Lê Vĩnh
Gần 20 năm trước, trong phần kết luận của tiểu luận “Chia Tay Ý
Thức hệ”, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã nhận định rằng: “Càng suy nghĩ về nội dung
cũng như về hiện tình của Ý thức hệ Mácxít, tôi càng thấy rõ đây là một Ý THỨC
HỆ PHONG KIẾN TRÁ HÌNH của triều đại phong kiến cuối cùng, đang kìm hãm sự tiến
bộ xã hội, và được dùng làm BÌNH PHONG cho những yếu tố tiêu cực ẩn nấp.”
Nếu qua nhận định vừa kể, ông Hà Sĩ Phu chỉ hiện thực hoá ý thức hệ Mác Xít
thành một ý niệm khác gần gũi và dễ hiểu hơn nhưng vẫn mang tích cách trừu
tượng, thì đảng Cộng Sản Việt Nam đã cụ thể hoá sự trừu tượng đó trong việc họ
công khai xây dựng triều đại Cộng Sản thành một triều đại phong kiến theo nghĩa
đen, qua các “quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” (hội nghị trung ương 7, tháng
5/2013) nhằm đưa con cháu của những người từng có nhiều quyền hành hoặc đương
quyền vào những vị trí lãnh đạo cao cấp, chuẩn bị cho đường tiến thân lên vị trí
cao hơn ở kỳ họp đảng sắp đến. Kết luận của hội nghị trung ương IX của đảng vào
tháng 5 vừa qua còn tái khẳng định đó là “chủ trương lớn của đảng”. Tuy nhiên,
đối với dân chúng thì đó chỉ là cách để củng cố triều đại phong kiến kiểu cộng
sản.
Điểm cũng cần nói tới là, đây không chỉ là “chủ trương lớn” của
riêng đảng CSVN, mà là hiện tượng chung của bốn nước cộng sản còn rơi rớt lại
trên quả đất này (Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba – không kể nước
Lào nhỏ bé). Cả 4 nước đều có những cách làm tương tự như vậy để chuẩn bị và
củng cố vai trò lãnh đạo cho thành phần con cháu lãnh đạo đảng đương thời, gọi
là "thái tử đảng" (ký giả phương Tây có chữ riêng cho họ: princelings).
Danh sách các “thái tử đảng” Việt Nam đã lên đến mấy chục người
(mà người ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng internet) mới đây lại vừa được bổ
xung thêm ông Nguyễn Bá Cảnh, con của ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên Bộ Chính Trị,
trưởng ban Nội Chính Trung Ương; hầu kịp thời chạy đua và hợp thức hoá họ lên
hàng ngũ cán bộ cấp trung ương trong kỳ đại hội đảng sắp tới. Nhân dịp này báo
chí lề đảng tha hồ trổ tài nịnh hót mấy thái tử đảng là con cháu của những lãnh
tụ chóp bu hiện nay, như là những nhà lãnh đạo tương lai “tuổi trẻ tài cao, học
hành đến nơi đến chốn”, v.v.... Thậm chí có báo còn đăng hình ảnh để chứng minh
các thái tử đó không những “tuổi trẻ tài cao” mà còn “đẹp trai như tài tử
Holywood” (quên mất sự thường tình ’xấu đẹp tuỳ người đối diện’ của các mục tìm
bạn bốn phương). Sự khen ngợi đến độ lố bịch này đã khiến dây thần kinh xấu hổ
của lãnh đạo đảng được hồi phục lại trong giây lát để dẹp bài báo đó xuống,
nhưng sự mỉa mai và bất phục vẫn được lan truyền với tốc độ của ánh sáng trên
mạng. Tuy cùng là “thái tử đảng” nhưng mấy năm trước “thái tử” Nông Quốc Tuấn
(con của nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh) chỉ được báo chí lề đảng tâng bốc
bâng quơ. Một phần vì báo chí biết rằng ông Nông Đức Mạnh sắp về vườn; phần khác
vì quả thực ông Tuấn (đã hơn 40 tuổi) không thuộc hàng trẻ tuổi nữa, lại không
học hành đến nơi đến chốn mà bắt đầu bằng việc đi xuất khẩu lao động ở
Đức; không những thế ông Tuấn còn bị chỉ trích là bất tài, thiếu năng lực.
Một điểm chung là các “thái tử đảng đẹp trai như tài tử” này
đều được đi du học ở những nước “tư bản thối nát”, chẳng một ai đi học ở các
nước “xã hội chủ nghĩa anh em tiến bộ” như Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba. Đây là
điều khiến nhiều người thắc mắc, khi mà đảng CSVN phát động phong trào đấu tranh
chống các “thế lực thù địch” (được đảng xác định là xuất phát từ các nước tư
bản) và chống “tự diễn biến”; nhưng con cái của lãnh đạo đảng lại đi học ở những
nước tư bản, thừa hưởng sự giáo dục của những nước ấy thì họ chống thế lực thù
địch và chống tự diễn biến như thế nào? Thực ra thì còn nhiều thắc mắc khác liên
hệ đến thái tử đảng, chẳng hạn như cương lĩnh đảng vẫn ghi rõ “đảng là đại diện
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” nhưng thành phần lãnh đạo đảng hiện
nay ai là người thuộc hai giai cấp vừa kể? Làm sao để các thái tử đảng đang sống
xa hoa trên hàng núi của cải biến thành những công nhân và nhân dân lao động bần
cùng, hầu trở thành giai cấp lãnh đạo đúng như cương lĩnh?
Tuy thắc mắc như vậy nhưng đến nay người ta cũng hiểu rằng
những lãnh đạo chóp bu của đảng vẫn “mở máy” nói về tư bản, về xã hội chủ nghĩa,
nhưng thực sự có lẽ họ cũng chẳng tin vào những điều họ nói. Chẳng hạn như ông
Nguyễn Phú Trọng vẫn cho rằng, tình trạng tham nhũng trong đảng bất trị hiện nay
là do “tác động tiêu cực” của mặt trái nền kinh tế thị trường, mà ông ta không
hề tự hỏi tại sao hàng trăm quốc gia tư bản theo nền kinh tế thị trường mấy chục
năm qua, thậm chí cả thế kỷ qua, vẫn trị được “mặt trái” của nền kinh tế đó một
cách hữu hiệu.
Như đã đề cập ở trên, từ 20 năm trước ông Hà sĩ Phu đã nhìn ra
cái chế độ hiện nay chỉ là một triều đại phong kiến trá hình, được dùng làm bình
phong cho các yếu tố tiêu cực ẩn nấp (ngày nay danh từ thời thượng cụ thể hóa sự
tiêu cực đó là các ’nhóm lợi ích’). Cho đến nay càng ngày người ta càng thấy rõ,
chỉ duy trì được chế độ phong kiến trá hình này để làm bình phong thì đảng mới
duy trì và củng cố được quyền lực, chứ công khai minh bạch thì đảng sẽ.... vắn
số. Quyền lực mới là vấn đề quan trọng đối với đảng. Vì vậy, việc “cơ cấu” các
thái tử đảng (và cán bộ trung, cao cấp theo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược) tuy
đậm nét phong kiến, nhưng là điều cần thiết, không chỉ để củng cố, mà còn duy
trì quyền lực đó lâu dài. Hồi tháng 3 vừa qua có đợt luân chuyển 44 cán bộ,
trong đó có đến 22 người được “cơ cấu” vào Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN
khóa XII (tức cơ quan cao nhất của đảng CSVN) và vào những chức vụ quan trọng
khác, chính là cách thực hiện việc kế thừa quyền lực vừa kể. Ở đây cũng cần mở
một dấu ngoặc để nói về sự kế thừa quyền lực ở cấp bộ thấp hơn. Đầu tháng 8 vừa
qua, có vụ 40 người đã nộp “phí chống trượt”, nhưng không chen chân nổi với đám
5 C (con cháu các cụ cả) trong kỳ thi vào cao học tại Trung tâm Giáo dục Thường
xuyên tỉnh Thanh Hóa. Tương tự, tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên Cục Quản lý Thị
Trường tổ chức thi tuyển thì 10 người trúng tuyển (trong số 300 người dự thi)
đều thuộc dạng 5C. Những sự kiện vừa kể cho thấy việc “kế thừa quyền lực” được
thực hiện xuyên suốt từ trên xuống dưới. Nếu ở cấp trung ương có các thái tử
đảng, thì ở địa phương với những chức vụ cò con thì có những người thuộc dạng
5C.
Trở lại chuyện các thái tử đảng, một nhu cầu trọng yếu khác nữa
khiến lãnh đạo hiện nay phải cài cắm cho được con mình vào những vị trí then
chốt là để bịt chặt những chuyện thâm cung bí sử, những hồ sơ cũ, những vụ tham
nhũng, hãm hại người khác động trời của chính họ không lọt ra ngoài. Nhu cầu này
lại càng cần thiết một khi họ đã "hạ cánh"? (Như chuyện bà Võ Thị Thắng [2] vừa
qua đời, nhưng cho đến chết vẫn chưa biết tại sao ? và những ai trong bộ chính
trị đã rắp tâm hãm hại mình?). Đó là chưa kể đến những hồ sơ liên quan đến sự
bán chác đất đai, biển đảo với người “vừa là đồng chí vừa là anh em” đang được
dư luận râm ran bàn tán hiện nay.
Đã có một dạo dư luận, kể cả một số “học giả nước ngoài”, hy
vọng rằng, với kiến thức và kinh nghiệm các thái tử đảng thu thập được khi du
học ở các nước tư bản, thế hệ lãnh đạo mới này sẽ làm đất nước “thay da đổi
thịt” theo con đường tiến bộ. Hy vọng này có thể đúng đối với những quốc gia
bình thường (theo nghĩa không có một chế độ độc tài theo dạng nào đó quyết bám
giữ quyền lực), nhưng với một chế độ phong kiến trá hình như ở Việt Nam thì như
đã phân tích ở trên: “quyền lực là tất cả”, cho nên áp dụng một điều bình thường
vào một chế độ bất thường là điều bất khả. Thí dụ tương tự rõ nhất là trường hợp
lãnh tụ Kim Chính Ân của Bắc Hàn. Ông Kim Chính Ân du học ở Thuỵ Sĩ nhưng chẳng
áp dụng một điều nào học hỏi được khi ông ta nắm quyền lực trong triều đại phong
kiến trá hình ở Bắc Hàn.
Thực tế từ hơn hai thập niên qua cũng cho thấy đảng đã mở những
chiến dịch mời gọi trí thức Việt Nam ở nước ngoài về giúp xây dựng đất nước,
nhưng một số nhỏ nhoi những trí thức làm theo lời mời gọi đó đều đã thất vọng bỏ
đi sau khi va chạm thực tế. Thực tế đó là quyền lực của đảng từ trung ương đến
mọi ngóc ngách địa phương. Một trường hợp tương tự là “12/13 quán quân Olympia
không về nước” mới được báo chí đăng tải gần đây. Gameshow “Đường lên đỉnh
Olympia” quy tụ những học sinh giỏi nhất nước, đã phát sóng từ 14 năm qua. Khi
đoạt giải sẽ được đi du học ở Úc. 12 trong số 13 người của chương trình này đã ở
lại Úc hoặc những nước tiến bộ khác để phục vụ hoặc tiếp tục con đường học vấn
mà không quay về Việt Nam, hầu họ có thể sống “cho ra con người”, và đặc biệt là
không phải va chạm với quyền lực của các thái tử đảng khi họ muốn thực thi sở
học để phục vụ đất nước. Quyền lực đó của đảng to lớn như thế nào thì chỉ cần
nhớ lại sự phân cấp trên – dưới: “cương lĩnh đảng cao hơn hiến pháp” được chính
ông Nguyễn Phú Trọng nói ra là biết.
Khi loan tin về các thái tử đảng, báo chí không quên nhắc nhở
rằng, họ là những người được đào tạo bài bản ở các trường đại học (trong đó có
những trường nổi tiếng) ở các nước tây phương tiên tiến, hầu nhắc nhở độc giả tự
hiểu rằng “dù vậy họ vẫn trở về nước phục vụ quê hương”, chứ không như hai thành
phần trí thức nêu trên. Sự trái ngược này khiến nảy sinh ra một câu hỏi khác:
“Nếu không phải là con cái những lãnh đạo chóp bu thì liệu rằng các thái tử đảng
đó có trở về nước hay không? Và động cơ nào thúc đẩy họ về nước?” Câu trả lời
thực ra không khó. Những sinh viên du học khác, sau khi học hành vất vả kiếm
được mảnh bằng về nước nhưng nếu không nằm trong những thứ tự ưu tiên cao để xin
được việc: “Nhất hậu duệ - Nhì quan hệ - Ba tiền tệ - Bốn trí tuệ - Còn lại là
mặc kệ”, mà chỉ có trí tuệ thôi thì có nhiều triển vọng sẽ thất nghiệp đứng
đường như hơn một trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay. Còn các thái
tử đảng dù có học hành đến nơi đến chốn hay không (khó ai biết được) thì cũng đã
có đầy đủ 3 ưu tiên cao nhất kể trên mà có khi chẳng cần đến trí tuệ, và đều
được “cơ cấu” vào những vị trí béo bở để chuẩn bị cho việc kế thừa quyền lực từ
thế hệ trước, hầu duy trì triều đại phong kiến trá hình hiện nay cùng với quyền
lực của đảng.
Một câu trả lời của nhà thơ Nguyễn Duy được thuật lại trong một
bài viết đăng trên trang blog Quê Choa gần đây (3) có lẽ là gợi ý cho câu trả
lời xác đáng nhất và thú vị nhất cho câu hỏi động cơ nào thúc đẩy các thái tử
đảng trở về nước. “Nhà văn Nguyễn Quang Lập hỏi nhà thơ Nguyễn Duy, người đi
Mỹ nhiều lần, có lần ở cả 6 tháng và không phải là cưỡi ngựa xem hoa: ’Ông hãy
nói cho tôi biết chỉ một câu về nước Mỹ’. Nguyễn Duy cũng trả lời không cần suy
nghĩ: ’Đó là đầy đủ tất cả những điều mà Mác mơ ước’“. Ước mơ của Mác là
thiên đường cộng sản, trong đó người ta “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”.
Chưa vội nói đến thiên đường cộng sản, trong trường hợp Việt Nam ông Nguyễn Phú
Trọng đã băn khoăn là không biết sang thế kỷ sau nước mình có thể tiến được lên
xã hội chủ nghĩa chưa, để mấy...ngàn (hay tỷ) năm sau đó mới tiến lên được xã
hội cộng sản. Chuyện tiến lên tiến xuống các cung bậc những loại xã hội do Mác
định đặt ra là chuyện của dân. Còn lãnh đạo đảng và gia đình họ thì đã tiến lên
và vượt qua khỏi thiên đường cộng sản rồi. Vì dù có năng lực hay không thì họ
cũng đã và đang thụ hưởng thừa mứa những nhu cầu. Các thái tử đảng nằm trong
thành phần ít oi này. Bởi vậy chẳng dại gì mà họ không trở về nước để thụ hưởng.
Không những thụ hưởng thừa mứa, mà họ còn nắm trong tay đầy quyền lực, chẳng
khác gì các vua chúa, thái tử của những triều đại phong kiến ngày xưa. Ông
Nguyễn Văn An nói thành phần lãnh đạo đảng là “vua tập thể” chẳng có gì là quá
đáng.
Bởi vậy cũng nên sửa lại một câu nói của bà phó chủ tịch nước
Nguyễn Thị Doan cho phù hợp với triều đại phong kiến cộng sản hiện nay; “Chế độ
ta phong kiến gấp trăm lần các nước khác và vua chúa khác. Chúng chỉ có MỘT
hoàng tộc [ngay cả Bắc Hàn cũng chỉ có một hoàng tộc], trong khi chế độ ta có
vua tập thể nên có rất nhiều hoàng tộc”. Mà tất cả những thành viên trong các
hoàng tộc đó họ “ăn của dân không từ một thứ gì”.
Lê Vĩnh
- - -
Chú thích:
(1) Một vài “thái tử đảng” tiêu biểu: Nguyễn Minh Triết (Phó Bí
thư tỉnh đoàn Bình Định), Nguyễn Thanh Nghị (Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, uỷ
viên dự khuyết trung ương đảng). Cả hai đều là con của đương kim Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng. Lê Trương Hải Hiếu (Phó Chủ tịch quận 1, quận sầm uất, giàu có
nhất Sài Gòn) là con của Bí thư thành phố Sài Gòn Lê Thanh Hải. Nguyễn Bá Cảnh
(được chỉ định làm Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ Đà Nẵng), là con của Trưởng Ban
Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.
(2) “VÕ THỊ THẮNG: có một nụ cười khác”, Đào Hiếu, http://daohieu.wordpress.com/2014/08/23/vo-thi-thang-co-mot-nu-cuoi-khac-2/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét