Máy xúc cán lên bà Lê Thị Châm trong cuộc biểu tình cấm thi công tại khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền, tỉnh Hải Dương, sáng 10/7/2015. (Hình: VTC) |
Nhà
cầm quyền tỉnh Hải Dương báo cáo lên trung ương là “không có xảy ra
việc xe ủi đất đè lên người như một số báo mạng đã phản ánh,” khác với
lời nhân chứng và video clip.
Theo báo điện tử
VTC ngày Thứ Hai 13/7/2015, một ngày sau khi vụ việc xảy ra, nhà cầm
quyền tỉnh Hải Dương lập một bản báo cáo gửi lên nhiều cơ quan ở trung
ương Hà Nội nói ngược hoàn toàn với lời của các nhân chứng tường thuật
trên báo mạng cũng như đoạn video clip phổ biến trên youtube.
Bản báo cáo kể chuyện dân xã Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương
không chấp nhận cưỡng chế đất, bồi thường bằng những số tiền quá thấp,
đã “cắm trại” giữ đất ở khu vực bị bán cho nhà đầu tư Singapore từ tháng
5 vừa qua.
Ngày 10/7/2015, nhà thầu cho xe xúc tới san lấp đã bị người dân cản
trở mà báo cáo nói bà Lê Thị Châm, 54 tuổi, “bị ngã có chạm vào xe ủi.”
Tức là “không có xảy ra việc xe ủi đất đè lên người như một số báo mạng
đã phản ánh.”
Trong một bản tin khác ngày 13/7/2015, VTC thuật lời của hai người
dân đã lén quay các video clip rồi tung lên mạng, trong đó có hình ảnh
xe xúc “chèn” lên người bà Lê Thị Châm.
Nhân chứng quay video clip tên HCN cho biết người lái chính của xe
xúc đã không chịu lái xe tiến về phía trước nơi có đám đông dân chúng
cản đường. Ông này được kể lại là “người thợ lái máy chính điều khiển
máy xúc đang tiến vào thì người dân đứng cầm cờ chặn đầu máy và hô
"không được lái máy vào" nên người này đã dừng lại và nhảy xuống khỏi
máy.”
“Tuy nhiên, một người đàn ông lạ mặt nhảy lên cabin và yêu cầu người
thợ lái máy xúc lên khởi động, hướng dẫn cho người này cách lái máy. Sau
đó cả 2 cùng ngồi trên cabin điều khiến chiếc máy xúc tiến về phía
người dân, một lát thì người thợ lái chính nhảy xuống còn người kia tiếp
tục điều khiển chiếc máy xúc tiến về phía người dân.”
“Khi máy xúc đang tiến về phía trước thì bà Châm bị ngã xuống đất nên
chiếc máy xúc chèn vào bà Châm, mọi người kêu gào thất thanh ‘kẹp chết
người rồi’ và lấy đất, cát ném người đàn ông lạ mặt thì chiếc xe mới
chịu dừng lại.”
Sau đó, theo VTC thuật lời nhân chứng HCN, “người này nhảy khỏi cabin
và bỏ chạy. Bà Châm nằm bất tỉnh dưới bánh xích xe máy xúc, nhiều người
dân lao vào nâng bánh xích để cứu bà Châm nhưng bất thành. Chỉ đến khi
người thợ chính lái máy xúc nhảy lên buồng lái điều khiến cho chiếc máy
xúc lùi lại phía sau người dân mới kéo được bà Châm ra và đưa đi cấp cứu
trong sự bàng hoàng đến tột độ.”
Theo tin tức, bà Châm được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh rồi sau đó
được chuyển lên chữa tiếp ở bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội. Bà bị một số
thương tích như bị vỡ xương hàm, gẫy xương vai. Hiện bà đã tỉnh nhưng
đau đớn nhiều và có vẻ không nguy hiểm đến tính mạng.
Theo tờ Thanh Niên ngày 13/7/2015, tuy phủ nhận máy xúc 'chèn” bà Lê
Thị Châm, nhưng “Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đang tiến hành
các biện pháp nghiệp vụ để điều tra ban đầu đối với tài xế lái máy xúc
chèn qua người bà Lê Thị Châm ở khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền
sáng ngày 10.7.2015”
Tờ Thanh Niên Online kể rằng sáng 13.7, “đại tá Bùi Như Luyến, Trưởng
Công an huyện Cẩm Giàng cho biết chiều ngày 12.7, cơ quan điều tra đã
đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thăm hỏi và lấy được khai của bà Lê Thị
Châm, 54 tuổi, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng.”
“Cơ quan này cũng đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra
ban đầu đối với ông Nguyễn Văn Sinh, 42 tuổi (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh
Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương, đang nằm điều trị ở Viện Quân y 7,
TP.Hải Dương), người được cho đã lái máy xúc chèn lên bà Châm sáng ngày
10.7, tại dự án khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, sau đó bị người
dân đánh bị thương.”
Tờ báo thuật lời ông đại tá Luyến nói “Công an huyện Cẩm Giàng đang
xác minh ông Sinh có phải là người của đơn vị phụ trách thi công dự án,
có bằng lái máy xúc và có được giao nhiệm vụ lái máy xúc không.”
Ngay ngày xảy ra vụ người biểu tình chống cướp đất đền bù bất công,
tờ Lao Động thuật lời nhân chứng Nguyễn Thị Đông xác nhận bà Lê Thị Châm
bị máy xúc cán qua người, may không chết vì chỗ bà ngã xuống là một cái
rãnh trũng.
Theo thông tin trên VnExpress, năm 2009, dự án khu công nghiệp Lương
Điền (nằm tại hai xã Cẩm Điền và Lương Điền) được nhà cầm quyền giao cho
doanh nghiệp Phúc Hưng với diện tích đất 205 ha. Xã Cẩm Điền có 90 ha
với 625 hộ phải giải tỏa và hầu hết các hộ đã nhận tiền bồi thường. Còn
lại khoảng 90 hộ không đồng ý nên không nhận tiền và kiến nghị mức bồi
thường mới.
“Năm 2015, do không đủ năng lực, doanh nghiệp Phúc Hưng chuyển giao
khu đất cho tập đoàn VSIP Singapore. Lãnh đạo tỉnh từng đối thoại với
những người dân còn bất đồng nhưng chưa đạt được thỏa thuận,” VnExpress
viết.
Dù chưa thỏa thuận được với dân, chủ đầu tư vẫn cho nhà thầu đến san
ủi, dẫn đến vụ việc. Giải tỏa ruộng đất của dân rồi đền bù bằng những số
tiền rất nhỏ, đẩy người dân vào cảnh bần cùng đã dẫn đến rất nhiều cuộc
biểu tình và chống đối tập thể tại Việt Nam.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, hàng ngày vẫn có rất nhiều người tập trung
khiếu kiện đất đai. Họ ngủ ngay trong công viên từ năm này sang năm khác
chầu chực khiếu kiện trong vô vọng. (TrN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét