Nguyễn Phú Trọng |
Trong một báo cáo
phổ biến ngày 28 Tháng Giêng, 2016, tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Ân
Xá Quốc Tế đã thúc dục các tân lãnh đạo Đảng CSVN phải ưu tiên cải
thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam từ bấy lâu nay.
Bản báo cáo nhận định rằng, Việt Nam đang ngày càng cố gắng để chứng
tỏ mình là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nước
này cũng đang là thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và
gần đây đã phê chuẩn Công Ước Chống Tra Tấn. Thế nhưng, đó chỉ là cái vỏ
bên ngoài, thực tế bên trong là tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt
Nam không hề suy giảm. Cái vỏ đó cũng là lá chắn cho thành tích nhân
quyền của Việt Nam khỏi bị kiểm soát và nhờ đó nhà cầm quyền tránh được
sự khinh miệt của cộng đồng quốc tế.
Bản báo cáo đưa ra trường hợp của tử tù Lê Văn Mạnh như là một minh
chứng cho tình trạng vừa kể. Anh Mạnh bị xử oan sai và bị tra tấn buộc
phải nhận tội trong một vụ án hiếp dâm và giết người từ năm 2005, rồi bị
kết án tử hình. Tuy nhiên, những tin tức về sự oan sai trong vụ án này
bị rò rỉ ra bên ngoài. Trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế và mạng
xã hội, việc hành hình anh Mạnh đã được hoãn lại chỉ một ngày trước ngày
thi hành án để được “xem xét lại”. Nhưng từ đó đến nay, không có thêm
một tin tức nào về vụ án. Mặc dù mẹ của nạn nhân liên tục yêu
cầu cơ quan công quyền cung cấp thông tin, bà vẫn không biết tương
lai của con trai sẽ ra sao. Hệ thống tư pháp và tòa án từ
chối tiết lộ và tìm cách che chắn cho cơ quan trách nhiệm trong
việc đánh giá và giải trình trách nhiệm trong vụ án này.
Bản báo cáo của Ân Xá Quốc tế nhấn mạnh “Để đưa đất nước tiến lên
phía trước, Tổng Bí thư phải bắt đầu cuộc cải cách toàn diện và bảo
đảm chấm dứt xu hướng đàn áp của nhà cầm quyền.”
Vào tháng Ba năm ngoái, Bộ Công An cho biết trong vòng ba năm tính
đến Tháng 9, 2014, đã có 226 người bị chết trong đồn công an hoặc trong
trại giam. Bộ này cũng tuyên bố họ đã giải tán 60 nhóm đối lập “bất
hợp pháp”, bắt giữ và “xử lý” 1.410 trường hợp liên quan đến 2.680 người
“vi phạm an ninh quốc gia” – một thuật ngữ thường được sử dụng ở
Việt Nam để nhắm vào những người hoạt động nhân quyền.
Không ai biết con số hơn một ngàn bốn trăm người vừa kể đã bị “xử lý”
ra sao. Các con số đó có lẽ không bao gồm nhiều cuộc tấn công bạo
lực nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền và người bất đồng
chính kiến trong cả nước. Trong năm 2015 có 69 người hoạt động nhân
quyền, cả nam và nữ, là mục tiêu của 36 vụ tấn công bạo lực do
cảnh sát, hoặc những kẻ mặc thường phục mà nhiều người tin là
làm việc cho hoặc với cảnh sát, gây ra.
Luật Sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà bị bắt ngày 16 Tháng 12, 2015.
Một thí dụ nổi bật là việc đánh đập Luật Sư nhân quyền nổi tiếng
Nguyễn Văn Đài vào đầu tháng 12 năm ngoái. Ông Đài cùng với ba đồng
nghiệp đã bị tấn công dã man sau khi họ tham dự một buổi nói chuyện
về nhân quyền với một cộng đồng nông thôn ở huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Mười ngày sau đó ông bị bắt trên đường tới dự một cuộc đối thoại nhân
quyền với các đại diện Liên Minh Âu Châu. Ông và đồng nghiệp là bà Lê
Thu Hà bị cáo buộc vào tội “tuyên truyền chống nhà nước”, một cáo
buộc có thể bị án tù 20 năm.
Bản báo cáo của Ân Xá Quốc Tế đã cụ thể hoá tiến trình thực hiện nhân
quyền ở Việt Nam bằng hình ảnh “tiến một bước, lùi vài ba bước”.
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức bị công an Đồng Nai
bắt và hành hung hôm 22 Tháng 11, 2015.
Đầu tháng 10 năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp Định
Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại đòi hỏi các
nước ký kết như Việt Nam phải cho phép thành lập công đoàn độc lập,
một khái niệm xa lạ ở quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, từ khi
kết thúc đàm phán, các cuộc tấn công nhắm vào những người ủng hộ quyền
của người lao động vẫn tiếp tục. Trong tháng 11, chị Đỗ Thị Minh Hạnh
và ông Trương Minh Đức – hai nhà hoạt động công đoàn và là hai cựu tù
nhân lương tâm – đã bị những người đàn ông thường phục đánh đập, rồi bị
công an sắc phục bắt đem giam giữ.
Nếu Việt Nam muốn được nhìn nhận như là một thành viên có trách
nhiệm của cộng đồng quốc tế, việc đàn áp này phải chấm dứt. Cải
cách triệt để cần được thực hiện ở khắp cả nước và ở tất
cả các cơ quan của chính quyền để chính phủ thực hiện các
lời hứa về nhân quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế.
Đây phải là ưu tiên của chính quyền mới của ông Nguyễn Phú Trọng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét