Ads 468x60px

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Tản Đà, ngàn năm thơ thẩn

Chân dung Tản Đà do Nguyễn Hải Chí (họa sĩ Chóe)
vẽ cho Khởi Hành số chủ đề Tản Đà, 56 tháng 6.1970.
(Hình: Viên Linh cung cấp)
Viên Linh
1- Ở trong tiềm thức của tôi, ở trong tâm hồn của tôi, mỗi một thời gian khác nhau nào đó, sẽ vẩn lên xao xuyến lay động như một điểm sáng vàng vọt của một ngọn nến một hình ảnh rất buồn. Hình ảnh ấy, ở trong cái trí nhớ mơ hồ của tôi, không bao giờ đậu cho đứng bóng, không bao giờ rõ nét được. Nó nhạt, nó nhẹ, nó thấp thoáng hơn một cái bóng nào nhỏ yếu nhất. Ấy là khuôn mặt đau đớn buồn thảm của Nguyễn Du; ấy là khuôn mặt dày vò hoảng hốt của Nguyễn Gia Thiều; ấy là cái dáng thẫn thờ của Nguyễn Khắc Hiếu. Cái dáng ấy hôm nay nổi lên như một đám mây trắng bồng bềnh trôi lững lờ trong đầu tôi. Hôm nay tôi nhớ đến Tản Đà, người như mây nổi...
Năm 1960, khi còn đang dậy học tại Ban Mê Thuột, tôi mua được một cuốn sách cũ rất quý, cuốn sách đó nó làm tôi nhớ Tản Đà hết sức, buổi chiều hôm ấy trời vừa tạnh cơn mưa dài - cơn mưa kéo liền 3 ngày bằng những trận lớn - tôi ra phố rong chơi bù cho mấy hôm trước. Tới khu phố chợ, trước một rạp chớp bóng, tôi đứng lại mua một gói thuốc. Hồi đó tôi hay hút Phenix. Khi cúi khom người để mồi thuốc trên cây hương cắm nơi cái giá gấp của cô bé bán hàng thì tôi nhìn thấy cuốn sách đó, bầy trên hè, trên một tấm vải nhựa. Tôi tỉnh người cúi xuống cầm lấy. Đó là một cuốn tạp chí Tao Đàn, ngoài in hình Tản Đà. Số 9, ngày 1er Juillet 1939, số đặc biệt kỷ niệm nhà thơ này, mới mất trước ngày số báo đó ra được 24, 25 hôm. Ngày đó là ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Mão, tức là ngày 7 tháng 6 dương lịch 1939.
Hàng bán sách cũ này vẫn ngồi đây, mỗi lần đi dậy, đi chơi tôi đều ngó qua nhưng chưa mua được ở đấy một cuốn nào cả. Tôi cầm chắc phải mua cuốn này song chưa biết nên trả bao nhiêu, vì giá chính của nó nơi bìa là 25 xu. Tôi ngó lại khắp mặt hàng và thấy một cuốn nữa có thể mua được, đó là cuốn Sáng Tạo số mùa Xuân 1957. Tôi đưa cả 2 cuốn ra hỏi giá. Họ đòi mười đồng. Tôi thích lắm nhưng vì tính tôi không được rộng rãi nên tôi trả 7 đồng. Trả xong, ngó xuống khuôn mặt tươi cười của Tản Đà tôi bỗng thấy xốn xang trong lòng. Tôi nhìn người bán sách. Ông ta gật đầu.
2- Ngồi trong tiệm uống, trong khói thuốc, trong tiếng nhạc bốc ra từ cái máy cũ mèm, tôi nâng niu cuốn sách lên ngang ngực để xem. Tôi lật ra một trang đầu: Bây giờ đây, khi cái nắp quan tài đã đậy lại. Tôi tức cười vì lời hô hùng tráng như tiếng xuất quân ấy của tác giả Tiếng Thu, khi tiễn Nguyễn Khắc Hiếu về trời. Tôi đọc hết cuốn sách ở đó. Tôi yêu Tản Đà hơn trước nhiều. Và tôi yêu tất cả những ai nói về Tàn Đà - chỉ trong những lúc nói về Tản Đà - lúc ấy họ dễ yêu hơn vì trong sáng hơn, vì thực hơn. Cái hào quang nơi Tản Đà tỏa ra trùm lên họ, lột trần họ giữa một không gian biệt lập. Nơi này họ tràn ngập ánh sáng thiên sủng của ông, và họ rụi hết những che bọc bên ngoài. Những ai đã nói về Nguyễn Khắc Hiếu đều chịu nhận lãnh cái ánh sáng đó. Sau khi nói về ông thì hoặc họ nổi lên hoặc họ chìm xuống. Nổi lên vì qua cái ánh sáng mặc khải đó họ tỏ mặt là người trung thật y như con người của họ hoặc chìm đi vì cũng qua cái ánh sáng mặc khải đó họ lộ mặt là kẻ che đậy và tầm tầm. Vì thiên tài văn chương của Tản Đà là một ngọn hải đăng đứng chứng cho nền văn học đầy cuồng lưu của ta; vì khí huyết tâm thể của Tàn Đà là một thứ thuốc thử vàng. Vì “... thằng cha này hắn viết ra tư tưởng của hắn, chính hắn mới là tay sáng tạo.” (1- xem chú thích cuối bài) Tản Đà sinh năm 1888 và mất năm 1939. Năm mươi mốt năm đó sống ở đời, ông đã làm được gì?
3- Tản Đà nói: “Con người ta ở đời, có hai thái độ đáng quý, một là làm thánh hiền, hai là làm hào kiệt. Nhưng đem so sánh thì làm hào kiệt vẫn sướng hơn. Cái cuộc đời ấy mới là ồ ạt.” (2)
Ông thích vậy. Thích cái thái độ ấy, thích làm hào kiệt, thích sống ồ ạt. Tản Đà có sống như vậy được không, ai cũng dư biết. Ông mang tư tưởng tâm hồn mình ra để làm Triết Lý, để làm Đạo Đức. Ông mang tài, tình cùng ngôn ngữ của mình ra để làm Văn Học, để làm Thi Ca. Ông mang rượu, máu của ông ra để chung đúc những tài năng ấy và để làm những tác phẩm nghệ thuật. Những tác phẩm ấy là “Khối Tình Con I” “Khối Tình Con II,” “Giấc mộng Con” “Giấc mộng lớn” v,v... và trong đó có một tác phẩm tự-thân: đó là Tản Đà.
Tản Đà buồn chán đời sống nhưng không dùng rượu làm phương tiện trục xuất cái buồn chán ấy, kiểu “uống rượu tiêu sầu.” Ông không uống rượu với ý nghĩ rằng uống để phá sầu, giải sầu, trục sầu, tiêu sầu gì ráo. “Uống rượu tiêu sầu?” Thực ra đó không phải là một thái độ xuất phát tự lòng anh, tự sự suy tưởng, nghĩa là tự sự sáng tạo của đời sống. Đó chỉ là một cuộc bắt chước dài suốt từ thế hệ này sang thế hệ kia. Đó chỉ là một hình thức có sẵn cho những ai buồn. Và anh thấy buồn nên anh chui vào đấy. Anh không kiếm ra (bằng suy tưởng cũng như bằng hành động: bằng sáng tạo) một lối giải quyết riêng, một thái độ thật. Hình thức đó lâu dần thành một công thức. Ở đấy, nó thành một công thức cho mấy nhà giáo lười.
Nhưng Nguyễn Khắc Hiếu sống suốt đời mình bằng sự sáng tạo. Nguyễn Khắc Hiếu là Sáng Tạo. Bởi thế ông uống rượu là sáng tạo, ông uống rượu là suy tưởng và hành động để thực hiện đời sống, xây dựng mình và thể hiện mình. Đó là cuộc vận động miên tục, cuộc sống ồ ạt say mê của Nguyễn Khắc Hiếu. Vậy thì rượu không phải là một phương tiện để quên lãng và để trốn tránh Thực Tại - cũng như để quên lãng và trốn tránh mình - của Tản Đà. Do đấy, Tản Đà cũng chẳng phải là thi sĩ của mộng.
Khác với những người uống rượu để say sưa, để làm một kiểu thưởng thức hay trụy lạc, Tản Đà uống rượu tựa như Lý Quì, tựa như Võ Tòng, kiểu hảo hán, kiểu anh hùng hào kiệt Lương Sơn Bạc. Việc đó cũng như việc Tản Đà làm báo rao giảng thuyết Thiên Lương vậy. Trước sau gì ông đều là hào kiệt của cuộc đời, dù thể xác yếu đuối và cuộc đời chộn rộn.
Sức trong non yếu ngoài chen rấp
Một cây che bóng bốn năm chiều.
Nguyễn Khắc Hiếu cũng không có cái lối uống rượu để tiêu dao, để lấy tiên-cốt gì hết. Tản Đà vốn là hào kiệt, ông uống rượu là hào kiệt cốt, có gì là lạ.
Chạy dài cõi bắc non xanh
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau.
Nước non này chỗ đưa nhau
Một xa muôn dặm, biết đâu cánh bồng!
Chia phôi khác cả mối lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.
Vẫy tay thôi đã rời xa,
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn tênh.
Nội những bài thơ dịch được tâm hồn của Tản Đà tôi thấy bài này là nhất (3).
Tâm hồn ông là niềm nhớ tiếc bâng khuâng của một kẻ xa nhà, xa quê hương, xa vợ con, nhưng gần gũi bạn bè, đàn đúm nơi tửu quán, những bạn bè tụ tập trong một mưu sự, những bạn bè ở Nam Kỳ. Ở một nơi nào, đâu đó mà ta không biết mặt nghe tên. Những bạn bè tan hợp như chim trên những vòng xê dịch hàng ngày. “Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly.”
Ở trong trí nhớ của tôi, Tản Đà phiêu lãng, nhưng thấp thoáng rất nhanh trong khung cửa sổ cố định, qua một cái cổng sắt của một nhà ga mù mịt khói tầu hơi nước, qua một tấm kiếng cửa xe ô tô, nay đây mai đó, “giang hồ mê chơi”...
Cái khí cốt giang hồ của ông, cái khuôn mặt nở nang tươi cười của ông vô định như một đám mây trắng. Luôn luôn là một cuộc thử, tất cả là một cuộc thử liên tục:
Thử xem trời biển rộng bao nhiêu...
.................................................
kể từ độ giang hồ lạc phách...
Hám đạn liều tên, quyết mũi dao.
Ông sống trong những giờ phút như vậy. Luôn luôn như vậy. Cái can trường của Tản Đà không phải ở trên “mũi dao” ở trên “ngọn tên,” ở trong “hòn đạn” v.v... nhưng là ở trong việc vận động với thất bại. Cuộc vận động trường kỳ và trường chinh với mình. Làm đi làm lại, và làm đi làm lại nữa. Cuộc thử này, cuộc làm đi làm lại này chỉ bị ngắt giữa bằng một câu nói thoảng qua:
-“Hỏng mất, ông ạ, ...” (4)
Nói xong, câu nói đã là một lưỡi dao ngọt như nước chém đứt cuộc thử trước ở đấy, Tản Đà lại bắt đầu một cuộc thử khác. Và cuộc thử này xong ông liền nói:
-“Hỏng cả ông ạ!” (5)
Và lưỡi dao sắc như nước ấy lại cắt đức một cuộc vận động thất bại để lại bắt đầu. Lần này ông bỗng nói:
-“Hỏng mất ngài ạ.” (6)
Hỏng, hỏng và hỏng, nhưng không vì thế mà cái di sản của Tản Đà ít ỏi đi. Cái di sản ấy ngày nay đầy ở trên trời. Nó bay bồng bềnh khắp nơi, nó thơ thẩn khắp nơi, nó tụ lại thành những trùng mây trắng nhẹ nhàng.
Và những đám mây trắng bồng bềnh ấy hôm nay nổi lên trôi lững lờ trong đầu tôi. Hôm nay tôi có những niềm vui, nhẹ, hôm nay tôi có những nỗi buồn thoáng qua, hôm nay tôi nhớ đến Tản Đà giang hồ hào kiệt của tôi. Niềm vui ấy, nỗi buồn ấy, Tản Đà ấy, lãng đãng như một con bạch hạc, một con hoàng hạc, vỗ đôi cánh bay xa, vút lên không, cao vút, cao vút, cao tít tắp rồi vỡ bung ra như một quả bông mùa hè thành những đám mây nổi, là là trở lại trái đất buồn phiền của chúng ta. Nhưng thân xác con chim hiếm ấy đã đi mất:
Cái hạc bay lên vút tận giời:
Giời đất từ đây, xa cách mãi,
Cửa động, đầu non đường lối cũ.
Ngàn năn thơ thẩn bóng giăng chơi
Nhân sắp tới ngày giỗ ông, ngày 20 tháng 4 âm lịch năm nay, tôi viết những dòng này để tưởng niệm ông, một người ngàn năm thơ thẩn như mây trắng, như trăng trong, không bao giờ có thể khuất được nữa.
Tất cả như câu thơ của ông dưới đây:
Bụi hồng trong thẳm như ngày chưa xa.
Tản Đà luôn luôn đứng ở đâu đó, trong cuộc đời đáng yêu này.
Saigon 1962, Tạp chí Văn Nghệ.
(1) Phan Khôi, trong “Tôi với Tản Đà thi sĩ” Tản Đà số 10 Jujllet 1939.
(2) Theo Nguyễn Tuân, trong “Chén rượu vĩnh biệt,” Tao Đàn số 9.
(3) Bản dịch bài Tống hữu nhân của Lý Bạch; nguyên văn: Thanh sơn hoành bắc quách, Bạch thủy nhiễu đông thành. Thử địa nhất vị biệt, Cô bồng vạn lý chinh. Phú vân du tử ý, Lạc nhật cố nhân tình. Huy thủ tự tư khứ, Tiêu tiêu ban mã minh. Trần Trận Kim, Đường Thi trang 173, dịch như sau:
Chắn ngang bắc quách non xanh,
Dòng sông trắng xóa, đông thành chảy quanh.
Bùi ngùi chốn ấy đưa anh,
Mái bồng muôn dặm lênh đênh bến bờ.
Người đi theo bóng mây xa,
Băn khoăn tình bạn, bóng tà khôn lưu,
Vẫy tay từ đấy xa nhau,
Tiếng kêu ban mã rần rầu bên tai.
(4) Trong bài “ông Tản Đà đi bàn việc để tái bản An-Nam tạp chí” của Nguyễn Công Hoan sách kể trên.
(5) Trong bài “Tản Đà ở Nam Kỳ” của Ngô Tất Tố.
(6) Trong bài Tản Đà tửu điếm” của Nhất Lang. Xem thêm.
(7) “Tản Đà ở Nam Kỳ” của Ngô Tất Tố. Bài “Tản Đà tửu điếm” của Nhất Lang.
Viên Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét