Nếu nghe tới chữ K-9 và Mặt Trận, những ai
từng sống ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 chắc đang
liên tưởng đến Mặt trận Giải phóng Miền Nam và một tổ đặc công ám sát.
Nhưng không.
K-9 ở đây được phóng viên điều tra A.C. Thompson nói đó là một nhóm đặc trách
ám sát những nhà báo Việt ở Hoa Kỳ trong những năm từ 1981 đến 1990, còn Mặt
Trận là tên tắt của Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam được thành
lập năm 1982 dưới sự lãnh đạo của cố Đề đốc Hoàng Cơ Minh.
Theo điều tra của Thompson K-9 là một cánh tay của Mặt Trận.
A.C. Thompson làm việc với cơ sở truyền thông ProPublica và chương trình
Frontline của hệ thống truyền hình PBS trong gần hai năm để thực hiện phóng sự
về những vụ ám sát nhà báo gốc Việt tại Mỹ.
Thiên phóng sự điều tra mang tên “Terror in Little Saigon” – Khủng bố ở
Little Saigon – dài 54 phút đã được chiếu trên kênh PBS tối thứ Ba
3/11/2015.
Những ai theo dõi sinh hoạt chính trị của người Việt tại Hoa Kỳ, kể từ khi
cộng đồng này được thành hình sau cuộc di tản khỏi Việt Nam vào tháng 4/1975 sẽ
không thấy phóng sự đưa ra được thêm bằng chứng cụ thể nào về cái chết của hai
nhà báo Dương Trọng Lâm và Nguyễn Đạm Phong, chủ điểm của phóng sự.
PBS Image caption
Ám sát các nhà báo hải ngoại
Qua phim và bài viết có cùng tên phổ biến trên mạng ProPublica, phóng viên
Thompson dựa vào hai nhân vật ẩn danh để đưa ra kết luận K-9 đã giết Dương Trọng
Lâm và Nguyễn Đạm Phong.
Người đầu tiên nhắc đến K-9 có giọng nói miền Nam. Người thứ nhì được phóng
viên cho biết là cựu thành viên lãnh đạo của Mặt Trận đã xác nhận K-9 giết hai
nhà báo nêu trên.
Trong khi thực hiện phóng sự, ký giả Thompson tìm cách phỏng vấn những nhân
vật cột trụ của Mặt Trận như Phạm Văn Liễu, Hoàng Cơ Định, Trần Minh Công,
Nguyễn Kim và Nguyễn Xuân Nghĩa nhưng đều bị từ chối.
Chỉ mình ông Nguyễn Xuân Nghĩa đồng ý trả lời phỏng vấn của Thompson.
Trong phim ông Nghĩa có nhắc đến những bài viết nhục mạ Mặt Trận của một số
nhà báo, rồi những vụ ám sát, tấn công chính trị mà ông biết đến, nhưng ông
không muốn bàn về những điều làm xấu hình ảnh cộng đồng.
Khi máy quay hình đã tắt, ông Nghĩa nhìn nhận rằng trong một buổi họp của Mặt
Trận đã có những thành viên đòi ám sát một nhà báo ở Quận Cam nhưng ông đã
khuyên ngăn không nên làm. Chi tiết này không được nhắc đến trong phim mà chỉ có
trong bài báo.
Trong khi phim chú trọng đến cái chết của Dương Trọng Lâm tại San Francisco
và Nguyễn Đạm Phong ở Houston, bài viết nhắc đến những vụ ám sát các nhà báo gốc
Việt khác như Phạm Văn Tập (báo Mai) ngay giữa Quận Cam, Đỗ Trọng Nhân (nhân
viên trình bày báo Văn Nghệ Tiền Phong), Lê Triết (bỉnh bút của Văn Nghệ Tiền
Phong) và vợ ở Virginia. Đoàn Văn Toại, cùng cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Gia cư
Trần Khánh Vân cũng bị bắn nhưng không chết.
Người bắn Trần Khánh Vân là Trần Văn Bé Tư đã bị bắt, ra tòa bị án tù 7 năm.
Nói chuyện với Thompson, Bé Tư nói ông không là thành viên của K-9.
Johnny Nguyễn, cựu thành viên Mặt Trận nhưng vẫn coi Tướng Hoàng Cơ Minh như
anh hùng, tình nghi là người giết Nguyễn Đạm Phong, bị điều tra bởi đại thẩm
đoàn nhưng không bị buộc tội vì không đủ chứng cớ.
Cùng khoảng thời gian từ 1981 đến 1990 còn hai vụ ám sát người Việt nữa nhưng
Thompson không nhắc đến. Nhà báo Cao Thế Dung bị kẻ lạ bắn hụt tại nhà ở
Virginia. Vợ chồng Nguyễn Văn Luỹ của Hội Việt kiều Yêu nước bị bắn trước nhà ở
San Francisco, bà Luỹ chết còn ông bị thương.
Mặt Trận là kháng chiến giả và vi phạm pháp
luật?
Dù được cung cấp nguồn tài liệu, qua những hồ sơ đã được giải mật, thiên
phóng sự của Thompson chỉ xác nhận một số điều mà nhiều người Việt đã biết qua
báo Việt ngữ từ thập niên 1980, đặc biệt là các bán nguyệt san Việt Nam Hải
Ngoại của Đinh Thạch Bích, Tự Do của Nguyễn Đạm Phong và Văn Nghệ Tiền Phong của
Nguyễn Thanh Hoàng là những báo đã có nhiều bài viết phê phán, chỉ trích Mặt
Trận là kháng chiến giả.
Thí dụ như chuyện ông Hoàng Cơ Minh, dưới danh tính một người Nhật, đi Thái
Lan, để rồi qua Lào tìm kiếm người Mỹ mất tích từ chiến tranh Việt Nam trong kế
hoạch của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Nay phim đưa ra tài liệu là bản sao đơn xin nhập tịch của ông Hoàng Cơ Minh
mang tên người Nhật.
Hay chuyện căn cứ kháng chiến chỉ ở trên đất Thái, không phải trong nội địa
Việt Nam như Mặt Trận đưa tin trên báo Kháng Chiến, và được sự yểm trợ của tình
báo và các tướng Thái Lan. Trong phóng sự có phỏng vấn một tướng Thái và ông xác
nhận điều này.
Thompson cũng tới biên giới Thái-Lào phỏng vấn một người đã nhiều lần hướng
dẫn ông Minh và thành viên của nhóm vượt qua biên giới.
Hay chuyện những thành viên Mặt Trận đi theo và nói rằng ông Minh đã giết họ,
trong đó có người mang quốc tịch Mỹ, như thế là một tội hình sự đáng bị truy tố
trước tòa án Hoa Kỳ.
Phóng sự cũng nhắc đến chuyện lãnh đạo Mặt Trận là những công dân Mỹ dùng
tiền để mua vũ khí với âm mưu lật đổ chính quyền một nước khác, tức chính quyền
Hà Nội, là vi phạm luật Hoa Kỳ và cần bị truy tố.
Nhưng khi A.C. Thompson đưa những sự kiện, từ ám sát nhà báo, mua bán vũ khí
chuyển qua Thái Lan, đến những cái chết ở biên giới Thái-Lào hỏi giới hữu trách
Mỹ thì hầu như chỉ nhận được sự im lặng hay từ chối thảo luận.
Phóng sự truyền hình cũng như bài báo cho rằng Mặt Trận và chính phủ Mỹ dưới
thời Tổng thống Ronald Reagan đã có những việc làm vi phạm luật pháp Mỹ. Qua
“Terror in Little Saigon” Thompson cho là đã tìm ra một số manh mối về những vụ
giết nhà báo gốc Việt và nhìn rộng ra liên quan đến việc làm mờ ám của chính
quyền Mỹ thời đó.
Vụ án Dương Trọng Lâm
Hồ sơ về Dương Trọng Lâm
Thực hiện phóng sự này, ký giả A.C. Thompson muốn Hoa Kỳ mở lại những cuộc
điều tra. Nhưng các giới chức trách không quan tâm vì hồ sơ đã đóng và nằm trong
hộp lưu giữ từ 20 năm qua.
Qua sự kiện phóng sự điều tra “Terror in Little Saigon” được tung ra, tôi có
bàn luận với nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, là người đã sống và tham gia sinh hoạt
cộng đồng người Việt vùng San Jose và San Francisco từ bốn mươi năm qua.
Chúng tôi nhắc lại cái chết của Dương Trọng Lâm vào tháng 7/1981 là một sự
kiện làm rúng động cộng đồng.
Lúc đó tôi hoạt động sinh viên tại Đại học Berkeley, thường tổ chức biểu
tình, hội thảo về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam nên có một bác ở San Jose gọi
điện thoại lên nói tôi nên cẩn thận khi ra đường, đừng đi một mình, vì có thể bị
cộng sản trả thù.
Ông Vũ Văn Lộc, cựu Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa, kể rằng bố của Dương
Trọng Lâm là Trung tá Dương Văn Lạng làm việc dưới quyền ông. Theo lời ông Lộc,
Lâm bướng bỉnh và rất khác thân phụ về quan điểm chính trị.
Lâm tốt nghiệp Đại học Oberlin ở Ohio, có lúc làm việc tại Trung tâm Định cư
Đông Nam Á ở San Francisco dưới thời ông Michael Huỳnh – người mới qua đời tại
Sài Gòn.
Sau đó Lâm đứng ra mở Trung tâm Phát triển Thanh Thiếu niên Việt và qua cơ sở
này, vào mùa hè 1980 Lâm cho ra tờ báo Cái Đình Làng với chủ trương “vũ trang tư
tưởng để khơi động chống mọi áp bức.”
Thời đó, sinh viên du học có quan điểm ủng hộ Hà Nội vẫn hoạt động tuyên
truyền quanh vùng San Francisco và thường đem báo Thái Bình, của Hội Việt kiều
Yêu nước tại Mỹ, và Cái Đình Làng bỏ vào hộp thư của tôi ở trước cửa ký túc xá
và gửi đến cho nhiều gia đình người Việt.
Sau khi bắn Dương Trọng Lâm, một tổ chức có tên là Việt Nam Diệt Cộng Hưng
Quốc Đảng (A.C. Thompson tìm thấy trong hồ sơ FBI với ký hiệu VOECRN) gửi thư từ
Las Vegas đến văn phòng hãng thông tấn AP ở New York cho biết nhóm đã thực hiện
vụ giết Dương Trọng Lâm ngày 21/7/1981.
Lúc đó chưa có Mặt Trận. Năm 1982 mới có phóng sự trên đài truyền hình CBS
mang tên “HCM Trail”, ý so sánh với Ho Chi Minh Trail thời chiến, nói về Mặt
Trận của Tướng Hoàng Cơ Minh và năm 1983 với hàng loạt Đại hội Chính Nghĩa chào
đón tướng Minh từ chiến khu trở ra.
Thám tử Hendrix và Sanders của Sở cảnh sát San Francisco không tìm ra manh
mối và kết luận vụ án mạng liên quan đến tiền bạc, chứ không mang mầu sắc chính
trị.
Thực ra lúc đó cũng đang có tranh giành quyền lợi tài chánh qua các dịch vụ
chuyển tiền và gửi hàng về Việt Nam giữa các tổ chức Việt kiều Yêu nước ở Mỹ và
Canada và Lâm có thể là nạn nhân của những tranh chấp này.
Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc cho biết Dương Trọng Lâm được chôn ở nghĩa trang Los
Gatos gần San Jose. Sau các cụ biết được nên phản đối vì thế gia đình đã bốc mộ
của Lâm đem đi nơi khác.
Cho đến nay chưa có bằng chứng cụ thể để truy tố một nghi can nào trong các
vụ giết những nhà báo gốc Việt.
Tuy nhiên, phóng sự “Terror in Little Saigon” đưa ra kết luận rõ ràng là K-9,
một cánh tay của Mặt Trận đã giết Dương Trọng Lâm và Nguyễn Đạm Phong.
Nếu Mặt Trận coi đây là một sự vu khống về những hành động khủng bố, ông Vũ
Văn Lộc cho biết Mặt Trận có thể kiện ký giả A.C. Thompson, cơ sở truyền thông
ProPublica và đài PBS ra tòa.
Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, nếu còn kéo dài qua đến Mỹ như một số nhà báo
thường nhận định khi viết về sinh hoạt chính trị cộng đồng Việt, thì chắc còn
phải chờ thời gian lâu mới biết thủ phạm đứng sau những vụ ám sát là ai.
Và cũng có thể không bao giờ tìm ra được vì cuộc chiến Việt Nam trước đây là
một cuộc chiến với nhiều cái chết đầy bí ẩn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét