Mỹ Lệ
Nghe mọi người kháo nhau nhà nước tăng phí cấp hộ chiếu
trong thời gian tới. Tôi và những người bạn tranh thủ trở về quê để làm cái
pass (Passport – hộ chiếu). Thật ra cả bọn chúng tôi không ai nghĩ đến vấn đề
chính làm hộ chiếu là để đi du lịch nước ngoài (vì đều là sinh viên nghèo), chủ
yếu làm cho có và để đem ra ngắm mỗi khi nhìn thấy máy bay trên bầu trời giữa
khoảng sân rộng trường đại học. Ước mơ không phải đóng thuế,
vậy nên hầu hết bọn sinh viên chúng tôi đều mơ có ngày được bay sang nước này,
nước kia để so sánh kiến thức đã học; để nâng cao khát vọng tiếp cận trình độ
tiên tiến của các nước phát triển nhằm hiểu rõ hơn vị trí thực tế của nền giáo
dục Việt Nam.
Quay trở lại chủ đề chính là “xin” cấp hộ chiếu, Tôi phải
dùng từ xin trong ngoặc kép vì ở Việt Nam cái gì đụng đến chính quyền
cũng phải xin. Ví dụ như kết hôn, xây dựng, học hành, vào đảng hay xin nhà, xin
đất, xin xỏ chung chung và cuối cùng xin giảm nhẹ án phạt vì gia đình có truyền
thống cách mạng, bản thân có đóng góp cho đất nước là câu nói tha thiết cuối
cùng của những “nguyên quan chức” trong các vụ án tham nhũng, án oan …báo chí
nhắc đến gần đây. Sau khi bọn tôi nhận tờ khai theo mẫu quy định và điền đầy đủ
thông tin gửi lại cho cán bộ để nhận giấy hẹn. Trong lòng mọi người đều khấp
khởi mừng thầm vì chắc mẩm vài ngày tới sẽ có tấm hộ chiếu như ai.
Đến ngày hẹn, tôi và mọi người đến văn phòng quản lý xuất
nhập cảnh chờ đọc tên. Lần lượt từng người một trong chúng tôi vẫy vẫy trên tay
cuốn hộ chiếu màu xanh hi vọng, riêng tôi thì không thấy ai nhắc tên. Thắc mắc
hỏi chị cán bộ đang cấp phát, chị xem xong chứng minh nhân dân của tôi thì mỉm
cười và gọi một anh an ninh khác mời tôi lên phòng làm việc trong đó có sẳn vài
người ngồi đợi.
Câu đầu tiên họ hỏi là mục đích tôi làm hộ chiếu để làm gì?
Dự định đi du lịch nước nào? Tôi trả lời là làm hộ chiếu để cho có, không biết
đi nước nào chơi vì không có điều kiện về mặt tài chính. Họ hỏi tiếp tôi có
quen với anh A, chị B, ông C thuộc tổ chức VT không? Tôi trả lời vì đang là sinh
viên năm cuối nên phải thường xuyên lên mạng tìm hiểu bài vở, trau dồi kiến
thức với không gian mạng để mở rộng tầm nhìn. Những người các anh vừa nêu tên
tôi đều biết và đều kết bạn như mọi bạn bè khắp năm châu. Họ hỏi tiếp vậy anh
có biết VT là gì không? Không đợi tôi trả lời, họ nói luôn đây là tổ chức khủng
bố. Đến lượt tôi hỏi ngược lại: Nếu là khủng bố sao không ai dẹp bỏ tổ chức
này? Các anh chị của VT chia sẻ những thông tin mà báo chí trong nước không đăng tải
hay nói đúng hơn là không đám phát tin. Sáu con mắt nhìn nhau hồi lâu rồi cả ba
cầm cốc trà uống cạn miễn cưỡng. Tôi thầm nghĩ có lẽ câu hỏi này hơi “bá đạo”
nên làm đau não các anh. Họ nói vì tôi liên lạc với những người này nên không
được cấp hộ chiếu.
Tôi không bất ngờ với lời phán xét này vì tuổi thơ từng nghe
ông bà kể truyện miệng quan có gang có thép. Tôi cũng không buồn tìm hiểu lý do
vì sao họ hỏi xoáy đáp xoay tôi liên hệ với các “thành phần cốt cán” của VT.
Bởi lẽ tôi gặp gỡ bạn bè trên mạng là quyền công dân. Tôi thích ai hay ghét ai
cũng là quyền bản thân, pháp luật không có điều khoản nào cấm đoán. Tôi nghĩ
cũng lạ, sống ở một đất nước luôn hô hào tự do Internet và khi tôi kết bạn thì
chỉ có trời biết, đất biết và Facebook biết, sao mấy anh cán bộ an ninh lại nắm
rõ thế. Họ chốt lại buổi làm việc chớp nhoáng bằng lời nói cửa miệng hẹn ba năm
sau gặp lại nếu muốn làm hộ chiếu. Tôi xin tờ biên bản làm việc thì họ không
cho. Đến lúc này, tôi chợt nhận ra ai mới là kẻ khủng bố theo đúng tên gọi của
nó. Tôi muốn biết!
Ps: Tôi nghĩ không riêng gì bản thân mà có rất nhiều bạn
sinh viên khác gặp phải trường hợp tương tự. Hiện trạng quản lý nhà nước theo
kiểu không quản được thì cấm cho thấy sự thụ động về mọi mặt. Rồi một ngày không
xa, Tôi hay các bạn có cơ hội thoát khỏi ao làng, đặt chân đến vùng trời tự do.
Đến lúc đó hãy cất tiếng nói cho mọi người biết: Tôi là ai.
Mỹ Lệ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét