Ứng cử viên Donald Trump |
Hiện tượng Donald Trump trong
cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hiện nay là một trường hợp lạ lùng. Bình
thường, người dân đòi hỏi các ứng cử
viên phải có nhiều kinh nghiệm chính trị và lãnh đạo, đằng này Trump chỉ
là một doanh nhân lần đầu tiên ra tranh cử, vậy mà mức độ ủng hộ của
dân chúng, ít nhất cũng là những người thuộc đảng Cộng Hoà, lại càng
ngày càng tăng. Bình thường, các ứng cử viên chỉ cần ăn nói hớ hênh một
chút là bị mất điểm ngay tức khắc, đằng này Trump hầu như thường xuyên
ăn nói bỗ bã và bậy bạ, vậy mà mức độ ủng hộ đối với ông dường như không
hề sút giảm. Bình thường, trong xã hội Mỹ, người ta lên án việc kỳ thị
chủng tộc, kỳ thị tôn giáo cũng như kỳ thị phái tính, vậy mà, với Trump,
một người nhiều lần công khai bày tỏ sự kỳ thị trong cả ba lãnh vực,
người ta lại thấy… không có gì quan trọng.
Tại sao có hiện tượng lạ lùng như vậy?
Trên báo chí Mỹ, hầu hết các nhà bình luận chính trị đều chê bai Trump.
Chê về nhân cách: Ông không phải là người nghiêm túc, đứng đắn, thật
thà, có thể tin cậy được. Chê về tài năng: Ngoài chuyện kinh doanh, ông
không hề có một quan điểm hay sách lược chính trị nào rõ ràng, đừng nói
là sáng suốt. Tất cả những lời hứa hẹn của ông trước quần chúng chỉ là
những lời nói bừa, cho sướng miệng, cốt để mị dân, chứ không hề có chút
giá trị thực tế nào cả.
Chê thì chê, nhưng không ai có thể phủ
nhận được sự thật này: Trong các ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hoà, cho
đến nay, Trump là người nắm bắt được tâm lý quần chúng giỏi nhất. Và ông
cũng thành công nhất trong việc đáp ứng cái tâm lý ấy.
Tâm lý ấy là gì?
Đó chính là sự sợ hãi.
Thật ra, trong mọi xã hội, ở thời nào cũng vậy, bao giờ con người cũng
sợ hãi một điều gì đó. Và chính trị, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây,
thường xây dựng trên nền tảng của sự sợ hãi. Ví dụ cho nhận định ấy rất
nhiều. Chỉ trong hơn một thập niên gần đây thôi, kể từ sau cuộc khủng bố
nhắm vào nước Mỹ vào năm 2001, chính quyền George W. Bush đã khai thác
ngay sự sợ hãi của dân chúng để tiến hành hai cuộc chiến tranh ở
Afghanistan và Iraq. Sau mấy năm, trong khi nỗi sợ hãi khủng bố đã phần
nào phai nhạt, dân chúng Mỹ lại thêm một nỗi sợ hãi khác: sợ bị sa lầy ở
Trung Đông. Chính từ nỗi sợ ấy, người ta đã bầu cho Barrack Obama,
người phản đối cả hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, hơn nữa,
còn hứa hẹn sẽ rút quân ra khỏi hai quốc gia ấy sớm. Còn bây giờ? Sau
cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, cho đến bây giờ vẫn chưa hồi phục
hẳn, điều người ta sợ nhất là mất việc làm. Dưới mắt giới lao động bình
dân Mỹ, vấn đề công ăn việc làm của họ đối diện với nguy cơ bị cướp mất
bởi những di dân và xu hướng toàn cầu hoá, theo đó, các công ty đua nhau
lập chi nhánh ở nước ngoài để khai thác nguồn nhân công rẻ. Bởi vậy khi
Donald Trump tuyên bố trục xuất hết những di dân bất hợp pháp tại Mỹ
cũng như ngăn chận việc thuê mướn công nhân ngoại quốc, nhiều người hoan
nghênh nhiệt liệt. Người ta biết Trump không giỏi về chính trị nhưng
lại tin là ông giỏi về kinh tế nên hy vọng ông sẽ làm được những gì ông
hứa hẹn.
Tuy nhiên, đó là chuyện ở Mỹ. Với chúng ta, quan trọng
hơn là chuyện của Việt Nam. Theo tôi, thủ đoạn để củng cố quyền lực của
đảng Cộng sản hiện nay cũng được xây dựng trên sự sợ hãi.
Có ba sự sợ hãi chính.
Thứ nhất, với thành phần cốt cán của chế độ, từ cán bộ, công an, quân
nhân, kể cả những người đã hoặc sắp về hưu, người ta khai thác nỗi sợ
mất quyền lợi. Câu khẩu hiệu “Còn đảng, còn mình” được đặt ra để đánh
vào tâm lý ấy. Sợ mất quyền lợi, người ta phải lo bảo vệ đảng. Trong một
bài phát biểu trước cả mấy trăm cán bộ trong ngành giáo dục ở Hà Nội
vào năm 2012, Đại tá Trần Đăng Thanh, thuộc Học viện chính trị Bộ Quốc
phòng, đã khai thác nỗi sợ “mất sổ hưu” để kêu gọi mọi người chống lại
cái gọi là “diễn biến hoà bình” có thể làm sụp đổ chế độ. Từ khi bài nói
chuyện của Trần Đăng Thanh được công bố trên các trang mạng, người ta
chê trách ông nhảm nhí. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ông không nhảm nhí. Ông chỉ
thật thà nói lên những tính toán của đảng: dùng sự sợ hãi để giữ sự
trung thành của mọi người.
Thứ hai, với dân chúng, người ta khai
thác nỗi sợ mất ổn định. Bộ máy tuyên truyền tại Việt Nam thường xuyên
sử dụng chiêu bài ổn định để, một là, trì hoãn quá trình dân chủ hoá; và
hai là để biện minh cho thái độ nhu nhược trước những hành động gây hấn
ngang ngược của Trung Quốc. Họ cho việc dân chủ hoá và đa nguyên hoá về
chính trị sẽ dẫn đến những bạo loạn trong xã hội và hậu quả là kinh tế
đất nước sẽ kiệt quệ, đời sống mọi người sẽ khó khăn và cùng quẫn hơn
hẳn. Chuyện quan hệ với Trung Quốc cũng thế. Họ cho cần phải nhường nhịn
Trung Quốc để bảo vệ ổn định. Quá cứng rắn với Trung Quốc để bảo vệ chủ
quyền trên biển và đảo sẽ gây nên chiến tranh và chiến tranh sẽ làm cho
mọi người cùng khổ.
Thứ ba, cũng với dân chúng, người ta khai
thác nỗi sợ công an. Lâu nay công an vẫn thường đánh những người biểu
tình, tra tấn đến chết một số người trong trại giam. Dân chúng phản đối.
Chính quyền vẫn phớt lờ. Khi bị kiện cáo, người ta chỉ xử lấy lệ. Có vẻ
như chính quyền cố tình dung dưỡng những hành động tàn ác ấy. Để làm
gì? Chủ yếu là để dân chúng sợ công an; và vì sợ, không dám chống đối
lại chế độ.
Có thể nói cho đến nay, chế độ cộng sản tại Việt Nam còn vững mạnh là nhờ được xây dựng trên những nỗi sợ hãi ấy.
Khi sự sợ hãi không còn, chế độ cũng sẽ bị sụp đổ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét