Ads 468x60px

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

'Về thu xếp lại!'

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ cách sống hạnh phúc.
(Hình: giacngo.vn)
Huy Phương
Một trong những cây viết trong nước tôi thích tìm đọc là Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Tôi không bỏ bớt hai chữ “Bác Sĩ” trước tên ông, là vì văn tức là người, ông là một người thầy thuốc và lấy cái tâm của người thầy thuốc để nhìn cuộc đời, nhận xét về cuộc sống chung quanh và cho chúng ta những lời khuyên rất bổ ích. Cách đây hơn 15 năm, có lẽ thấy tôi đã già, một cô cháu ở Việt Nam gửi biếu tôi hai cuốn sách của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc “Già Ơi... Chào Bạn!” (Xb 1999) và từ đó đến nay tôi đã theo dõi khi được, khi không, những bài viết của ông trên Internet được bạn bè chuyển đến.
Tôi không mong được là một người đồng hội, đồng thuyền với ông. Ông sinh năm 1940, như vậy khi viết “Già Ơi...Chào Bạn” ông chỉ có 59 tuổi! Tốt nghiệp khoa nhi tại đại học y khoa Sài Gòn năm 1969, không biết thời ấy ông có bị trưng dụng vào ngành quân y không, nhưng tiểu sử của ông không nghe nói gì về tù đày hay vượt thoát khỏi Việt Nam sau năm 1975. Sau Tháng Tư, 1975, ông phục vụ tại phòng khám cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng đến 10 năm, sau đó là giám đốc Trung Tâm Truyền Thông - Giáo Dục Sức Khỏe, bác sĩ chuyên khoa nhi, thỉnh giảng bộ môn Nhi, đại học y dược ở Sài Gòn, trưởng bộ môn khoa học “hành vi” và giáo dục sức khỏe, Trung Tâm Đào Tạo và Bồi Dưỡng Cán Bộ Y Tế và đã tu nghiệp y tế cộng đồng tại Đại Học Harvard (Hoa Kỳ) và giáo dục sức khỏe tại CFFS ở Pháp, nghĩa là không dính tay đến việc “được” chữa bệnh hay đeo được cái ống nghe!
Là một bác sĩ, dù giỏi hay dở, nhưng ông không may mắn được đào tạo trong trường lớp của XHCN, nên cam chịu cảnh kỳ thị vì có chuyên mà thiếu hồng, không vinh dự được làm người thầy thuốc của nhân dân.
Với bút hiệu Đỗ Nghê, từ năm 1999 đến nay, ông là tác giả của gần 40 tác phẩm viết cho quý vị cao niên, những bà mẹ sinh con và cho tuổi mới lớn, những chuyện trong đời thường nhưng đem lại những tư tưởng rất quý giá. Đó là những tác phẩm làm cho người ta nhìn lại mình và đi kiếm một đời sống bổ ích, thanh thản cho mình và đem hạnh phúc cho người khác. Ông cũng đã nghiên cứu về thiền, Phật Giáo, và đã có nhiều buổi thuyết trình cho quần chúng tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn.
Con người và tác phẩm của ông bảo đảm cho ông có khả năng để dạy “y đức” cho trong các trường đào tạo bác sĩ, y tá cho Việt Nam hiện nay. Trong một xã hội mà bác sĩ, lỡ tay làm chết bệnh nhân rồi đem vất xuống sông, hay theo quan niệm “tiền trước, mổ sau” thì môn dạy “y đức” của ông (cũng như môn “lương tâm chức nghiệp” trong ngành giáo dục ngày xưa) phải chăng là một món “trang trí” không tác dụng trên lương tâm người thầy thuốc đã tha hóa nhiều trong thời đại này. Liệu có lúc nào, Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc chợt thấy mình rao giảng những điều đạo lý này như một người đang lội nước ngược không?
Tuần trước, mới ở bệnh viện ra, đang loay hoay lo lắng những việc chưa làm xong hay những việc đang dang dở, thì đọc phải câu thơ của Trịnh Công Sơn mà Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc trích trong “Luận về tuổi già” “Về thu xếp lại/Ngày trong nếp ngày!” mà lòng nghe rười rượi buồn!
Lâu nay có bao giờ nghĩ mình đã thu xếp hay cố gắng sẽ thu xếp lại những gì đang bận rộn, loay hoay, bề bộn chung quanh mình, mà sự chết và sự sống không cách nhau bao xa.
Một gánh xiệc lưu diễn với kèn trống, màu sắc với cả trăm diễn viên rộn ràng trong khu phố, rồi cũng phải đến lúc tắt đèn, hạ rạp, sắp xếp nhung y, son phấn, người và vật xếp hàng... lên đường giã từ.
Bạn thử coi, gánh hát “sơn đông mãi võ” ở bãi cỏ đầu chợ, với tiếng trống, tiếng chiêng inh ỏi, với con khỉ áo đỏ, áo xanh nhăn nhó làm trò, với những món võ, đường đao, của các võ sĩ, vai u, thịt bắp, qui tụ cả trăm người của quận lỵ, rồi cũng đến lúc tan hàng, khi trời bắt đầu tối “về thu xếp lại,” lặng lẽ như tất cả buổi chiều của cuộc đời.
Công hầu khanh tướng cũng đến lúc đi vào đoạn cuối. Hãy để người lính chết đi, chứ đừng để hình ảnh họ phai mờ đi theo năm tháng!
Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn trích mấy câu thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tuy ở Huế đã lâu, mà lần đầu tiên tôi được biết, nói về cái sân khấu của những vở tuồng đời:
...“Biết đủ dầu không chi cũng đủ,
Nên lui đã có dịp thì lui!”
Một lời khuyên chí lý mà mấy ai làm được.
Lúc nào là lúc nên lui. Người nghệ sĩ già còn mê ánh sáng sân khấu và tiếng vỗ tay của khán giả, không nghĩ đến cái lúc mình nên lui, để giữ xuân sắc và âm thanh lại cho lòng người. Chúng ta nghĩ đến hình ảnh của tài tử Charlie Chaplin trong vai một nghệ sĩ hài hước về chiều, tài năng đã đến lúc tàn tạ trong phim “Limelight.”
Có biết bao nhiêu nghệ sĩ đã không thấy mình, cố kéo dài vai diễn trên sân khấu, trong khi nhan sắc đã phai tàn theo thời gian, tài năng mai một, tiếng vỗ tay hay tiếng cười của khán giả chỉ là một món quà khuyến khích gượng gạo.
Có những vị dân cử xem những chức vụ gọi là “phục vụ quần chúng” của mình như một cái nghề kiếm ăn, không biết mỏi mệt. Họ vào ra sân khấu cuộc đời rất nhiều lần, không còn khả năng đóng vai chính được thì đóng vai phụ. Cơ hội đóng vai vua đã hết, thì họ sẵn sàng sắm vai quan. Hết thời thì làm lính hầu cũng được, miễn là còn đứng được trên sân khấu mãi mãi cho đến hơi thở cuối cùng.
Đã thấy bao nhiêu khuôn mặt “cộng đồng” chạy tới chạy lui, hết là chủ tịch thì đến cố vấn, không có chức bên này thì cũng có phần bên nọ, mà quên câu: “Thuở ra sân khấu không làm rộn, khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi.” (Ưng Bình Thúc Dạ Thị). Họ sợ người ta quên!
Biết hổ ngươi thì quần chúng đỡ khổ biết mấy!
Tác giả Đỗ Hồng Ngọc đã “về thu xếp lại” chưa?
Năm 59 tuổi, ông đã viết “Già Ơi... Chào Bạn!” Vậy mà năm nay đã 77 tuổi rồi, tôi có thấy ông còn đi dạy “đạo làm người cho thầy thuốc,” còn thuyết trình về Phật Giáo và thiền, còn là ký giả giữ mục thường xuyên hàng tuần cho báo Doanh Nghiệp, và bao nhiêu công việc không có tên và tất nhiên là bận rộn nữa.
Dễ gì cho người ta “về thu xếp lại!”
Người xưa cho đó là món “nợ,” nợ đời và nợ người! Nợ thì phải trả. Trả xong mới có quyền “về thu xếp lại!”
Tạp ghi Huy Phương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét