Ads 468x60px

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Việt Nam buộc chủ nhà mua bảo hiểm cho người giúp việc

Giúp việc nhà, một nghề đang “hot” tại Việt Nam.
(Hình: báo Lao Ðộng)
Nhà cầm quyền Việt Nam vừa ban hành một nghị định chi tiết hóa một số điều khoản của luật Lao Ðộng, buộc các gia chủ thuê mướn người giúp việc nhà phải tuân hành.
Những điều quy định mới này bao gồm việc trả thù lao bảo đảm mức lương tối thiểu và buộc giới chủ phải mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho “oshin.” Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 5, 2014 tới đây.
Các văn bản được ban hành trước đó ấn định mức lương tối thiểu khác nhau theo từng vùng. Mức thấp nhất là vùng 4, khoảng 1.9 triệu đồng, tương đương 95 đô la một tháng. Cao nhất là vùng 1, khoảng 2.7 triệu đồng, tương đương 135 đô la một tháng. Khoản tiền lương trên bao gồm chi phí ăn, ở của người lao động giúp việc tại nhà chủ.
Cũng theo nghị định này, chủ phải trả thù lao cho người giúp việc trong các dịp lễ, Tết, hoặc làm thêm giờ. Nghị định này còn buộc chủ nhà phải trả lương tháng 13, và người lao động được hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, Tết theo qui định.
Báo Lao Ðộng cho biết, cả hai bên chủ nhà cũng như người được thuê mướn phải ký kết một hợp đồng lao động hẳn hòi và thông báo cho chính quyền địa phương biết trong vòng 10 ngày, kể từ khi ký kết hợp đồng.Theo dư luận, đây là một nghị định khá riêng biệt dành riêng cho giới lao động giúp việc nhà, một nghề thịnh hành tại Việt Nam hiện nay. Trong vòng mười năm trở lại đây, giúp việc nhà trở thành một loại nghề đa dạng, dựa vào sự thỏa thuận giữa đôi bên. Có chủ nhân trả lương hết sức hậu hĩ, nhất là trong thời gian cuối năm hoặc lễ, Tết, giai đoạn thiếu người giúp việc trầm trọng vì người lao động cũng phải lo.. về quê ăn Tết.
Một số sinh viên được thuê điền khuyết vào công việc coi nhà, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa cho chủ để kiếm thêm. Có người còn thuê lao động đến giữ nhà trong thời gian bận bịu công việc ở xa. Có chủ thuê người giúp việc theo giờ, hoặc để trông nom con nhỏ, cha mẹ già của họ, hoặc để làm công việc dọn dẹp vệ sinh, mà không nhà nào giống nhà nào.
Thực tế cho thấy, “oshin” thường là phía “xé” hợp đồng vì trở “quẻ” trộm cắp. Còn phía các ông chồng của chủ nhà thường vướng vào việc quấy rối tình dục các nữ “oshin.”
Cũng có dư luận cho rằng, vì nghề giúp việc nhà đang “hot,” chủ cần “oshin” chứ “oshin” không cần chủ, nghị định trên có vẻ như được ban hành để “lấy tiếng” hơn là dựa vào một nhu cầu thực tế của cuộc sống. Người khác cho rằng, sự xuất hiện của một nghị định như thế cho thấy, Bộ Lao Ðộng Việt Nam đã dùng một nghề đang “hot” để chứng minh chính sách nhân bản của chế độ, trong khi nạn hà khắc lớp thợ thuyền tiếp tục diễn ra tràn lan khắp nơi tại Việt Nam, không có cách gì ngăn chặn nổi. (PL)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét