Nguyễn Hưng Quốc
Mở đầu bài viết tưởng niệm Lý Quang Diệu đăng trên báo The Washington Post,
Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ, người được xem là tổng công trình sư về
chính sách đối ngoại của Mỹ thời chiến tranh lạnh, nhận định: “Lý Quang Diệu là
một
vĩ nhân ” (Lee Kuan Yew is a great man). Cựu Thủ tướng Anh, Tony
Blair, cho Lý Quang Diệu là lãnh tụ sắc sảo nhất mà ông từng được gặp (the
smartest leader I ever met). Tổng thống Mỹ Barack Obama cho Lý Quang Diệu là một
“người khổng lồ đích thực của lịch sử”, “một hình ảnh truyền thuyết của châu Á
trong thế kỷ 20 và 21”.
Những lời khen ấy xuất phát từ ba sự kiện:
Thứ nhất, từ góc độ cá nhân, Lý
Quang Diệu bao giờ cũng chứng tỏ là một con người thông minh và sâu sắc đủ để
chinh phục sự ngưỡng mộ của những người gặp ông và trao đổi với ông.
Thứ hai,
với tư cách một lãnh tụ, ông đã chứng tỏ tài năng của mình trong việc biến
Singapore từ một hòn đảo nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu, một cựu thuộc địa của Anh và
là một trong những địa phương khiêm tốn trong Liên bang Malaysia, trở thành một
quốc gia tiên tiến và giàu có, có thu nhập trên đầu người cao hơn hẳn Malaysia
và cả nước Anh.
Thứ ba, với tư cách một chính khách, Lý Quang Diệu đã có những
ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi thế giới. Mặc dù người ta không gắn sau tên ông
chữ “ism”, kiểu chủ nghĩa Lý Quang Diệu (Lee-ism) như người ta từng làm với
Reaganism hay Thatcherism, nhưng giới nghiên cứu chính trị đều đồng ý Lý Quang
Diệu có một quan niệm riêng, một chiến lược riêng trong việc xây dựng và phát
triển đất nước khác hẳn các chính khách khác. Chiến lược ấy được rất nhiều nhà
lãnh tụ rải rác trên thế giới ngưỡng mộ và bắt chước.
Với những ảnh hưởng ấy, Lý Quang Diệu được xem là một bậc thầy có tầm quốc tế
trong nửa sau thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Tư cách bậc thầy ấy thể hiện
qua hai khía cạnh chính: Một là những chính sách cụ thể mà Lý Quang Diệu sử dụng
một cách hữu hiệu để xây dựng Singapore thành một cường quốc và hai là những
chiến lược ông sử dụng để xây dựng bộ máy cai trị tại đất nước của ông. Ở khía
cạnh thứ nhất, nói theo lời của Thủ tướng Anh David Cameron, Singapore là một
trong những “câu chuyện thành công vĩ đại” (one of the great success stories)
của thời hiện đại. Ở khía cạnh thứ hai, nói theo lời Tổng thống Obama, “không ít
lãnh tụ thuộc thế hệ này cũng như các thế hệ trước xin những lời khuyên của ông”
trong vấn đề cai trị.
Ở cả hai khía cạnh vừa nêu, bậc thầy Lý Quang Diệu để lại những di sản vừa
tốt vừa xấu.
Tốt ở nhiều điểm: Ông
mang lại niềm tự tin cho nhiều lãnh tụ về quá trình xây dựng đất
nước của họ sau những thời gian dài chiến tranh hoặc lệ thuộc; ông khuyến khích
mọi người quan tâm đến lãnh vực giáo dục cũng như chính sách chiêu hiền đãi sĩ
trong quá trình hiện đại hoá đất nước; ông nêu bật lên tầm quan trọng không thể
thay thế được của một nền quản trị minh bạch và hiệu quả; ông nhấn mạnh đến việc
bài trừ tham nhũng; ông dạy người ta tinh thần thực tế và thực dụng, không bám
víu một cách mù quáng và nô lệ vào các lý thuyết hay các thứ chủ nghĩa, đặc biệt
chủ nghĩa cộng sản, v.v…
Nhưng di sản xấu của Lý Quang Diệu cũng không ít.
Thứ nhất, ông tạo nên một mô hình phát triển nguy hiểm.
Trước, hầu như mọi nhà nghiên cứu đều cho dân chủ là một trong những tiền đề
tiên quyết của phát triển. Sự thành công của chủ nghĩa tư bản, ở lãnh vực kinh
tế cũng như chính trị, cao hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội vốn cuối cùng bị sụp đổ
vào đầu thập niên 1990, là ở chỗ: chủ nghĩa tư bản có tự do hơn. Tính chất tự do
và dân chủ của chủ nghĩa tư bản không phải chỉ xuất phát từ những nguyên tắc
nhân quyền chung chung mà còn xuất phát từ một thực tế: chúng khuyến khích óc
sáng tạo và tinh thần cạnh tranh lành mạnh của mọi người, một nhân tố quan trọng
để đất nước càng ngày càng tân tiến và thịnh vượng.
Sau, với sự thành công của Singapore, người ta thấy có một khả năng lựa chọn
khác: một đất nước có thể tiến bộ vượt bậc mà không cần phải dân chủ hoá. Người
ta gọi đó là một nền “độc tài mềm” (soft dictatorship) hoặc “chủ nghĩa tư bản
chuyên chế” (authoritarian capitalism) mà Singapore là một tấm gương tiêu biểu
nhất.
Điều đó giải thích tại sao lãnh tụ của rất nhiều quốc gia độc tài tìm đến với
Lý Quang Diệu, xem Lý Quang Diệu như một cố vấn đáng tin cậy. Một trong những
người ấy là Đặng Tiểu Bình. Cuối thập niên 1970, sau cái chết của Mao Trạch Đông
và sau khi đánh dẹp “bè lũ 4 tên”, Đặng Tiểu Bình xem Singapore như một mẫu mực
ông noi theo để vừa có thể hiện đại hoá Trung Quốc vừa có thể giữ được tính chất
độc tôn của đảng cộng sản như điều Lý Quang Diệu đã làm với đảng Hành Động Nhân
Dân của ông. Để học bài học của Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình đã gửi hàng chục
ngàn cán bộ các cấp sang Singapore học tập. Ông cũng mời Lý Quang Diệu sang thăm
Trung Quốc cả hàng chục lần. Ngày Lý Quang Diệu qua đời, Bộ Ngoại giao Trung
Quốc ra tuyên bố khen ông là một “chính
khách có ảnh hưởng độc nhất ở châu Á và là một nhà chiến lược kết
tinh được những giá trị đông phương và một viễn kiến mang tính quốc tế”. Ảnh
hưởng của Lý Quang Diệu trên Trung Quốc lớn đến độ có người cho ông chính là
“cha đẻ của Trung Quốc hiện đại” (“Lee
Kuan Yew: The Father of Modern China?”)
Ngoài Đặng Tiểu Bình và các lãnh tụ khác ở Trung Quốc, Lý Quang Diệu còn có
một số người khác rất ngưỡng mộ ông và muốn noi theo gương của ông, trong số đó,
đáng kể đầu tiên là Vladimir Putin, người đã tặng cho Lý Quang Diệu một huân
chương danh dự để bày tỏ sự tôn kính đối với những đóng góp lớn lao của Lý Quang
Diệu trên phạm vi thế giới. Ở Georgia, Mikhail Saakashvili cũng xem Lý Quang
Diệu như một thần tượng, sách của Lý Quang Diệu được dịch, in, lưu hành và đọc
như những cuốn kinh thánh. Ở Ukraine, Viktor Yanukovych cũng rất sùng bái Lý
Quang Diệu và xem Singapore như một mô hình để xây dựng đất nước của ông.
Nói một cách vắn tắt, ở rất nhiều nơi trên thế giới, từ Trung Quốc đến Nga và
một số quốc gia cựu cộng sản khác đều xem Singapore như một bài học lớn, ở đó,
người ta, một mặt, có thể phát triển, mặt khác, vẫn tiếp tục duy trì một nền
chính trị hà khắc, trên sự thống trị của một đảng duy nhất.
Di sản nguy hiểm thứ hai của Lý Quang Diệu là ông tạo cho người ta cái ảo
tưởng là có những nền văn hoá thích hợp với dân chủ và có những nền văn hoá thì
không. Nền tảng quan trọng nhất trong lý thuyết về chính trị của Lý Quang Diệu
là quan niệm về các giá trị châu Á (Asian values) vốn, theo ông, khác hẳn với
văn hoá Tây phương. Nếu ở Tây phương, người ta đề cao chủ nghĩa cá nhân thì ở
châu Á, người ta đề cao tinh thần tập thể; ở Tây phương, người ta khuyến khích
óc cạnh tranh; ở châu Á, người ta tìm kiếm sự đồng thuận. Với những khác biệt
ấy, ở Tây phương người ta cần tự do và dân chủ, ở châu Á, người ta có thể hài
lòng với một chế độ chính trị nhắm đến việc xây dựng một xã hội trật tự, kỷ
cương và giàu có.
Quan niệm này của Lý Quang Diệu giúp các chế độc
độc tài hoặc bán độc tài ở châu Á cũng như ở Đông Âu biện hộ cho các chính sách
độc đoán của họ. Nhiều học giả cho quan niệm của Lý Quang Diệu và huyền thoại
Singapore đã có ảnh hưởng tai hại đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, ở đó,
chế độ độc tài có thể tiếp tục độc tài hoặc chế độ vừa mới thoát khỏi độc tài
cộng sản lại quay sang một chế độ độc tài kiểu mới.
Nói Lý Quang Diệu là một chính khách giỏi nhưng lại là một người thầy xấu là
vậy.
Nguyễn Hưng Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét