Ads 468x60px

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Dân đi một đường, đảng đi một nẻo

Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đang bối rối trước vấn đề chủ quyền biển đảo nhưng chưa biết phải đối phó ra sao vì dân và đảng không còn đi chung một đường.
Việc đầu tiên là người dân và nhiều Đại biểu Quốc hội đã công khai đòi Nhà nước phải cung cấp đầy đủ tin về tình hình Biển Đông. Họ muốn được Chính phủ cho biết sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông bằng cách nào trước hành động tân tạo 6 đảo và bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam tháng 3 năm 1988 và đá Vành Khăn năm 1995.
Nhiều Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội phải có thái độ mạnh mẽ hơn việc ra một Thông cáo yếu ớt như đã làm năm 2014, sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 02/5 đến 15/07/2014.
Hồi đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc Hội chỉ biết nói: “Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
Quốc hội cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển quyền chủ quyền của Việt Nam. 
Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, kiên trì đấu tranh gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Nhận định diễn biến trên Biển Đông còn phức tạp và khó lường, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.” (Trích báo VNEXPRESS, 24/06/2014)
Từ 2014 đến 2015
Phản ứng của cơ quan quyền lực cao nhất nước đã bị lên án quá yếu hèn, nếu so với hàng chục cuộc biểu tình tuần hành chống Trung Quốc của người dân trong nước và người Việt ở nước ngoài trong năm 2014.
Còn nhục nhã hơn và gây căm phẫn cho dân khi Nhà nước huy động lực lượng Công an và thuê Côn đồ ngăn cản, bắt bớ và đánh đập người dân xuống đường chống Trung Quốc ngay giữa Thủ đô Hà Nội và Sài Gòn từ 2007 đến thời kỳ cao độ của 2 năm 2011 và 2012.
Nhưng chỉ một năm sau ngày giàn khoan HD-981 rút lui, bất chấp phản đối của Việt Nam, Trung Quốc đã gia tăng bồi đắp, tân tạo và xây dựng 7 đảo và bãi đá thành các đảo cho người cư trú, căn cứ quân sự và xây dựng sân bay và bến cảng cho Hải quân sử dụng.
Nhiếu quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và các nuớc trong khu vực Á Châu và Thái Bình Dương đã lên án hành động gây bất ổn định ở Biển Đông của Trung Quốc. Riêng Việt Nam, nước trực tiếp mất dần chủ quyền lại không có bất cứ hành động chống trả nào. Phát ngôn viên Bộ Ngọai giao chỉ biết tiếp tục phản đối bằng nước bọt và tái khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm toàn thể năm 1974 và ở Trường Sa.
Trước tình hình này, nhiều Đại biểu Quốc hội và người dân đòi Chính phủ tường trình công khai cho dân biết phải làm gì để bảo vệ lãnh thổ. Họ cũng đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết bày tỏ thái độ quyết liệt với Bắc Kinh. Rất tiếc Ban Thường vụ Quốc hội đã không ghi vào chương trình nghị sự của kỳ họp 9 (từ 20/5 đến 26/6/2015).
Mãi cho đến khi thấy phải đầu hàng áp lực của dư luận và yêu cầu của một số Đại biểu, Văn phòng Thường trực Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới yêu cầu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngọai giao Phạm Bình Minh báo cáo tình hình với Quốc hội.
Tuy nhiên phiên họp được chờ đợi và hy vọng này lại họp kín chỉ để các Đại biểu nghe cho biết vào những giây phút nhạt nhẽo cuối cùng của ngày họp 5/6 (2015). 
Việc làm của Quốc hội đã gây bất mãn trong dân. Một vài phát biểu sau đó trong phiên họp ngày 8/6 (2015) của hai Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) và Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) tuy đã gay gắt lên án Trung Quốc, nhưng không đủ sức lấy lại lòng tin với cử tri.
Nhưng tại sao đảng và chính phủ Việt Nam không muốn để cho Quốc hội thảo luận công khai về hành động vi phạm chủ quyền biền đảo của Việt Nam ở Biển Đông?
Đã có ý kiến của cấp lãnh đạo Quốc hội CSVN cho rằng vì vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông là “vấn đề nhạy cảm” nên phải cẩn thận để không gây ra những tình huống khó khăn cho chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.
Dư luận trong nước không đồng tình với lãnh đạo Quốc hội. Nhiều chuyên viên và trí thức, kể cả Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã đề nghị Quốc hội phải có lập trường cứng rắn với Trung Quốc để tạo niềm tin cho dân, nhưng Quốc hội đã làm theo lệnh mũ ni che tai của Bộ Chính trị vì sợ làm mất lòng Trung Quốc!
Tiến sỹ Trần Công Trục và nhiều Trí thức, chuyên viên biển đảo trong và ngoài nước và cựu lão thành Cách mạng cũng từng khuyên Chính phủ kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm nhưng nhà nước không dám làm.
Tại sao? Một phần vì những người được gọi là “học giả-trí thức-chuyên viên” của đảng đã không đủ khả năng và bản lĩnh để đương đầu với đội ngũ trí thức và bộ máy tuyên truyền giầu tiền nhiều bạc của Trung Quốc trong công tác bảo vệ điều được gọi là “bằng chứng lịch sử” về chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Chuyên viên của nhà nước Việt Nam chỉ biết nói đi nói lại luận cứ yêu sách đường Lưỡi bò hay đường 10 đoạn (từ 9 mới tăng lên 10) chiếm 3/4 diện tích 3.3 triệu cây số vuông Biển Đông là phi lý và vô căn cứ nhưng chưa trưng dẫn cho thế giới thấy những bằng chứng cụ thể của mình nên vẫn hụt hẫng.
Thêm vào đó, phía Việt Nam vẫn lúng túng về Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai, mà theo lập luận của phía Trung Quốc là đã thừa nhận chủ quyền của Trung Hoa trên 2 quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường sa).
Nguyên văn Công hàm như sau:
Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. 
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng. 
Phía Việt Nam Cộng sản bác bỏ quan điểm của Trung Quốc và cho rằng Chính phủ VNDCCH vào thời điểm 1958 không qủan lý 2 quần đào Hoàng Sa và Trường Sa mà thuộc quyền Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam nên VNDCCH không có quyền pháp lý với 2 quần đảo này.
Ngoài Công hàm 1958, chính quyền CSVN còn bị lúng túng trước thắc mắc tại sao Chính phủ VNDCCH đã không phản đối khi Trung quốc đem quân chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa ngày 19/01/1974?
Vì vậy ông Trần Công Trục đã báo động: “Trung Quốc đang tìm mọi cách để tuyên truyền, quảng bá trên các diễn đàn quốc tế về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của họ đối với hầu hết Biển Đông trong yêu sách đường “lưỡi bò” hết sức phi lý; đồng thời với những hành động hòng đánh lừa dư luận, cài bẫy để giành sự công nhận trên thực tế của các bên trực tiếp hay gián tiếp có liên quan trong và ngoài khu vực đối với yêu sách chủ quyền của họ trong hầu hết Biển Đông.
Trong khi đó, nếu đội ngũ nghiên cứu người Việt chúng ta không đáp trả kịp thời và tương ứng thì vô hình chung chúng ta đã nhường trận địa, nhường thế thượng phong cho đối thủ trên mặt trận tuyên truyền và tập hợp sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ.
Nguy hiểm hơn, với lối nói lấy được cộng với việc chi tiền mua chuộc một số học giả quốc tế, thậm chí là mua chuộc một số quốc gia để đổi lấy sự ủng hộ chủ trương yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc đã và đang tạo ra rất nhiều khó khăn cho ta trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.” (trích báo Giáo dục Việt Nam, 6/6/2015)
Từ 3 không đến chờ sung rụng?
Trong khi Việt Nam có nhiều bất cập như thế trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc thì Ban Tuyên giáo Trung Ương đã phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội mở ra mặt trận báo chí chống điều được gọi là “các thế lực thù địch” đang “xuyên tạc đường lối chính trị, chiến lược an ninh, quốc phòng của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.”
Một bài trên báo Quân đội Nhân dân ngày 08/06/2015 viết: “Hiện nay, trên không gian mạng vẫn còn “dư âm” về Diễn đàn an ninh châu Á Shangri-La lần thứ 14 vừa diễn ra tại Xin-ga-po. Những vấn đề địa-chính trị phức tạp, nóng bỏng và chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã và đang trở thành chủ đề mà các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để xuyên tạc đường lối chính trị, chiến lược an ninh, quốc phòng của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.”
Bài báo không chỉ danh “các thế lực thù địch” là ai, bình thường hay ám chỉ người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng trong trường hợp này rõ ràng muốn bao gồm cả Trung Quốc vì một số Nhà bình luận và báo chí Trung Hoa, tiêu biểu là tờ Hoàn Cầu Thời báo, đã cáo buộc Việt Nam muốn đi theo Mỹ để chống Trung Quốc.
Trung Quốc đã phản ứng sau chuyến thăm Việt Nam từ 31/5 đến 2/6/2015 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong đó hai nước Việt-Mỹ đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng”.
Tờ QĐND cũng chỉ trích ý kiến khuyên Việt Nam nên thay đổi chính sách quốc phòng.
Tác giả viết: “Có người còn đặt câu hỏi, phải chăng đã đến lúc Việt Nam nên từ bỏ chính sách ba không: "Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia"(!)
Từ lý luận, kinh nghiệm lịch sử, trong điều kiện địa-chính trị của Việt Nam, để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có biển, đảo, chúng ta cần phải tái khẳng định nguyên tắc độc lập, tự chủ trong đường lối chính trị và chiến lược quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta.”
Nhưng với chính sách gậm nhấm và bá quyền của Trung Quốc đã rõ như ban ngày đối với Việt Nam từ đất liền đến biển đảo và từ kinh tế sang chính trị và ngoại giao thì lập trường Quốc phòng 3 không của Việt Nam có chống nổi Trung Hoa không?
Hay Việt Nam muốn theo đuổi 3 không để chờ sung rụng đến từ hậu quả xung đột giữa Trung Quốc với các cường quốc khác, kể cả Hoa Kỳ ở Biển Đông?
Nếu Việt Nam muốn bình chân để thủ lợi thay vì phải tự cứu mình trước khi được người vớt thì chỉ là cầu may, không phải là sách lược khôn ngoan trước một Trung Hoa đã từng dạy cho Việt Nam 3 bài học ở Hoàng Sa tháng 01/1974, cuộc chiến biến giới (1979-1989) và trận chiến ở Trường Sa tháng 3/1988.
Bên cạnh việc bảo vệ quan điểm 3 không, Tổng cục Chính trị của Quân đội đã làm việc với “các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí Trung ương” hôm 4/6 (2015) để thảo luận công tác phối hợp thông tin và tuyên truyền giữa Quân đội và các cơ quan báo chí nhà nước.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động buổi làm việc.
Tướng Lịch đã: “Nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay đang đặt ra những vấn đề mới. Do đó, đề nghị các đại biểu đề xuất phối hợp tuyên truyền giữa Tổng cục Chính trị và các cơ quan báo chí Trung ương, về hoạt động quân sự - quốc phòng, đối ngoại quốc phòng đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn.”
Ông Lịch nói: “Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo vẫn còn khó khăn, phức tạp, lâu dài. Đặc biệt từ nay đến Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt trên các mặt trận tư tưởng – lý luận; kinh tế - xã hội; quốc phòng – an ninh và đối ngoại... Thực tế này đặt ra cho công tác phối hợp thông tin – truyên truyền báo chí cần phải thường xuyên bám sát tình hình, chủ động thông tin về những vấn đề, sự kiện nổi bật liên quan đến Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng cũng như các vấn đề về quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, đảm bảo yêu cầu khách quan, chính xác, kịp thời.” (trích VOV,Voice of Vietnam, 4/6/2015)
Đây là lần đầu tiên kể từ khi có tranh chấp chủ quyền biển đảo và lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc mới có một buổi làm việc với báo chí đảng do Tổng cục Chính trị Quân đội chủ động.
Tuy nhiên những điều cảnh giác của Tướng Lịch đã không nói ra hết những khó khăn trong lĩnh vực thông tin và bảo vệ chủ quyền của báo chí Việt Nam. Có điều chắc chắn là truyền thông Trung Quốc đã vượt xa Việt Nam trong lĩnh vực thông tin và tuyên truyền chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. 
Vì vậy, nếu nhà nước tiếp tục che giấu nhân dân và Quốc hội về tình hình Biển Đông thì hậu qủa đảng phải một mình bảo vệ lãnh thổ có làm được không ? -/-
11/06/2015

0 nhận xét:

Đăng nhận xét