Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Donald Trump. |
Nguyễn Hưng Quốc
Mặc dù Donald Trump nhận được sự ủng hộ khá nhiệt liệt của các cử tri thuộc đảng Cộng Hoà trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng, viễn ảnh ông trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vẫn khiến nhiều chính khách cũng như giới bình luận chính trị cảm thấy hãi hùng.
Ngay cả những người cùng đảng Cộng Hoà với ông cũng hãi hùng. Hai cựu Tổng thống Cộng Hoà, George H.W. Bush và George W. Bush cũng như ứng cử viên đảng Cộng Hoà trong kỳ bầu cử năm 2012, Mitt Romney tuyên bố không tham dự đại hội đảng vào tháng 7, lúc Trump chính thức trở thành đại diện của đảng trong kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 11. Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan, thuộc đảng Cộng Hoà, cho đến nay vẫn từ chối lên tiếng ủng hộ Trump. Nhiều tên tuổi lớn khác trong đảng giữ thái độ dè dặt.
Tại sao?
Có bốn lý do chính.
Thứ nhất, người ta cho Trump chỉ phát ngôn mị dân, ồn ào và bừa bãi chứ không có một chính sách gì rõ rệt. Mà nếu có, phần lớn những chính sách ấy đều bất khả thi (như dựng hàng rào dọc theo biên giới Mỹ và Mexico; trục xuất hết tất cả những di dân bất hợp pháp và cấm không cho người Hồi giáo vào nước Mỹ; sát hại gia đình của các tên khủng bố). Nếu thi hành được, những chính sách ấy sẽ chỉ gây ra những hậu quả bất lợi cho nước Mỹ.
Thứ hai, những chính sách của Trump thường đi ngược lại với các nguyên tắc chủ đạo của đảng Cộng Hoà lâu nay: Trong khi đảng Cộng Hoà chủ trương giảm thuế, Trump lại chủ trương tăng thuế của những người giàu có; trong khi đảng Cộng Hoà chủ trương tự do mậu dịch, Trump chủ trương áp đặt nhiều lệnh cấm lên các hoạt động thương mại với nước ngoài; trong khi đảng Cộng Hoà chủ trương đóng vai trò người hùng trên thế giới, khi cần, sẵn sàng tuyên chiến với các nước khác để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, Trump theo chủ nghĩa biệt lập (isolationism), giảm các hành động can thiệp vào sinh hoạt chính trị của thế giới, v.v…
Thứ ba, người ta không tin Trump có thể đánh bại được Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới. Cách ăn nói bỗ bã của Trump làm mất lòng nhiều giới như cộng đồng những người nói tiếng Tây Ban Nha, những người Hồi giáo, phụ nữ và giới trí thức nói chung. Theo các cuộc điều tra, hầu hết những người vừa nêu đều không có ý định bỏ phiếu cho Trump.
Cuối cùng, thứ tư, người ta không tin Trump xứng đáng nắm vai trò tổng tư lệnh của siêu cường quốc số một trên thế giới về cả phương diện đạo đức lẫn trí thức. Dưới mắt nhiều người, ông là người kỳ thị chủng tộc và kỳ thị phái tính. Ông không giấu sự ngưỡng mộ của ông đối với cả Hitler lẫn Mussolini. Ông từ chối lên án các phong trào kỳ thị chủng tộc tại nước Mỹ. Ông cũng không có kinh nghiệm và kiến thức về chính trị quốc gia cũng như thế giới.
Cũng vì các lý do nêu trên, hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều lo lắng trước viễn ảnh Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Nhiều dân biểu Quốc Hội Anh đề nghị cấm không cho Trump nhập cảnh vào nước họ.
Tháng 12, 2015, Thủ tướng Anh, David Cameron, thẳng thắn gọi các chính sách của Trump là “sai lầm, ngu xuẩn và gây chia rẽ”. Giới lãnh đạo các nước khác, không nói thẳng ra, nhưng đều nhìn Trump một cách đầy lo ngại. Dưới mắt họ, nguy cơ Trump trở thành một tên phát xít là rất lớn.
Tuy nhiên, ở đây, chúng ta chỉ nên tập trung vào Việt Nam: Đất nước chúng ta sẽ ra sao nếu Donald Trump được bầu làm Tổng thống nước Mỹ?
Theo tôi, có hai điều quan trọng sẽ xảy ra:
Thứ nhất, về phương diện kinh tế, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đã được ký kết và đang chờ Quốc Hội thông qua sẽ khó biến thành hiện thực. Xin lưu ý là cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều phản đối hiệp định này. Nhưng mức độ phản đối của hai người khác nhau: Bà Clinton chỉ phản đối một số nội dung của hiệp định còn ông Trump thì phản đối bản thân hiệp định. Trump từng nhiều lần buộc tội Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam nữa, đang “đánh cắp” nhiều thứ từ nước Mỹ, trong đó, có việc làm của người Mỹ. Ông bảo ông không “tức giận” các nước ấy, ông chỉ “tức giận” với sự lãnh đạo “thiếu hiểu biết” và “bất tài” của chính phủ Mỹ hiện nay. Ông doạ sẽ tăng thuế đối với hàng hoá nhập từ Trung Quốc và cũng sẽ tăng thuế đối với các công ty Mỹ mở chi nhánh sản xuất ở nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ. Với quan điểm như thế, rất khó hy vọng Trump sẽ thúc đẩy việc hiện thực hoá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã ký kết với 11 quốc gia khác, trong đó, có Việt Nam (các quốc gia khác ấy là Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Úc.)
Thứ hai, về phương diện chính trị, Mỹ có thể sẽ không can thiệp vào những tranh chấp trên Biển Đông của Việt Nam. Phương châm tranh cử của Trump là tập trung giải quyết các vấn đề của Mỹ trước, chuyện thế giới tính sau. Ở châu Âu, Trump tuyên bố sẽ rút khỏi, hoặc nếu không, sẽ giảm bớt vai trò của Mỹ trong khối NATO trừ phi các quốc gia Âu châu tăng thêm ngân sách quốc phòng để có thể tự bảo vệ được chính họ. Ở châu Á, Trump chỉ nhìn Trung Quốc như một sự đe doạ về kinh tế chứ không phải về phương diện chính trị. Ông đòi Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả thêm các chi phí cho việc Mỹ đóng quân trên nước họ. Hơn nữa, ông cho cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc nên phát triển vũ khí hạt nhân để tự họ, họ có thể đối đầu với Trung Quốc. Như vậy, khi lên cầm quyền, rất có nhiều khả năng Trump sẽ huỷ bỏ chính sách xoay trục về châu Á và sẽ không can thiệp vào các tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác, trong đó, có Việt Nam, tại Biển Đông.
Với cả hai chính sách nêu trên, việc Donald Trump được bầu làm tổng thống nước Mỹ sẽ là một tai hoạ cho Việt Nam.
Chúng ta chỉ hy vọng khi thực sự lên cầm quyền, dưới áp lực của các cố vấn, các tướng lãnh và đặc biệt, của Quốc Hội, ông sẽ không thực hiện những điều ông tuyên bố lúc tranh cử.
Hy vọng vậy.
Nguyễn Hưng Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét