Ads 468x60px

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Vì sao có chồng “thích” ngược đãi vợ và vợ chấp nhận bị bạo hành?

Luật Sư Vi Katerina Trần
(Hình: Vi K. Trần cung cấp)
Ngọc Lan
Bà Leslie Morgan Steiner, một nhà văn, một người cổ vũ cho việc lên tiếng chống lại tình trạng bạo hành gia đình tại Hoa Kỳ, chính là người đã trải qua nhiều năm sống trong cảnh bị ngược đãi, hành hạ, và không biết bao nhiêu lần bà bị người yêu kê súng vào đầu dọa giết.
Thế mà, vào thời điểm đó, bà đã không bỏ đi. Tại sao vậy? “Rất đơn giản: Tôi không biết anh ta đang bạo hành tôi. Thậm chí khi anh ta chĩa súng vào đầu tôi, đẩy tôi xuống sàn, dọa giết hết những con chó tôi yêu thương, đổ cà phê lên đầu tôi khi tôi đang mặc bộ đồ chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn quan trọng, tôi vẫn không hề nghĩ rằng mình bị hành hạ,” nhà văn Steiner trả lời.
Điều đáng nói ở đây là bà Steiner, vào những ngày tháng đó, là một cô gái tốt nghiệp cử nhân văn chương đại học Harvard, có bằng quản trị kinh doanh trường Wharton của đại học UPenn nổi tiếng ở Pennsylvania.
Như đã phân tích, bạo hành không chừa bất kỳ ai. Nhưng vì sao lại có những người chồng “thích” đánh đập, chửi bới vợ? Vì sao lại có những người vợ cứ chấp nhận cuộc sống địa ngục như thế mà không mạnh dạn bước ra?
Những vấn đề trên được Tiến Sĩ Tâm Lý Trị Liệu Lâm Sàng Suzie Matsuda, chuyên viên chẩn định và trị lieu tâm bệnh thuộc Sở Y Tế Los Angeles, và Luật Sư Vi Katerina Trần, đang làm việc cho một văn phòng luật ở San Jose, chia sẻ, phân tích dưới góc nhìn của những người chuyên môn từng làm việc với nạn nhân của bạo hành.
Vì sao lại có những người chồng “thích” đánh đập, chửi bới vợ?
Bà Matsuda cho rằng có ba yếu tố chính đưa đến hành động này.
"Đầu tiên, người bạo hành người khác, phần nhiều, đã nhìn thấy những gương bạo hành trong gia đình hoặc chính họ là người bị bạo hành. Vì thế, theo năm tháng, những trải nghiệm này trở thành một phần của cách sống, cách nhìn của họ," bà giải thích.
“Yếu tố thứ hai là xã hội chấp nhận chuyện gia đình bạo hành lẫn nhau,” bà nói tiếp.
Điều này được nhìn thấy rõ từ những người lớn lên ở Việt Nam, nơi mà việc chồng đánh vợ được xem như là chuyện riêng của gia đình và không mấy ai muốn can thiệp vào, trừ phi có giết người đổ máu.
Yếu tố thứ ba là vấn đề luật pháp.
Bà phân tích, “Nghiên cứu cho thấy có những người quen bạo hành ở nơi họ sinh sống, nhưng khi sang Hoa Kỳ, chỉ cần đánh vợ mà bị cảnh sát đưa đi tù một lần thôi thì sau đó sẽ không có chuyện đánh đập nữa. Nhưng buồn hơn là không bị đánh đập nhưng họ bị chửi, bị nhục mạ, bị coi họ như cái bàn cái ghế chứ không phải con người.”
Ngoài ba yếu tố làm cho người ta ngược đãi người khác như vừa kể trên, “còn có yếu tố thuộc về tâm bệnh. Nghĩa là đây chính là người có những khủng hoảng tâm lý, từng bị bạo hành trong quá khứ, nên cách mà họ học được, thấy được, quen được là giận cá chém thớt,” bà nói.
Bạo hành không có sự thuyên giảm theo thời gian
Trong cái nhìn của một người tiếp xúc nhiều với nạn nhân bị hành hạ, ngược đãi, Tiến Sĩ Matsuda cho rằng, “Bạo hành đi theo một chu kỳ. Tức có những trường hợp, người chồng bị bực bội, có sự bức xúc nào đó mà họ không giải quyết được thì cho dù người vợ có làm đúng hay không làm đúng đi nữa cũng bị ông ta bạo hành.”
“Cũng trong chu kỳ đó, sau khi đánh đập, hành hạ xong thì người chồng có lúc cũng cảm thấy tội lỗi, thấy mình làm điều đó không đúng, họ biết xin lỗi, mua quà, mua hoa tặng vợ như một kiểu ăn năn. Trong tình cảnh đó, người vợ thường tha thứ cho chồng. Nhưng tới một lúc khác, khi cơn của họ lên thì người chồng lại chửi bới, hành hung người vợ trở lại, tức là một cái vòng lẩn quẩn như vậy,” bà phân tích tiếp.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy một thực trạng đáng buồn, đó là khi một ai đó đã nằm trong trường hợp bạo hành, thì mức độ bạo hành chỉ ngày càng nguy hiểm hơn chứ không hề giảm đi, và chu kỳ bạo hành ngày càng nhanh hơn, nhiều hơn.
Bà Matsuda nhớ lại, “Trước đây tôi có một bệnh nhân từng là một cô giáo dạy Toán. Chồng chị cũng là thầy giáo. Chị bị đánh ngay sau ngày đám cưới ở Việt Nam. Bị đánh đến độ khi đến gặp tôi, chị đã mang bệnh ‘khủng hoảng hậu chấn thương’ tức là những người dễ trở nên hồi hộp lo sợ một cách bất thường, giấc ngủ của họ không được bình an, hay thấy ác mộng và không thể tập trung, ngay cả khi tôi hỏi 2 cộng 2 là mấy chị cũng không biết, tức não trạng chị ở trong tình trạng khủng hoảng và bất thường trầm trọng.”
Theo lời kể, khi sang Mỹ, chị vẫn bị chồng đánh đập đến mức hai đứa con trai phải xúi chị trốn vào ngày mà ba nó xách dao định đâm chị. Chị đã phải chạy trốn sang tiểu bang California và sống dựa vào sự giúp đỡ của các tổ chức bảo vệ người bị bạo hành.
Luật Sư Vi Katerina thì nhắc đến một thân chủ mà cô từng đại diện.
“Chị này tốt nghiệp đại học ở Mỹ, đi làm cho quận hạt. Chị lấy chồng 23 năm. Theo lời chị kể thì lúc đầu chồng chị có tính gia trưởng thôi. Nhưng từ khi ông bị mất việc, ở nhà, chị trở thành lao động chính thì ông chồng lại trở thành người bạo hành chị. Những năm đầu ông chỉ chửi bới, la mắng, cho đến một ngày ông ta uống rượu, và cầm dao rượt chị. Chị và con trai trốn trong phòng, ông ta đâm hơn 20 nhát dao vô cửa. Đó là biểu hiện của một sự tức giận quá độ. Và đó cũng cho thấy mức độ ngược đãi của ông càng lúc càng tang," vị luật sư kể.
Nạn nhân thường là người bị cô lập
Cả Luật Sư Vi Katerina lẫn Tiến Sĩ Matsuda đều cho rằng: Dấu hiệu dễ nhìn thấy nhất ở người chồng có “thói” bạo hành là không muốn người vợ tiếp xúc với ai hết. Thế nên những nạn nhân này thường bị cô lập.
Cô Vi Katerina giải thích, “Điểm chung nhất là người phụ nữ bị bạo hành thường coi người chồng là điểm tựa lớn nhất của họ, chiếm phần lớn thời gian của họ, và cuộc sống của họ trông chờ vô chồng nhiều lắm. Họ không có bạn bè thân riêng, họ không có mối quan hệ rộng ở ngoài, họ chỉ có gia đình, và người chồng mà thôi. Thành ra khi bị ngược đãi, họ không kiếm được ai để tâm sự hay kể lể gì hết.”
Luật Sư Vi Katerina chia sẻ thêm: “Những trường hợp bị ngược đãi mà tôi từng gặp thì người lớn nhất khoảng 60 tuổi, nhỏ nhất khoảng 20 tuổi. Người nhỏ tuổi là người mới qua, mới lấy chồng Việt kiều cũng dễ bị trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình.”
Theo cô, “Nhiều người đàn ông lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mới sang, lợi dụng tâm lý người Việt Nam xem chuyện chồng đánh vợ là bình thường, nhất là người ở quê hay xa thành phố, để về Việt Nam cưới vợ với mục đích có thể điều khiển, khống chế được.”
“Với suy nghĩ như thế, khi sang đây, người chồng không cho vợ đi học tiếng Anh, không cho đi học lái xe; nếu cho học nghề thì thường là nghề làm nail và họ sẽ dùng người than, người nhà của họ để đưa đi. Khi người vợ đi làm, có sự trao đổi, tiếp xúc bên ngoài, nếu người chồng bắt đầu thấy có những điều họ không thích thì họ dễ đánh vợ. Người vợ được bảo lãnh sang thường không có gia đình, hoặc ít bạn bè, nên cũng khó kiếm được sự giúp đỡ,” Luật Sư Vi phân tích.
Tiến Sĩ Tâm Lý Suzie Matsuda
(Hình: Xuyến Đông cung cấp)
Tâm lý chấp nhận hay buông xuôi của nạn nhân
Một phân tích tâm lý mà Tiến Sĩ Matsuda đưa ra khiến người ta cảm thấy đau đớn, đó là, “Khi mình đánh một con vật thì nó chạy trốn. Nhưng khi mình đánh nó nhiều quá thì nó đứng tại chỗ cho mình đánh luôn, vì nó không còn khả năng tự vệ nữa, nó coi như bỏ cuộc, đầu hàng luôn để mình tha hồ muốn làm gì làm. Thì có nhiều nạn nhân đi vào tình trạng đó.”
Và để trả lời cho câu hỏi mà người ngoài cuộc hay đặt ra là, “Tại sao bị vậy mà không dứt ra được, không bỏ được, tại sao lại để cho bị đánh như vậy?” bà nói, “Mình không ở trong hoàn cảnh đó nên mình không hiểu được não trạng của nạn nhân. Bị bạo hành lâu quá họ mất hết sinh khí và mất cả ý chí để thoát khỏi môi trường như vậy.”
Bà Matsuda nhận xét, “Phải nhìn vấn đề qua lăng kính của nạn nhân chứ đừng đứng ở ngoài mà nhìn vào để nói phải làm thế này thế kia. Cho nên, những người chuyên môn sẽ giúp cho nạn nhân một kế hoạch trốn thoát an toàn, nếu trường hợp đó trở nên nguy hiểm. Nhưng chỉ có nạn nhân mới biết được lúc nào an toàn, lúc nào không an toàn để họ ra đi”.
Cũng theo bà, “Có khi người bạo hành chính là những người rất thiếu tự tin, nhưng họ không nói ra điều đó. Tuy nhiên, cách hành xử của họ dựa trên cái sợ trong tâm thức, và cái sợ đó đưa đến việc họ muốn kiểm soát người khác.”
“Với người bị ngược đãi, họ có thể là người từng chứng kiến cảnh đánh đập, chửi mắng trong gia đình, họ thấy chuyện này là bình thường. Đến khi lập gia đình, thấy chuyện tương tự như thế diễn ra, họ cũng cho là bình thường. Tức bạo hành là sự quen thuộc trong tiềm thức của họ, họ từng trải nghiệm với nó nên họ chịu đựng được lâu hơn, nhiều hơn,” bà Matsuda phân tích.
Trả lời cho câu hỏi, “Còn lý do gì để người phụ nữ chấp nhận mình là nạn nhân của chuyện bạo hành ngoài những yếu tố trên?” bà Matsuda đưa ra một số lý do, “Có khi do họ nghĩ con họ cần cha, họ không muốn sống trong một gia đình ly dị. Có khi nó thuộc về tâm lý vì bị lâu quá rồi nên cũng không dứt khoát để đi ra. Cũng có khi bị trầm cảm nặng quá nên họ không còn biết cách đối phó nữa. Cũng có khi do định kiến xã hội, họ không muốn mang tiếng bỏ chồng. Chưa kể vấn đề tôn giáo nữa.”
Cô Vi Katerina cũng cho biết khoảng một phần ba các trường hợp cô giải quyết là người vợ muốn hòa giải.
“Tôi nghĩ với một số người lớn tuổi thì họ mang tâm lý muốn giữ gia đình, không chấp nhận chuyện chia tay, họ nghiêng về tình cảm, muốn giữ tình cảm đó,” cô nói.
Cũng theo cô, “Văn hóa của người Việt Nam vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến với người Mỹ gốc Việt, nhất là với những người từ 35 tuổi trở lên, họ muốn gìn giữ gia đình, muốn hàn gắn, muốn sống cùng nhau, hơn là trở thành người độc lập, bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên cũng có những người kiếm được người nào khác thì họ vượt qua được.”
Với những trường hợp người vợ mới được đưa từ Việt Nam sang, Luật Sư Vi Katerina cho rằng “nếu có gây gỗ với chồng thì những người phụ nữ này cũng không biết nơi nào để đi, không biết ai để gọi cầu cứu vì tiếng Anh cũng không giỏi, người thân quen không có. Thậm chí có khi gọi về Việt Nam than thở thì người nhà còn khuyên 'thôi ráng chịu đựng.' Thành ra việc các cô gái trẻ là nạn nhân của sự ngược đãi cũng khá nhiều.”
Tuy nhiên, Tiến Sĩ Matsuda thừa nhận, “Hoa Kỳ là xã hội không chấp nhận bạo hành. Thế nên khi các bác sĩ nhìn thấy bệnh nhân của mình có những dấu hiệu, những triệu chứng của bạo hành là họ có quyền thông báo cho cảnh sát, cho các cơ quan chức năng để đến can thiệp ở gia đình đó. Luật California cho bác sĩ quyền đó, dù chỉ là nghi ngờ. Dĩ nhiên khi cảnh sát đến thì họ sẽ điều tra xem có đúng hay không đúng.”
“Vấn đề này càng nằm trong bóng tối chừng nào thì nạn nhân càng bị bạo hành chừng đó,” bà nói thêm.
Thực tế, phần lớn người Việt định cư tại Hoa Kỳ đều biết luật pháp, biết cấm đoán nạn bạo hành gia đình, tuy nhiên, chỉ có một số ít ý thức được rằng ai vi phạm sẽ bị truy tố ra tòa, bị án tù, bị ghi vào hồ sơ tư pháp hay có thể bị trục xuất nếu không có quốc tịch.
Một nghiên cứu của Giáo Sư Bùi Ngọc Hoàn thuộc trường đại học Tennessee ở Knoxville chỉ ra rằng, “Bạo hành gia đình không dành riêng cho một xã hội nào, tất cả mọi nơi trên thế giới đều có vấn nạn này kể cả Hoa Kỳ nơi sự can thiệp của chính quyền và của luật pháp được xem là rất tích cực và cương quyết từ 20 năm qua. Nhưng đối với người Việt di dân tại Mỹ thì nguyên do chủ yếu là vì nhiều người không biết luật pháp rất nghiêm khắc với người vi phạm.”
Theo ông, điều đáng quan tâm là mức bạo hành trong sắc dân gốc Á và Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ là 12.8%, thấp hơn so với người da trắng (21.3%), da đen (26.3%) và các sắc dân thiểu số khác mà nguyên do là vì các vụ bạo hành trong người gốc Á không được báo cáo đầy đủ cho chính quyền.
Ngọc Lan/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét