Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại nhà của một người khá giả ở Vũng Tàu. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai) |
Ngành Mai
Ðờn
ca tài tử là nghệ thuật nhân gian xuất phát từ thời xa xưa ở Nam Kỳ Lục
Tỉnh, và càng về sau càng tỏa rộng ra hầu hết các tỉnh miền Tây miền
Ðông Nam Việt. Ðến giữa thập niên 1950, đờn ca tài tử có mặt ở các tỉnh
miền Trung và vùng Cao Nguyên Trung Phần, mà lớn mạnh nhứt là ở Ban Mê
Thuột.
Người miền Tây đi
làm ăn xa đã mang theo môn nhạc từng gắn liền với cuộc sống của họ, và
khi đặt chân đến nơi nào là đờn ca tài tử xuất hiện tại đó, đã vô tình
lôi cuốn người mộ điệu ở các địa phương tham gia góp phần làm mạnh mẽ
thêm cho nghệ thuật độc đáo này. Ðờn ca tài tử cũng theo chân người Việt
sang xứ Chùa Tháp, do bởi người dân Lục Tỉnh qua đất Miên làm ăn lập
nghiệp từ mấy thế hệ trước. Nỗi buồn xa xứ, họ giải sầu với điệu đàn
tiếng hát mang từ quê hương sang, thành thử ra không khí các buổi sinh
hoạt đờn ca tài tử ở bên Miên đối với họ chẳng khác gì bên nhà.
Hơn một năm trước đây (ngày 5 tháng 12, 2013), nghệ thuật đờn ca tài
tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân
loại, đã đưa nghệ thuật dân gian này trở nên một tầm vóc lớn lao.
Cách đây 3 năm trên tờ báo Người Việt Xuân Nhâm Thìn 2012 tôi có viết
bài “Còn Người Miền Nam Là Còn Ðờn Ca Tài Tử.” Cái tên tựa bài viết
cũng đã nói lên đờn ca tài tử liên quan mật thiết, và đồng hành gắn bó
với người miền Nam. Ðồng thời tôi cũng nói: “Dù cho cải lương có chết,
đờn ca tài tử vẫn sống, và sống mạnh nữa là đằng khác.” Bài viết được
đăng 2 năm trước ngày môn nhạc được UNESCO công nhận.
Do bản chất người tài tử là “tri âm tri kỷ,” người tài tử mượn tiếng
đờn lời ca để giao cảm với người nghe, phong cách tài tử mang tính cách
thính phòng, cách đờn ca tao nhã, tiếng trầm bổng khoan thai, đi vào
chiều sâu của tình cảm, người đờn và người hát chủ yếu là vì người nghe.
Tiếng đờn, lời ca trong nhạc tài tử là tiếng và lời của người tri kỷ,
tìm nơi ký gởi tâm tình. Ca tài tử là ca cho bạn tri âm, cho những người
đồng hội đồng thuyền, hiểu nhau, cảm nhau, thích với nhau mà ca, có khi
thâu đêm suốt sáng.
Ðờn ca tài tử rất dễ gần gũi với công chúng, ai đó có năng khiếu,
tinh thần đến với nghệ thuật dân gian này là được, trước lạ sau quen và
đưa dần tới thân thiện. Những ca sĩ tài tử tuy không qua trường lớp
chuyên nghiệp, vẫn rất vững vàng nhịp điệu.
Ðờn ca tài tử xuất hiện bất cứ nơi nào, ở gốc cây, sân nhà, bờ sông,
chòi ruộng, trên ghe... Nhưng khi chơi là rất nhiệt tình, vô điều kiện,
tài tử giai nhân đã nhập cuộc thì dường như quên cả sự đời.
Do đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
đại diện của nhân loại, mà hiện nay nghệ thuật nhân gian độc đáo này
phát triển mạnh ở trong nước, không chỉ ở miền Nam mà mở rộng ra miền
Bắc, điển hình là một Câu Lạc Bộ đờn ca tài tử vừa được thiết lập ở Hà
Nội cuối năm vừa qua và hoạt động mỗi tối Chủ Nhật hàng tuần theo hình
thức xã hội hóa, có nghĩa là những ai yêu thích đờn ca tài tử đều có thể
tham gia câu lạc bộ, và hoàn toàn miễn phí.
Khởi đầu các nghệ sĩ của Nhà Hát Cải Lương 2 và một số nghệ nhân,
nhạc sĩ ở miền Nam truyền dạy cho hội viên những bài bản tài tử như Tây
Thi, Lưu Thủy Trường, Nam Xuân, Nam Ai, Văn Thiên Tường, Phụng Hoàng,
v.v... để rồi từ đó dần dần phát triển mở rộng ra các tỉnh ở miền Bắc.
Nếu như vấn đề thành công thì đây là một bước đột phá mà tôi cũng như
những người am tường về sinh hoạt nghệ thuật nhân gian này đã không
nghĩ rằng đờn ca tài tử có thể “chinh phục” được người dân miền Bắc nhập
cuộc.
Với suy nghĩ và nhận định trên không phải là không có cơ sở, bởi đờn
ca tài tử đã có từ lâu đời, trước ngày ca ra bộ tức tiền thân của cải
lương xuất hiện thời thập niên 1910.
Ðến mấy thập niên sau loại hình nghệ thuật này cũng hoạt động giới
hạn ở các tỉnh Nam Việt, và lẻ tẻ một vài nơi ở miền Trung chớ không ra
miền Bắc, dù rằng cải lương đã ra Bắc từ nhiều thập niên qua.
Cũng có người nói rằng do Hiệp Ðịnh Genève 1954 chia đôi đất nước,
nên đờn ca tài tử không thể vượt sông Bến Hải để ra Bắc. Lập luận trên
bị phản bác ngay, bởi tuy ngăn chia đôi bờ Bến Hải, nhưng đã có hàng
triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Rất nhiều khu định cư được thành
lập, chẳng hạn như khu định cư Cái Sắn nằm giữa Long Xuyên-Rạch Giá là
hai tỉnh mà đờn ca tài tử được coi như mạnh mẽ nhứt. Thế mà không có
nhóm đờn ca tài tử nào hình thành ở khu định cư Cái Sắn này.
Ngoài ra còn nhiều khu định cư khá đông của đồng bào miền Bắc di cư
như: Hố Nai (Biên Hòa), Xóm Mới (Gò Vấp) Ngã Ba Ông Tạ, Bùi Môn và nhiều
vùng định cư khác nhỏ hơn, đờn ca tài tử cũng không lọt được vào đây.
Lý do tại sao chứ? Do người dân miền Bắc đã không mặn mà với loại đờn ca
mà vốn phát sinh từ miền Nam chăng? Không hẳn là như vậy, mà theo tôi
thì do vấn đề khác và sẽ trình bày ở các kỳ sau.
Ngành Mai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét