Hàng cây dầu tại đường 3 tháng 2. |
Từ
mấy tuần lễ nay, khi công trình xây dựng đường tàu điện ngầm (métro)
Bến Thành-Suối Tiên chuẩn bị tiến hành, Sài Gòn dấy lên một không khí
xôn xao khó tả, với nhiều hoang mang và cảm hoài tiếc nuối.
Ðiều chúng tôi muốn nói tới những hàng cổ thụ, linh hồn của đường phố Sài Gòn.
Trong công trình
xây dựng đường tàu điện ngầm, đầu tiên là xây dựng tháp thông gió nhà ga
métro trước Nhà Hát Thành Phố (trụ sở Quốc Hội của Sài Gòn cũ), mấy
chục cây xanh đã bị đốn hạ.
Trong số mấy chục cây xanh đã bị đốn hạ, có hơn chục cây dầu và chục
cây lim xẹt, đã là cổ thụ trên trăm tuổi; riêng cây dầu đã có tuổi thọ
trên 150 năm.
Ông Nguyễn Trịnh Kiểm, chánh văn phòng Hiệp Hội Công Viên Cây Xanh
Việt Nam đã bày tỏ sự nuối tiếc về việc những cổ thụ này đã bị đốn hạ,
thay vì có thể bứng lên để trồng nơi khác.
Ðể phục vụ công trình, tất nhiên cây xanh không thể ở yên chỗ cũ; và
người ta cứ việc đốn hạ dù là cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nhiều kiến trúc
sư, văn nghệ sĩ lên tiếng trên báo chí, nhưng việc đã rồi. Sở Giao
Thông Vận Tải thành phố đã ra quyết định đốn hạ cây xanh, không cần đưa
ra Hội Ðồng Nhân Dân để lấy ý kiến.
Cây dái ngựa, cổ thụ còn tồn tại ở khu vực quận 11.
Người dân thành
phố chỉ còn biết ca thán, buồn bực vì cách làm của cơ quan chức năng nhà
nước thiếu tình cảm, không mang tính nhân văn. Bà con thấy việc đốn hạ
cổ thụ, cây xanh, không khác sự phá hủy bảo tàng sống của nhiều thế hệ
con người; cây xanh, cổ thụ từng lưu giữ chất chứa bao kỷ niệm buồn vui
của thành phố.
Cây dầu là loài thực vật có tuổi thọ cao, do nhà thực vật học người
Pháp, cũng là vị giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ông
Jean-Baptiste Louis Pierre, đã đưa trồng tại Thảo Cầm Viên, vườn Tao
Ðàn, và các đường phố Sài Gòn từ năm 1864. Như vậy, tới hôm nay, cây dầu
tại Sài Gòn đã có trên 150 tuổi.
Sài Gòn hiện nay có hơn 3.000 cây dầu, trên phân nửa thuộc hàng cổ
thụ; và nhiều loại cổ thụ khác, đặc biệt là “cây dái ngựa” mà dân Sài
Gòn từng đặt tên.
Có thể nói, cây dầu là loại cây đặc trưng của Sài Gòn, tạo nên vẻ đẹp
của đường phố, với thân cây rất cao và thẳng tắp, cành lá tỏa rộng và
đều đặn chung quanh.
Cây dầu là loài thực vật tuổi thọ cao, ở rừng thiên nhiên có thể sống
tới 300 năm; tuy nhiên tại những nơi mạch nước ngầm nông, cây dầu có
thể sớm bị mục rễ.
Khởi công xây dựng tháp thông gió cho métro.
Trong số hơn chục
cây dầu bị đốn hạ vừa qua, phân nửa đã mục rễ cọc, tức rễ chính, cắm sâu
dưới lòng đất. Ðiều này có thể dễ dàng giải thích, ở khu vực những cây
dầu vừa bị đốn hạ, khá gần bến Bạch Ðằng của sông Sài Gòn.
Cổ thụ, và nói chung cây xanh, đã góp phần điều hòa nhiệt độ, che
chắn gió bụi, giảm thiểu tiếng ồn, nhất là tạo vẻ mỹ quan của thành phố.
Ðốn hạ cây nào là đáng tiếc nuối cây ấy. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm
mấy chục cây xanh, cổ thụ vừa bị đốn hạ, thì cây ngã đổ trong trận mưa
đã gây trọng thương và chết người.
Người dân Sài Gòn vừa được khuyến cáo không di chuyển ngoài đường khi
mưa gió. Và từ những cây dầu bị mục rễ còi, nỗi lo những cây khác có
thể ngã đổ khi có mưa to gió mạnh, trở thành điều ám ảnh mỗi khi đi trên
đường phố.
Các chuyên viên về thực vật còn cho rằng, cây dầu có nhiều trên đường
phố Sài Gòn, loại cây có đặc tính tự rụng cành, lại là những cành lớn
dài, nên hiểm họa rớt gãy, gây tai nạn có thể xảy ra cả lúc không mưa
gió.
Phục vụ công trình xây dựng hạng mục tháp thông gió tại khu vực trước
Nhà Hát Thành Phố, và chuẩn bị nâng cấp-chỉnh trang đường Nguyễn Huệ,
nên thương xá Tax ở góc đường Lê Lợi-Nguyễn Huệ cũng sắp bị giải tỏa.
Ngoài sự hụt hẫng, lao đao của các tiểu thương, thêm nỗi tiếc nuối
của người dân Sài Gòn, trước sự sắp sửa ra-đi-vĩnh-viễn của một ngôi nhà
xinh đẹp và rất thân thuộc - thương xá Tax - tọa lạc giữa lòng Sài Gòn
từ hơn nửa thế kỷ.
Tượng đài Trần Nguyên Hãn sắp di dời.
Chúng tôi nghe bà
con tiểu thương than vãn; nhiều người còn thấy sự nghiệp kinh doanh của
mình đã tới hồi kết thúc. Bởi vì đa số tiểu thương ở thương xá Tax
chuyên doanh các mặt hàng lưu niệm, hàng mỹ nghệ. Những mặt hàng này chỉ
đắc địa nếu còn tồn tại ở thương xá Tax ở trung tâm Sài Gòn. Bây giờ
được sắp xếp kinh doanh tại một siêu thị nhỏ của hệ thống siêu thị Satra
tại quận 10, không thể có được khách du lịch nước ngoài tới mua nhiều
như trước nữa.
Chúng tôi cũng chứng kiến rất nhiều người dân Sài Gòn, cũng như chúng
tôi, với tâm lý hoài nhớ kỷ niệm, tiếc nuối quá khứ, cứ đi quanh quẩn
nhìn ngắm, chụp hình công trường Quách Thị Trang, trước mặt chợ Bến
Thành.
Bởi vì nơi đây sắp biến hình biến dạng, để trở thành nhà ga tàu điện ngầm - tuyến Métro số 1: Bến Thành-Suối Tiên. Ðược biết, sẽ di dời tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn, đưa vào công viên Phú Lâm ở quận 6; và đưa tượng bán thân nữ Phật tử Quách Thị Trang, vào đặt tại công viên Bách Tùng Diệp, một công viên nhỏ ở đường Lý Tự Trọng (đường Gia Long cũ).
Nguyễn Ðạt/Người Việt
Bởi vì nơi đây sắp biến hình biến dạng, để trở thành nhà ga tàu điện ngầm - tuyến Métro số 1: Bến Thành-Suối Tiên. Ðược biết, sẽ di dời tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn, đưa vào công viên Phú Lâm ở quận 6; và đưa tượng bán thân nữ Phật tử Quách Thị Trang, vào đặt tại công viên Bách Tùng Diệp, một công viên nhỏ ở đường Lý Tự Trọng (đường Gia Long cũ).
Nguyễn Ðạt/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét