Ads 468x60px

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

“Văn hóa nhậu” chốn quan trường

Thọ Vinh
Các chuyên gia đều cho rằng, tình trạng nhậu tràn lan chốn quan trường có phần gắn liền với nạn tham nhũng. Một trong những cách “quan hệ” là nhậu. Người ta dễ ăn, dễ nói, dễ xin, dễ duyệt và dễ thỏa thuận trong khi nhậu. Hẳn vì thế đã có hàng loạt địa phương cấm cán bộ nhậu buổi trưa, cấm ăn trưa có rượu, bia. Để đối phó, họ chuyển sang nhậu tối, không đi xe cơ quan, đi taxi cho chắc ăn…
Hồi tết vừa qua, ở xã Khánh Thượng, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có ông chủ quán đòi nợ nhậu ủy ban không được bèn mang xăng đến dọa đốt công đường thì đúng là chuyện “xưa nay hiếm”.
Sự việc xảy ra cả tháng đến nay vẫn chưa xử lý được vì xã chưa trả nợ và công an xã đang xác minh thêm một số nhân chứng và chờ xin ý kiến công an huyện.
Thì ra trước tết, vào đầu giờ chiều 14/2 (26 tết Nguyên đán Ất Mùi) chủ quán nhậu Thanh Phong gần UBND xã Khánh Thuận đã đem hai can xăng đi đòi nợ lãnh đạo xã.
Hành vi của ông chủ quán bị công an xã phát hiện kịp thời, hai can xăng bị thu giữ. Nhưng khi Công an xã Khánh Thuận lập biên bản thì ông này bỏ về nhà, không hợp tác.
Về chuyện nợ tiền nhậu tai tiếng này, ông Nguyễn Minh Lắm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận thừa nhận UBND xã có nợ ông này 48 triệu vì cuối năm rồi xã mất cân đối và không có tiền chi trả. Ông chủ tịch còn thản nhiên thừa nhận, chúng tôi không chỉ thiếu riêng quán này mà còn nợ nhiều quán khác nữa trên địa bàn. Riêng nợ tiền nhậu của ông mang xăng dọa đốt trụ sở là 48 triệu đồng. Không có thông tin về tổng số tiền nợ nhậu là bao nhiêu. Ông quan xã Khánh Thượng đang cho đối chiếu, kiểm tra hóa đơn tiền nhậu, nếu hóa đơn nhậu thiếu do lãnh đạo phân công tiếp khách thì UBND xã sẽ chi trả, cái nào không được phân công, nhưng nhậu xong lại ghi cho lãnh đạo thì bắt cá nhân người nhậu phải xuất tiền túi thanh toán.
Giải thích việc dọa đốt trụ sở, ông chủ quán Thanh Phong nói: “Tôi chỉ hù thôi. Lý do lãnh đạo xã thiếu tiền nhậu 48 triệu đồng tại quán tôi từ năm 2012 đến nay chưa trả. Cuối năm các chủ nợ tiền gà, tiền vịt lại đến “xiết”, do quá túng nên tôi mới hành động như vậy”.
Dọa đốt trụ sở chính quyền xã là hành vi sai phạm nghiêm trọng, cần cảnh cáo công dân này kẻo lỡ “điên” lên, ông ta đốt thật thì rầy rà to. Thế nhưng, cũng nên thể tất nhân tình cho người ta, buôn bán đụng mấy ông vua nhậu kiểu này e sạt nghiệp! Và đề nghị huyện U Minh cũng nên cho cán bộ tài chính về kiểm tra thật sự xem các quan xã Khánh Thượng (và các xã khác) ham nhậu nhẹt kiểu chi mà mà nợ nần quá cỡ như vậy. Cần mạnh tay buộc mấy ông này móc bóp ra trả ngay, trả hết món nợ này trước kỳ đại hội. Với các ông nợ nhậu có hệ thống, nghĩ cũng nên cho nghỉ luôn kẻo mang tiếng với dân. Bàn về rượu, GS Trần Ngọc Thêm, Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP HCM nhận xét: Từ một loại thức uống, rượu được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp như tiếp khách (“khách đến nhà không trà thì rượu”); kết bạn (“rượu ngon phải có bạn hiền”); thổ lộ tình cảm (rượu vào, lời ra) hoặc làm phương tiện không thể thiếu trong các lễ lạt (“phi tửu bất thành lễ”)… Bên cạnh việc uống rượu thông thường, ở Nam Bộ đã hình thành cả một thứ văn hóa đặc biệt - “văn hóa nhậu”. Theo GS Thêm, “văn hóa nhậu” có thể được khởi phát từ thời kỳ khẩn hoang ở miền Nam. “Nhậu lai rai” đã được người dân Nam Bộ sử dụng như một phương thức để giao tiếp nhằm giải tỏa nỗi cô đơn và tạo sự gắn kết trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên.
Tuy nhiên, GS Thêm cho rằng, ngày nay “văn hóa nhậu” đang bị lạm dụng một cách thái quá. Từ chỗ là một nét văn hóa của người nông dân Nam Bộ, bây giờ nhậu đang lan tràn khắp mọi nơi, mọi tầng lớp, trong đó đặc biệt là cả giới nhậu cán bộ công chức. Vấn nạn quan chức nhậu được các giảng viên Đại học KHXH&NV TP HCM than rằng, khổ nhất là dạy các lớp tại chức ở miền Tây. Học viên gồm nhiều công chức, viên chức hầu như chỉ học buổi sáng, đến chiều là bận nhậu, bỏ học gần hết lớp. Nhậu không còn là văn hóa nữa mà đang trở thành một thứ “tệ nạn”, “hủ lậu” nguy hiểm. Vui hay buồn cũng nhậu. Không vui, không buồn cũng nhậu. Bỏ vợ hay có vợ cũng nhậu. Mua xe mới, sắm điện thoại cũng nhậu. Nghĩa là thay vì dùng thời gian rỗi để đọc sách báo hay giải trí lành mạnh thì người ta lại vẽ ra cả ngàn lẻ một lý do để nhậu. Lo dân nhậu bị tai nạn trên đường về, ở Hà Nội người ta đã nghĩ đến dịch vụ đưa người say về nhà.
Điểm “quái dị” nữa, theo GS Trần Ngọc Thêm là nếu như ở các nước, người ta chỉ có thể uống rượu sau giờ làm việc thì ngược lại ở Việt Nam, nhậu có thể diễn ra thoải mái ngay cả trước, trong giờ làm việc. Điều này dẫn đến nghịch lý là các quán nhậu càng ngày càng mọc lên nhan nhản trong khi rạp chiếu phim hay điểm văn hóa nghệ thuật phải lùi bước, teo tóp dần.
Hậu quả của nhậu có thể dẫn ra như sau: Một sĩ quan cảnh sát giao thông ở Hậu Giang vì men rượu trong bữa nhậu, không làm chủ được mình nên đã gây gổ, đòi tài xế taxi phải lái xe vượt đèn đỏ.
Ở Cà Mau, có cháu bé 10 tháng tuổi bị người cha nhậu say ném xuống nền nhà, dẫn đến nứt sọ. Tại Kon Tum, 4 người đã bỏ mạng do nhậu triền miên nhiều ngày liền. Một quan chức “Văn - Thể - Du” ở Bình Dương bị bắt quả tang đang nhận 20 triệu đồng tiền hối lộ để lo thủ tục cấp phép quảng cáo ngay trong một quán nhậu…
Những vụ việc tương tự bắt nguồn từ rượu dường như ngày càng dồn dập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chứng kiến cảnh ăn nhậu tràn ngập ở nước ta, một Việt kiều về thăm quê hương sau nhiều năm xa cách đã phải thốt lên: “Rượu, bia đang đầu độc cả một thế hệ”.
Theo các chuyên gia, rượu không có tội, uống rượu cũng là một nét văn hóa. Đám cưới hay lễ hội mà không có rượu thì quả mất vui. Hoặc đang lúc trời lạnh, uống một ly cho ấm người thì cũng tốt cho sức khỏe.
Thế nhưng, bây giờ uống rượu lại khó giữ được nét văn hóa vì quá bê tha, lạm dụng, người say gây ra những hành vi phi văn hóa, trái pháp luật. Ở nước ta có quá nhiều sơ hở và thực tế rượu, bia vẫn được quảng cáo vô tư. Người ta công nhận kỷ lục cho chai rượu 4.000 lít cung tiến tại quốc lễ giỗ tổ vua Hùng Vương, tôn vinh sự kiện sản xuất đạt 1 tỉ lít bia của một công ty…
Theo một quan chức Bộ Y tế, chi phí cho rượu, bia và giải quyết hậu quả tác hại của rượu, bia có thể chiếm tới 2-8% GDP quốc gia. Có khoảng 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại.
Các chuyên gia đều cho rằng, tình trạng nhậu tràn lan chốn quan trường có phần gắn liền với nạn tham nhũng. Một trong những cách “quan hệ” là nhậu. Người ta dễ ăn, dễ nói, dễ xin, dễ duyệt và dễ thỏa thuận trong khi nhậu. Hẳn vì thế đã có hàng loạt địa phương cấm cán bộ nhậu buổi trưa, cấm ăn trưa có rượu, bia. Để đối phó, họ chuyển sang nhậu tối, không đi xe cơ quan, đi taxi cho chắc ăn…
“Văn hóa nhậu” của quan chức từ địa phương đến cấp trên dù khác nhau về quy mô, về menu nhưng đều giống nhau ở nguồn kinh phí. Cấp xã, phường kinh phí eo hẹp vẫn nhậu tới bến. Cuối năm quan xã toát mồ hôi vì bị dân kéo đến công đường đòi nợ tiền rượu thịt như ở Cà Mau thì thật đáng lo ngại!
Thọ Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét