầu nhớ về ngày giỗ Tổ,
nhớ về nguồn cội sinh thành.
Lối vào Đền Hùng
Những ngày tháng
ba này, ở khắp bốn phương trời, đồng bào Nam, Bắc, kiều bào Việt Nam ở
nước ngoài đã hành hương về Đất Tổ để trẩy hội đền Hùng, tri ân công đức
Tổ tiên…
Hướng về Đất Tổ, nơi núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng từ ngàn năm soi
mình xuống dòng Đà giang cuộn chảy, mỗi con dân đất Việt đều lắng lòng
mình trước huyền tích về nguồn cội con Lạc cháu Hồng, nơi sinh ra thủy
Tổ của dân tộc Việt Nam.
Những truyền thuyết về nguồn cội của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ
câu chuyện về Lạc Long Quân- Vị Quốc Tổ của muôn dân Đất Việt và Đệ nhất
Tiên Thiên Công chúa- Quốc Mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng rồi mỗi
người dẫn 50 người con đi về một hướng để làm nên hành trình không có
điểm dừng để tạo lập giang sơn.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Là người Việt, ai ai
cũng biết câu chuyện đó. Nhưng điều quan trọng là dù đó chỉ là huyền
tích trong tiềm thức của con dân Đất Việt nhưng từ bao đời nay, mỗi
người dân Việt Nam đều ý thức được mình được sinh ra từ bọc trăm trứng
như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết một lòng, ý thức được mình là
dòng giống Tiên Rồng. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm từ bao đời
nay, là ngày Quốc giỗ Lạc Long Quân, vị Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam.
Trụ đá khắc chữ ‘Uống nước nhớ nguồn’ tại đền Quốc Tổ
Về đền Hùng, bước
chân lên núi Nghĩa Lĩnh cao sừng sững, một khung cảnh tuyệt đẹp giữa
trời mây non nước và đền chùa với khói hương lan tỏa khắp không gian.
Bốn phía là 99 ngọn núi như 99 con voi chầu về Đất Tổ. Đến đền Hùng, du
khách sẽ lần lượt đi thăm và thắp hương những điểm di tích quan trọng
như: Cổng đền, Đền Hạ, Nhà bia, Chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền
Thượng, Đền Giếng, Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ và Bảo
tàng Hùng Vương. Mỗi điểm di tích sẽ mang lại cho khách thập phương một
cảm nhận riêng và dù ở phương trời nào, khi đến đây, ai cũng lắng lòng
mình trước anh linh các Vua Hùng, những vị vua đã có công “khai thiên
phá thạch”, tạo dựng giang sơn gấm vóc đời đời bền vững.
Tượng thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Về trẩy hội đền Hùng
những ngày tháng ba, muôn dân Đất Việt sẽ được hòa vào dòng người từ mọi
miền đất nước hành hương về Đất Tổ. Mỗi người, bước chân nhè nhẹ và
lòng tự nhủ về nơi đây là tìm về lẽ sống, ngọn nguồn và niềm tin vào
phía trước. Trẩy hội nhân dịp Quốc giỗ, du khách như được hòa mình vào
không khí thuở xưa qua những nghi lễ và hoạt động như dâng lễ, tế lễ
Quốc Tổ Lạc Long Quân và các vua Hùng, hội thi gói bánh chưng bánh dày
ngay tại sân lễ hội, các trò chơi dân gian từ bao đời nay được tái hiện
như lễ rước voi, chọi gà, đâm đuống, ném còn, thi nấu cơm, chơi cờ…Một
không gian lễ hội ấm cúng, linh thiêng và trang trọng.
Đền Hùng nơi muôn dân đất Việt hướng về
Nơi đây, muôn dân Đất
Việt còn được chiêm ngưỡng và thưởng thức những làn điệu dân ca hát
Xoan, hát ghẹo làm say đắm lòng người. Huyền tích về câu hát Xoan được
người dân Phú Thọ truyền nhau, kể cho nhau nghe từ bao đời rằng vào một
ngày đẹp trời, ba anh em Hùng Vương đi tìm đất đóng đô, nhân lúc nghỉ
chân ở ven rừng, vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng
dao. Vua cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng hát cho nghe. Nghe
xong, vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt
trên đất Văn Lang. Đó là những câu hát Xoan được truyền lại cho đến ngày
nay.
Biểu tượng trống đồng tại đền thờ Quốc Tổ
Từ lâu, trong
đời sống của người dân đất Việt đã lan truyền câu ca: “Chim có tổ người
có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Ấy là để nhắc nhở muôn dân ý
thức về nguồn cội của mình và sự trường tồn của truyền thống đoàn kết
của những con người mang trong mình dòng máu Việt. Hiếm có một dân tộc
nào, sự tri ân nguồn cội lại gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như ở
nước ta. Theo các tư liệu lịch sử và sự thống kê của các nhà nghiên
cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích
thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng
Vương. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là lễ hội tiêu biểu cho tín
ngưỡng ấy của người Việt. Nơi đây, vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng
năm, dù ở phương trời nào, dù không về được thắp nén nhang trầm nhưng
muôn dân đất Việt vẫn hướng trái tim mình về nơi nguồn cội để ở đó, mỗi
người được tự hào với dòng máu con Lạc cháu Hồng của mình, để ý thức
được con người mình trong cuộc sống hôm nay:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Tri ân công đức tổ tiên, hướng về cội nguồn và bồi đắp thêm niềm tự
hào là tâm niệm và tâm lòng của mỗi người con khi hướng về Đất Tổ.
Nguyễn Thế Lượng
(*) Mùng 10 tháng Ba AL năm nay là ngày 9 tháng Tư 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét